....Gặp một bữa anh đã mừng một bữa.
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn...
Nguyên Sa (Áo lụa Hà Đông)
Mượn hai câu thơ trên để tâm tình với các bạn rằng: mình yêu 12A3 (75-76) biết mấy!
28/06/2009: Một ngày tuyệt diệu và ngắn ngủi trong đời.
Chiều tàn,
về,
lòng còn bao lưu luyến.
Các bạn ơi! tui có đi họp lớp nhiều lần, nhiều lớp, toàn là "đực rựa" không hà. Rất vui nhưng không đã. Hồi tiểu học, thì học trường toàn nam. Năm 1967 vào học đệ thất (6) Phan châu Trinh; Trời xui đất khiến thế nào, người ta cho xây dựng trường Nữ trung học Hồng Đức (Khu mã Tây cũ), thế là các em lại về "bên ấy", "bên này" còn toàn các anh (Rứa rồi trong lớp chẳng thấy đâu sự dịu dàng, sự duyên dáng, thướt tha, mềm mại, uyển chuyển...), Sân trường chẳng còn thấy nhảy dây, lò cò, chơi u.... chỉ còn ví bắt, đá banh, bóng rổ, nhảy cừu...(Trời ơi! chẳng thấy chuyện học đâu, chỉ toàn chơi, ui thật là hư đốn!)
Lọ mọ rồi cũng lên được lớp 10, soi xét thấy mình học Toán cũng tạm được, mà sống cũng có chút chút hồn mơ mộng lãng đãng nên lại ưa vào học văn chương, ngó trật lại chữ nghĩa chi mà hỏi ngã chấm phết sai hết chổ nói, thôi thì xin đại vào ban toán cho rồi.
Hồi ấy học Đệ nhất cấp (6 - 9) xong là lên thẳng Đệ nhị cấp (10 -12) (đã bỏ thi Trung học được mấy năm). Thời điểm này là lúc quan trọng nhất cho định hướng tương lai; bởi đã phân ban [Ban B; Toán Lý Hóa], [Ban A:Vạn (sinh) vật, Lý, Hóa], [Ban C: Văn chương...], [Ban D: Hán văn] -
Dzậy là tui được vào học lớp B ban Pháp Văn - lớp 10b1 niên học 1971-1972-
Mùa hè đỏ lửa 1972
Lúc này tui đang sinh hoạt trong đám Thanh Niên Hồng Thập Tự Đà Nẵng, dân mình từ Quảng trị vào lánh nạn chiến tranh nhiều lắm-dzậy là tụi tui được triệu tập đi sơ cứu, băng bó vết thương, cáng thương- Ông trời ổng cũng ngó lại răng đó chớ! Ổng cho tui vào nhóm cứu thương đóng ở Nữ trung học Hồng Đức- Quần xanh áo trắng tay cụt, cầu vai, huy hiệu Hồng Thập Tự bằng sắt mạ của ủy hội quốc tế trước ngực, bên ống tay trái cũng có một cái bằng vải, đội mũ lưỡi trai trắng huy hiệu phía trước; đi xe cứu thương có còi hụ ưu tiên.
Nhưng ui thui! Nhóm tụi tui toàn là con trai không hà! Bởi đây là nơi tập trung "các vị"gãy tay, gãy chân, kiệt sức ... Có các "em" (người của trường) tình nguyện chăm sóc tại chổ. Mấy "em" (nói dzậy chớ nhiều khi là mấy chị cũng nên) bên ấy coi bộ cũng có vẻ mến mộ tụi tui lắm (Không biết chừng trong đám xuân xanh ấy có vài bà lớp mình ấy chứ). Công việc thiệt tình không ngớt tay suốt sáng đến tối, hết nẹp băng bó, lại cáng thương đến Nhà thương giải phẩu (Bệnh viện Đa Khoa Đ N bây chừ) lại cáng người lành về. Giờ nghỉ ngơi (phân nhau nghỉ), sợ mấy "em" mà xán lại nói chuyện, mình mà cà lăm thì chết, mất hết chí khí nam nhi anh hùng đại trượng phu!!!, bèn xách ca mèn cơm tìm chổ trốn mà ăn. (Mà chắc gì các "en ấy " đã chịu làm bạn mình). Trời cái hồi đó mà Nam thanh Nữ tú đi chung với nhau là kinh thiên động địa lắm! Bàng dân thiên hạ nó mà biết được là hà rầm lên cả nước đều biết lận. Đi đâu ai cũng nhìn, cũng bàn tán xôn xao, cho nên có tình ý với nhau thì cũng lén lén lút lút thôi. Có đâu sung sướng như Hùng - Hạnh và Thanh - Thành hồi 12A3.*75-76
Thời gian này, các "em" gái Quảng trị được chuyển vào học trường tui (PCT) - Than ôi ! toàn là vào học ban A & C không hà . Nhìn những tà áo dài trắng "lạng qua lạng lại" trong sân trường thấy đời đáng yêu làm sao. Còn Lớp tui thì "thổ lai hoàn thổ". Tiếc thay! hay hồi đó mình học ban A hoặc C, mấy thằng tui ngồi nói rứa đó!
Cái hên lại đến lần thứ hai thế hệ tụi tui được bỏ thi tú tài phần một, cứ thế lên thẳng lớp 12 -Chứ chơi thi mà rớt thì A lê Hấp - Quân trường Đồng Đế- Cấp bậc Trung Sỹ.
Hồi đó đám mày râu nhẵn nhụi hay đùa câu:
"Rớt tú tài anh đi trung sỹ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con..."
Đầu năm này hiệp định Paris đã ký kết, Mỹ, Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân... đã lục tục rút về nước.
Sau Hiệp định Paris
Niên khóa 1973-1974 Lớp 12B1 chỉ còn 15 mống "Đục rựa"(Hơn một nữa lớp đã chuyển sang ban A từ hồi 11).
Ui trời! Cở tháng sau lại 6 rựa Pascal, 17 rựa Đại Lộc chuyển về, thiệt là ác hết chổ nói-May thay lại có một "em"ở Nữ Hồng Đức qua, bọn tui mừng quá cở thợ mộc luôn. Học chung với nhau cở nửa tháng (ngồi ngay sau lưng bả, tui nghịch ngợm hay bứt tóc bả lắm). Quen quen mới biết bả thuộc dạng "nửa rựa" (Dân ban B mà) hơi hung hung mà tính tình lại dễ thương đáo để. Nói xấu sau lưng bả chút cho vui chớ có bả tự nhiên lớp tử tế hẳn lên. Chừ vẫn còn nhớ còn thương bả. Hồi bảy lăm đến chừ, chẳng còn được gặp lại , nghe nói bả đi Mỹ... Bả là Nguyễn Thị Hương lớp 12B1 trường Phan Châu Trinh Khóa 73-74 , (Ai đọc bài này mà biết , xin làm ơn chỉ cho tui)
Ăn cái tết âm lịch 74 chưa xong , Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa . tức lắm! Anh em trong lòng ai cũng ức... , Hồi này anh em hay hát bài Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng của Lưu Hữu Phước lắm...
Phong trào đấu tranh sinh viên học sinh miền Nam đòi bỏ học quân sự học đường, khóa tụi tui đầu tiên không học. (Sau Giải phóng tui cũng chẳng học quân sự) Đến tận chừ cũng chẳng biết cái cò súng tiểu liên M16, AR 15 hay AK 47 hình dạng nó dài ngắn vuông tròn ra sao?
Dòng đời cứ thế trôi đi, tụi tui đứa nào cũng cố gắng học hành, thi đậu tú tài phần hai và vào đại học ... để khỏi đi quân dịch &...., đa số đều mù mờ về cuộc chiến tranh, trong tâm thức luôn ẩn hiện một ý niệm Huynh Đệ tương tàn. Hồi đó mà thi rớt Tú Tài II thì chắc số phận cũng đẩy đưa vào trường sỹ quan Thủ Đức, 09 tháng quân trường tốt nghiệp với cái lon "con ốc sên " Chuẩn úy, chân mang Bốt-đờ-sô và đi đánh nhau với người anh em ruột thịt mang dép su cũng nên.
Mùa xuân 75
Xong cái tết 1975, trở lại trường , "Phước Long thất thủ, Ban Mê Thuột di tản, rồi Huế, Đà Nẵng....".
Sau ngày 29 tháng 03, ở Sài gòn tâm trạng rối bời, lóng ngóng tin nhà, rồi một ngày của tháng tư cũng nhận được tin nhắn của một người không quen , biết gia đình bình an & không di tản lòng rất mừng đan xen một chút buồn bả, thế là chia ly! (có thể nào là mãi mãi!)- Hồi đó người ta đồn đại sẽ chia cắt tại vĩ tuyến 11 (Quy Nhơn).
Nguyễn Thành Trung oanh tạc dinh Độc Lập, Quân Giải phóng áp sát Xuân Lộc....Chuẩn bị lệnh Tổng động viên... Một lần nữa suýt chút là lại mang Bốt-đờ-sô.
Tui đang ở với bà dì tại khu cư xá Bệnh viện Từ Dũ đường Cống Quỳnh, đêm nằm nghe đạn pháo ngang qua đầu vào phi trường Tân Sơn Nhất ầm ầm. Chiến tranh đi qua đầu, cận kề không biết bao nhiêu lần (Nhất là hồi còn là thanh niên Hồng thập tự, đến nỗi nếu nói không ngoa thì đã có thể sờ thấy nó). Nhưng lần này nó mang bóng hình của định mệnh...
Trưa ngày 27/04 thằng bạn thân đến, Bác nó là Giám đốc Việt Nam Thương Tín, chiếc tàu của VNTT sẽ ra đi, hai thằng ngồi với nhau rất lâu, thương cha, thương mẹ, thương anh chị em còn ở đây: đất nước này, tôi đánh liều trả lời không. Đây là một quyết định rất khó khăn đối với tui ở thời điểm đó. Thế là biền biệt chẳng còn gặp lại được bạn nữa...
Một chút: Sài Gòn , giờ lịch sử
Người ta đồn bát nháo lên rằng: Việt Cộng vào Sài Gòn "em" nào sơn móng tay đỏ sẽ bị rút móng tay, còn bắt các em phải lấy thương phế binh VC làm chồng, làn sóng chạy ra nước ngoài càng thêm hổn loạn ... Ôi thì đủ tin đồn, một đồn trăm, trăm đồn ngàn, trong hoang mang làm người có đức tin cũng phải nao núng.
Thế rồi ngày 30/04/75 đã đến, giờ phút lịch sử đã điểm, 9 giờ 30 phút tôi ra đứng chơi tại ngã tư Cống Quỳnh- Hồng thập tự - Cao Thắng .bên cạnh là cơ quan Hồng Thập Tự Sài Gòn, từng đoàn xe GMC chở lính Biệt động quân, Nhảy dù ....về đây. Họ quẳng súng ống, sắc phục chất như mấy ngọn đồi bên vĩa hè đường ....
Vào nhà mở Radio, nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, đã loáng thoáng bóng dáng quân Giải Phóng tiến vào Sài Gòn. Tui và thằng em họ, hai anh em tuổi thanh niên thiếu suy nghĩ chín chắ , nghĩ một cách đơn giản là làm liền, leo lên tầng 3 khu hành chính bệnh viện hạ lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, chạy qua bên Hội Hồng Thập Tự Sài Gòn kiếm lá cờ Hồng thập tự thượng lên (Chỉ có hai anh em biết). Mục đích là để cho mọi người biết đây là Bệnh Viện (Điều này tôi học được từ tinh thần trung lập của HTT). Thiệt là dại, chứ hồi đó leo lên hạ cờ thì ai bắn mình cũng được!
Chiều thấy từng đoàn Bộ Đội tuần hành khắp phố, mặt non choẹt (Cỡ tuổi tui hoặc thua), súng AK cầm ngang, ngón trỏ luôn luôn đặt trên cò súng.Thấy cũng ngán ngán... Hôm sau có nhiều người đến tiếp quản BV. Mấy hôm sau nữa có đơn vị Bộ đội đến đóng quân trong khuôn viên BV, Chúng tôi lại có dịp tiếp xúc với nhau, toàn người miền Bắc, họ biết tôi là sinh viên Miền Nam, người Đà Nẵng, nên lại càng thương (?) .
Độ nửa tháng sau vào một buổi chiều, tôi ra chơi, thấy anh em cuốc đất trồng rau, và nhận được lời từ biệt của một anh Bộ Đội, Đêm nay chuyển quân, Tôi ngạc nhiên!
-Dzậy tại sao mấy anh còn cuốc đất trồng rau ?
- Bọn tôi trồng cho những người đến sau có cái mà ăn .
Với tui hồi đó thì câu trả lời này thật là phi lý . Tui chưng hửng không tin vào tai mình.
-Bây giờ nhiều khi tự hỏi ? Cái tốt đẹp ấy bây giờ đâu rồi nhỉ?
Sau đó cùng chung phong trào Sinh viên học sinh đi quét đường sá , hướng dẩn giao thông....Tôi rảnh hay chạy xuống chơi ở Thành Đoàn (tò mò).
Quy cố hương
Lại tin đồn (Đến bây giờ tôi vẫn không biết ý tưởng này là có thực không?) Sinh viên miền Nam sẽ như Ở Đông Đức, cải tạo lao động 02 năm! Í trời ơi! Cái thằng tôi từ nhỏ đến lớn chỉ biết cầm viết, giỏi lắm cáng thương vài ngày chẳng biết cây lúa hắn ra răng, rứa mà chừ biểu 02 năm cuốc đất.
-Phen này chết cái chắc! Tôi đánh bài chuồn, ca bài ca "tẩu mã", dông dzìa với ba má tui ở quê nhà.
Bám váy mẹ thời gian, thằng tui coi lại cái thân mình vô công rổi nghề, buôn bán thì chào thua, mánh mung chôm chĩa thì đầu hàng,"em" chả làm được...Thế là buồn! lén lén ngồi đàn lại mấy bài "nhạc vàng" cho qua ngày đoạn tháng như: Đưa em về dưới mưa, Em hiền như Ma Soeur, Serenade, Tristest Chopin ..., Răng mà cũng có đứa biết. Báo hại tui với lại bà già bị ống già Dzủa te tua mấy trận liền, nhớ hồi đó sách vở, nhạc" đồi trụy" đều phải đem nộp hoặc vất hết.
Buồn ơi!thân thiết chi mà mi đeo đẳng ta !
12A3 PCT 75-76
Thôi thì cứ thử một lần. Giả từ cái u uẩn giam hãm ta đi. Thằng tui lại làm cái việc của "hèn đại nhân" ôm sách vở đi học lại lớp 12 cho vui & cũng là học cái văn học, lịch sử cách mạng cho hợp với thời đại.
Và tui đến với 12A3 như thế đó.
Không nhớ nỗi ngày đầu tiên vào lớp cảm giác như thế nào. Nhưng có lần lao động trồng cây sân trường, tui không mang đến mầm cây lâu năm, mà lại là cây "Hippy" sớm nỡ tối tàn, đã có hoa màu đỏ rực rỡ! Trong cái xách mìn Clay-mo từ thời Sinh Viên. Còn nhớ Hồ Minh Hà nhìn tui cười, nụ cười thật trong sáng.
Lần đầu tiên, tui học với một lớp nhiều bạn gái như vậy . thấy cũng hay hay ... Cảm giác của tui với nữ sinh ngày trước trong bộ áo dài trắng thật là huyền ảo, nó thướt tha, dịu dàng, kín đáo và xa cách - Còn bây chừ vào lớp đa sắc màu, cảm giác thấy dung dị, gần gũi, tươi trong, tự nhiên.
Thú thật chưa bao giờ trong đầu óc có một thoáng nào ý nghĩ dung tục về các bạn gái. Mặc dù đã từng chứng kiến những thói hư tật xấu khi tuổi vừa mới lớn . Hồi đó tôi hay theo thầy đi thực tập ở ban nhạc, Ban nhạc hay chơi ở quán cà phê Danube đường Độc lập. ở khách sạn Đông Phương (Oriental) trên tầng 6, 7 gì đó... Ngày ấy lính Mỹ, Đại Hàn, thương nhân Hồng Công, Nhật Bản ...hay tới giải trí, uống rượu, nhảy đầm, những cô ca- ve ăn mặc rất sexy hở hang hết chổ nói. Nhưng nhạc công là những người làm thuê chỉ làm xong bổn phận rồi về.Chưa thấy bao giờ đi quá giới hạn .
Chỉ có tình người và sự không phân biệt đã nhập vào cái tinh thần của tui hồi còn là thanh niên Hồng thập tự, đã giúp tui nhanh chóng hòa đồng với một số bạn Công Ảnh, Xuân Tịnh, Đức Nhược, Lê Hùng, Ngọc Thanh, Đức Tấn, Đức Lang, Diệu Minh... , nhất là các bà nữ "Bắc Kỳ" Minh Hà, Minh Hải, Bích Hà . Còn các bạn nữ miền Trung mình thì thật là khó gần (Do truyền thống nếp sống chăng?). Nói thiệt hồi đó tui rất thương các bà Bắc Kỳ này.
Phong trào văn nghệ lớp, tui cũng lý lắc tham gia trong ban nhạc lớp, nhiều tiết mục nhưng nhớ nhất là Bích Hà múa bài Hoa Chăm Pa - trong sáng, trinh nguyên.(Hoa đẹp Chăm Pa , đã bao tháng ngày, hoa đâu người đó....)
Nhớ Kim Hồng với cô Nhung và thiên chức nhà giáo, ngày ấy Hồng thật bướng bỉnh (còn bây giờ?)
Còn nhiều nhiều thứ kỷ niệm nữa , làm sao kể hết, làm sao nhớ hết.
Thế rồi tui cùng chung lớp với các bạn được 2 tháng hoặc hơn một ít gì đó. Nhận đượcgiấy báo vào lại trường. Một lần nữa nói câu giả biệt . Âm thầm từ biệt cô Nhung, Bích Hà, Minh Hà. Nhưng các bạn vẫn trong lòng tôi cho đến tận mãi ngày nay.
Vào lại Sài Gòn, phải học chính trị một lèo 03 tháng (Lịch sử Đảng, Triết học Mác Lê Nin, Kinh tế chính trị học). sau đó đi lao đông tại nông trường 01 tháng, rồi về học chuyên môn. Một thời gian ngắn tôi còn liên lạc với một số bạn và sau đó thì bẳng đi lần lần, rất nhẹ nhàng.
Cái đêm trước đổi mới, bao lo toan bề bộn, cơm áo gạo tiền, đền đài miếu mạo... chúng ta không có dịp gặp nhau. Thật là buồn.!
Sau này về sống tại Tam Kỳ thi thoảng gặp Xuân Tịnh, có hỏi thăm về lớp mình.
Nhân duyên tui đến với các bạn quá ngắn ngủi - ngỡ rằng các bạn đã quên - Nhưng không, ngày nhận giấy mời họp từ tay Tịnh mình thật là vui, mong sao chóng đến ngày ấy.
Chiêu Anh quán
Chiêu Anh quán - như một hẳn nhiên, Tịnh chẳng cho tui biết về bà chủ quán. Cứ thế tui đến, Nguyễn Lợi niềm nở, một số bạn niềm nở, mà cũng đúng thôi tui nào có biết có nhớ hết các bạn đâu, mà mong muốn là tất cả. Tui thật vui hai mấy bạn già gặp nhau sau 33 năm xa cách (có khi gần trong gang tấc mà xa ngoài quan tái).
Cái tình cảm của chúng ta dành cho nhau, cái cung cách tự nhiên quá ư dể thương, cái giọng hát tình ca của Thanh Vân, Hữu Chi, cái liếng thoắng của Công Ảnh, Cái đằm thắm dịu dàng của Diệu Minh, Ngọc Nữ, Xuân Thảo.... , cái lăng xăng của Nguyễn Lợi, cái vẻ mặt tràn đầy thỏa mãn của Xuân Tịnh ... Cái hạnh phúc ăm ắp của đôi tình nhân Hùng Hạnh, những kỷ niệm xưa với Bích Hà, Minh Hà, ào ào ập đến ... Đã mê hoặc, say đắm lòng tui.
+Tui như được sống lại tuổi hai mươi, đùa giởn, chọc ghẹo ... Hồ đồ quá trớn .
+Một thoáng lặng, tui có cầu mong cho cô Nhung, thầy Nhất, chị Hồng, các bạn làm nghề Giáo trong lớp ta như một ai đó đã nói .... "Luân hồi tái thế lại xin đưa đò"...
Thế đó, chỉ có hai tháng học với các bạn, nhưng là một phần của cuộc đời tui. Trong hành trang cuộc đời tui từ nay mãi mãi có các bạn...12A3 *75-76 là một thực thể, mỗi chúng ta là một thực thể quan trọng của thực thể đó mà.
Ngày mai , tình cờ tui có gặp lại bạn dĩ nhiên là tôi nhớ hình dáng bạn, khuôn mặt bạn & có thể quên đi cái tên của bạn thì mong bạn đừng trách nhé. Bởi trước đây có thể tui chưa biết bạn. Như, cũng đôi ba lần tui đã đến Chiêu Anh quán, nhưng đâu biết rằng ở đây mình cũng có một người bạn, tui thật đáng chê trách.
Chiều chia tay nhau. Bỗng dưng tôi lại nhớ đến bài thơ Tình già của cụ Phan Khôi.
Cũng xin phép cụ nhại lại tí tí cho nó hợp với khung cảnh của tụi con.
...........
Ba mươi bốn năm sau ,
Chiêu Anh quán ta lại gặp nhau :
Hai mươi mấy cái đầu đều bạc,
Nếu chẳng quen lung . đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi .
Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn có đuôi."
Tui ra về , ghé bệnh viện thăm bà già thằng bạn (hồi học đại học), ghé thăm bà cô ở 72 Lý Thường Kiệt. Lâu quá không dạo đêm Đà Nẵng, định bụng lang thang để tìm lại chút hương đêm Đà Nẵng xưa, sáng mai ghé Phan Thị Thọ uống cà phê với các bạn cho thỏa những ngày mong đợi. Vô định thế nào lại đến Mỹ Khê, Sơn Trà, ngồi nhìn ra biển Đông chợt nhớ Cái lưởi bò. Đêm biển lành lạnh, sóng biển vỗ bờ ầm ào, chẳng biết có sóng nào là Hoàng Sa, sóng nào Trường Sa không? Lòng tê tái, quặn thắt, nhìn lên bầu trời, bầu trời đầy sao, trong cơn tỉnh say cố tìm chùm Tiểu Hùng Tinh, ngôi sao Bắc Đẩu của ngày xưa.....
Hai giờ sáng, trong lòng buồn bã lại lên xe chạy về nhà.
Lòng thầm ước, một dấu lặng trong dòng đời...
Nguyễn Hoàng Minh
Tam Kỳ, đầu tháng 7/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét