Lớp học chỉ có một năm vỏn vẹn, thời gian quá ngắn nên cái lớp ấy dễ bị mờ đi trong ký ức. Nó như một đoạn ngắn trên quãng đường dài, đi qua một lần mấy ai nhớ rõ.
Một hôm tình cờ gặp Võ Ngọc Thanh, người đã cùng học và nhớ rất nhiều bạn bè, cả thầy cô của lớp 12 ngày trước. Tuy không nhớ nhiều như bạn nhưng cái lớp 12 đó thì tôi chẳng thể quên. Không bao giờ quên vì nó gắn liền sau một mùa hè mà tôi phải đi làm những công việc nặng nhọc, gần như quá cái sức non trẻ của mình để phụ giúp gia đình, vì đời sống khi ấy đã khó khăn nhiều.
Suốt kỳ nghỉ hè năm 1975, tôi mang cơm gói theo những người lớn lên núi Sơn Chà đốn củi, mỗi đợt đi gần trọn một tuần. Hết đợt đốn củi thì theo ghe thuyền ra biển đánh tôm, bủa cá. Nghề đánh tôm làm ban đêm nên giấc ngủ chập chờn, người khó ngủ gần như thức trắng đêm. Da bàn tay cứ phồng lên, bong ra, nhiều khi bị triên lưới cứa đứt. Bàn tay chai đi vì công việc nặng, để rồi ôm sách vở bước tiếp vào năm học mới- Năm lớp 12 niên khóa 1975-1976.
Đó là năm học đầu tiên trong hòa bình sau hơn hai mươi năm đất nước chiến tranh tàn khốc. Không còn phải lo cảnh đạn bom chết chóc, nhưng người ta lại lo âu cái gánh nặng cơm áo hằng ngày. Năm đó không còn trường tư nữa, đi học không tốn một đồng. Lớp 11 Phan Châu Trinh cũ chỉ còn cở bảy, tám người, còn lại là các bạn từ nhiều trường khác vào cùng học. Thế mà lại hay, vì ta thêm nhiều bạn mới.
Năm học đó, học sinh không phải mặc đồng phục, áo bỏ ra ngoài vẫn được. Nghĩ ra cũng tiện, vì nó đỡ gò bó, bọn con trai có mặc những chiếc quần mạng vá cũng chẳng ai thấy. Nam học sinh phần lớn mang dép lốp xe, rẻ mà bền, nhưng bất tiện vì đi một lúc bàn chân đã đen sì.
Nói cho đúng, chưa giải phóng miền Nam vào năm 1975 thì không bao giờ có cái lớp 12A3 đó. Tháng 3-1975, lứa tuổi chúng tôi đã có lệnh tổng động viên vào quân đội Sài gòn. Rất may là cuối tháng 3 năm 1975 Đà Nẵng được giải phóng để bọn chúng tôi còn tiếp tục đến trường, và nhiều người ở các trường khác nhau lại ngồi chung một lớp.
Những ngày học hai buổi, trưa tôi ở lại trường vì nhà xa, phải qua sông. Những bạn cũ hay rũ tôi về nhà ăn cơm trưa, nhiều nhất phải kể đến Lê Hùng, bạn ấy ở trọ nhà chú, phải mang gạo từ quê ra, tự nấu ăn, khó khăn lắm! Ăn cơm của bạn mà thấy tội bạn quá! Tôi lại đến nhà Hồ Xuân Tịnh, Trương Công Ảnh, Bùi Đức Nhược. Một số bạn mới cũng rủ tôi về nhà: Võ Ngọc Thanh, Ng.Văn Phong, Thân Văn Tây, Ng.Hoàng Minh... và chắc còn nữa do lâu ngày quá không thể nào nhớ hết. Võ Ngọc Thanh đã cho tôi một số sách tiếng Anh và tiếng Pháp. Trong đó có quyển “ Le pont de la riviere Kwai” (Cầu sông Kwai), tôi chỉ tra dịch một phần rồi bỏ. Sau mới biết đó là tác phẩm được dựng thành phim rất nổi tiếng. Thân Văn Tây cũng cho tôi một số con tem thư mà cho đến nay tôi vẫn còn lưu giữ.
Cái năm lớp 12 đó, độ tuổi chúng tôi đâu còn vô tâm được nữa, cái thời buổi cơ cực đã làm cho bọn tôi thêm ưu tư, già dặn. Cả năm học lòng tôi chẳng lúc nào vui. Phải cố học cho xong cấp 3, còn gì nữa thì sẽ tính sau. Có thể đây là lớp cuối cùng của nhiều người, chia tay sách vở để bước vào cuộc sống mới.
Cuối năm học, chúng tôi cũng chuyền cho nhau những tờ lưu bút, cho nhau vài lời trước lúc chia tay không hẹn ngày gặp lại. Những dòng chữ ngắn ngủi như năm học qua mau, với những câu “Một người bạn không gần, chẳng xa, nhưng dễ cảm tình” hay “Một năm học ngắn ngủi để lại nhiều cảm mến”. Không còn những câu đầy lưu luyến của những lớp trước kia.
Vào ngày thi Tốt nghiệp cấp 3, tôi đi thật sớm. Khi rời đò bước lên bờ thì linh tính thiếu một cái gì! Đúng là quên thẻ dự thi. Tôi vội vàng thuê một vòng đò về lấy thẻ, rồi tất tả đi như chạy cho kịp giờ. Mất bao nhiêu là thời gian rồi! Đi nữa đường Quang Trung bỗng nghe tiếng gọi giật giọng “Anh Lang”, quay lại thì gặp Nguyễn Thị Hồng Loan, cũng tất tả phóng xe đạp từ trong hẻm đi ra - cũng là quên thẻ. Tôi nhanh tay cầm lấy ghi đông xe, đèo Hồng Loan phóng vội đến trường. Vừa may lớp xếp hàng xong. Cái vất vả của năm học đó theo tôi đến tận ngày cuối cùng.
Ba mươi mấy năm đã trôi qua, thời tuổi trẻ và thời gian khổ! Nhớ lại thời gian ấy lòng tôi cứ chùng xuống, nỗi buồn còn lẩn quất đâu đây.
Bạn cũ của lớp 12, nhớ lại thấy rất thương. Các bạn phải mòn chân lê bộ trên những đường phố dài đi học, cái thời nhường cơm cho nhau và có mấy ai may quần áo mới. Và chắc cái ước mơ của nhiều người cũng rất đơn sơ.
Tôi bỗng nhớ lại những câu tôi viết từ lâu lắm:
Dù bao năm tháng, qua muôn nẻo,
Vẫn gởi niềm thương đến bạn bè.
Nguyễn Đức Lang
Tháng 5-2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét