Hồ Xuân Tịnh
Từ 10C1... Năm đầu tiên của đệ nhị cấp, tôi cùng mấy “trự” bạn thân hồi lớp 9 chọn ban C, không phải vì giỏi ngoại ngữ, mà một phần bởi yêu thích văn chương và cả vì kém môn toán. Mấy anh em Trương Công Ảnh, Bùi Đức Nhược, Phạm Tấn Dũng, Tịnh của 9/2 được xếp vào lớp 10C1, các bạn Nguyễn Khoa Chiến, Lê Thanh Quang, Võ Lâm, Lý An Thành, Dương Đăng Cao... ở lớp 9/3 và một số bạn từ các trường khác chuyển qua như Lê Hùng, Nguyễn Đức Lang, Nguyễn Đăng Châu, Nguyễn Khoa Lương Bảo, Trần Hữu Hùng... Suốt 4 năm Đệ nhất cấp, trong lớp chỉ toàn đực rựa, trêu đùa nhau vô tư, nhưng đặc biệt năm lớp 10, trong lớp có thêm 6 bông hoa tươi thắm, thế nên mặc dù đám con trai vẫn còn những trò nghịch ngợm của học sinh, song phần nhiều đã bắt đầu trở nên chửng chạc hơn, bớt đi những trò “trẻ con” hồi lớp 9. Đến bây giờ mặc dù đã hơn 30 năm, tôi vẫn nhớ rất rõ các bạn Phan Thị Thọ, Nguyễn Thị Thu, Đinh Thị Ngọc Nữ, Phạm Thị Mỹ Hạnh, Trương Tăng Liên Thi, nhất là Phùng Thị Nghĩa - người có giọng ca truyền cảm được nhiều bạn trong trường mến mộ. Niên khóa 1974-1975, lớp được bổ sung thêm một số bạn nữ từ các trường khác chuyển đến như Cẩm Túy, Hồng Sa, Thịnh, Thúy Loan... tuy nhiên thời gian tồn tại của lớp 11C1 chỉ đến đầu tháng 3/1975 là chấm dứt, chiến sự ở Quảng Trị, Huế ngày càng ác liệt, người dân từ 2 tỉnh nầy di tản vào Đà Nẵng quá nhiều, các trường học phải nghỉ dạy để có chỗ cho người di tản tạm trú. Chỉ học với nhau trong thời gian ngắn nên các bạn mới và cũ chưa kịp hòa đồng, sau đó một số bạn dã di tản cùng gia đình, từ đó đến nay không nghe tin tức gì...
Hồi ấy lên lớp 10 được học 2 sinh ngữ, lớp 10C1 sinh ngữ chính là Pháp văn, sinh ngữ phụ là Anh văn. Tiết học đầu của giờ Pháp văn cả lớp hơi bị “rét”, các bạn có biết tại sao không? Vị giáo sư dạy môn Pháp văn là thầy Lê Long Viên, một Tổng giám thị nổi tiếng nghiêm khắc của trường. Ấy vậy mà qua vài buổi học, mới biết Thầy chỉ nghiêm khắc với mấy anh “quậy” thôi, còn trong giờ lên lớp, Thầy dạy rất nhiệt tình và không đến nổi “ngầu” như bề ngoài. Môn sinh ngữ phụ Anh văn do thầy Phương dạy, thầy Phương cũng là một vị Giám thị theo dõi các đệ nhất cấp, nhiều anh ở trong lớp đã được thưởng thức “món” roi mây của thầy mấy năm trước, nay cũng “rét run”; thế nhưng cũng như thầy Viên, thầy Phương khi dạy không hề “tặng” roi cho ai cả, mặc dù nhiều bạn đang học tiếng Pháp nay học thêm Anh văn phát âm sai be bét, thầy vẫn cố uốn lưỡi, luyện giọng cho các bạn.
Lúc bấy giờ thầy Trần Thông dạy môn Quốc Văn, giáo sư hướng dẫn của lớp là người để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng học sinh thời bấy giờ, không chỉ về phương pháp giảng dạy mà cả tấm lòng của Thầy đối với học sinh, Với đồng lương của giáo sư thời bấy giờ, phần lớn các thầy cô đi lại bằng xe máy, có người còn sắm ôtô, trong khi đó phương tiện đi lại của Thầy lúc bấy giờ là chiếc xe Vélo cà tàng, thế nhưng Thầy sẵn lòng cưu mang một số học sinh nghèo khó, mỗi lần đến thăm Thầy tôi thường thấy có mấy học sinh lớp trên ở cùng nhà Thầy. Thầy Trần Thông còn tiếp tục làm hướng dẫn lớp năm lớp 11; vài năm sau Thầy chuyển về dạy tại trường Trung học Đại Lộc, sau đó là trường Trung học Hòa Vang và cuối cùng trở về trường cũ Phan Châu Trinh. Đã nhiều năm xa cách nhưng trong tôi vẫn giữ mãi lòng kính mến Thầy như ngày nào.
Sau ngày Giải phóng Đà Nẵng một thời gian, Chính quyền Cách mạng đã mở cửa lại các trường học, chúng tôi tiếp tục đến lớp để học nốt phần còn lại của chương trình lớp 11, tuy nhiên lớp không còn đông đủ như trước, nhiều chỗ ngồi đã để trống, tôi có cảm giác hụt hẩng, bởi thiếu vắng một số người bạn thân thiết như Nguyễn Khoa Lương Bảo, Lê Thanh Quang, Nguyễn Khoa Chiến, Võ Lâm, Lý An Thành...
...Đến 12A3
Sang năm lớp 12, nhà trường Cách mạng phân ban trở lại, không như trước, lúc nầy ban A là Văn- Sử - Địa, B là Ngoại ngữ, C là Toán, D là Hóa -Sinh. Một số bạn ở 11C1 cũ nay vào lớp 12A3 thêm vào đó là các bạn từ trường Hồng Đức và vài trường khác sang; chính vì thế, thời gian đầu sinh hoạt của lớp rất rời rạc, nhóm nào chơi với nhóm ấy...
Hồi mới khai giảng, Đăng Châu được chỉ định làm lớp trưởng, tuy nhiên anh bạn nầy có giọng nói nhỏ nhẻ nên không điều khiển nổi lớp, sinh hoạt trong lớp quá ì ạch, đến mức cô Mua, cô giáo chủ nhiệm đầu tiên của lớp phải “bó tay”... Lúc bấy giờ, Ban Giám hiệu đã có quyết định cử cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên dạy môn Văn, là Bí thư Đoàn Trường làm chủ nhiệm lớp, Cô đã củng cố lại ban cán sự lớp, Công Ảnh được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng, Đăng Châu làm Chi hội trưởng, từ đó các bạn thường gọi đùa Đăng Châu là “Lý Cựu”, Công Ảnh là “Lý trưởng”, Diệu Minh làm lớp phó lao động - học tập, “Bốn mắt” là lớp phó văn nghệ - thể thao.
Năm đầu tiên học các môn Văn, Sử, Địa với chương trình và nội dung mới, có lẽ nhiều bạn chưa thích nghi được nên thời gian đầu có lơ là, tuy nhiên càng về sau, nhờ sự giảng dạy nhiệt tình của các thầy cô, phần lớn các bạn đã tiếp thu tốt bài học.
Môn Sử do thầy Nhất dạy, những bài học lịch sử với quan điểm hoàn toàn mới, nhiều sự kiện dài lê thê khó nhớ, song với cách truyền đạt của thầy một số bạn đã nắm được nội dung bài ngay ở lớp, về nhà chỉ học qua là thuộc...
Trong năm học của lớp 12, để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là cô giáo Chủ nhiệm, Cô không chỉ có kinh nghiệm giảng dạy môn Văn mà còn có phương pháp tâm lý, biết khơi dậy lòng tự trọng của học sinh, nhìn bên ngoài cứ tưởng Cô “khoán” hết cho lớp trưởng, song thực sự, Cô đã đề cao tinh thần tự quản của lớp. Với sự dìu dắt của Cô, từ một lớp suýt bị giải tán, 12A3 đã vươn lên trở thành một lớp có tinh thần tập thể cao, tham gia tốt các phong trào của Trường, nhất là văn nghệ -với dàn nhạc dây độc đáo gồm 2 đàn guitar, 3 mandolin, 2 harmonica và 1 violon- nổi đình nổi đám ở trường Phan Châu Trinh thời bấy giờ... Nhờ được học Văn với cô, tôi đã có những kiến thức cần thiết để thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học, và nhất là giúp tôi tự tin thi vào đại học... Ngày hôm nay, tôi đạt được một số thành quả trong công việc chuyên môn, ấy là nhờ học được rất nhiều điều từ Cô giáo chủ nhiệm kính yêu.
Cảm động nhất là có một lần đến thăm Cô vào khoảng năm 1981, Cô đã đưa cho tôi một số tấm ảnh 3 x 4 của một số bạn trong lớp mà Cô đã lưu giữ từ năm 1976, ý định của Cô là làm một tấm hình lưu niệm chung cho lớp 12A3, nhưng chỉ có hình của 25 bạn, mà các bạn biết đó lớp chúng ta có đến 57 bạn, trong lúc đó phần lớn các bạn chúng ta mỗi người một nơi, tôi chỉ thường xuyên gặp được một số người nên không thể tập hợp được hình chung cho lớp. Không thể thực hiện được ý định của cô, tôi giữ mãi những tấm hình ấy mà chẳng biết phải làm sao...
Trong lớp 12A3, Công Ảnh, Đức Nhược lại là những người bạn vô cùng thân thiết với tôi, bọn tôi gắn bó với nhau từ hồi lớp Đệ Thất đến nay. Công Ảnh lớn tuổi hơn tôi và Nhược, hắn ở vùng quê Đại Lộc, vì chiến tranh ác liệt nên ra Đà Nẵng ở trọ nhà ông chú để đi học. Hắn rất đam mê âm nhạc, không biết hắn học đàn từ lúc nào mà từ hồi học Đệ nhất cấp đã chơi mandolin rất hay, sau Ảnh còn chơi đàn guitar, trống. Những năm học cấp III Công Ảnh còn tập tò sáng tác ca khúc, hắn là “linh hồn” của ban nhạc 12A3 thời bấy giờ... Là người tài hoa nhưng lận đận, cuộc đời của hắn đã bao phen “lên bờ, xuống ruộng”; tuy vậy hắn vẫn sống rất tình cảm, vẫn sáng tác không chỉ âm nhạc mà còn “lấn sân” làm thơ và viết thư pháp.
Năm lớp 10 chúng tôi còn kết thân với Lê Hùng, Đức Lang và Đăng Châu từ trường Đông Giang chuyển qua. Trong những năm lớp 10 và 11 Lê Hùng chưa bộc lộ khả năng gì, nhưng sang lớp 12, bọn tôi phải “kính cẩn cúi chào” và tôn Hùng lên bậc “bác” bởi tài năng tán tỉnh của lão. Hồi đó trong số nữ sinh của lớp, lão để ý bạn Hạnh, không biết do năng khiếu hay lão có “bí kíp” gì mà chỉ trong thời gian ngắn, chị Hạnh nhà ta bằng lòng để lão làm “gác-đờ-co” và chịu “theo chàng về quê”. Xin bái phục, bái phục!
Trong nhóm bạn thân của chúng tôi còn có Công Tâm và Hữu Chi. Công Tâm có tài làm hề và hay chọc cười các bạn trong lớp, hồi đó gia đình hắn rất khó khăn, có lúc hắn định bỏ học, nhưng nhờ có ông bà nội nên hắn đã vượt qua được thời gian khổ. Hữu Chi nhỏ con nhất trong nhóm nhưng khá “hung hăng”, ít khi chịu thua ai, được cái học rất chăm, hắn cũng là thành viên trong ban nhạc 12A3. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cả ba đứa tôi cùng vào học ở Sài Gòn, Tâm và tôi cùng trường, Chi học khác trường nhưng bọn tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Ra trường, mỗi đứa làm việc ở một nơi, ít khi gặp nhau nhưng tình thân vẫn như ngày nào.
Khác với 2 năm trước, lớp 12A3 có nhiều bạn gái hơn, ngoài những bạn cũ ở 11C1, nhiều bạn gái khác ở trường Hồng Đức chuyển sang, trong số đó tôi nhận ra một vài người rất quen, đó là Kim Liên -người cùng sinh hoạt ở Gia đình Phật tử Hòa Thuận với tôi từ mấy năm trước, Thu Sương -con gái một người bạn của ba tôi. Một số gương mặt nữ sinh khá ấn tượng trong lớp như Thanh Thủy biệt danh là nữ hoàng “A-lê-zô-bếp”, Thanh Vân có mái tóc vàng hoe, Phúc có mái tóc uốn xoăn như lò xo, Hồng Loan khá bướng bỉnh -là nhạc công nữ thổi harmonica trong ban nhạc 12A3-... Hồi đó trong lớp có 3 bạn nữ từ miền Bắc vào, đó là Bích Hà, Minh Hà, Minh Hải; xinh nhất là Bích Hà, tuy mới vào lớp nhưng chúng tôi cũng dễ dàng hòa đồng với nhau...
Niên khóa 1975-1976 trôi qua mau, chỉ trong một thời gian ngắn nên chưa đủ để gắn kết tất cả mọi thành viên trong lớp lại với nhau, tuy vậy cũng đã hình thành những tình cảm tốt đẹp trong một số nhóm bạn, trong đó có nhiều bạn vẫn giữ được liên lạc thường xuyên với nhau từ đó đến nay; gần đây, Cục Xương (Nguyễn Lợi) đã tìm cách liên lạc, kết nối lại được nhiều bạn trong lớp, nhờ vậy mà hôm nay tập kỷ yếu nầy ra đời và đến tay các thầy cô và các bạn...
Còn nhiều điều khác về lớp mà tôi vẫn nhớ như in, song tên Lý trưởng “quen thói cường hào”, đã “lạm quyền” viết trước rồi, thôi đành dừng ở đây vậy!
Tam Kỳ, tháng 5/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét