Vào lúc tinh mơ, khi mặt trời chưa thức giấc, trên bãi biển đã khá đông người. Ở phố biển Đà Nẵng, tắm biển trở thành một thói quen của nhiều người, nhất là vào mùa hè. Không phải ai ra biển cũng tắm, có khi người ta tụ tập nhau trên bãi biển để thưởng thức những làn gió mát lành mang theo hương vị đặc trưng của biển, nhìn làn nước xanh biêng biếc soi bóng trời mây; có khi chỉ để nhìn người khác vui, để nghe sóng biển thì thầm hoặc nghe tiếng gió đùa qua ngọn phi lao...
Thời còn đi học phổ thông, hầu như sáng nào tôi cũng đi tắm biển, sáng sớm thức dậy, chùi sơ ghèn trên khóe mắt, chỉ mặc độc chiếc quần đùi, chân không chạy bộ theo mấy con hẽm dẫn ra biển. Giống như tên gọi mà người Đà Nẵng đặt cho biển- Thanh Bình- Biển thật tĩnh lặng, ít sóng và bờ biển rất thoải, có chỗ ra xa cả trăm mét mà nước mới chỉ ngang bụng, nhờ vậy mà bọn trẻ con chúng tôi tập bơi thoải mái, không sợ bị no nước mặn. Sau nầy mới biết thêm biển nầy vốn chỉ là một cái vũng lớn: “Vũng Thùng”:
Tai nghe súng nổ cái đùng
Tàu Tây đã đến Vũng Thùng anh ơi.
Bãi biển Thanh Bình ngày xưa không sạch như bây giờ, hồi đó người đi biển xả rác tùm lum, ẹ nhất là vào buổi tối hoặc sáng sớm, một số người thích làm “quận công” cứ vô “trút bầu tâm sự” trên bãi biển, sau đó nhờ thủy triều và sóng biển “dọn” bớt những thứ mà người ta thải ra. Biển còn bị pha trộn bởi dòng nước cống đen ngòm từ đường Ông Ích Khiêm chảy thẳng ra... Mặc dù vậy, bãi Thanh Bình vẫn có một chỗ khá sạch, tít ngoài xa, đó là một doi cát ngầm kéo dài 300-400m, ở đó nước biển rất trong, có thể nhìn thấy lớp cát dưới đáy, bọn tôi chịu khó lội xa một chút nhưng được chỗ tắm sạch (tương đối thôi).
Chắc các bạn còn nhớ, nhà của 2 tên “công” - Công Tâm và Công Tiến cùng ở gần biển Thanh Bình. Ngôi nhà của ông nội Công Tâm có một căn gác nhỏ ở phía sau, một thời đã từng là “tổng hành dinh” của nhóm Lê Hùng, có lần mở “đại tiệc” cháo nghêu (mặn chát) mà chúng tôi không bao giờ quên được. Nhà Công Tiến ở sát biển, từ đó có thể nhìn thấy những đóa hoa màu tím xinh xinh mọc lên từ vạt rau muống biển xanh rờn... Hồi đó thiếu chất đốt nên người ta thường đun bằng củi, vậy mà hàng cây dương dọc biển vẫn tỏa bóng rợp mát trên bãi cát, người ta chỉ đi mót những cành cây khô và lá dương rụng đem về làm chất đốt chứ ít ai chặt cây; bây giờ thì khác, ngay cả cây trên rừng cũng bị người ta chặt phá không thương tiếc, thay vì “phủ xanh đồi trọc”, họ lại “cạo trọc đồi xanh”...
Ở gần biển Thanh Bình lúc đó còn có nhà Lý phó Diệu Minh, ngôi nhà nằm trên đường Ông Ích Khiêm, Lý phó có khá nhiều chị em, trong đó có cô em kế rất dễ thương, học lớp 11 cùng trường, tuy nhiên hình như thấy ba mẹ của Lý phó có vẻ nghiêm nên nhiều chàng ngại đến...
Thỉnh thoảng tôi cùng mấy tên hàng xóm làm siêng, đạp xe qua biển Mỹ Khê tắm, hồi đó chỉ có độc nhất một cây cầu bắt qua sông Hàn, nối qua ngã ba Non Nước, do đó nhiều người sang sông tập trung ở bến phà sông Hàn, phà cập bến là mạnh ai người ấy zọt lẹ lên tìm chỗ đứng. Qua phà, phải đạp xe khá xa mới đến bãi biển Mỹ Khê. Khác với Thanh Bình, nước biển Mỹ Khê trong xanh, sạch sẽ, nhưng khá sâu, có chỗ dòng nước ngầm xoáy rất nguy hiểm, một số người đã bị chết đuối ở đó, vì vậy bọn tôi chỉ dám quanh quẩn ở mực nước ngang ngực, không dám liều mạng theo những người bơi giỏi... Tắm biển về bụng đói meo, ăn tô bún lỏng lẻo không dằn bụng được, tôi thường lót dạ sơ sơ 2 tô cơm chiên rồi đi học, riết thành thói quen, sau khi tốt nghiệp phổ thông, đi học xa nhà, gặp lúc thiếu lương thực, buổi sáng chỉ ăn qua quít, đến cở 10 giờ là đói xanh mặt, may sao rồi cũng vượt qua được 4 năm gian khổ ở Sài Gòn; khi trở về Đà Nẵng đi làm có chút tiền, bèn ăn bù bằng công thức: “Tô + Ly + Ổ”...
Thỉnh thoảng tôi cũng đi tắm biển buổi chiều và lang thang đến tối. Sau những giờ bị quấy đảo bởi những tay bơi “cự phách” ở... gần bờ, nước biển buổi chiều không còn trong như buổi sáng, tuy vậy, nhưng vào những ngày hè nóng nực thì cần chi trong với đục, cứ mát là được rồi. Khi mặt trời lặn, biển trở nên thơ mộng hơn, ánh nắng chiều còn sót lại xuyên qua hàng dương những tia le lói... Hoàng hôn xuống dần, trên bãi biển đã thưa bớt người, nền trời chuyển sang xanh thẩm rồi tối hẳn; những chiếc đèn điện thắp bằng ắc-qui sáng lên trên các thuyền câu, lắc lư, nhấp nhô theo sóng biển. Xa tít trên đỉnh núi Sơn Trà, thấp thoáng ánh đèn trong khu vực ra-đa được mệnh danh là “Mắt thần Đông Dương”... Trạm ra-đa nầy nghe nói có thể kiểm soát được cả vùng biển Đông, vậy mà sau vụ Hoàng Sa bị TQ chiếm đóng, đến lượt Trường Sa bị lấn chiếm, nay lại đến vụ “tàu lạ” tấn công ngư dân ta trên biển, không rõ rồi biển của ta sẽ ra sao?!
Buồn!
Biển Thanh Bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét