Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012
Những mảnh ghép thời gian
Sau giờ tan tầm tôi vội vã rời nơi làm việc từ Khu Công Nghiệp Hòa Khánh, chạy theo đường biển Nguyễn Tất Thành, qua cầu Sông Hàn về phía Thọ Quang tìm nhà Đức Lang mà không hẹn trước. Tôi vào nhà mà không thấy ai cả liền lên tiếng:
- Bán cho tạ gạo và hai bình gas hỉ. Và tôi nghe có tiếng người từ nhà sau đi lên với một câu cho đầy ngạc nhiên.
- Ủa… chời ơi lâu quá không thấy anh sang chơi? Tôi chào đáp lễ bà xã của Lang và hỏi thăm có “Ổng” ở nhà không thì bà xã Lang chỉ tay lên gác:
- Dạ có! ổng đang ở trên gác viết bài gì đó, anh ngồi chơi để em lên gọi ổng xuống. Một lát sau hai ông bà từ trên gác xuống, chị vợ thì lo lấy nước còn Đức Lang thì vào nhà trong mặc quần đi ra tiếp khách.
- Chu choa lâu quá hè không thấy ông qua chơi và vừa rót nước mời tôi và nhìn vợ …
- Kìa em…? Như hiểu ý chồng, chị vợ xuống nhà sau bưng lên một dĩa mồi còn Lang thì mở tủ lấy ra hai chai bia bật nắp rót mời tôi một cách ân cần. Tôi xin lỗi là không “chơi” được bia mà chỉ “chơi” được nước trà thôi, chợt nhớ ra vợ chồng Lang đều thông cảm. Sau một hồi thăm hỏi sức khoẻ, công việc làm ăn, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện giải toả đền bù …tôi vô mục đích của mình:
- Sắp tới tôi định bàn với anh em họp mặt lớp 12A3 và dự định sẽ ra một “Đặc San” để làm kỉ niệm và …Tôi chưa kịp nói hết ý thì Lang hồ hỡi:
- Hình như có một linh cảm đặc biệt hay sao ấy! bửa ni tui bỏ nguyên một ngày leo lên gác để viết lại những kỉ niệm hồi anh em mình còn đi học để cho ông Hùng mai mốt chi ổng đến lấy thì ông lại qua chơi … hay quá hè!
Nghe Lang nói mà tôi thấy vui không có chi bằng, tiện thể tôi hỏi Lang có còn giữ ảnh cũ của lớp hồi trước không, Lang chạy u lên gác mang xuống mấy quyển album và tìm cho tôi mấy tấm ảnh mà tôi cần. Quả thật Lang là một người biết trân trọng và gìn giữ quá khứ một cách tuyệt vời: Từ những tấm ảnh hồi còn học tiểu học, hồi học ở Trường Đông Giang, cho đến hồi học ở Trường Phan Chu Trinh, và những tấm ảnh thời đi bộ đội, thời học sư phạm rồi đi dạy …nói chung tất cả đều được gìn giữ cẩn thận và ngăn nắp.
Qua cuộc gặp gỡ nầy tôi như được nhân thêm niềm vui, niềm tin và sức mạnh để thực hiện mơ ước về 12A3 của mình. Lang còn gọi điện thoại cho Nguyễn Đăng Châu và chỉ đường cho tôi tìm Châu để cùng xây dựng ý tưởng đó.
Rời nhà Đức Lang tôi đi tìm nhà Lý Cựu Nguyễn Đăng Châu, cũng không đến nỗi khó tìm, tôi dừng lại đúng số nhà mà Lang đã cho rồi dựng xe vô nhà gọi cửa và tôi được Lý Cựu đón tiếp niềm nỡ. Sau một hồi tâm sự thăm hỏi lẫn nhau, tôi bày tỏ ý tưởng về chuyện họp lớp, về chuyện viết bài làm “Đặc San”…thì Lý Cựu cũng hoan nghênh, nhưng có vẽ không tin tưởng lắm vì cho rằng thời gian qua lâu quá, mọi người chắc sẽ không nhớ gì ngay cả Lý Cựu cũng vậy… vân vân và vân vân …!
Nghe Lý Cựu nói, tôi thấy cũng đúng thôi vì thời gian đã qua lâu quá rồi, không thể bắt mọi người quay về cái nơi mà trong ký ức không còn dấu vết. Không thể bắt mọi người lội bì bõm trong cái nhớ và cái quên một cách miễn cưỡng mơ hồ, để rồi tìm lại bóng dáng mình một cách méo mó trong vòng khuếch tán của cuộc đời trước khi ngưng tụ lại là ta. Bắt tay Lý Cựu ra về mà lòng cảm thấy chênh vênh trước không khí náo nức của cả thành phố chuẩn bị đón chờ cuộc thi “Bắn Pháo Hoa Quốc Tế” sắp diễn ra. Tôi đi theo dòng người hối hả về nhà và chìm vào trong miền ký ức thẳm sâu, tôi xới tung hồi niệm rồi làm một kẻ lang thang đi kiếm tìm những mảnh ghép của thời gian đã chìm vào quên lãng.
Tôi mang cái gia tài người lính mà tôi cất giữ bấy lâu nay ra và bắt đầu đi tìm “Báu Vật”, quả thật quá khứ không phụ hoài tôi. Trong vô số “Báu Vật” mà tôi cất giữ có một lời bộc bạch của một bạn (không đề tên mà cũng chẳng biết nam hay nữ) về tâm tư nguyện vọng khi ra trường. Xin được Scan nguyên bản tâm tư ấy để mong biết đâu có ai đó trong chúng ta sẽ nhận ra bút tích của mình chăng?
Những năm tháng xa xưa khó khăn là vậy, thiếu thốn là vậy mà sao chúng tôi vẫn yêu đời, vẫn lạc quan và vẫn khát khao chờ đợi mong tin nhau từng phút từng giờ cho dù chỉ là những cánh thư bé nhỏ mong manh. Đó chính là những món quà tinh thần vô giá mà cho đến tận bây giờ không có gì so sánh được. “Cục Xương” ơi! không biết bạn còn nhớ hay không?
Trong những ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp ra trường, bạn bè bịn rịn chia tay nhau, tôi nhớ có một “Nhà Thơ” hiệu là THANH THÁM tặng một bài thơ vô đề cho Tâm Hề hay còn gọi là “ Tâm Ta Lư” để làm kỷ niệm. Xin phép được mở ngoặc một chút về biệt danh “Tâm Ta Lư”, chắc các bạn chưa quên, hồi mới giải phóng không hiểu vì sao mà “phong trào ghẻ ngứa” phát triễn tùm lum còn goị là “Ghẻ Bộ Đội”, Tâm Hề nhà ta cũng hưởng ứng tham gia, nên trên da cũng lấm tấm nốt xanh nốt đỏ, thỉnh thoảng “lên Cơn” cũng đưa tay “tính, tính, tính tinh tang tang tình…” theo giai điệu bài ca “Tiếng Đàn Ta Lư” cho đã cơn ghiền, thành thử mới được nhà thơ THANH THÁM đặt cho cái nick name đầy mùi lưu huỳnh và ưu ái tặng thơ.
Xin mời các bạn cùng đọc bài thơ mà nội dung của nó không hề liên quan gì đến ghẻ ngứa cả :
Riêng tôi, dù Lý Cựu là bậc tiền nhiệm của tôi trong cái Làng 12A3 ngày ấy nhưng chúng tôi rất quý nhau và đều tạo mọi điều kiện giúp nhau hoàn thành công việc của mình, không hề có ý so bì hay tị nạnh. Có thể nói sợi dây bằng hữu giữa tôi và Lý Cựu khá bền chặt và cho đến bây giờ sợi dây ấy vẫn còn mãi lung linh cho dù nó đã hơn 30 năm rồi đấy:
Cho đến khi tôi “giả từ vũ khí”, về làm “Tên Lính Ngự Lâm”gác cửa giảng đường thì cũng may mắn và hạnh phúc được sống lại cái không khí của thời 12A3- 76, khi còn có người nhớ tới cái danh hảo Lý Trưởng của tôi, làm tôi vô cùng xúc động. Xin phép tác giả cho tôi được Scan lại một phần bức thư để làm một mảnh ghép thời gian nối lại qúa khứ với hiện tại, để thấy rằng quá khứ không mất đi mà nó đang được tái hiện lại và sẽ thăng hoa trong hiện tại của mỗi chúng ta:
Để “Những Mảnh Ghép Thời Gian” được gần lại với chúng ta hơn, tôi xin được mượn 4 câu thơ của Lý Cựu để kết thúc bài viết nầy:
“Có đi mới thấy nhớ nhà
Có xa mới biết lòng ta vốn gần
Bạn bè ơi ! những mến thân
Rộn lòng đi… lại bâng khuâng vô cùng !”
Đà Nẵng 26-03-2009
Trương Công Ảnh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét