Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Chuyện kể của thầy


Chuyện kể của thầy

     Hôm đúng cái ngày “trùng cửu”vừa qua, Thầy Đặng Xuân Thông (nguyên là hiệu trưởng trường Tiểu Học Tư Thục Sào Nam Đà Nẵng trước năm 1975) có đến nhà tôi chơi. Thầy hỏi thăm tình hình sinh hoạt và sức khỏe của các bạn cựu học sinh lớp 12A3 chúng ta. Trước khi ra về,thầy có gửi tặng cho tôi mấy tập sách và một số câu chuyện kể. Con xin cám ơn thầy và xin phép thầy cho con được ghi lại những câu chuyện kể của thầy và Đoàn từ thiện Thiện Tâm Đà Nẵng sưu tầm mà thầy đã tặng con để gửi đến các bạn của Giao Mùa cùng đọc và chia sẻ.

HỌC LÀM NGƯỜI

  Đại Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi học tiến sĩ. Sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui. Một hôm người đệ tử nầy trở về thưa với đại sư rằng:
   - Thưa thầy! Nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau nầy con còn phải học những gì nữa?
  Ngài Tinh Vân bảo
   - Học làm người. Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được:
  1-Thứ nhất - “Học nhận lỗi”: Con người thường không chịu nhận lỗi về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác,cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lớn.
 2-Thứ hai -“Học nhu hòa”: Răng người ta rất cứng,lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. Cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
  3- Thứ ba - “Học nhẫn nhục”: Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn,vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là bết xử sự,biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ,chuyện nhỏ hóa thành không.
  4- Thứ tư- “Học thấu hiểu”: Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp,hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có hòa bình được.
  5- Thứ năm-“Học buông bỏ”: Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng,bao dung mới làm cho người ta chấp nhận mình,biết buông bỏ thì mới tự tại được.
  6-Thứ sáu- “Học cảm động”: Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu,tâm Bồ Tát, Bồ đề. Trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi có rất nhiều chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
   7-Thứ bảy- “Học sinh tồn”: Để sinh tồn, chúng ta phải bảo vệ thân thể khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm. Cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.

ĐẠI HẠ GIÁ

   Thời buổi nầy còn cái gì không hạ giá nhỉ? Sách vở,quần áo, đồ điện tử...... hạ giá. Tôi cầm mảnh bằng đại học cạy cục mãi mà vẫn chưa tìm ra việc làm nên cũng nháo nhào ra vỉa hè bán sách đại hạ giá. Từ Victor Hugo, Lev Tolstoy, Tagore, Dostoievski... đến Khái Hưng, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... cả thảy đều bị “hạ”nằm la liệt. Lắm lúc ngồi chồm hổm nhìn xuống các tên tuổi từng “Vang bóng một thời”, tôi thầm hỏi: Nên cười hay nên khóc,thưa chư liệt vị?
  Cách đây ít lâu,c ó một ông lão hình dáng tiều tụy mang đến bán hiai pho sách dày. Một cuốn là “Hán Việt Từ Điển”của Đào Duy Anh do Khai Trí xuất bản, cuốn kia là “Petit Larousse Illustré” in tại Paris năm 1973. Sách còn tinh tươm lắm, hẳn chủ nhân đã xài rất kỹ. Thấy giá rẽ tôi mua. Loại ấn bản này đây,gặp loại khách biên biết thì bán cũng được lời.
Ngoài bìa và trang ruột của mỗi cuốn đều có ấn dấu son hình elipse:B ibliothèque -ĐôBi -Professeur”. A!té ra ông lão vốn từng là giáo chức.T hảo nào! Cất tiền vào ví rồi mà ông cứ dùng dằng nuối tiếc, ngảnh lại nhìn những tài liệu-tài sản phải đứt ruột bán đi. Ngoái mãi mấy lần rồi ông mới dắt chiếc xe đạp cà tàng đạp về. Mắt ông đỏ hoe, lòng tôi chợt se lại!
Chiều 25 tết, ngồi cạnh các danh tác tôi vẫn lim dim, thấp thỏm,chồm hổm ra đấy. Qua đường không ai thấy,lá vàng rơi trên giấy. Sài gòn chả có mưa bụi cho đủ khổ thơ của Vũ Đình Liên. Nhưng bụi đường thì tha hồ, đủ khổ thứ dân lê lếch vệ đường như tôi.
   -Anh mua bánh bò bánh tiêu?
    Một chị hàng rong đến mời, tôi lắc đầu. Bỗng chị sững người chăm chú nhìn vào hai bộ tự điển. Chị ngồi sụp xuống, đặt sề bánh bên cạnh, cầm hết cuốn này đến cuốn kia lật lật. Rồi chị hỏi giá cả hai. Ngần ngừ lúc lâu,chị nói:
  -Anh có bán... trả góp không?
  -Trời đất ơi! Người ta bán trả góp đủ thứ, chứ sách vở, sách đại hạ giá ai đời bán trả góp? Vả lại tôi nào biết chị là ai và ở đâu?
  - Tôi cần mua cả hai- Chị nói tiếp- Xin anh giữ lại đừng bán cho người khác. Khi nào góp đủ tôi sẽ lấy trọn. Anh thông cảm làm ơn giúp tôi.
    Thấy lạ, tôi hỏi chuyện mới vỡ lẽ. Đô Bi chính là thầy cũ của chị hàng rong. Chị Tám (tên chị) bất ngờ thấy có dấu son quen, hiểu ra hoàn cảnh của thầy, bèn nảy ý chuộc lại cho người mình từng thọ ơn giáo dục. Song, bán bánh bò bánh tiêu nào được bao nhiêu, lại còn nuôi con nhỏ không đủ tiền nên chị xin trả góp.
    Tôi cảm động quá, trao ngay hai bộ từ điển cho chị Tám:
- Chị hãy càm lấy, kịp làm quà tết cho thầy. Tôi cũng chỉ xin lại đúng số vốn mà thôi, chị à.
  - Nhưng.....
     - Đừng ngại, chị trả góp dần sau này cũng được.
   Chị lấy làm mừng rỡ, cuống quýt trả tôi một ít tiền
- Chao ôi, quý hóa quá! Cám ơn... cám ơn.... anh nhá!
  Mai lại, chị Tám trả góp tiếp, chị kể:
   -Thầy Bi thảm lắm... gần tết, cô lại ngã bệnh... Thầy nhận sách mừng mừng tủi tủi tội ghê anh à! Thầy cũ trò xưa, không cầm được nước mắt, cùng nhau khóc, khóc mãi!
   Tôi vụt muốn nhảy cỡn lên và hét to:
    “Hỡi ông Victor, ông Lev, ông Dostoievski...ơi! Ông Khái, ông Vũ, ông Ngô...ơi! Có những thứ không bao giờ hạ giá được! Có những người bình thường, vô danh tiểu tốt nhưng có những kiệt tác không hạ giá nổi, đó là “Tấm lòng”!
  
 Đà Nẵng 09/9/2012

 Trương Công Ảnh

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Thơ Xuân Đồ Gàn

Thơ xuân Đồ Gàn

Rồng đi thì rắn lại về
Thìn qua tỵ tới ô kê cả làng
Chúc cho tất thảy bình an
Mạnh khỏe hạnh phúc an khang tuyệt vời
Chúc cho bằng hữu khắp nơi
Bước qua năm mới gặp thời nhiều hênh
Chúc cho xóm dưới làng trên
Nghĩa tình son sắt vững bền trước sau
Giao Mùa tuy chẳng sang giàu
Một thời áo trắng cùng nhau trở về
Dù cho cuộc sống bộn bề
Buồn vui chia sẻ ta hề nghĩ suy
Chúc nhau năm mới lì xì
Mấy vần con cóc với ly rịu nầy
Chính hiệu rịu thuốc Ông Thầy
Mời bằng hữu cùng Gàn đây chúc mừng.

                                              27/12/2012
                                       
                                                Đồ Gàn

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Qua rồi tận thế

Qua rồi tận thế!

Cái ngày tận thế qua rồi
Cuộc sống như cũ đất trời bình yên
Trần gian chỉ tổ ưu phiền
Con người thì lại đảo điên mới gờm
Tranh giành toan tính thiệt hơn
Lương tâm tận thế oán hờn hại nhau
Gây nên bao cảnh khổ đau
Trái tim vô cảm nát nhàu nghĩa nhân
Lòng tham nặng đến ngàn cân
Mà lòng bác ái một phần nhẹ tênh
Loài người mặc sức lãng quên
Cái ngày tận thế ở bên chính mình.                


                                                27/12/2012

                                                  Đồ Gàn

Chuyện buồn thời nay

Chuyện buồn thời nay


                         Trước khi kể lại chuyện nầy, tôi thành thật xin lỗi các thầy cô giáo và các bạn của tôi đã và đang là những người đứng lớp ở các cấp học. Lẽ ra tôi không nên nói đến chuyện nầy vì đó là một vấn đề hết sức nhạy cảm và tế nhị và sẽ không khỏi làm phiền lòng đến tất cả những người “Kỹ sư tâm hồn” của nước nhà.
                        Chuyện dạy và học là chuyện thường tình trong lĩnh vực giáo dục đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới nầy. Nhưng ở nước ta lại thành một chuyện mà làm đau đầu các nhà quản lý và là nỗi bận tâm của hầu hết phụ huynh có con đi học và cũng là nỗi phiền lòng cho tất cả thầy cô giáo đứng lớp. Đó là chuyện học thêmdạy thêm.
                       Học thêmdạy thêm  chẳng qua đó là mối liên hệ giữa cung và cầu trong giáo dục vào thời buổi ngày nay. Có cung ắt có cầu và điều đó cũng đáp ứng được nguyện vọng ham học hỏi của học sinh mà thôi. Vì biển học là bao la và sự học là không bao giờ ngưng nghỉ. Nhưng... trớ trêu thay lại bởi cái nhưng này nên mới dẫn đến bao điều phiền toái làm liên lụy đến cái tinh thần dạy và học của người thầy và của người học trò. Và chắc rằng việc nầy sẽ không bao giờ có hồi kết.
                     Vào hồi đâu tháng 12 vừa qua, tại cuộc họp HĐNDTP, ông Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng có nói đến vấn đề học thêmdạy thêm ở các trường trong thành phố và nhắc nhở cán bộ Sở Giáo Dục thành phố phải có kế hoạch chấn chỉnh. Và để thực hiện ý kiến chỉ đạo đó, mấy ngày nay Sở đã cử nhiều đoàn cán bộ xuống cơ sở các trường học để thanh kiểm tra và kết quả là các đoàn kiểm tra đã không phát hiện ra sai phạm như dư luận người dân phản ánh lâu nay.
                     Ở xóm tôi có một cô giáo dạy môn hóa tại một trường trung học, mọi hôm học sinh đi học thêm cả sáng trưa chiều và tối,xe cộ các em để tràn ra cả con hẽm nhỏ. Nhưng mấy hôm nay nhà cô cửa đóng then cài học sinh không còn đi học thêm như mọi khi nữa, hỏi ra mới biết cô giáo đã chấp hành nghiêm chỉ thị của nhà trường nên cán bộ phòng giáo dục của quận có đi kiểm tra thì cũng bình an vô sự, coi như không có chuyện gì xảy ra cả.
                    Rồi tôi có một anh bạn hàng xóm sáng sáng ngồi nhâm nhi với nhau một cốc caffe trước khi đi làm và tám toàn những chuyện trên trời dưới đất. Thế mà bỗng dưng sáng nay, nghe anh kể lại câu chuyện con bé nhà anh mới học lớp 4 làm cho cả cái hội caffe xóm tôi cũng phải giật mình.Anh kể rằng:
                    Chiều hôm qua anh đi đón con bé học về,con anh đã nói với anh: “Ba ơi! Toàn là láo hết!”. Anh ngạc nhiên không hiểu con bé nói vậy là ý gì bèn hỏi lại thì cháu nó bảo: “Hồi sáng có một ông thầy và mấy bà cô vào lớp của con, hỏi trong lớp có cháu nào đi học thêm thì giơ tay lên thầy sẽ phát cho kẹo và sữa hộp, nhưng không có bạn nào giơ tay cả”. Anh hỏi cháu vì sao thì cháu trả lời: “Là vì trước khi vào lớp cô giáo đã dặn là nếu có ai hỏi chuyện đi học thêm thì các em tuyệt đối nói là không có. Nếu em nào nói sai thì cô sẽ phạt. Thiệt là láo quá, láo quá phải không ba?”.
                    Anh còn kể thêm là mấy ngày trước đây con bé nhà anh học buổi chiều, nhưng phải đi học thêm ở nhà cô buổi sáng và ăn cơm trưa ngủ lại nhà cô để chiều đi học. Chi phí mỗi tháng là một triệu mốt trong khi học bán trú ở nhà trường là bảy trăm ngàn mà anh không gửi được vì “sợ con sẽ học thua bạn và cô sẽ chú ý”. Và để cho “an toàn”, cô giao bảo mỗi học sinh được cô “kèm cặp” về nói ba mẹ viết một tờ đơn với nội dung là phụ huynh yêu cầu cô kèm cặp thêm cho cháu rồi ký tên vào đem nộp cho cô. Trước khi tàn cuộc caffe chia tay nhau để đi làm, anh bạn kết luận một cách chua chát:
               - Các anh thấy không,ai nỡ dạy trẻ con nói dối ngay từ lúc còn quá bé. Thử hỏi lớn lên thì chúng sẽ thế nào!!!
                    Tôi uống vội cốc nước trà rồi đứng dậy lặng lẽ bước đi mà nghe như phía sau có ai quất một lằn roi vào trái tim mình tê buốt.

                                                                                12/12/12

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Lo

Lo...

Hơn tháng trời ni không thấy lão Lý vác cái mặt về nhà, chẳng biết lão ta đi đâu, cái làng 12A3 cũng vắng lặng như tờ, đầu trên xóm dưới không một bóng người. Hình như chỉ có anh chàng Lãng Tử và Hoàng Minh có ghé lại sau khi cái nhà chị Thọ Phan than vắn thở dài về cái chiện “lồm boà ngụa” thời @ và được nhà chị Ốc sẻ chia đến tận cùng gan ruột. Lẽ nào động đất ở thủy điện Sông Tranh II làm ảnh hưởng đến cái làng 12A3 này ghê gớm đến vậy sao? Đã thế các “kiều dân” 12A3 ở Sè Ghềnh như Bông Hồng Vàng, Tâm Hề, Chi Lùn, thảo dân Thị Ấn và cả anh chàng Tài Nguyên ở tận bên Mỹ Châu cũng không biết như thế nào???!
    Rồi mới chủ nhật hôm qua đây, Tư Mắt kiếng bắt gặp tại trận lão Lý đang chạy mánh ở người đường. Hèn chi lâu nay lão bỏ nhà bỏ làng đi mánh mung để tư túi, cái làng 12A3 bây giờ có còn gì để mà bòn rút nữa đâu, dân làng cũng đã cạch cái mặt của lão từ lâu rùi. Tư Mắt Kiếng vốn là một tay cờ đỏ có cựa của làng trước đây nên có thừa kinh nghiệm để tra vấn lão, cuối cùng lão Lý đành tự thú trước bình đông:
   - Núa thiệt với Tư cờ đỏ chớ lâu ni vả quá, cứ bám riết cái làng 12A3 ni thì đói dài dài, hơn nữa vốn liếng lâu ni cũng cạn hết rùi còn mô nữa mà buôn với bán, vì rứa mà lý tui phải chạy mánh bên ngoài để kiếm chút đỉnh. Có chi thì Tư cờ đỏ nhẹ tay cho, và chiện ni chỉ hai đứa mình biết thôi, đừng đưa lên bờ lốc bờ liếc làm chi mà bàng dân thiên hạ biết thì xấu hổ lắm.
    Nghe lão Lý xổ giọng trầm thì cũng cỏm động thiệt, nhưng cũng phải mạnh tay lên để cho lão ấy chừa bớt cái thói điêu ngoa. Tư Mắt Kiếng thôi không tra vấn lão nữa nhưng lại ra điều kiện:
   -Tui sẽ không la lớn cái chiện ni mô, nhưng xin hỏi thiệt là lão chắc đã cạn vốn rùi hay sao? Cứ núa thiệt đi rùi tui tính.
   Lão Lý gãi đầu gãi tai ra vẻ đau khổ:
-Thì cũng còn chút chút nhưng sợ đưa ra bà con họ cười cho.
  Tư Mắt Kiếng động viên:
   - Không reng mô, cứ đưa đây mình sẽ thêm gia vị zô là ổn mà.
  Không biết lão Lý sẽ đưa cho Tư cờ đỏ cái món gì đây, xin bà con mình cứ chờ xem!
Khoảng 3 giờ chiều hôm đó, tui thấy anh chàng Mõ phóng xe máy chạy vù vù vội vàng xộc vào nhà lão Lý ôm theo một cái bọc nylon thiệt to. Tui đoán già đoán non: “Thôi đúng rùi!, anh Mõ và lão Lý đang làm ăn phe phẩy gì đây và bây giờ họ đang chia chát với nhau thì phải? Sau mấy câu chào hỏi cho phải phép, anh Mõ lôi trong cái bọc nylon ra một xấp phong bì đỏ chót và xáo xào một lúc rút ra 2 cái chìa trước mặt lão Lý.
-Thứ 7 tuần tới tui gã con lấy chồng, mời bác Lý cùng bác Baga đến nhà hàng... để chung vui với gia đình chúng tôi.
  Nói xong, anh Mõ xếp phong bì vào túi định đi ngay thì lão Lý gọi gật lại cũng với cái giọng ra vẻ lãnh đạo
     - Chớ chú mi mời khách có đông không?
- Kể cả hai họ khoảng trên dưới 1000 người....
   Anh Mõ chưa nói hết câu thì lão Lý chặc lưỡi và khoát tay
      - Chà... chà... Không được rùi, báo chí vừa mới đưa tin là đám cưới từ nay không được mời quá 300 người mà chú mi mời như rứa là vi phạm đó.
    Anh Mõ vỗ vai lão Lý vừa cười vừa nói
- Bác Lý yên tâm đi, nếu thế thì em sẽ mời đám cưới theo ca mà!
  - Là lo cho chú bị phạt nên lý tao mới nhắc thế, nghe hay không tùy chú mày.
  Khi anh Mõ phóng xe đi rồi, tui lấy tay tự vả vào mồm mình mấy cái cho đáng cái tội suy diễn tầm bậy, hóa ra anh Mõ đi đưa thiệp mời đám cưới con gái nhớn chứ có phải mánh mung chia chác gì đâu? Đúng là oan thị... Mầu cho 2 lão!
Tưởng tượng ra cái không khí đầm ấm trong tiệc cưới của con gái anh Mõ khi sẽ có mặt đầy đủ dân làng 12A3 mình tui càng thấy zui...

01/10/2012

   TÊ KA
Лягушонок под дождем

Tâm giao

Tâm giao!

Tối hôm qua, thứ 7 ngày 22 tháng 12 (sở dĩ hôm nay tui liệt kê ngày giờ đàng hoàng là vì… nhân loại mới vừa trải qua một “cái mốc” dzô cùng quan trọng!), tui  cảm thấy sung sướng vì chợt nhớ ra là chủ nhật này mình hổng có đi dạy cái gọi là … phụ đạo ở trường. Chà, phải mần cái gì đi chớ? Không chừng chủ nhật tuần sau là qua học kỳ hai rùi, đâu có được nghỉ… Tui càng sung sướng hơn khi thấy cuộc sống vẫn… diễn ra bình thường! Vì rứa, tui định bụng sẽ rủ cái nhóm lê la đi lê la. nhưng chưa kịp loan tin với mõ làng thì có tin nhắn của H. Minh. Ôi! trời woi, tư tưởng lớn gặp nhau rồi. Tui mừng quýnh vội vàng bấm lại một chữ… Ô kê!
          Chưa tơi tám giờ, tui nhận điện thoại của bác cả gái. Bác hỏi bằng cái giọng lanh lảnh: “ bà có nhận tin nhắn của H. Minh không? Có đi không?”. Trời wơi, lại còn hỏi nũa “đi chớ”! Tui hồ hỡi đáp. Dường như thấu hiểu cảm giác phấn khích của cái người ham dzui như tui, bác gái cười ha hả…
          Sáng nay tại quán Tâm giao, chỉ có vc bác cả, H. Minh, Thảo , M.Hà và tui. Lão Nhược đến sau cùng.  Thiếu gã quản gia, thiếu bác lý, lão mõ cũng không có nốt…Câu chuyện cũng rôm rả như mọi lần gặp mặt. Thôi thì đủ chuyện trên đời. Tui cũng bộc bạch chân tình cảm giác lo sợ mấy hôm nay với tin đồn … tận thế. Nói thiệt, sáng ngày 22 thức dậy tui chợt mừng rõ khi biết mọi vật, mọi việc vẫn… hoạt động bình thường. Hi hi... Rứa là không… tận thế. Ai cũng cười rộ lên. bác cả nói tui là người dễ... dụ. Mụ Hạnh, mụ Thảo chê tui răng mà dễ tin như rứa. Toàn là vớ vẩn… Ừ, vớ vẩn thiệt.
          Lâu lắm rồi mới gặp  anh Nhược. Vợ anh đau ốm, anh thì bận rộn chăm sóc cho vợ mà tụi mình cũng chỉ biết hỏi thăm thôi chớ chẳng giúp được gì. Chỉ biết cầu chúc cho vợ anh sớm binh phục, khỏe được ngày nào thì mừng ngày ấy. Giờ đây, cả bọn ai cũng “có tuổi” hết rồi. Giờ đây mới thấm thía cái câu “Sức khỏe là vàng” thiệt!
          Nhược kể chuyện những ngày chăm sóc vợ. Thật lòng, cũng ít có ai mà tình nghĩa như anh. Chăm sóc vợ cả mấy năm trời. Tôi cảm động nhất là thấy anh kể về việc đi chợ mua cá giếc nấu với rau răm, luộc nghệ củ cho vợ nhai để “tráng” dạ dày… Rằng những món ăn không dầu mỡ, không gia vị phục vụ cho người ốm. Rồi anh còn đặt mua bột gạo lức từ M. Hà nữa chớ… Tuyệt nhất là trong suốt câu chuyện, tui tui chưa hề nghe anh buông ra một lời than thở! Anh còn kể những tình huống bi hài mà anh nhặt nhạnh được trong những ngày nuôi vợ khiến ai cũng buồn cười…
          Câu chuyện lại xoay quanh đề tài nghỉ hưu. Công nhận Hà, Hạnh, Hùng nghỉ hưu trông ai cũng có vẻ khỏe mạnh, đẹp ra. Ai cũng tươi tắn… Riêng tui thì chưa nghỉ mà tui đã thấy buồn rồi. Nhưng kỳ lạ thiệt.tâm sự… buồn của tui chẳng có ai thông… cổm. Bọn hắn còn cười nhạo nữa chớ!
          Nhược về trước để lo cơm nước cho bà xã. Tụi tui nán lại đến mười giờ rồi cũng chia tay. Hẹn gặp nhau tại “lớp học” gì đó do H. Minh tổ chức.

Mây Xanh

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Sau đêm tận thế

Sau đêm tận thế

Tôi lặng yên lắng nghe đêm tận thế
Trong tiếng thở dài của nhân loại ở trần gian
Trong sự sang giàu và trong cùng tận cái lầm than
Trong ngạo nghễ của lòng tham và cái cơ hàn của nghèo khó.

Tôi lặng yên lắng nghe đêm tận thế
Cái đêm cuối cùng theo lịch cổ Maya
Cuộc sống vẫn sinh sôi muôn loài cùng nhịp thở
Trong nỗi buồn vui và thiện ác vẫn song hành.

Nhìn lên bầu trời mùa đông mà vẫn trong xanh
Sông suối cạn nguồn ruộng đồng nứt nẻ
Động đất triền miên mà lòng người không động
Ngày tận thế chưa về mà ngày tận diệt đã kề bên.

Những giây phút cuối cùng của đêm tận thế chênh vênh
Nó như dài thêm ra mà chưa bao giờ ngắn lại
Nhân loại phải phập phồng trắng đêm khổ ải
Chờ trái đất sẽ tan thành tro bụi giữa thinh không.

Tôi thầm gọi tên em trong nỗi nhớ mênh mông
Để nhỡ đêm nay có xảy ra đêm tận thế
Dù có thể hay là không thể
Làm hạt bụi phong trần mình đỡ thấy mồ côi.

Cái ngày đầu tiên sau cái đêm tận thế vẫn thế thôi
Có tiếng khóc của trẻ thơ ru dưới ánh mặt trời
Có tiếng chim hót líu lo trong những vòm lá biếc
Và Có tiếng gọi mời của những trái tim.

                                                          Đêm 21/12/2012
                                                              Mạc Nhân
 


Sống trong ngày tận thế

Sống trong ngày tận thế


Ta đang sống trong cái ngày tận thế
Mây vẫn cứ bay và mưa vẫn cứ rơi
Nắng vẫn nhảy nhót trên những vòm lá biếc
Trời vẫn cứ xanh và chim vẫn bay hót vang lừng.

Mặt đất vẫn bình yên cây cỏ vẫn không ngừng
Khoe sắc thắm và tỏa hương ngào ngạt
Con người vẫn bình tâm và cất cao tiếng hát
Ngợi ca cuộc đời cùng nhịp bước đến ngày mai.

Cái ngày cuối cùng theo lịch cổ Maya
Là lời cảnh tỉnh cho loài người hậu thế
Về cái ranh giới giữa sinh tồn và huỷ diệt
Về cái giá trị vĩnh hằng của cuộc sống nhân gian.

Xin cám ơn những nhà tiên tri cổ đại
Đã dự báo về tương lai số phận của muôn loài
Qua cái nhìn năm nghìn hai trăm năm thấu tỏ
Không hiện đại như bây giờ mà chỉ bằng bộ óc hoang sơ.

                                                       Ngày Tận Thế 21/12/2012
                                                                Nhân  Trần

 

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Sợ

Sợ

                        “Cái sợ là bản chất cố hữu của con người”
                                     (Chí Phèo -Nam Cao)


Anh không em chưa thể là tận thế
Mới chỉ là tận số mà thôi
Ta không nhau mới đúng là tận thế
Không bên nào còn vương lại chút tình ai.

Nỗi cô đơn sẽ chết dần trên mỗi tàn phai
Vũ trụ bỗng buồn tênh khi loài người khuất bóng
Chờ tận thế để thắp lên niềm hy vọng
Dù có tận thế lâu rồi cũng xin còn mãi trong nhau.

Dù cho sự sống nầy không còn đến mai sau
Hay đã chuyển hóa thành một hình thái mới
Thì người ơi tôi vẫn chờ vẫn đợi
Làm hạt bụi phù du không lạc mất linh hồn.

Vốn dĩ loài người đã vò võ cô đơn
Trong cái hổn mang cõi vô cùng vô tận
Nỗi sợ nhất khi phải một mình cô độc
Trong cái thế giới vô hồn ngày tận thế tình em.

                                                   18/12/2012

                                                     Dzu Tử

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Tận

Tận


Ngươi cổ đại dường như quá siêu linh
Đã dự báo trái đất sẽ có ngày dừng lại
Quy luật của tồn vong là có đầu có kết
Mà cái kết của loài người là vô tận vô biên.

Loài người tự đến rồi sẽ tự đi
Và cái vòng luân hồi sẽ nhân lên sự sống
Bằng cái nghĩa cái nhân cái tâm cái đức
Thì cái kết của con người sẽ mãi mãi bền lâu.

Và cái kết của loài người sẽ ngắn lại sẽ, tàn đi
Khi lòng tham không còn điểm tựa     
Làm lệch đi vòng quay của tự nhiên trời đất
Lời tiên tri linh ứng tất diệt vong.

Do con người không biết tận lực tận tâm
Vì sự tồn vong của đất trời và nhân thế
Chỉ biết tận thu, tận chi đến tận cùng để tận hưởng
Thì tận thế bởi chính mình tận diệt chính mình thôi!

                                                    17/12/12

                                                   Mạc Nhân
                                                      (TCA)

Nhà mới

Nhà mới

                       Thiệt tình cái chiện ni dứt khoát là tui phải núa cho các bác trong cái Bao lãnh đạn của làng 12a3 nghe, chớ ai đời các bác hô hào bà con dọn zề nhà mới mà chẻng thấy cúng kiếng thiên địa thổ thần chi hết, hỏi như rứa có được hông? Bởi vì ông cha xưa có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” hay “Đất có thổ công, sông có hà bá” chớ. Rứa mà các bác cứ tỉnh weo như ruồi và cứ coi như pha, như rứa liệu sau ni có yên ổn hay không hay là lại “dọn nhà gấp gấp” nữa thì thiệt là khổ cho dân làng.
                       Chiện ni chắc ai ai cũng biết, rứa mà những người có chức có quyền trong làng không ai chịu đứng ra lòm cái lễ zề nhà mới để gọi là trước là cáo thổ thần, sau là để cóm ơn nhà mạng Yahoo đã cho mình tá túc bấy lâu ni và ra mắt người chủ mới, đồng thời dân chúng tôi còn được en theo một chút gọi là. Đằng nầy người ta chỉ nghĩ tới cái chiện giải tỏa đền bù và đòi chia phần nọ kia thiệt là hết chỗ núa. Dân đen bọn tui thấp cổ bé họng thì kêu sao thấu đến trời nên đành zậy chớ biết than thở cùng ai!
                       Thầy trò lão Lý thì đã bị bãi nhiệm từ lâu rồi,bây chừ thất nghiệp phải ngồi ngáp ruồi bên bờ sông ký ức ở đầu làng nên chẳng thèm kể zô lòm chi. Rứa còn hai bác Cả Lê, chị Lý phó, anh Mõ, nhà chị Bán xôi, cô chủ cũ Chiêu Anh, anh chàng UdumBara, cái nhà Chị Ốc và cả dân làng nữa thì họ đi đâu hết rùi? Hay lại đổ hết lỗi cho lão Quản gia Tư Mắt Kiếng là ai biểu lanh chanh, cầm đèn chạy trước ôtô mà không xin ý kiến chỉ độ của Hội Đồng Làng nên chừ đã đốn thì cố nai lưng ra mà vác chứ lại kêu ai!!!
                      Mới rùi, tui nghe lão Đồ Gàn cũng tí ta tí tững khoe cái chiện zề nhà mới với Mụ Thọ Phan nghe sao mà đến tha guốc tha dép. Nào là ngôi nhà Giao Mùa của làng mình đã được dọn zề chỗ ở mới trên http://giaomua12a3.blogspot.com/ rất chi khang trang và đẹp lắm; nào là dân làng mình bữa ni trở thành đại da hết rùi nên không thích ở cái ngôi nhà Giao Mùa cũ ọp ẹp nữa, mà chỉ thích ở biệt thự hay chí ít là chung cư cao cấp thôi; nào là......
                     Nhưng rùi lão ta cũng chỉ giỏi wánh zõ mồm thôi chớ nào dám đề đạt ý kiến zề cái chiện ni lên mấy người có chức có quyền của làng để cho họ lòm cái lễ gọi là zề nhà mới chớ? Tui nghĩ là bà con làng mình sẽ rất zui mừng và phấn khởi lắm níu như họ được tham gia vô cái chiện ni và họ sẽ chia lửa cùng các vị đó. Ngoài ra bạn bè thân mến của Giao Mùa lâu nay họ cũng sẽ rất zui và sẽ tiếp tục ghé thăm nhà chúng ta dài dài, mà biết đâu họ lại chẳng giúp cho chúng ta nhiều ý kiến hay nữa là đằng khác.
                    Rồi vào tối hôm qua đây,  chàng đau dạ dày “Tấn thổ địa” còn chạy tới nhà lão Lý đưa thiệp mời đám cưới đứa con gái đầu lòng sẽ tổ chức vào sau ngày tận thế (22/12/12). Tấn còn khoe rằng hiện nay anh ta là một fan của các facebook trên tàn thế giới, rùi đã cảm hứng sáng tác một bài thơ mang đầy nhạc tính đọc cho lão Lý nghe mà chẳng hề đá động chi tới cái ngôi nhà Giao Mùa đang rêu mốc hẩm hiu bấy lâu nay mới buồn lồm sô! Thiệt tội nghiệp cho lão Lý, cứ ngồi há hốc mồm ra mà nghe anh chàng đau dạ dày đọc thơ và bình thơ mà nuốt nước bọt ừng ực, mà thở ngén thở dài!
                    Nhưng dù sô đi nữa tui cũng xin chúc mừng tân gia Giao Mùa zề nơi ở mới luôn được cát đường cát đường (í lộn: cát tường, cát tường chớ) nếu qua được cái ngày tận thế.

                                                                                      17/12/2012

                                                                                        TÊ KA

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Sinh nhật Ngọc Tuyết

Sinh nhật Ngọc Tuyết

    Nhân ngày sinh nhật, NT mời Kim Hồng và vợ chồng Công Tâm nhưng được biết ngày mai sẽ không có người nào đến dự được, buồn ơi là buồn.
    Đang ngồi nhìn trời mưa buồn thì nghe điện thoại: "Mở cửa cho Hồng".
Nhìn ra Kim Hồng đang đội áo mưa đứng trước nhà, tay xách ổ bánh, tay cầm bó hoa, hihi... hết buồn!
    Các bạn biết không ổ bánh là tự tay Kim Hồng làm còn bó hoa con gái của Kim Hồng đi mua hoa về tự bó tặng cô Tuyết đó. Hỏi vậy làm sao không cảm động.
    Mừng quá lấy máy ảnh làm liền mấy tấm, bây giờ chuyển cho các bạn xem, để biết rằng TIỀN có thể dễ kiếm nhưng TÌNH BẠN khó tìm.

    Vui cùng Tuyết nha.
    Tuyết gửi lời thăm các bạn và cám ơn Hoàng Minh đã lục nhật trình cũ và đã tìm ra... hihi...

04/11/2012

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Bất ngờ gặp

Bất ngờ gặp


Chủ nhật, 28-10-2012.
Sáng về Đà Nẵng.
02 giờ chiều hẹn với các bạn ở quán cà phê Tâm Giao số 07 Nguyễn Hữu Thọ ( nhờ TCA gọi điện thoại).
Bất ngờ nên chỉ gặp được Ảnh , Tịnh , Tuyền.
Hàn huyên , tâm sự.
Bất ngờ Tuyền hỏi Tịnh: Lâu nay có liên lạc với Ngọc Tuyết không ? Tuyết có còn làm thơ không (thiệt bất ngờ vì nhà thơ không làm thơ sao được)?
Bất ngờ vì cũng lâu lắm rồi không liên lạc với NT , lại mới đây vào trang Blog của NT , xí xa xí xởn ( 1 mình tui 4x thôi), thấy NT mời họa thơ tui cũng nhảy vô họa đại . Rồi cũng bất ngờ trang Blog này cũng đóng cửa luôn
Bất ngờ vì thương cho bạn mình TCA đang trong tâm trạng hụt hẩng , mình nghĩ giá như ( giá như....) rồi bạn trở thành một anh Đồ làng , áo dài khăn đóng , ngồi trên chiếc chõng tre... tối về nhâm nhi chén trà... hay làm vài chung rượu gạo rồi : “.. Từ là từ phu tướng...” thì bạn thanh thản biết mấy.

Có thuở mình nghe người ta kể: có  nhà thơ mua nắm xôi ăn sáng. Ăn xong xem tờ giấy, thì ra đó bản thảo bài thơ mà tác giả đã gởi cho một tờ báo .

Thời của  Tản Đà : Văn chương hạ giới rẻ như bèo.Thiệt là cái thời lý tưởng.

Tối chủ nhật ,28-10-2012.

Ở lại Đà Nẵng với ba hàn huyên thăng trầm thế sự - Ăn tối xong , lật đống nhật trình cũ (người em mua từ một quầy sách - một đống mới tinh- coi như cho không 10000đ/kg) Thấy tờ báo Đà Nẵng cuối tuần là chộp lên đọc liền - Đà Nẵng là quê là nơi chôn nhau cắt rún của tui 40 năm-  Đà Nẵng ơi.-
Thực ra tui đã mất thói quen đọc báo từ lâu lắm rồi. Nó hấp dẫn tui bởi hai chữ ĐN- Bởi các tiêu đề mà nội dung tui yêu thích, bởi cũng là trầm tích trong tâm tư HXT- Nó quyến rủ tui lần giở ra và đọc...
Và cũng là bất ngờ biết bạn mình là nhà thơ, mà là nhà thơ đạt giải năm 2011 "Giải nhì Cuộc thi thơ Lục bát (không có giải nhất) do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tạp chí Sông Hương phối hợp tổ chức". mới ngon chớ. (Báo Đà Nẵng cuối tuần số chủ nhật 21-10-2012)
Thôi thì dẫu trễ , dẫu bạn không báo tin, dẫu có tình cờ mình cũng xin chúc mừng bạn một tiếng nha.
Tui tự nhủ lòng : mày sướng nhá- Từ nay đi đâu cũng có quyền vênh vênh váo váo tui cùng lớp với nhà thơ Ngọc Tuyết , Xuân Tịnh.... nhạc sỹ Công Ảnh, nhà phê bình văn học Phan thị Thọ. Ha ha

Thứ ba 30/10/2012.
Tam Kỳ
Biết chắc thế nào Báo Đà Nẵng online cũng có, nên nhờ ông Gu Gồ sao chép  và dán lên đây các bạn đọc cho vui- kèm cả đường link. Gởi cho Giao mùa
(Hổng biết NT có nhuận bút không- Có thì khi mô về Đà Nẵng ăn mừng với bạn bè  chớ)

Hoàng Minh

Thơ Ngọc Tuyết
Cập nhật lúc 10:39, Thứ Hai, 22/10/2012 (GMT+7)
Ngọc Tuyết tên thật là Nguyễn Ngọc Tuyết, có bút hiệu khác là Tóc Nguyệt. Quê quán: phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Hiện làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Đã xuất bản 5 tập thơ: Giọt đầy giọt vơi, Lá trở, Sang mùa, Nháp, Mót. Năm 2011, Ngọc Tuyết nhận Giải nhì Cuộc thi thơ Lục bát (không có giải nhất) do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tạp chí Sông Hương phối hợp tổ chức.
Thơ Ngọc Tuyết đọc như vấp từng con chữ gai góc, dường như đấy là sự sắp đặt để ánh lên từng nỗi khắc khoải, từng niềm ưu tư, thường hằng một nội tại bất an, như chính nhà thơ đã nói “tử vi rớt lá khước lời bình yên”!
(Nguyễn Nhã Tiên chọn và giới thiệu)

Dốc ngược
Nỗi nhớ khoác áo tơi qua truông
mưa
đời lạnh ướt một phía riêng
đêm ngược mùa
những lông mi cắm ngược giấc mơ
đêm cắn vào bóng tối dấu răng
đối thoại những cột kèo
trĩu nặng
nẩy đêm

Đêm khuắt  khuya không đom đóm
bàn chân dắt vị mặn thời gian rì rầm lau lách
vỡ giọng gọi phương nào cũng trĩu trĩu phù sa
tiếng khua bờ xuôi ngược dòng trong đục
“tháng nước” - nước ngập trắng đồng
trăng đói mùa khum tay bắt gió
lũ cò trắng phau cắn vào đêm kèn cựa

Cựa mình. Đêm
nợ làng chiếc lưng còng như tàn cây cổ thụ
   nghẹo cổ buồn ca Dạ cổ hoài lang
màu ký ức im lặng dốc ngược vào đêm
dốc nhớ
đánh cược ngày sau.

Bản du ca ngày thứ bảy
Nỗi nhớ người dưng
âm âm bản du ca ngày thứ bảy
mưa chiều vỡ nước
phố bạc đầu
cánh cửa khép, thế giới biến mất
tình kiêu căng khai sinh ngổn ngang nước mắt
quá khứ phỉnh phờ và ngôn từ giăng bẫy
mơ ước dội
miên man hạnh phúc đổ hạt

Tất bật ngày
quất buồn vào con nhạc
thảng thốt bật lên
người đàn bà mút tình yêu bằng lời cầu nguyện
trang kinh gói mưa nhỏ giọt bốn mùa
nhật tụng.


Nguyệt
Buồn đời lấy tóc ra đo
đêm dài tận tụy ngồi so bóng người
bụm đêm khuya lạc mệnh trôi
tử vi rớt lá khước lời bình yên
tháng ngày èo ụt rướn lên
rũ mình thét thốc rạn đêm tháng mười
phận thiên di
cánh bạc phơi
qua luồn trên hẹp em bơi đuối chiều

Biển tình đắm đắm lời yêu
dựng con sóng đứng buồn hiu
cánh buồm
giật mình lọn tóc vừa buông
mắt vui hàng tỉ nét buồn chung thân
tóc rụng…
tóc rụng…
bao lần
nõn hương
tóc nguyệt
thâm
quầng
tán
trăng.

Giấc khuya
Giấc khuya ngồi nhá cô đơn
những bi kịch
những dỗi hờn hoài thai
rướn lên ngọn bút mệt nhoài
câu dài
câu ngắn
u hoài ngấm đêm
tôi so le bóng lọ lem
tình chao như sóng thòm thèm lời ru
bóng tôi áp đất tù mù
ngực đêm mặc cả mùa thu… dã tràng
tình giăng bùa chú
lớp - hàng
tôi xoay hổn hển bẽ bàng
có  không
đắp chăn hạnh phúc mỏng bông
với tay kéo đám mây hồng dặm thêm
u tình chuồi ngược gối mềm
loài buồn sang kiếp vang rền khúc xưa
trái tim bầm dập vơi thừa
hắt lên mây trắng về chưa… hỡi người?!!!
tôi ngồi nuốt máu mình tươi
bài thơ loang lổ mặt người giấc khuya.
NGỌC TUYẾT


Phóng sự ảnh ngày 24-6-2012


 
DƯỚI ĐÂY LÀ MỘT SỐ HÌNH ẢNH BUỔI GẶP MẶT CỦA 12A3 SÁNG 24-6-2012 TẠI QUÁ CÀ PHÊ PLEIKU PHỐ SỐ 113/4 NGUYỄN CHÍ THANH - ĐÀ NẴNG.