Hôm đúng cái ngày “trùng cửu”vừa qua, Thầy Đặng Xuân Thông (nguyên là hiệu trưởng trường Tiểu Học Tư Thục Sào Nam Đà Nẵng trước năm 1975) có đến nhà tôi chơi. Thầy hỏi thăm tình hình sinh hoạt và sức khỏe của các bạn cựu học sinh lớp 12A3 chúng ta. Trước khi ra về,thầy có gửi tặng cho tôi mấy tập sách và một số câu chuyện kể. Con xin cám ơn thầy và xin phép thầy cho con được ghi lại những câu chuyện kể của thầy và Đoàn từ thiện Thiện Tâm Đà Nẵng sưu tầm mà thầy đã tặng con để gửi đến các bạn của Giao Mùa cùng đọc và chia sẻ.
HỌC LÀM NGƯỜI
Đại Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi học tiến sĩ. Sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui. Một hôm người đệ tử nầy trở về thưa với đại sư rằng:
- Thưa thầy! Nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau nầy con còn phải học những gì nữa?
Ngài Tinh Vân bảo
- Học làm người. Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được:
1-Thứ nhất - “Học nhận lỗi”: Con người thường không chịu nhận lỗi về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác,cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lớn.
2-Thứ hai -“Học nhu hòa”: Răng người ta rất cứng,lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. Cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
3- Thứ ba - “Học nhẫn nhục”: Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn,vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là bết xử sự,biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ,chuyện nhỏ hóa thành không.
4- Thứ tư- “Học thấu hiểu”: Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp,hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có hòa bình được.
5- Thứ năm-“Học buông bỏ”: Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng,bao dung mới làm cho người ta chấp nhận mình,biết buông bỏ thì mới tự tại được.
6-Thứ sáu- “Học cảm động”: Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu,tâm Bồ Tát, Bồ đề. Trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi có rất nhiều chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
7-Thứ bảy- “Học sinh tồn”: Để sinh tồn, chúng ta phải bảo vệ thân thể khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm. Cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.
ĐẠI HẠ GIÁ
Thời buổi nầy còn cái gì không hạ giá nhỉ? Sách vở,quần áo, đồ điện tử...... hạ giá. Tôi cầm mảnh bằng đại học cạy cục mãi mà vẫn chưa tìm ra việc làm nên cũng nháo nhào ra vỉa hè bán sách đại hạ giá. Từ Victor Hugo, Lev Tolstoy, Tagore, Dostoievski... đến Khái Hưng, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... cả thảy đều bị “hạ”nằm la liệt. Lắm lúc ngồi chồm hổm nhìn xuống các tên tuổi từng “Vang bóng một thời”, tôi thầm hỏi: Nên cười hay nên khóc,thưa chư liệt vị?
Cách đây ít lâu,c ó một ông lão hình dáng tiều tụy mang đến bán hiai pho sách dày. Một cuốn là “Hán Việt Từ Điển”của Đào Duy Anh do Khai Trí xuất bản, cuốn kia là “Petit Larousse Illustré” in tại Paris năm 1973. Sách còn tinh tươm lắm, hẳn chủ nhân đã xài rất kỹ. Thấy giá rẽ tôi mua. Loại ấn bản này đây,gặp loại khách biên biết thì bán cũng được lời.
Ngoài bìa và trang ruột của mỗi cuốn đều có ấn dấu son hình elipse:B ibliothèque -ĐôBi -Professeur”. A!té ra ông lão vốn từng là giáo chức.T hảo nào! Cất tiền vào ví rồi mà ông cứ dùng dằng nuối tiếc, ngảnh lại nhìn những tài liệu-tài sản phải đứt ruột bán đi. Ngoái mãi mấy lần rồi ông mới dắt chiếc xe đạp cà tàng đạp về. Mắt ông đỏ hoe, lòng tôi chợt se lại!
Chiều 25 tết, ngồi cạnh các danh tác tôi vẫn lim dim, thấp thỏm,chồm hổm ra đấy. Qua đường không ai thấy,lá vàng rơi trên giấy. Sài gòn chả có mưa bụi cho đủ khổ thơ của Vũ Đình Liên. Nhưng bụi đường thì tha hồ, đủ khổ thứ dân lê lếch vệ đường như tôi.
-Anh mua bánh bò bánh tiêu?
Một chị hàng rong đến mời, tôi lắc đầu. Bỗng chị sững người chăm chú nhìn vào hai bộ tự điển. Chị ngồi sụp xuống, đặt sề bánh bên cạnh, cầm hết cuốn này đến cuốn kia lật lật. Rồi chị hỏi giá cả hai. Ngần ngừ lúc lâu,chị nói:
-Anh có bán... trả góp không?
-Trời đất ơi! Người ta bán trả góp đủ thứ, chứ sách vở, sách đại hạ giá ai đời bán trả góp? Vả lại tôi nào biết chị là ai và ở đâu?
- Tôi cần mua cả hai- Chị nói tiếp- Xin anh giữ lại đừng bán cho người khác. Khi nào góp đủ tôi sẽ lấy trọn. Anh thông cảm làm ơn giúp tôi.
Thấy lạ, tôi hỏi chuyện mới vỡ lẽ. Đô Bi chính là thầy cũ của chị hàng rong. Chị Tám (tên chị) bất ngờ thấy có dấu son quen, hiểu ra hoàn cảnh của thầy, bèn nảy ý chuộc lại cho người mình từng thọ ơn giáo dục. Song, bán bánh bò bánh tiêu nào được bao nhiêu, lại còn nuôi con nhỏ không đủ tiền nên chị xin trả góp.
Tôi cảm động quá, trao ngay hai bộ từ điển cho chị Tám:
- Chị hãy càm lấy, kịp làm quà tết cho thầy. Tôi cũng chỉ xin lại đúng số vốn mà thôi, chị à.
- Nhưng.....
- Đừng ngại, chị trả góp dần sau này cũng được.
Chị lấy làm mừng rỡ, cuống quýt trả tôi một ít tiền
- Chao ôi, quý hóa quá! Cám ơn... cám ơn.... anh nhá!
Mai lại, chị Tám trả góp tiếp, chị kể:
-Thầy Bi thảm lắm... gần tết, cô lại ngã bệnh... Thầy nhận sách mừng mừng tủi tủi tội ghê anh à! Thầy cũ trò xưa, không cầm được nước mắt, cùng nhau khóc, khóc mãi!
Tôi vụt muốn nhảy cỡn lên và hét to:
“Hỡi ông Victor, ông Lev, ông Dostoievski...ơi! Ông Khái, ông Vũ, ông Ngô...ơi! Có những thứ không bao giờ hạ giá được! Có những người bình thường, vô danh tiểu tốt nhưng có những kiệt tác không hạ giá nổi, đó là “Tấm lòng”!
Đà Nẵng 09/9/2012
Trương Công Ảnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét