Làm bà khó lắm
Tự nhiên tui phát hiện ra là mình hát cũng hay!
Tháng
tám, tháng của mùa thu Việt Nam, tháng của chuẩn bị “lá ngoài đường rụng nhiều
và trên không có những đám mây bàng bạc”, tháng của xôn xao mùa tựu trường ngày
xưa lại là tháng tôi nhận ra mình đã già, đã phải làm bà, đã phải à ơi với cái con bé cháu ngoại chưa đầy mười tháng tuổi mà bố mẹ hắn
giao cho giữ 3 tuần.
Có
giữ cháu rồi mới biết là “làm bà khó lắm…”
Một
ngày của bà ngoại bắt đầu từ 5h sáng, có nghĩa là lúc con bé cháu bắt đầu o oe.
Bà thức dậy, bà làm sữa, bà cho cháu bú bình, bà thay bĩm cho cháu sạch sẽ với
hy vọng cháu ngủ tiếp đên 7, 8 h sáng để bà còn chợp mắt một tí . Có khi vui
con bé bú xong ngoác miệng cười với bà một cái rồi ngủ tiếp, nhưng có lúc vui hơn con
bé lại lật, lại bò lại trèo lên thành ghế mà bà đã cẩn thận che chắn đêm qua để
cháu khỏi té khi ngủ. Thế là bà lại phải bò theo cháu, mắt nhắm mắt mở cũng
cũng phải toét miệng cười khi cháu cười, cũng phải a a khi cháu a a, cũng phải lặp lại chết cha, chết cha khi
cháu chết cha, chết cha hoặc tương tự
như thế.
Cứ thế bà cháu diễn trò cho nhau xem cho đến lúc cháu ngủ
lại.
Cái khó ló cái khôn, ông bà ta đã
chẳng bảo thế. Chính những lúc như thế nầy tôi mới phát hiện ra giọng ca muộn màng của mình.
Này nhé, muốn cháu ngủ thì bà phải ru, mà đã ru thì phải
hát… Đời bà có hát ru ai bao giờ đâu. Lúc ru mẹ cháu ba mươi năm trước đây bà
còn à ơi được vài câu như Ví dụ như ví
dầu cầu ván đóng đinh, hay Chiều chiều ông Lữ đi câu, bỏ ve bỏ chén bỏ
bầu ai mang…
Nhưng
những âm điệu hát ru ấy hình như chỉ phù hợp với cái nôi tre, với mái nhà tranh
có cây kèo để treo nôi, có bốn cái tao nôi
mà khi nắm gọn trong tay bà như nắm cả tình thương, cả trách nhiệm và cả cái lo
toan những ngày tới mù mờ . Cứ thế nhịp nhàng, nhịp nhàng…
Bên
nầy không có nôi, cháu ngủ giường riêng lúc một tháng tuổi (chỉ có khi về ở với
bà bà mới cho cháu ngủ chung). Mẹ cháu
mà biết chắc lại lặp lại cái câu bà làm hư cháu như mỗi khi bà làm cái gì đó không nằm trong chương trình
nuôi dạy con cuả mẹ cháu.
Mà bà cũng chẳng thèm quan tâm tới cái lịch mà mẹ cháu đã cẩn thận dán lên tường trước khi giao
cháu cho bà. Bà bế cháu khi cháu đòi bế, bà ru khi cháu buồn ngủ chứ không:
Ngủ: 20h30 cho lên giường,
mở đèn ngủ, đóng cửa phòng. Misan sẽ tự ngủ.
Ở với bà, cháu ngủ chung giường với bà , bà hát ru , vỗ vỗ
mông cháu theo nhịp điệu bài hát, ban đầu cháu có vẻ ngạc nhiên nhưng có lẽ bẩm
sinh con người thích những điều dịu êm vả ngọt ngào nên cháu quen rất nhanh. Cháu lim dim lim dim, mĩm cười với bà
như cám ơn rồi đi vào giấc ngủ.
Cứ thế bà ru cháu ngủ trưa, ngủ tối, ngủ tiếp nữa giấc đêm
khuya.
Vốn bà không thuộc nhiều bài hát, chỉ có những bài bà yêu
thích mới nạp trọn vào bộ nhớ. Mà không phải bài nào hát ru cũng đươc. Phải
chọn bài nhịp nhàng theo cái vỗ mông,
không ồn ào, đều đều mà du dương.
Bài Ngày trở về của Phạm Duy được chọn làm bài hát ru ưa
thích.
Không biết do bà hát hay, do
bài hát hay, do những cái vỗ mông êm ái mà lần nào cháu bà cũng ngủ ngon lành. Có hôm bà mới tới “mẹ lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ
trong giấc mơ , tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chở ” là cháu đã ngủ ngay…
Nhưng cũng có lúc bà phải tua đi tua lại nhiều vòng đợi
cháu ngủ.
Chao ơi cái ngày trở về của anh thương binh sao mà êm đềm,
mà ấm cúng mà chan chứa tình người đến thế.
Ngày trở về có anh nông phu chống nạng cầy bừa.
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ
Hoặc
Ngày trở về,
lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Gió mát trăng thanh,
ôi ngày trở về
Có anh thương binh sống đời hoà bình.
lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Gió mát trăng thanh,
ôi ngày trở về
Có anh thương binh sống đời hoà bình.
Ông Phạm Duy không lên gân. Ông phát họa bức tranh ngày trở
về của anh thương binh rất giản dị. Vì anh là thương binh nên con trâu
cũng biết đồng cảm vơi anh , cây lúa cây
ngô tưởng chừng vô tri cũng biêt hát đùa
trước ngõ chào đón anh về sống đời
hòa bình.
Ban đầu là hát ru cháu ngủ
nhưng sau đó là hát cho mình. Càng tua càng thấy hay . Ngày trở về như
bản tuyên ngôn về tình người.
Có hôm cháu ngủ từ đời nảo đời nao mà bà vẫn còn tua đi tua
lại. Bà hát rồi bà liên tưởng đến Ngày trở về của những người bạn của mình, của
em trai mình, của anh thương binh ngồi vá xe trên đường Quang Trung, của anh
bảo vệ bên bệnh viện gần nhà…
Không phải ngày trở về nào cũng êm đềm!
Thế đấy, ba tuần với cháu trôi qua bên bức tranh bình yên
của Phạm Duy, bên những câu ca đầy triết lý cuộc đời của Trần Long Ẩn, “ai
cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về ai” hoặc “anh là
chim bói cá, em là bóng trăng ngà, chỉ cách một mặt hồ mà muôn trùng chia xa…”
trong Khúc Thụy Du hoặc có lúc
ướt nhẹp như “Chiều nao tiễn nhau đi khi nắng ngả xế tà. Hoàng hôn đến đâu đây màu
tím dâng trong hồn tôi…”
Bài nào cháu cũng
cười với bà, cũng ngủ ngon sau đó , có lúc cháu còn ê ê, a a theo bà làm
bà nghĩ chắc bà hát hay.
Bây chừ thì cháu đã trở lại nhà trẻ, có cô nuôi người Ả Rập
tên là Allam, có thằng Victor bằng tuổi cháu mà to gần gấp đôi cùng bú cùng ăn khi tới giờ, cháu tự ngủ khi
đến giờ ngủ , không có bà hát ru cháu có
thấy nhớ không hở Misan?
Bà thì bà nhớ cháu lắm. Nhớ cái mặt cười rạng rỡ khi thấy
con chim bồ câu vỗ cánh bay, nhớ ánh mắt
sáng ngời khi tìm ra bà núp trốn cháu sau cánh cửa. Nhưng nhớ nhất là những
lần bà cháu mình ôm nhau ngủ. Không có
cháu để ru bà cũng không còn hứng để hát.
Thôi thì bà cháu mình hẹn nhau tháng tám năm sau, khi bà Allam nghỉ phép, khi bố mẹ
cháu đi du lịch. Lúc ấy bà sẽ quẳng gánh lo đi ở Viêt Nam mà bay sang
với cháu. Bà sẽ đưa cháu đi chơi công
viên chờ xem chim bồ câu bay và sẽ hát vô số bài để ru cháu ngủ
Misan nhé.
Bà Ngoại
Thophanthi
Chúc mừng chị làm một bà ngoại tốt
Trả lờiXóaỪ ,không biết có phải mình là phụ nữ nên cái chi cũng ...ngoại ngoại hết. Tôi vẫn khoái hai chữ bà ngoại vô cùng(xin lỗi bà nội, con cũng yêu quý bà lắm). Quê ngoại,bà ngoại, ..có cái gì ấm áp lắm.Tôi đã từng đọc nhiều câu thơ , bài thơ về quê ngoại nhưng cứ ấn tượng mãi với hai câu thơ( hình như của thằng em kế tôi thì phải.Hay bạn nào nhớ là của ai thì xin mách bảo): Quê ngoại mai này cau rụng hết.Mình buồn, mình khóc một mình nghe. Chúc mừng bà ngoại Thọ
Trả lờiXóa