CHUYỆN NỌ XỌ CHUYỆN KIA
Sáng thứ bảy đi dịch cái bằng lái xe qua tiếng Pháp để đổi bằng cho thằng cu. Cái ni mình dịch cái rẹt là xong nhưng có muốn làm cũng không được vì mình chẳng có bằng cấp chi ở cái xứ nầy. Thôi thì cắn răng mà xù xa 60 eur cho cô phiên dịch để đổi lấy tờ dịch hợp pháp có công chứng, có con dấu hẳn hoi. Cô ta ở trong khu châu Á, khu có chợ Tầu, có chợ Bến Thành, có quán phở Tầu Bay, có quán Vĩ Dạ với bánh bèo bánh nậm…
Nói chung ở Việt Nam ta có gì thì ở đây có thứ ấy. Các con tôi còn bảo là có cả thịt chó nữa. Thì nơi đâu có các quan miền Bắc của ta đi qua mà lại thiếu cái món thịt chó quốc hồn quốc túy ấy được. Tôi trộm nghĩ thế.
Đang lang thang định tậu thứ gì đó về đãi các con buổi chiều Chủ nhật thì thấy thiên hạ bu quanh trước một cửa hàng rau tươi (Cảnh nầy hơi giống cảnh mua thịt tem phiếu nhà mình thời bao cấp)
Gọi là cửa hàng cho oai chứ thực ra là mấy cái giỏ nhựa đặt bên lề đường. Hai ba người vừa bán vừa rao: “một bó 2eur ba bó 5eur” rau tươi mới về! rau tươi mới về!
Không biết rau từ đâu mới về nhưng tươi thật. Nhất là rau cải xanh. Những bó cải mà ở Việt Nam mình đi bất cứ chợ nào cũng có, lần đầu tiên mới thấy ở Paris. Thường thì các siêu thị chỉ bán cải bẹ to, ít lá gói gém cẩn thận trong bọc ni lông, xuất xứ từ Thái Lan hoặc đảo Reunion. Độ tươi cũng giảm đi khi phải đi từ Đông sang Đoài. Loại cải nầy chỉ ngon khi làm cải muối chua còn nấu canh thì ... « không có chó bắt mèo ăn cứt» chứ thật ra chẳng ngon lành gì cả.
Tôi nhào vô mua 3 bó : một cải, một rau muống và một rau răm. Vị chi là 5 eur
Ngồi trên tầu điện về nhà tôi như cô bé bán sữa dê trong sách giáo khoa tiếng Pháp thời phổ thông. Trong đầu tôi bắt đầu lung linh tô canh cải xanh rì với những miếng thịt bò xắt mõng đang bơi , mà phải là thịt bò có lẫn mỡ mới thơm , rồi thả vào đấy một củ gừng đập dập. Tưởng tượng thằng cu vừa chan vừa húp là tôi cũng thấy đả rồi. (tội nghiệp cho những bà mẹ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến con mà con trai thì mở mồm ra là «anh yêu em nhất trên đời nầy »)
Rồi món tiếp theo là rau răm trộn với thịt gà. Gà ở đây thì tuyệt vời nhưng rau răm thì tìm đỏ mắt cũng không ra ở những khu không có người Châu Á. Thịt gà mà không rau răm thì chẳng khác nào Thị Nở mà thiếu Chí Phèo. Phen nầy đủ lể bộ nhé các con: đĩa thịt gà trộn rau răm chểm chệ giửa bàn, tô cháo gà nóng hổi thơm lừng , vài hạt tiêu lăn xăn ẩn ẩn hiện hiện trên mặt, một nhúm rau răm xắt chỉ làm nhụy chính giữa... Tưởng tượng con bé bầu vừa ăn vừa xúyt xoa thì hạnh phúc đã ở quanh đây rồi...
Thế đấy, nếu ai không lớn lên với cải xanh, với rau răm với cháo gà như thế thì khó mà hiểu nổi vì sao những thứ tưởng như bình thường mà lại quí giá đến thế. Bạn Pierre, làm rể Việt Nam gần 15 năm mà vẫn chứa thông được vì sao vợ mình cứ thích xắt thịt bò ra từng lát mỏng để xào thay vì để nguyên cả miếng. Về lí thuyết bạn ấy đúng hoàn toàn khi nhất định bắt các con phải ăn một miếng steack hai lạng cho đủ dinh dưởng một bữa ăn, nhưng bạn ấy đâu biết rằng để nuôi cái hồn người ta đâu cần cân lạng, rằng một tiếng cơm sôi, một tiếng heo kêu đã là cả buổi chiều quê hay vài cộng thịt gà xé nhỏ đã hàm chứa hàng ngàn kilo calo quê hương trong ấy.
Anh chị sui nhà tôi sắp có cháu nội đầu tiên sinh ra trên xứ người. Hôm đến thăm và gởi quà cho con dâu sắp sinh, anh chị dặn đi dặn lại tôi là nhắc chúng nó ra Đại Sứ Quán Việt Nam tại Paris để làm khai sinh cho con bé, nhắc bố mẹ nó nói tiếng Việt với con khi ở nhà để nó nghe cho quen, rồi gởi nào lá thuốc xông người Dao, mật ong rừng chính hiệu để rà lưỡi, nghệ để con dâu ăn sau khi sinh... Ông bà có biết đâu cái giáo án nuôi đẻ mẹ truyền con nối chừ đã thất truyền với những đứa con xa xứ.
Con bé bầu nhà tôi chẳng hỏi mẹ cái gì cả vì đã có bác sĩ theo dõi từ lúc thai mới một hai tuần. Có những cái mẹ phải đệch người ra mà hỏi con vì sao lại phải vác cái bụng lè tè 6, 7 tháng đi bơi thay vì nằm nghỉ cho khỏe, vì sao lại phải kiêng ăn trong giai đoạn đáng lý ra nên bồi dưỡng, rồi cái chuyện đăng kí đi học lớp chuẩn bị sinh...? Mẹ tôi thời ấy mấy học mà vẫn bụng mang bầu tay dắt đứa vừa biết đi tay kẹp đứa vừa biết bò, vẫn sồn sồn năm một...
Tự nhiên tôi đâm thiếu tự tin trước con gái. Mình sẽ làm gì cho con đây để gọi là nuôi đẻ? Hành trang cho cuộc chiến nầy chỉ là mớ kinh nghiệm chưa bao giờ được công chứng đã bị bụi thời gian gần hai mươi năm phủ mờ mịt. Con cái bây chừ trang bị kiến thức đến tận răng thì cần chi những thứ ấy lăng nhăng ấy.
Thôi thì con nhờ chi mẹ làm nấy vậy!
Đó mới là thế hệ F2 trên xứ người. Tưởng tượng cái con bé cháu ngoại F3 sắp ra đời biết đâu chẳng hỏi vì sao bà ngoại thích ăn cỏ (rau ) thế. Bà bạn tôi có đứa cháu từ Mỹ về, bà cho ăn xong định cho uống nước thì thằng bé cứ giẫy nẫy gào lên: mo! mo!(*) Mo là cái món chi chắc phải hỏi mẹ mi thôi.
Thôi thì những bà mẹ quê nếu lỡ cho con cái ra xứ người thì cũng nên bán lúa đi cập nhật vài từ tiếng nước ngoài cơ bản để có cái mà giao tiếp với cháu, cũng tập hiểu dần rằng thằng Bò, cái Tí không thích bà kẹp bên nách bê đi hàng xóm mà chỉ thích ngồi vào xe đẩy để tự do… ngắm cảnh, rằng bà đừng vạch quần bắt cháu tè bên lề đường vì như thế là sẽ bị phạt đấy bà ạ .
Paris le 18/09/2012
THO PHAN
* (one more, one more)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét