Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Hành trình kỷ niệm

      B
ây giờ ở cái tuổi không còn trẻ nữa, trong chúng tôi, một số người đã có cháu gọi ông gọi bà rồi, thật là “khủng khiếp”! Mới đó mà đã hơn 30 năm rồi sao?
              Tôi còn nhớ như in cái ngày mà “bộ tứ” chúng tôi là Thanh, Mai, Liên, Sương được phép chuyển trường từ Trần Phú qua Phan Châu Trinh. Hồi đó mới giải phóng học sinh phải học theo liên cư liên địa nghĩa là học sinh ở địa phương nào phải học theo trường ở địa phương đó nên bọn chúng tôi phải vào học trường Trần Phú. Thật buồn chết đi được! Thế là trong suốt một tuần đầu kể từ khi nhập học tâm trang bốn đứa chúng tôi thật sự chẳng an tâm chút nào bởi lẽ cũng có nhiều lí do khiến chúng tôi không muốn học ở trường đó.
             Thế là vào chiều thứ bảy của tuần học đầu tiên, chúng tôi bàn bạc với nhau tìm cách nào để xin chuyển trường,  điều này thật khó, vì nhà trường đã ra quy định là học sinh phải học theo trường liên cư liên địa nên cứ thế mà thực hiện. Nhưng đã bàn là quyết thực hiện không chần chừ, bốn chúng tôi cùng xuống văn phòng xin rút lại 4 bộ hồ sơ nhập học,  thầy Giám Thị bắt chúng tôi phải làm giấy cam đoan là đã rút hồ sơ rồi thì không nộp lại được nữa với bất kì lý do gì.
             Bốn chúng tôi lo lắng nhìn nhau, nhưng “một liều ba bảy cũng liều” nên cả bốn đều quyết định rút. Khi cầm được hồ sơ trên tay rồi chúng tôi đâm hoảng và tâm trạng như đang ngồi trên lửa, vì sẽ nộp vào trường nào và lỡ trường đó họ không nhận thì sẽ sao đây? Không còn chần chờ gì nữa, chúng tôi nhằm trường Phan Châu Trinh mà đến.
 Thời gian thì không còn nhiều, và chúng tôi đều không có xe đạp (hồi ấy lội bộ đi học là chuyện bình thường) nên chúng tôi chạy bộ cho nhanh, chạy mệt thì dừng lại nghỉ, vậy mà chưa tới Ngã Năm thì đứa nào đứa nấy đã mệt lữ, miệng mũi tranh nhau thở, tim thì đập liên hồi tưởng như muốn vỡ cả lồng ngực, cái bì hồ sơ trên tay mỗi đứa như trĩu nặng thêm, làm ruột gan như trăm mối tơ vò……
             Nhưng thật may thay! Đúng là có quý nhân phù hộ.  Lúc nầy nhỏ Sương đang ngồi nghỉ dưới lề đường bỗng đứng phắt dậy, chạy ra đường đưa tay vẫy chiếc xe hơi màu đen đang đi tới; khi xe dừng lại Sương mếu máo:
             - Chú ơi! bạn cháu bị đau đi không được nhờ chú chở giúp bạn cháu đến trường…
             Và Sương chạy xộc tới chỗ Mai nói nhỏ vào tai “giả bộ nhăn mặt bị đau” nhờ vậy mà cả bốn đứa chúng tôi cùng được leo lên xe và được đến trường Phan Châu Trinh, chỉ trong nháy mắt làm cả bọn phục nhỏ Sương sát đất. Chúng tôi rối rít cám ơn, trong khi chú lái xe phóng xe đi mà không hiểu mô tê chi cả.  Thế là bốn đứa chạy thẳng đến văn phòng, tìm gặp thầy tiếp nhận hồ sơ với mấy gương mặt mày méo xệch.
             Thầy tiếp nhận hồ sơ có vẻ nghiêm nghị lắm, không biết hên hay xuôi đây. Cả bốn chúng tôi đều phát huy cái “sở trường” trời cho của con gái với bốn vẻ mặt khác nhau, nhưng đều chung một mục đích: Đứa thì năng nỉ pha chuyện, đứa thì kêu nài cầu cứu, đứa thì ru ru, nịnh nịnh thầy khiến thầy mủi lòng, và có lẽ thấy “bọn nó”cũng dễ thương, nên cuối cùng thầy đồng ý tiếp nhận hết hồ sơ của bốn đứa.
             Không biết các bạn có tưởng tượng được cái nỗi mừng vui của bốn đứa tôi như thế nào không? Chúng tôi reo lên thật to và chạy đến ôm chầm lấy nhau mà không giữ ý tứ, khiến cho mấy người xung quanh trố mắt nhìn và tưởng chúng tôi là “đồ điên hoặc chập mạch”. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi mới cảm nhận được thế nào là hạnh phúc.

             Suốt 9 tháng trời chung lớp, chung trường với biết bao kỉ niệm buồn vui, và rồi trong bọn chúng tôi đã sớm “có đứa theo chồng bỏ cuộc chơi”. Đến ngày thi tốt nghiệp điều nầy đã khiến ba đứa còn lại cảm thấy hụt hẫng, như mất mát một cái gì đó thật là thiêng liêng mà không thể nào tỏ bày và chia sẻ cùng ai được!
             Vậy đó… ba mươi mấy năm sau nầy, chúng tôi sống chung trong một thành phố (dù Như Mai bây giờ đã định cư ở nước ngoài), chỉ cần mười phút chạy xe là đã được ngồi bên nhau để tán gẫu, để kể cho nhau nghe những chuyện dưới đất trên trời, rồi đến chuyện chồng, chuyện con và bây giờ đến chuyện của cháu…
             Ôi đúng là tri kỷ! bởi mỗi khi nghe mấy câu trong bài hát “Mong Ước Kỷ Niệm Xưa” đã làm  tôi không khỏi chảy thầm nước mắt; đặt bàn tay lên môi để giữ chặt tiếng nấc nghen ngào.
             Thời gian ơi sao đi mau! Xin hãy ngừng trôi.
             Dù vẫn mãi luyến tiếc khi đã xa rồi.
             Bạn bè ơi! Nghe như đâu đây còn vang giọng nói tiếng cười.
             Những nỗi nhớ niềm thương của một thời biết gửi cho ai, hay xin gửi vào miền miên viễn...
Đăng Thanh
                                                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét