Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Tìm về dấu xưa


          Đêm  Long Xuyên, 12. 06. 2009
                  Trước hết, xin trân trọng cảm ơn “bác Hùng già” đã báo tin và tạo điều kiện cho tôi tìm về dĩ vãng với những bè bạn thân yêu của lớp 12A3(1976 ), trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng mà tôi đã đứt liên lạc từ nhiều chục năm nay.
                    Cuối năm lớp 12, tôi làm hai bộ hồ sơ thi đại học: một bộ thi vào trường Đại học sư phạm Huế, và một bộ thi vào trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Và chắc chắn rắng tôi sẽ thi đại học ở Huế, vì một điều dễ hiểu: Huế gần nhà và chi phí học hành ít tốn kém hơn ở thành phố Hồ Chí Minh.
                    Nhưng có một điều bất ngờ (đến bây giờ tôi nghĩ do số phận đưa đẩy), chỉ còn hơn một tuần nữa đến ngày thi đại học, vào một buổi tối, anh chàng Bùi Đức Nhược rủ tôi đi uống nước và “dụ dỗ”, thuyết phục tôi vào Sài gòn thi đại học. Lúc đầu, tôi lưỡng lự, rồi cuối cùng cũng xiêu lòng. Và tôi quyết định vội vã như người bị ma lực bởi tiếng gọi của tình yêu. Anh Nhược ra quyết định: đêm nay ra bến xe mua vé đi Sài Gòn. Thế là tôi về nhà xin phép gia đình ngay cho kịp hành trình. Trên đường về nhà, tôi suy nghĩ đủ thứ: không biết  ba mẹ có đồng ý cho mình đi thi ở Sài Gòn? rồi chuyện tiền bạc như thế nào?
                   Mỗi lần nghĩ đến chuyện ấy, tôi xúc động  nhớ lại hình ảnh mẹ tôi. – một người mẹ nghèo rất đỗi thương con, hi sinh cho con. Khi nghe tôi nói sẽ cùng anh  chàng Nhược đi Sài Gòn, mẹ tôi có vẻ lo lắng và bảo: “Tại sao con quyết định chuyện này đột ngột như vậy, và làm sao mẹ có thể chạy tiền cho con kịp đêm nay”! Nhưng một lát sau, mẹ tôi vẫn có đủ tiền cho tôi làm lộ phí vào Sài Gòn. Mẹ tôi động viên tôi hãy cố gắng, còn nước còn tát. Nhưng tôi biết đằng sau ánh mắt ấy là biết bao nỗi niềm lo âu, khó tả của mẹ. Tôi vừa mừng vừa buồn, xếp vội mấy quyển vở để ôn thi, và vỏn vẹn hai bộ đồ. Thế là hai sĩ tử lên đường…
                 Tôi và anh chàng Nhược chen lấn mãi mà cũng không thể mua nổi vé xe đi Sài Gòn. Hai đứa buồn thiu khi nghe trên loa thông báo hết vé đi Sài Gòn  - cái âm thanh mà đến bây giờ vẫn còn ám ảnh mãi trong tôi. Tôi quyết định nhanh: mua vé đi Nha Trang, rồi từ Nha Trang sẽ đi tiếp Sài Gòn. Nhờ “ quới nhân” phù hộ nên cuối cùng chúng tôi cũng giành giựt được hai chiếc vé đi Nha trang. Trên chiếc xe đò cà rịch cà tang thời bao cấp xuất bến từ sáng sớm, mãi đến 11 giờ khuya mới tới Nha Trang. Quang cảnh bến xe Nha Trang trông thật khủng khiếp:  những người hồi hương sau mấy mươi năm xa cách “Bên lở bên bồi, bên thương bên nhớ” nằm ngổn ngang trên những chiếc chiếu để đợi mua vé xe đò.Tôi gạ hỏi và biết có nhiều người nằm chờ đã gần tuần lễ mà vẫn không mua được vé. Thế thì hai thằng tui chắc sẽ ăn hết tiền ở  đây rồi tiện thể đi ăn mày luôn!
                 Tôi có người cô ruột  sống ở Nha Trang. Nhưng tôi bàn với anh Nhược không nên ghé nhà cô tôi, mà phải đi ngay, vì chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày  “ứng thí”. Hai đứa ăn hai tô bún bình dân  lúc về khuya cho đỡ đói, rồi vội vàng mướn xe xích lô ra ga xe lửa  mua mua vé tàu chợ đi Sài Gòn. Tất cả do một tay tôi tính toán, hoạch định. Cái anh chàng họ Bùi to xác nhưng lúc ấy vụng tính lắm! (Còn bây giờ thì ghê lắm).
                 Cuối cùng, hai anh em chúng tôi cũng đến Sài Gòn và kịp ngày thi. Số phận đẩy đưa: tôi đậu đại học.
                 Cuối tháng tám năm 1980, sau khi tốt nghiệp ĐHSP TP HCM, tôi được phân công về An Giang, một tỉnh nông nghiệp được bồi đắp phù sa bởi con sông Hậu. Có những buổi tối chuẩn bị đi ngủ, tôi lại suy nghĩ đủ điều. Không hiểu vì sao ông trời lại đưa đẩy mình về đây? Rồi tương lai mình sẽ ra sao?   Giờ này những người bạn cũ của mình ở đâu? làm gì? Số phận từng đứa như thế nào ?
                 Đã 34 năm tôi xa thành phố biển Đà Nẵng và cũng chừng ấy thời gian tôi xa những người bạn, những kỉ niệm đứt quãng tưởng chừng không thể nối lại được.
                  Hễ mỗi lần nhớ quê hương, nhớ về lớp 12A3, từng kỉ niệm lại hiện về da diết. Làm sao có thể quên được những gương mặt dễ thương của năm học cuối cùng bậc THPT  với biết bao biến động: biến động của hoàn cảnh sống, của tuổi đời, của tình cảm tuổi “ teen”, của những trầm tư mặc cảm thế sự với những nghĩ suy hỗn độn  mà đến nay vẫn còn hằn lại dấu vết  như những phế tích loang lổ trên những tháp Chàm miền Trung.
                  Đã 34 năm xa cách nhau và đến nay tất cả chúng ta đều ở vào lứa tuổi “ tri thiên mệnh”. Điều đáng quý là chúng ta vẫn còn tồn tại ở cõi đời này để tiếp tục nhìn đời, để còn “mày, tao, mi, tớ” với nhau như ngày những xưa thân ái. Không thể nào quên được những cái tên đáng yêu : Bác Hùng –Hạnh yêu nhau say đắm; Trương Công Ảnh nghệ sĩ và…; Bùi Đức Nhược thích bông đùa; Tâm hề trên gương mặt, trong giọng nói; “Lí Cựu” (!) có dáng vẻ ông cụ non; Hồ Xuân Tịnh với đôi mắt kính cận thị trông có vẻ nghiêm nghị nhưng vui tính, dí dỏm; cô ả Đoàn Dương Ngọc Tuyền hay nói huyên thuyên và tất nhiên là thích nhỏng nhẻo và đôi khi lí sự nhưng rất đáng yêu …
                Tôi viết những dòng cảm xúc tản mạn này trong lúc tôi đang bận chấm thi tốt nghiệp THPT tại Long Xuyện. Dẫu bài viết  chưa nói hết mọi điều muốn nói song cũng giúp tôi bày tỏ nỗi niềm của mình về những kỉ niệm khó quên của thời áo trắng với biết bao biến động của cuộc đời mỗi người.
                 Còn những điều chưa nói hết hoặc khó nói qua trang viết này với bè bạn, với ai đó, xin hẹn lần gặp tới tại thành phố Đà Nẵng đã từng in dấu xưa kỉ niệm !
Nguyễn Hữu Chi
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét