“BỐN MẮT” & TÔI
Sáng nay chủ nhật (23-8-2009) lúc 8h có điện thoại reo, tôi mở máy thì nghe bên kia “Bốn Mắt” nhắc nhở:
- Sáng nay có đi đâu không? Không hả! Ra Chiêu Anh đi !
Và tôi đáp gọn lỏn: “Yes Sir”!
Xàng xê một lúc ở nhà thì lại có điện thoại reo mở máy thì lại nghe XThảo gọi tôi xin số điện thoại của anh chàng đau dạ dày. Tôi nghĩ bụng “quái lạ, ai cũng có quyển cẩm nang GIAO MÙA rồi sao lại xin số điện thoại ta?” Tôi bảo không cần đâu chờ một tí tôi ra Chiêu Anh ngay đó.
Tôi ra Chiêu Anh ngồi tào lao với XThảo một lúc thì “Bốn Mắt” tới, ba chúng tôi chuyện trò hào hứng về cuộc sống, về chuyện âm dương, về thuốc thang bệnh tật, về văn chương nghệ thuật và cả về nghề khảo cổ… và loanh quanh ba đồng bảy đổi thì lại trở về chuyện lớp 12A3 và chuyện blog. Anh em đang nói chuyện thì HMinh trong Tam Kỳ cũng gọi điện ra hỏi thăm anh em trong lớp có đến không? Hắn than thở ở trong nớ uống cafee một mình buồn quá, hình như Anh Tám tui cảm thấy cô đơn thì phải! Sau đó Thanh Vân cũng gọi điện nhưng tôi bảo anh em có việc sắp về vì thế TVân không đến.
Trong lúc trò chuyện, “Bốn Mắt”lấy trong túi ra chiếc Harmonica mới mua -hiệu của Nhật và bảo tôi:
- Mình tặng Ảnh đó. Tôi hơi lúng túng
- Anh Tư để dùng, tui có rồi! Nhưng Anh Tư xua tay
- Mấy cái kèn của TQ defaut hết, mình có ở nhà một cây Yamaha rồi.
Câu chuyện giữa tôi và “Bốn Mắt” làm XThảo ngạc nhiên, không hiểu sao hai chúng tôi lại biết sử dụng nhiều thứ nhạc cụ đến vậy và từ sự ngạc nhiên ấy của XThảo làm tôi lạc vào vùng quá khứ nhiệm mầu…
THUỞ THIẾU THỜI
Vào học với nhau bắt đầu từ năm đệ thất (lớp 6 bây giờ) ban Pháp Văn của trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng từ năm 1969 cùng với Bùi Đức Nhược, Nguyễn Công Tiến và Phạm Tấn Dũng. Bốn anh em chúng tôi đã đi suốt với nhau từ năm lớp 6 cho đến lớp 12 và chơi với nhau rất thân tình nhưng giữa tôi với “Bốn Mắt” và Đức Nhược thì tình thân đậm đà hơn. Riêng “Bốn Mắt” với tôi còn có thêm một điều đặc biệt nữa, đó là tình yêu nghệ thuật và ngoài tình bạn ra thì tình yêu ấy cho đến bây giờ vẫn luôn rạo rực và cháy bỏng trong mỗi chúng tôi.
“Bốn Mắt” và tôi bắt đầu kết thân với nhau từ năm lớp 8, bên cạnh việc học tập văn hóa thì chúng tôi học tập lẫn nhau về hội họa, âm nhạc và khi phân ban lên đệ nhị cấp thì chúng tôi cùng vào học ban C rồi đến lớp 12 chuyển thành ban A cho đến khi tốt nghiệp ra trường. Tôi dần dần phát hiện ra ở “Bốn Mắt”còn có nhiều niềm đam mê khác ở lĩnh vực điêu khắc và nhiếp ảnh và say sưa kiếm tìm những vật lạ cổ xưa.
Có thể nói tất cả những đam mê ở thuở thiếu thời chỉ mới là khởi điểm và là bệ phóng cho ước mơ về nghề nghiệp sau nầy của “Bốn Mắt”. Tính cẩn thận, tỉ mỉ và kiên trì cả trong công việc và trong tình cảm nên tôi học tập ở anh ấy nhiều điều hay: đã nói là làm và đã làm thì làm đến nơi đến chốn cho dù mình có chịu “hẹm” đi một chút. Hai chúng tôi thực sự tâm đầu ý hợp và rất ăn ý nhau khi cùng nhau phát thảo những ý đồ nghệ thuật, và hình như lúc nào tôi cũng thấy “Bốn Mắt” đã đọc được những suy nghĩ của tôi đồng thời gợi mở cho tôi nhiều ý tưởng mới mẽ trong nghệ thuật.
Tính tình hiền hòa, chân tình và cởi mở và có tinh thần sáng tạo và hào hiệp với bạn bè không hề suy bì tính toán. Chính tôi, tôi đã mắc nợ anh ấy trong lĩnh vực nầy.
NHỮNG KỶ NIỆM THỜI NIÊN THIẾU
Thời niên thiếu ngoài việc học tập ra thì ở lứa tuổi chúng mình có rất nhiều trò chơi vàc các niềm đam mê khác. Có anh thì thích các môn thể thao, bóng đá; có anh thì thích học võ; có anh thì thích đọc sách tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, Thằng Bờm hay truyện kiếm hiệp… Riêng “Bốn Mắt”, Nhược và tôi thì thích học nhạc học đàn. Chúng tôi đã từng tự chế tạo một số nhạc cụ gõ để học với nhau, đứa nào học được cái gì thì bày lại cho nhau và “học lóm” được điều gì hay, lạ thì cùng nhau mò mẫm nghiên cứu chính vì vậy mà anh em chúng tôi biết được nhiều thứ trong âm nhạc.
Hồi ấy niềm mơ ước của “Bốn Mắt” là chơi kèn Sacxo nhưng không làm sao có tiền mà mua được, đành chơi kèn Harmonica vậy. Nhưng để có được một cây khẩu cầm chính hiệu Butterfly của Nhật thì cũng không phải chuyện dễ, phải tích cóp ghê lắm mới mua được, “Bốn Mắt” đã dành hết tình yêu cho nó. Khi lên lớp 10, thì chúng tôi tìm hiểu thêm và học tập nhiều loại nhạc cụ khác nữa như đàn Guitare, Manđoline, Violon, trống …và có thể thay thế cho nhau trong diễn tấu. Riêng “Bốn Mắt” vừa thổi Harmonica vừa tự đệm Guitare rất tuyệt vời.
“Bốn Mắt” đã để lại trong tôi những dấu ấn không bao giờ quên được. Đó là khi tốt nghiệp ra trường tôi vào bộ đội, “Bốn Mắt” vào đại học Sài Gòn. Khi đơn vị tôi chuẩn bị qua chiến trường Campuchia, tôi xin phép tranh thủ về thăm nhà và thăm bè bạn. Tôi đến thăm “Bốn Mắt”, trước khi lên đường, anh ấy đã trao cho tôi chiếc khẩu cầm và chiếc trống lắc tay (Tambourin). Điều kiện của một thằng lính lúc ấy như tôi thì không làm sao có được những thứ đó và tôi xúc động vô cùng. Trong ba lô ra chiến trường, tôi mang theo tình bạn thiêng liêng cao quý ấy cùng chiếc đàn Manđoline (cũng của một người bạn thân nữa góp tiền mua cho), tôi đã đi phục vụ cho đồng đội tôi ở chiến trường trong những năm tháng ác liệt cho đến ngày tôi xuất ngũ. Rất tiếc cho đến bây giờ tôi chỉ còn giữ được cây đàn Manđoline, còn chiếc kèn và chiếc trống thì đã mất và hư hỏng trên đường đi chiến dịch, nhưng tình bạn thì tôi vẫn giữ mãi trong tim đến suốt đời.
Rồi thời gian lặng lẽ trôi, sau khi xuất ngũ tôi về tiếp tục đi học rồi ra trường được phân về quê hương mình dạy học. Trong một lần về thăm quê và đến thăm người chú họ tôi thấy trên gác nhà chú tôi có cây đàn Violoncelle bị hỏng: không trục, không ngựa, không dây… nói tóm lại là cây đàn giống như một cái thùng gỗ với những đường cong cổ điển tuyệt kỹ mà thôi. “Máu âm nhạc” trong tôi nổi dậy, tôi hỏi thì được chú tôi kể lại rằng: Cây đàn nầy là của Đoàn Văn Công Sư Đoàn 304 khi vào giải phóng Quận Thượng Đức năm 1974 bị đạn pháo làm hỏng, các chiến sĩ văn công đã gửi lại cho một gia đình người dân tộc rồi tiếp tục vào chiến dịch ở Tây Nguyên.
Biết tôi có chút máu mê về việc đàn địch, chú tôi bảo coi có còn dùng được thì lấy về sửa lại mà dùng. Thế là tôi mang cây đàn hỏng về sửa chữa và người đầu tiên tôi nghĩ tới là “Bốn Mắt”. Tôi đạp xe đạp từ Đại Lộc ra cửa hàng Vật Phẩm Văn Hóa Đà Nẵng để mua phụ tùng nhưng chỉ mua được 1 bộ dây đàn và một chiếc Archer(Cung kéo đàn), tôi ghé nhà “Bốn Mắt”và được anh tư vấn, nhờ chú em út của anh tiện cho bộ trục. Sau đó tôi quay về trường nơi tôi công tác và nhờ em trai của Bác Hùng (Bạn đồng nghiệp cùng trường với tôi) tìm gỗ làm ngựa và móc dây đàn, kết quả hơn nữa tháng trời chiếc đàn được sữa chữa hoàn tất và tôi đem cây đàn đó phục vụ trong đêm văn nghệ mừng Xuân của nhà trường. Hiện nay cây đàn ấy vẫn ở bên tôi và nó mang âm hưởng của cả cuộc đời nầy: Âm hưởng của những tháng năm chiến tranh ác liệt và âm hưởng của tình bạn diệu kỳ. Không biết người lính văn công năm nào có còn nhớ đến cây đàn bỏ lại ở chiến trường ngày ấy hay không?
PHÍA SAU HAI TRÒNG KÍNH 8 DIOP
Chiếc kính cận hạng nặng 8 diop kia giúp anh nhìn đời cho rõ như mọi người có cặp mắt bình thường, nhưng sau nó đã làm cho anh trở thành con người đạo mạo, chửng chạc và thêm chút nghiêm nghị. Chính vì lý do khách quan nầy mà lắm lúc làm cho “Bốn Mắt” thiệt thòi trên con đường tìn củm vì cánh áo dài e ngại trước cái vẻ bên ngoài ấy nên chẳng dám đến gần. Nghĩ mà oan quá!
Nói vậy chứ đâu phải “Bốn Mắt” là người vô tình vô nghĩa và thờ ơ đến thế đâu! Ngoài cái chiện có cô nào của lớp 12A2 nhờ anh Tư bày thổi kèn Harmonica như đã tự thú thì còn nhiều chiện kín như bưng thiên hạ làm sao mà biết được? Chỉ có riêng thằng Út Chín nầy biết thôi anh Tư nhỉ! Cũng bởi do cái hình thức bên ngoài khách quan quái ác kia nên “Bốn Mắt” phải chịu cô đơn dài dài, vì vậy đã cùng Tiến Lép (Công Tiến) kết giao làm nghĩa đệ huynh trong cái gọi là “Câu Lạc Bộ Những Người Cô Đơn” để rồi sáng sáng đi uống café cóc, chiều chiều đi uống ruga vĩa hè cho vơi đi bớt nỗi cô đơn.
Mỗi lần anh em trong nhóm xuống nhà chơi thì ông bà già của “Bốn Mắt” than phiền ghê lắm và giao nhiệm vụ cho anh em trong nhóm phải làm sao “Tạo điều kiện” cho anh Tư không còn ở “binh chủng phòng không” nữa. Thế là hai bác Hùng Hạnh cùng anh Ba Nhược và thằng Út Chín nầy bày binh bố trận đưa đối tượng đến cho anh Tư “xem mắt”, nhưng cuối cùng đối tượng cũng không làm sao lọt qua được 2 tròng kính 8 diop của anh Tư, làm mất toi 2 con gà trống nhớn! Tiếc thật, cả nhóm đành bó tay!
Rồi bẵng đi một thời gian khá lâu, không biết là bao mùa trăng nữa, tôi tình cờ gặp Tiến Cô Đơn và trông Hắn ta buồn bả lắm. Tôi gặn hỏi mãi thì Tiến Cô Đơn mới cho biết là “Bốn Mắt” đã làm đơn xin ra khỏi CLB Những Người Cô Đơn rồi! Tôi bấm tay rồi bức tai tưởng mình nghe nhầm và hỏi lại thì Tiến Cô Đơn xác nhận là đúng sự thật.
Thế là sau đó không lâu, đùng một cái “Bốn Mắt” đã bước qua lời thề, lên xe Lada của Liên Xô, đưa Chị Tư về nhà Khu Tập Thể Hóa Chất ở Lê Đình Dương để xây tổ ấm, báo hại cho thằng em Út Chín nầy phải đi kè kè một bên ôm hoa, ôm bánh đến “nóng trong người”! Không chịu nỗi cảnh cô đơn kéo dài, sau đó Tiến Cô Đơn cũng đơn phương cắt đứt hợp đồng và học tập “Bốn Mắt”, tìm đâu ra cái xương sườn của mình rồi cũng lên xe bông về xây tổ ấm! Tuy có muộn mằn nhưng thế mà hay vì không ai chịu làm người can đảm để chống lại vị hung thần cô đơn kia cả.
“Bốn Mắt” và tôi còn biết bao nhiêu chuyện về văn chương nghệ thuật, và cả những chuyện vui buồn của cuộc đời nầy, thế nhưng sợ dây cà ra dây muống lỡ làm anh Tư giận mà không cho lên bờ lốc cứ để treo lơ lững thì có nước tiêu đời cái thằng tui. Thôi tạm thời dừng lại để từ từ tính sau, chứ không thôi cái anh chàng Pha Lũy (Tám Minh) mà chọt cái cù nèo của Charlo vào nữa là thêm rách việc. Nếu có điều gì không đúng và OAN thì anh Tư bỏ qua và đến gặp Lương Y Hờ Thờ Phờ làm một liều thuốc chữa bịnh THAN là êm ngay anhTư hỉ!
Đêm 23-08-2009
ÚT CHÍN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét