Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Nắng

       

             Không phải cái nắng như thiêu, như đốt với gió Lào khô khốc ở Quảng Trị, cũng không chan chan cồn cát như xứ Phan Thiết, Đà Nẵng may mắn có sông Hàn chảy giữa phố và biển xanh bao bọc, nhờ vậy, mùa hè mặc dù có khi cũng nắng cháy da, nhưng không khí dễ chịu hơn, không đến nỗi ngột ngạt, khô ráp...
           Thời còn cắp sách đến trường, lũ chúng tôi thường sử dụng “phương tiện giao thông” phổ biến là ôtô...bước. Ngày hai buổi, trên vĩa hè những nẽo đường dẫn đến các trường học, dân “húi cua” với quần xanh áo trắng gọn gàng, các “tóc dài” thì áo dài trắng thước tha, từng tốp, từng đôi thả bộ đến lớp. Mùa mưa đi học mặc dù có ướt át đôi chút nhưng ít mệt hơn; mùa nắng trời nóng, đường xa nên mồ hôi nhễ nhại; thêm vào đó có những chàng lười, khi đi không chịu nhấc chân lên, cứ kéo lê giày dép soàn soạt làm tung bụi mù mịt (Hồi đó vĩa hè phần nhiều chưa lát gạch), áo trắng vì thế mà chẳng mấy chốc chuyển sang màu cháo lòng.
          Trước năm 1974, gia đình tôi ở trên đường Hoàng Diệu, hàng ngày phải lội bộ đến trường Phan Châu Trinh, trường khá xa, không phải tôi không có xe đạp nhưng thích đi bộ với các bạn, mệt mà vui. Tôi có thói quen dậy sớm bởi ba tôi đi làm rất sớm, tầm 4g30 là ông đã dậy, vệ sinh cá nhân xong, 5 giờ là ông đã phải lên đường đến chỗ làm việc. Dậy sớm có cái hay là lúc đó hàng xóm vẫn còn ngủ, rất yên tỉnh, ít bị chi phối bởi chung quanh nên học bài dễ vào. Mùa nắng mặt trời lên sớm, 6 giờ là mặt trời đã lên cả sào, mặc áo quần, chuẩn bị sách vở xong là tôi tót ra đường, mua một ổ bánh mì đứng gặm, chờ mấy bạn cùng lớp nhà gần Chợ Mới đến cùng đi, hồi đó làm gì có ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa đi vừa gặm bánh mì, mồ hôi mồ kê, bụi khói tùm lum, may sao chưa bao giờ phải chạy re như Tào Tháo bị rượt...
          Buổi trưa tan học về, trời nắng chan chan, nhiều anh vẫn có chiếc mũ lưỡi trai, nhưng làm ra vẻ ta đây không sợ nắng, mũ lận sau lưng, tay cầm vở hờ hững (có cặp nhưng không xài), để làm dáng với mấy em (có khi là mấy chị ấy chứ) bên trường Hồng Đức. Lúc bấy giờ, trường Phan Châu Trinh rất ít nữ sinh, năm lớp 10, trong lớp tôi có 6 cô nương, nhiều bạn trai cũng muốn ti toe, nhưng sợ “mang lộn dép” vì đó là “của hiếm”, thế nên thường để ý các cô bên Hồng Đức. Để ý là để ý thôi, chứ phần lớn là “đồ chết nhát”, ở xa thì mạnh miệng với nhau, nhưng gần các cô thì run như trúng gió, miệng câm như hến... Chỉ biết trút tâm sự vào một bài hát nhạc sĩ họ Trịnh, bài Hạ trắng... “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay. Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say. Lối em đi về trời không có mây, đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy... Hồi đó tôi hát còn dỡ ẹt, nhưng thổi Harmonica bài nầy thì không phải nói khoe chứ cũng gần bằng Tòng Sơn, cô hàng xóm dễ thương ở cùng hẻm rất thích nghe, nhưng thường xưng chị với tôi, bởi lớn hơn tôi 3 tuổi (tiếc thật!)...
          Sang năm lớp 12, trong lớp có nhiều nữ sinh hơn, đó là niên khóa đầu tiên dưới mái trường XHCN, thấy mấy bạn dễ thương, trong lòng tôi có lúc cũng xao xuyến lắm, nhưng không biết không rõ trời xui đất khiến thế nào, đang là trưởng ban văn nghệ của trường, tôi lại bị chấm vào đội Cờ đỏ, mà đã là Cờ đỏ thì phải “ngầu”, thế nên không thể nói chuyện “tìn củm” với bạn khác giới; vậy là nhìn các cặp “H bình phương”, “T bình phương” và “AM” mà có khi rất ganh tị với họ; thế nên mặc dù hồi ấy nhà tôi đã chuyển về đường Đống Đa, đi học gần hơn, nhưng sao thấy đường dài hun hút, và cũng cái nắng ấy, nhưng sao thấy nóng hơn; may mà một thời gian sau, kết thân với nhóm Bích Hà, Minh Hải, Minh Hà nên cũng ít thấy cô đơn...
          Mùa hè năm 1976 tôi cùng Công Tâm và Hữu Chi vào Sài Gòn học, xa Đà Nẵng tôi nhớ quay quắt cái nắng miền Trung, chỉ mong sao cho chóng đến hè lại về nhà, không biết có phải nhớ nắng hay còn nguyên nhân nào khác, chỉ biết rằng trong lòng thật vui mỗi khi đi qua đường Lê Lợi rồi vòng sang Quang Trung về đường Đống Đa dưới nắng hè...
          Hơn 10 năm nay tôi phải đi làm việc xa thành phố thân yêu, Tam Kỳ cũng là đất Quảng, nhưng nắng Tam Kỳ không như nắng Đà Thành, nắng đi kèm với khô, thỉnh thoảng lại có những trận gió mang theo hơi nóng là cháy cả lá tre, buổi tối có khi phải dội nước ướt đẫm nền nhà cho bớt nóng; cứ đầu tuần lại mong đến cuối tuần về nhà để lang thang trên phố biển, gặp gỡ bạn bè thân thương...
          Cuối tháng 6 vừa rồi, trong ngày hội ngộ của 12A3 sau 33 năm xa cách, quán Chiêu Anh của Xuân Thảo bị nung nóng hầm hập bởi mái tôn trên gác thấp lè tè, nhưng không hiểu sao tất cả chúng ta đều đều như quên đi cái nóng, tiệc tàn nhưng quyến luyến mãi không rời, những tình cảm chân thành của thầy cô, bè bạn như ngọn gió mát lành, thổi vào tâm hồn chúng ta, đã làm dịu đi cái nắng hè gay gắt...
Bốn Mắt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét