Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Bông hồng cho chúng ta

    
 
          Nhớ lại hồi còn nhỏ, lần đầu tiên mình theo mẹ đến chùa, ngôi chùa mang tên Vu Lan nằm trên đường Trưng Nữ Vương - Đà Nẵng, thấy cảnh sinh hoạt của các anh chị và các bạn đồng trang lứa trong Gia đình Phật tử Hòa Thuận mình thật vui, ước ao trở thành một Oanh vũ như các bạn. Hình như đoán được ý muốn của mình, mẹ đã xin gặp anh huynh trưởng phụ trách, sau nầy mình biết tên anh là Phan Ngọc Vũ, người nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn hoạt bát, vậy là sau đó mình được nhận vào sinh hoạt ở Gia đình Phật tử Hòa Thuận.           Đến ngày rằm tháng 7, chùa tổ chức đại lễ Vu lan, hồi đầu mình không biết cứ tưởng là lễ riêng của chùa Vu Lan, sau được nghe thuyết giảng về ngày Đại lễ nầy, mới biết ý nghĩa của ngày Báo hiếu. Trong Lễ, mình và nhiều người khác được cài một bông hồng đỏ thắm, trong khi đó có một số anh chị và các bạn lại được cài bông hồng trắng, mình lấy làm lạ, thử hỏi một bạn sinh hoạt đã lâu được cài hoa trắng, bạn không nói mà nước mắt lưng tròng, lặng lẽ quay đi không một lời giải thích. Mình ngẫn ngơ, không biết đã làm gì sai mà bạn buồn vậy. Sau được huynh trưởng giải thích mình mới hiểu ý nghĩa của bông hồng cài áo, mình cứ ray rức mãi vì đã chạm vào nỗi đau của bạn.
          Sau nầy lớn thêm một chút, được đọc Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh và nghe Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, mình thấy yêu cha mẹ hơn, nhất là mẹ.
          Hồi nhỏ mình rất ốm yếu, hay bị bệnh. Năm học lớp Nhất, có những ngày mình bị ốm nằm liệt giường vì bệnh thương hàn, Mẹ là người túc trực bên cạnh, nữa đêm bị sốt, khát nước mở mắt ra đã thấy mẹ cầm ly nước đứng bên, lúc nhạt miệng không muốn ăn, Mẹ dỗ dành nên mình cố nuốt. Khi mình hết bệnh đi học lại, Mẹ lo lắng vì sợ con không theo kịp bạn bè, đến xin thầy giáo kèm thêm cho mình. Cuối năm mình không đạt được vị thứ cao trong lớp, mẹ buồn nhưng không la rầy, chỉ khuyên con ráng học thi vào Đệ Thất. Thương mẹ, mình cố học vậy là cũng vào được trường Trung học Phan Châu Trinh.
          Từ nhà đến chỗ làm việc của ba khá xa, buổi sáng ba đi làm rất sớm, tầm 4 giờ 30 là đã thấy ba lui cui xếp mùng, mình thường dậy theo ba để học bài, nhìn ba ăn vội vàng rồi dắt xe ra lúc trời chưa hửng sáng mình thấy thật thương. Ba rất nghiêm, ít nói với con cái, mặc dù không quát mắng hay đánh đứa nào, nhưng mình và các em đều sợ, sợ nhưng rất thương. Chủ nhật nào ba cũng chở 3 anh em đi xi-nê rồi đi ăn chè ở Ngã Năm, như đã trở thành thời khóa biểu, chỉ có lúc nào ba quá mệt thì mới ở nhà, nhưng cũng nói mẹ nấu một nồi chè cho cả nhà cũng ăn. Thời trẻ mẹ nấu ăn rất ngon, làm những món ăn không thua nhà hàng, nấu chè thì khỏi chê, nhất là món chè hạt sen mà anh em mình rất mê...
          Tốt nghiệp phổ thông, mình may mắn đậu đại học ở Sài Gòn, ngày mình lên đường, mẹ tất tả chuẩn bị áo quần, va ly cho mình, lúc ba chở mình ra bến xe, mẹ không ra tiễn, chỉ có 2 đứa em theo anh ra đầu ngõ, sau thằng em kế mới cho biết mẹ khóc ở dưới bếp. Vào Sài Gòn ở nhà bà dì ruột một thời gian, mình xin vào ký túc xá để tiện học với bạn bè, dì không đồng ý, mẹ cũng không muốn vì sợ mình cực khổ, thuyết phục mãi mẹ và dì cũng xiêu lòng, nhưng dặn mãi, chủ nhật nào cũng phải ghé nhà dì để “bồi dưỡng”. Thời đất nước còn khó khăn, ai cũng thiếu thốn, ăn độn và mua hàng theo tem phiếu, vậy mà tháng nào mẹ cũng để dành một ít tiền, đến hè hoặc Tết, mình về nhà lại dúi cho một số tiền để vào Sài Gòn tiêu vặt; ăn uống đã có Nhà nước lo cho: học bổng 18 đồng một tháng. Ngày mình ra trường, chuẩn bị nhận công tác, ba lặn lội từ Đà Nẵng vào Trường để xin đổi quyết định phân công cho mình, hồi đó mình muốn lập nghiệp ở phía Nam, muốn thử sức trai trẻ, nhưng ba cương quyết xin việc cho mình ở Đà Nẵng, không muốn con làm việc xa quê nhà. Trở về nhà trong lòng cũng không thoải mái lắm, nhưng rồi mình cũng thích nghi dần với công việc ở cơ quan... Đến bây giờ mới thấy quyết định của ba là đúng, con cái lúc nào cũng cần cha mẹ, cha mẹ già lại cần sự chăm sóc của các con.
          Hai đứa em lần lượt lập gia đình, ba mẹ chỉ còn lo có mình, không biết ý con ra sao, cứ thúc giục mãi, bạn thân đến nhà, tên nào cũng nghe mãi cũng phát lo theo. Ngày mình đưa bạn gái về chơi, ba mẹ mừng như bắt được vàng, mình chưa nói gì với người ấy mà ba đã nhanh nhẩu đòi đi thăm nhà.
          Khi thành gia thất, có đứa con mình càng thấu hiểu lòng ba mẹ. Những lúc trái gió trở trời, con bị sốt, bị ho là cả hai vợ chồng mất ăn mất ngủ... Lúc con mình vào lớp một, học bán trú, ông nội chiều nào cũng đạp xe đến trường chờ cháu ra, tuổi già sức yếu không dám chở cháu, hai ông cháu cùng đi bộ về, cháu tung tăng đi trước, ông xách cặp dắt xe theo sau... Mấy đứa cháu nội, đứa nào cũng thương ông vô cùng...
          Tháng ngày đè nặng trên vai ba mẹ, song thân ngày càng già yếu, ốm đau liên miên, những ngày ba mẹ nằm trên giường bệnh là những ngày mình thắc thỏm, cứ sợ “mẹ già như chuối chín cây...”. Dẫu biết rồi ai cũng đến ngày ấy, nhưng sao vẫn âu lo, dằn vặt, bởi mình phải đi làm xa, mỗi tuần chỉ về nhà được 2 ngày, thời gian dành cho ba mẹ quá ít; may mà còn có mấy cô con dâu hiếu thuận, biết lo cho ba mẹ chồng. Không biết nói sao để cảm ơn các em và vợ yêu... Nghĩ lại mình thấy thương gã bạn tếu táo Pha Lũy, hắn âm thầm tự tay chăm sóc người cha già phải nằm một chỗ mấy năm nay, thật vất vã, nhưng mình chắc rằng hắn hạnh phúc vì được báo hiếu...
          Hạnh phúc vì vẫn còn ba mẹ, mùa Vu lan nầy mình vẫn còn được cài bông hồng thắm, nhưng rồi không biết mùa sau sẽ ra sao! Thôi thì cứ hãy xem tất cả mọi ngày đều là Vu Lan chứ không riêng rằm tháng bảy. Hãy hiếu thuận với ba mẹ khi song thân còn sống, đừng để khi Người qua đời thì lại hối hận vì đã không báo hiếu được...
          Cảm ơn thiền Sư Thích Nhất Hạnh và Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã viết nên “Bông hồng cài áo”, đó cũng là tấm lòng của chúng con kính dâng lên các đấng sinh thành...
http://www.youtube.com/watch?v=pLIbkJG5s9A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét