Hai bữa về Chiêu Anh Quán họp mặt cùng các bạn, Trên Blog lớp ta các bạn đều có nhắc đến Hồ Trường, Xuân Thảo có tặng tui cái móc khóa có ghi hai câu thơ trong "Hồ Trường " của NBT. Tôi có hứa với các bạn về cố gắng gởi cho các bạn bài này.
Hồ trường là cái bầu rượu, cái nậm rượu, trong văn hóa Á Đông ta thấy trang trí nhiều trên các mái đình, nhà thờ, chùa chiền ....Ta có thể thấy nó thuộc về văn minh nông nghiệp, khi từ khởi nguyên (theo tui) nó được làm từ vỏ trái bầu dùng để đựng các chất lỏng sau này cùng với rượu (vô tửu bất thành lễ) với hình dáng tròn đầy (tượng trưng cho vũ trụ chăng) nó đi vào văn hóa một cách tuyệt đẹp. Nên nhớ văn hóa Người Việt với con số năm (5) như là trung tâm, là nút thắt của biến dịch, ví dụ: Ngũ hành, Hà đồ, Lạc Thư, Ngũ đại đồng đường, sau năm đời là chia thành lập Tổ chi, đốt Thần mai gia chủ, có nghĩa là người đó đã đi đầu thai - và trong cái vòng từ chết đến đi đầu thai này linh hồn chỉ hưởng “hương” của vật chất..... - Bởi vậy mới có vô tửu bất thành lễ, và nậm rượu đi vào văn hóa, đền đài, miếu mạo như thế...
Nhưng theo tui cái Hồ Trường của cụ Nguyễn Bá Trác tuyệt nhiên không có rượu, không có đáy, nó chứa đựng một miên man buồn sâu thẳm đến xé lòng, nó hào sảng, khảng khái đến ngất trời....
Nhớ ngày xưa bạn bè của ông già tụ tập lại là ui thui tới bến luôn, lại còn ngâm thơ hát xướng nữa chứ! thật thích! Được nghe lóm bài thơ Hồ Trường của cụ Nguyễn Bá Trác, nó phóng khoáng, hào sảng, buồn buồn sâu lắng làm sao ấy!
Người ta thích đem thơ cụ mà đê mê với chén rượu, giải sầu, phẩn chí, thật tội nghiệp cho cụ. Đâu biết rằng trong cái hào sảng ấy là nổi đau xé ruột (tui nghĩ vậy).
.....Trăm năm thân thế bóng tà dương.
............
Cái khí chất của bài thơ, cái thân phận của cụ mãi theo tui, cứ làm tui ray rứt muốn "buông bỏ "đi, mà sao chẳng được.Lần lữa miết chẳng muốn đề cập đến nữa. Tình cờ được nghe Tống Hữu Hạnh ngâm bài thơ này trên Youtue, và lại Tôn Nữ Lệ Ba nữa chứ! Trong lòng lại cứ bực rực. Thôi thì viết ra đây, đem ra đây, chia sẻ với các bạn, trút bớt gánh cho các bạn. May đâu tui sẽ thấy lòng nhẹ nhàng hơn.
************
Hôm qua đang viết lở dở thì bị lôi đi uống Rugovina, không cách gì từ chối được. Rứa mà lại hay! Có dịp ngộ cố nhân thử cái cảm giác của "cạn Hồ Trường ". Chừ chép (có nhiều dị bản) - các bạn đọc cho vui:HỒ TRƯỜNG*(Bản này Tống Hữu Hạnh ngâm, còn một dị bản tuy sai khác không nhiều do Tôn Nữ Lệ Ba ngâm, & do con gái của ông cung cấp) Xin tải lên ở cuối bài.
Đại trượng phu đã không hay xé gan(1) bẻ cột(2)
phù cương thường(3)
Sao lại tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Non nước một màu sương
Học không thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát,
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang
ai là tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! ha! ha! Ha! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu
Rót về Bắc phương,
ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá dương
Rót về Đông phương,
nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương,
mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về Nam phương,
trời Nam mịt mù có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, náo ai say
chí ta ta biết,
lòng ta ta hay
Nam nhi chí ở tại hồ thỉ (4)
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
NBT
Xin xem thêm: NGUỒN GỐC BÀI THƠ HỒ TRƯỜNG
Chú thích của người viết:
*Hồ trường : Nậm rượu , bầu rượu (như thơ túi , rượu bầu).
(1) Cương thường : Tam cương (nghĩa vua tôi, cha con, vợ chồng) , Ngũ thường (Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) . Nói về đạo làm người..
(2) xé gan: theo điển tích Văn Tài thần Tỉ Can
Theo truyện Phong thần, Tỉ Can là chú của Trụ Vương đời Ân, là người trung nghĩa. Trụ Vương bạo ngược, hoang dâm vô đạo, si mê hồ yêu Đắc Kỉ - mà bỏ bê triều chính. Tỉ Can nhiều lần can ngăn mà có thù với Đắc Kỉ. Đắc Kỉ giả bệnh, lập mưu lấy trái tim bảy lỗ của Tỉ Can để làm thuốc. Trụ Vương lầm mê muội mà ép chết Tỉ Can. Vì thấy Tỉ Can trung chính vô tư, không thiên vị nên thương nhân vì đó mà phụng thờ.
(3) Bẻ cột: Chu Vân làm quan thời Hán Thành Đế, một hôm tâu vua: "Nay các đại thần, trên không phò chúa, dưới không giúp dân. Nếu được ban bảo kiếm, thần nguyện sẽ chém kẻ nịnh thần để răn chúng". Vua hỏi chém ai? Vân tâu: "An Xương Hầu Trương Vũ". Vua nổi giận phán:"Kẻ tiểu thần dám phạm thượng, tội chết không thể tha được". Ngự sử cho bắt Vân. Vân ôm cột (có chổ cho là trèo lên xà ngang cung điện. Xà gẫy), Cột bị vặn vẹo . Vân kêu: "Thần chỉ mong được xé gan như Tỉ Can khi xưa là mãn nguyện, nhưng không biết Thánh Triều rồi sẽ ra sao?"
Tả Tướng quân Tân Khánh Kỵ, bỏ mão, rập đầu kêu xin cho Vân. Vua tha. Sau các quan đề nghị thay cây cột (xà) gẫy. Vua phán đừng thay, chỉ cho sửa lại, để ghi nhớ hành động quyết liệt của người trung thần.
(4) Hồ thỉ: Hồ: cây cung. Thỉ: cái tên. Thường nói: Tang bồng hồ thỉ: Cây cung làm bằng gỗ dâu, mũi tên làm bằng cỏ bồng. Tang bồng hồ thỉ là chỉ chí khí nam nhi, vẫy vùng ngang dọc.trong trời đất.
Có lẽ nghiệp dĩ và tâm trạng của con người có tài nhưng chán ngán trước cảnh đời, sinh bất phùng thời mới mượn hồ trường phả vào ý thơ cái hào khí ngất trời trước vận nước " nỗi trôi"(ý tại ngôn ngoại) mà có người cho là " đại ngông ".
************************
Đã mang lấy nghiệp vào thân .
Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Nguyễn Du
Danh sỹ Nguyễn Bá Trác sanh năm1881 tại làng Bảo An, Điện Bàn Quảng Nam, đậu cử nhân năm 1906, hưởng ứng phong trào Đông du, Duy Tân, năm 1908 ông theo đoàn du học sinh sang Nhật. Hiệp ước Pháp Nhật, Nhật giải tán du học sinh VN ông vòng sang Trung Hoa rồi trở về nước năm 1914.-1914-1917 : chủ bút phần Hán văn tờ công thị nhật báo.
-1917-1932(?) : chủ bút phần Hán Văn của Nam phong tạp chí. Do Phạm Quỳnh sáng lập (nên nhớ tờ Nam phong tạp chí (NPTC) đóng góp to lớn cho Tiếng Việt và nghề làm báo ở nước ta)
Sau đó ông làm Tá Lý Bộ Học ở Huế, Tuần Phủ ở Quảng Ngãi và Tổng Đốc Thanh Hóa, Bình Định. Tháng 8 năm 1945, Việt Minh giành chính quyền, ông bị xử bắn ở Quy Nhơn (?), cụ Phạm Quỳnh (1892-1945) bị xử bắn ở Huế.(?)
Bài thơ bi mà hùng trên ông phóng tác từ một bài ca mà người ta gọi là " Nam Phương ca khúc"(NPCK), ông nghe được từ một người bạn ở Thượng Hải - Hát theo giọng Quảng Đông năm 1912 trong những ngày luân lạc- So với NPCK thì theo tui ông gởi gắm vào đây một tâm sự đầy uẩn khúc (có thể nói là xé lòng). Trong nguyên tác được dịch nghĩa của NPCK có câu :
Trời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm
Từ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương.
Còn phóng tác của ông : Nào ai tỉnh, náo ai say
chí ta ta biết,
lòng ta ta hayNam nhi chí ở tại hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Theo tui tâm sự ông ở chổ: chí ta ta biết, lòng ta ta hay. Có cái gì ông không thể nói ra được, không giải bày được. "Tình ngay , lý gian chăng?". Nói ai nghe, ai hiểu, ai thương, ai cảm.... Thôi đành... Nên nhớ ông tham gia phong trào Đông Du, rồi về làm quan cho triều Nguyễn (ở xứ Trung Kỳ là xứ bảo hộ), làm cho NPTC là tạp chí dưới sự bảo hộ của Pháp. (Tui đọc được tài liệu không chính thức, cho rằng ông phản bội phong trào, chỉ điểm cho thực dân Pháp). Nhưng tui không tin vì với giọng thơ ấy, tâm sự ấy, làm thể nào có thể hành trạng ông mất nhân cách đến như vậy được. Với bài thơ này ông là một danh sỹ - nhưng ông không phải là một nhân vật của lịch sử, để người ta bỏ rất nhiều công sức cho ông- Khác với Cụ Phạm Quỳnh (PQ) chủ bút kiêm chủ biên tờ NPTC (Ông và Cụ PQ Công đầu trong việc phát triển tiếng Việt) , dần dà được minh oan, bởi cụ là con người lớn của lịch sử. Từ điển Văn học bộ mới (2004) coi cụ PQ là người có tinh thần dân tộc, ôm ấp một chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước.
Có thể nào ông (NBT) không có một chút chí hướng nào với cụ Phạm sao?
Lại nên nhớ lại rằng ông được biết NPCK vào năm 1912, và Phóng tác Hồ Trường năm 1920, sau những năm ông không còn trong Phong Trào Đông Du.
Nếu một ngày nào đó! Tui được rõ ràng như hai năm là mười, cụ là người như nghi ngờ trên, thì ui thui! sụp đổ một... Còn ngược lại thì là một hoan lạc vô biên tràn ngập tâm hồn!
Xin chia sẻ cùng các bạn bài thơ Hồ Trường.
Qua giọng ngâm của Tống Hữu Hạnh :
http://www.youtube.com/watch?v=lxvVPmjwHjY
Qua giọng ngâm của Tôn Nữ Lệ Ba:
http://www.youtube.com/watch?v=lx-9HZP5xxQ
Tài liệu tham khảo & sử dụng :
-Youtube
-Internet
-Các sách, tài liệu văn Học Việt Nam
Quảng Nam 7/2009
NGUỒN GỐC BÀI THƠ HỒ TRƯỜNG
( Theo nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, Tui lược bớt)
Hồ Trường là một áng thơ tuyệt tác trong văn học Việt Nam thời cận đại .Bài thơ này được được đăng trên Nam Phong tạp chí (năm 1920, trong Hạn mạn du ký, bằng chữ Hán, sau đó NBT phóng tác ra Tiếng Việt) và ngay lập tức nổi tiếng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, Phạm Hoàng Quân, nhà thơ Đông Trình, thì bài thơ này được phóng tác theo một ca khúc mà trong lúc luân lạc tại Thượng Hải gặp một người đồng hương cùng chí hướng, người này có giọng hát hay (giọng Quảng Đông). Một đêm nọ, hai người đi uống rượu, “rượu ngà ngà, Nguyên quân đứng dậy mà hát” (lời Nam phương ca khúc), ở bàn bên cạnh, một võ quan họ Lưu, người Trực Lệ, nghe điệu hát, sang hỏi là điệu gì, được trả lời: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương nam” (Phương nam ở đây là Miền Lĩnh Nam -Minh chú thêm), họ Lưu nói “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái, nam phương mà có điệu hát đến thế ru?”. Sau đó họ Lưu xin người hát chép ra giấy lời ca ấy để giữ xem. (Hạn mạn du ký là thiên ký sự gồm 14 chương kể lại cuộc Đông du của tác giả trong khoảng 6 năm (1909 - 1914) từ Sài Gòn sang Xiêm La - Hương Cảng - Nhật - Trung Hoa - rồi về VN.)
Phạm Hoàng Quân đã phiên âm và dịch nghĩa Nam Phương ca khúc bằng chữ Hán do NBT Đăng trên NPTC như sau:
Nam phương ca khúc
Phiên âm: Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ (4) hề, thí lai đối chước hữu dư thương.
Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan
Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử
Dịch nghĩa:
Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời Rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?
Quay đầu trông về nam, miệt mù vậy hỉ! Trời mây nối màu xanh ngắt
Lập công chẳng được, học không xong, trai trẻ có bao lâu, ngồi ngó trăm năm, thân đuổi cuộc sớm chiều.
Vỗ tay hát khùng, hỏi đời kia, đất trời mờ mịt vậy, một người tri kỷ tìm ở đâu, thử đến giúp ta rót chén rượu này
Ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng
Ta quăng chén rượu đầy vào mưa núi tây, mưa núi tây một trận sao lênh láng
Ta quăng chén rượu đầy đuổi theo gió bắc, gió bắc tung cát lăn đá bay nơi khác
Ta quăng chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng điềm nhiên say tràn
Trời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm Từ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương.
Nguyên bản trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920. Trang 400 – 401 (giữ nguyên các lỗi sai so với chính tả ngày nay)
1. Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường;
2. Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
3. Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương
4. Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.
5. Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
6. Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
7. Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;
8. Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
9. Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
10. Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
11. Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
12. Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Quảng Nam 26/07/2009
Hoàng Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét