Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Dư vị

       C
ó lẽ trong đời học sinh và trong tất cả các lớp học, ngoài cái tình thân của các bạn trong một lớp thì có  nhiều nhóm bạn chơi thân với nhau và tình bằng hữu càng thêm sâu nặng. Lớp 12A3 chúng ta cũng nằm trong quy luật đó. Tuy nhiên tình thân của mỗi nhóm đều biết gắn liền với tình thân và lơị ích của cả tập thể lớp đó chính là điều đáng nói nhất. Có nhóm chỉ có hai người, có nhóm có ba hay bốn đến năm người…Riêng nhóm của chúng tôi thì thật đặc biệt, có đến mười hai người,  và học tập, sinh hoạt với nhau thật tâm đầu ý hợp và đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp sâu lắng trong thời cắp sách đến trường. Không biết bây giờ nhắc lại các bạn có tin không? nhưng xin thưa sự thật là đúng như vậy .
              Dẫn đầu nhóm là  Lê Hùng, tiếp theo là  Hạnh, Diệu Minh, Minh Hà Bích Hà, Minh Hải, Công Tâm, Hữu Chi, Đức Nhược, Xuân Tịnh, Nguyễn Hoàng Minh và út oi nhất là Lý trưởng. Qua một thời gian một số bạn chuyển trường, Bích Hà vô Nha Trang, Minh Hải học Ngoại Thương, Hoàng Minh vô Sài Gòn, nhóm chỉ còn lại tám người và còn duy trì cho đến ngày hôm nay tuy không được như những ngày xưa cũ .
            “Đại bản doanh” của nhóm chúng tôi là căn gác xép của nhà Công Tâm ở Nội Hà - Thanh Bình. Căn gác gổ rộng khoảng 15m2, thấp lè tè và rất nóng nhưng nhờ có một bao lơn nhỏ và nhiều cửa sổ nên cũng đủ cho những làn gió biển buổi chiều thổi vào mát rượi. Căn gác nhỏ nằm ở phía nhà sau khá yên tỉnh và là nơi lý tưởng để nhóm chúng tôi “Xôi kinh nấu sử” trong kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng nầy .
             Sau  ngày giải phóng, ba mẹ Tâm dẫn hai đứa em nhỏ vào Long Khánh sinh sống, còn  bốn anh  em Tâm ở lại với ông bà nội, riêng đứa em kế  Tâm vo bộ đội và về sau đã hy sinh ở chiến trường Tây Nam. Ông bà đã già nhưng còn khoẻ và rất nhân hậu. Nguồn thu nhập chính của ông bà là mảnh vườn nhỏ trồng rau củ quả để kiếm thêm thu nhập, ông nội của Tâm nhận thêm việc ở hợp tác xã mây tre mành trúc cho mấy anh em Tâm ở nhà làm. Trước tình hình kinh tế gia đình như vậy, nhiều lần Tâm định nghỉ học nhưng ông bà nội không cho,  anh em trong nhóm cũng góp ý và động viên nên Tâm tiếp tục việc học cho đến thi tốt nghiệp.
             Ông bà nội của Tâm coi anh em chúng tôi như con cháu trong gia đình,  chính căn gác nhỏ với mảnh vườn cùng tình thương yêu của ông bà đã làm cho tình thân của anh em trong nhóm chúng tôi ngày càng thắm thiết và bền chặt. Sau mỗi lần học xong chúng tôi ra vườn phụ giúp ông cuốc đất trồng rau, đứa thì bón phân tưới tắm, còn mấy chị vào bếp giúp bà nhặt rau nấu cơm. Tiếng là nấu cơm chứ gạo đâu được mấy, mà độn sắn lẫn khoai, có bữa thì ăn toàn mì sợi. Nhờ có rau và bầu bí ông trồng nên anh em chúng tôi được no bụng mà học hành đạt kết quả .
            Chính ở căn gác nhỏ nầy nhóm chúng tôi có một kỷ niệm vô cùng sâu sắc, đó là vào một buổi chiều Tâm rủ chúng tôi ra biển cào nghêu về nấu cháo. Tôi, Nhược, Tâm cùng Lý trưởng mượn cào vác đi ra biển Thanh Bình, bốn chúng tôi ngụp lặn trong biển suốt ba tiếng đồng hồ, kết quả biển đã cho chúng tôi một bao nghêu khá nặng. Chúng tôi hí hững mang về giao cho Chi Lùn,  Hạnh và Diệu Minh nấu cháo ăn tối. Sau gần 2 tiếng đồng hồ nồi cháo nghêu nóng hổi thơm phức được bưng lên,  mọi người vui sướng chuẩn bị thưởng thức thì bất ngờ Tâm la toáng lên:
            - Úi chu cha mẹ ơi! mặn quá !
            Tưởng là Tâm nói đùa, nhưng khi mọi người nếm thử thì cũng đều nhăn mặt và xác nhận là cháo nghêu mặn quá,  mặn ngoài sức tưởng tượng. Chỉ có hai chị Hạnh và Diệu Minh mới vỡ lẽ ra là nghêu biển vốn đã mặn, khi nấu cho các chị lại nêm thêm mắm muối  nhiều nên nồng độ mặn lại tăng cao, khiến nồi cháo không đạt yêu cầu. Cả nhóm nhìn nhau tiếc rẻ, may sao, bà nội của Tâm bày cho một mẹo nhỏ là pha thêm một ít nước sôi và tăng cường thêm tí bột ngọt, thế là nồi cho được giải nguy và đã đi vào lịch sử của nhóm như một chuyện cổ tích thần kỳ về khoa nội trợ .   
            Hôm nay nhắc lại chuyện nầy thì Ông Bà đã đi xa rồi, anh  em trong nhóm chúng tôi cũng mỗi người một ngả, nhưng hình ảnh và tình yêu thương của ông bà vẫn ở mãi trong tim chúng tôi. Chúng tôi vẫn như còn nghe đâu đây những lời dạy bảo ân cần của ông bà, vẫn còn thấy ngọt lành những bát canh rau nóng hổi tình yêu.
            Ngày nay anh em chúng tôi đều đã trưởng thành, có cuộc sống tương đối ổn định, có người còn khá đủ đầy và cơ ngơi  khang trang, nhưng chúng tôi không thể nào quên căn gác nhỏ ngày xưa, không thể nào quên những bữa cơm đạm bạc của thời khốn khó và tấm lòng yêu thương rộng mở, bao dung của ông bà đã dành cho chúng tôi. Chính nơi ấy đã cho chúng tôi bài học đầu tiên về tình yêu, tình bạn và tình người, là  hành trang quý giá cho anh  em chúng tôi bước  vào cuộc đời đầy bão táp phong ba.          
             Cho dẫu cuộc sống hôm nay có khá hơn gấp bội phần, từ vật chất đến tinh thần không ngừng được từng bước nâng cao, khi cháu con chúng tôi nghe kể lại những kỉ niệm nầy mà chúng cứ ngỡ như là cổ tích, thì  chúng tôi vẫn không thể nào quên cái quá khứ rất đổi đời thường nhưng tuyệt vời kia, dù chỉ là một chút dư vị của những tâm hồn cao thượng ...
Lê nguyễn
                                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét