Thú thật với các ông các bà 12A3 lớp mình, hồi nớ khôngbiết răng mà các ông các bà ác rứa, làm cho tui bị Cô Nhung chủ nhiệm “cạo gió” tơi bời chỉ vì tờ báo tường của lớp. Chi Hội, Chi Đoàn phát động hơn tuần rồi mà chẳng thấy ma nào nộp bài cả, đến ngày cuối cùng Cô chủ nhiệm ra “tối hậu thư”:
- Cậu làm sao đó thì làm, miễn có báo sáng mai nộp cho Văn Phòng Đoàn Trường là được để tôi phải khó xử… Rồi Cô lặng lẽ ôm cặp lên văn phòng.
Như tui đã trình bày với các bạn ở “Dấu Ấn Của Thời Gian”, rồi cuối cùng tờ báo tường cũng được hoàn thành và nộp đúng thời hạn quy định. Các bạn có biết không, bốn năm anh em chúng tôi phải thức trắng một đêm ở nhà trọ của bạn Lê Hùng vừa “sáng tối”, vừa trang trí trình bày bằng tất cả những khả năng có thể và thật sự hạnh phúc khi nhìn lại sản phẩm tinh thần ấy, thấy cũng được cả về hình thức lẫn nội dung tuy cả nhóm mỏi mệt đến rã rời.
Trong tờ báo có một bài thơ ngắn 8 câu của cô “Lý Phó” Diệu Minh, ghi khiêm tốn ở một góc trang cuối của cuốn vở ghi chép theo dõi thi đua của các tổ trong lớp, tui tình cờ đọc được khi mang sổ về nhà tổng kết thi đua của các tổ trong tuần. Tôi thấy bài thơ rất lạ và tứ thơ hay nên đọc qua vài lần thì bài thơ ấy đã thật sự đi vào lòng tôi lúc nào không biết. Tôi hí hững đem khoe bài thơ ấy với các bạn và được các nhà “Tâm Ní Học” Lê Hùng, Hữu Chi cùng Công Tâm phân tích mổ xẽ xới tung lên đến không sót một chỗ nào (Xin phép “Lý Phó”cho tui được Scan lại nguyên tác bài thơ nầy)
Bài thơ “Giao Mùa”chỉ có thế thôi, và có vẻ hơi biến cách một chút, nhưng tứ thơ ngoài ý nghĩa rất tỉnh là sự thay đổi thời tiết, sự chuyển đổi giao thoa một cách tuần hoàn và thông thường của vũ trụ, giữa các mùa trong năm hết xuân sang hè, hết hè sang thu và hết thu thì đông tới rồi đông tàn lại xuân sang và cứ thế xoay vần dẫn theo tâm tư tình cảm của con người cũng thay đổi. Xuân đến thì trăm hoa đua nở, đất trời ấm áp rạng rỡ và lòng người tràn trề sức sống như xuân; hạ sang thì thời tiết oi nồng nóng bức và tâm trạng con người cũng khó chịu và dường như sẵn sàng xung đột. Thế mà khi những làm gió thu hiu hiu nhè nhẹ đến thêm mấy chiếc lá vàng rơi, thì bỗng dưng lòng người cũng dịu lại và lòng thấy bâng khuâng rạo rưc mơ màng. Nhưng rồi khi những đám mây mù cùng những cơn mưa tầm tã của mùa đông ập đến, mang theo cái rét cắt thịt cắt da thì lòng người trở nên u buồn và trầm lặng nhuốm chút cô đơn. Vì thế khi đọc thoáng qua ta cảm thấy bài thơ mang đầy nét lãng mạn.
Đọc đi đọc lại mấy câu thơ ngắn ngủi tôi lại cảm thấy sau cái lãng mạn và tĩnh lặng ấy, thì bài thơ mang một hơi thở mới và không còn tĩnh lặng nữa, vì chính tiêu đề của bài thơ “Giao Mùa” lại nói lên một chuyển động của thời gian và một sự chuyển đổi lớn lao hơn, của một đất nước, của một xã hội, từ một xã hội cũ sang một xã hội mới và tâm trạng vui mừng hạnh phúc của con người trước sự kiện lịch sứ sang trang đã đem lại những “cành xuân” và mùa xuân vĩnh viễn cho dân tộc và cho cả đất trời. “Giao Mùa “ chính là thời điểm chuyển giao của lịch sử và ý thức hệ của con người. Vì vậy bài thơ từ chỗ mang tính lãng mạn, chuyển sang tính hiện thực khá mới mẽ so với suy nghĩ ủa lớp học sinh chúng ta ngày ấy.
Khi các bạn lo trang trí và viết bài lên báo tôi cảm thấy, giá như có thêm một bài nhạc vào tờ báo thì tờ báo chắc sẽ hấp dẫn hơn, ý nghĩ ấy lập tức ùa đến tâm trí tôi và thế là tôi lấy cây đàn Măng Cầm của bạn Hạnh lẽn ra sau giếng và thả hồn vào bài thơ, đến khi trang bản thảo “Giao Mùa” hình thành vào khoảng nữa đêm, vì không dừng lại được trước tiến trình giai điệu cùng sự bay bỗng của tứ thơ, nên tôi lại dùng giai điệu để viết tiếp thêm mấy câu thơ nữa mà không kịp hỏi ý kiến tác giả:
“Kìa kìa là tiếng hót ríu rít
Hoà cùng cuộc sống mới sáng tươi.
Kìa kìa là tiếng suối róc rách
Hoà cùng rừng núi cất tiếng ca.
Kìa đỉnh trời hồng
Đang vẫy gọi chúng ta”.
Không biết cho đến bây giờ khi đọc lại những dòng nầy, Lý Phó có giận không vì ngay cả “thi từ” của tác giả tôi cũng can thiệp mà không xin phép (Có lẽ do tính cường hào của Lý Trưởng chăng?). Nhưng các bạn biết không, sau khi ra trường cả hai chúng tôi đều mang ba lô lên rừng theo tiếng gọi của “Giao Mùa”. Đứa thì vào công trình thuỷ lợi Phú Ninh, còn đứa thì cầm súng lên đường ra tiền tuyến mang theo trong lòng cái chất “Thép”của Paven.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét