NHỚ
Sau khi chia tay Thầy Triệu, tui quay lại sân bay Tân Sơn Nhất để tiếp tục cuộc hành trình về …quê chồng (không phải đi Đài Loan đâu nhé)
Nhà ga Quốc tế mới của Sài gòn mới hoành tráng làm sao Có nguời ví nó với sân bay Singapore . Đẹp thật, lớn thật nhưng về chuẩn quốc tế như Singapore thì mình còn thua xa.
Thủ tục nhanh gọn.
Mới 21h30. Còn gần một giờ nữa mới lên máy bay. Tui lò dò đi tìm phòng VIP. Vốn trung thành với Vietnam Airlines nên tôi được sử dụng phòng VIP như một khách…xịn. Phòng đợi toàn cả Nhật. “a ri ga to” bên trái, “a ri ga to” bên phải, ngay cả trên bàn ăn buffet bữa tối cùng có gần cả mười mấy món shusi khác nhau.
Đúng là thời buổi Nhật thăng hoa: Nhật du lịch, Nhật đầu tư, Nhật làm từ thiện… Đà Nẵng mình cũng đã rộn ràng ăn theo trong dịch vụ cho Nhật thuê nhà. Nhật của Mabuchimotor, Nhật của Softech…
Chén một lúc 4 loại shushi khác nhau và một miếng đông sương trái cây gọi là bữa tối. Ở cái thời buổi quá nhiều người béo phì, món ăn Nhật đang là thời thượng. Tôi nhớ hồi tháng 3 trên kênh truyền hình Pháp có một chương trình nói về một làng nhỏ ở Nhật mà ở đó đa số các ông cụ bà cụ đều sống hơn 100 tuổi, mà 100 tuổi ngon lành. Có nghĩa là vẫn ở nhà với con cháu vẫn sinh hoạt bình thường vẫn minh mẫn chứ không phải 100 tuổi ở viện dưỡng lão hoặc bênh viện. Qua phỏng vấn các nhà nghiên cứu sáng ra một điều là do chế độ dinh dưỡng. Họ ăn nhiều đậu nành (xì dầu, đậu khuôn, súp miso…) và hải sản (dĩ nhiên là còn nhiều yếu tố khác như môi trường, khí hậu…)
Sau đợt phóng sự ấy, một loạt nhà hàng Nhật xuất hiện trên khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Paris. Đâu đâu cũng thấy các cô gái Phù Tang xinh đẹp xúng xính kimono bên cạnh những cuốn shushi rất là Nhật.
Ngủ một lèo từ lúc máy bay khởi hành đến nửa đêm. Nhìn lên màn hình thấy mình đang lượn lờ trên vùng biển CASPIEN. Những địa danh Oubekistan, Kajikistan.. gợi nhớ “ Con đường tơ lụa’’ một thời phồn vinh Á–Âu, rồi Taken , Baku những địa danh quen thuộc với những Tania, Natasa … của Aitmatov
Tôi nhớ tới Bác Lê và những năm dùi mài văn chương ở ĐHSP Huế. Cái thời mà ăn bobo uông rượu sắn để rồi thức thâu đêm suốt sáng bàn về Giamillia, Cây Phong Non trùm khăn đỏ của Aitmatov, rồi thơ tình của Puskin, rồi hỏi nhau vi sao có những tình yêu đẹp đẽ và cao thượng đến thế. Tui không lãng mạn như bác Lê nên sau một học kỳ ở khoa Văn, tui khăn gói qua dãy B, giã từ sự nghiệp văn chương…
Máy bay thông báo sắp sửa hạ cánh. Tôi xếp cuốn sách đang đọc dỡ dang, kéo lại khăn quàng cổ, trước khi bước xuống “kinh đô ánh sáng” với nhiệt độ bên ngoài được thông báo là 20 độ C.
Paris đang mùa thu…
Nhớ hôm kia giờ chừ còn la cà ở cà phê Chiêu Anh với nhóm Lục Nồi . Thương lắm các bạn 12A3 của tôi. Chúng ta đã chọn đúng thời điểm để tìm về. Chúng ta đã thành công trong công trình trùng tu lại ngôi nhà 12A3, nơi đây đã lưu giữ những kỹ niệm ngây thơ một thời. Cái thời mà Lý trưởng còn “làm ngon” bắt chúng ta mỗi sáng ngân nga “ngày thống nhất Bác đi thăm… từ Lạng Sơn về Cà Mau vui trong ngày mới”, cái thời mà mỗi sáng thứ Hai hồi hộp theo dõi thử mình đã đi đến đâu trên chặng hành trình về quê Bác … Cái thời mà cả nhóm cùng chia nhau lọ thuốc ghẽ…
Có đánh chết tôi cũng không thể nào quên được 12A3 của tôi.
Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét