Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Chờ


Chờ

Một lần

gửi trọn ước mơ

Để ngày tháng cũ


xa mờ biển xanh

Phong ba chờ lúc yên lành


Nắng vàng chợt hé


mong manh tơ trời...

                                   Lãng Tử

Chải đầu cho mẹ

CHẢI  ĐẦU CHO MẸ
Mẹ già như chuối ba hương.
Như xôi nếp mộng như đường mía lau
          Có biết bao nhiêu câu ca dao ngợi ca tình cảm của người con dành cho mẹ? Bởi  Mẹ ngọt như chuối, như đường, mềm mại dẻo dai như xôi nếp… Mẹ là dòng suối ngọt ngào, là nải chuối, buồng cau… mẹ là như thế đó. Mẹ là như thế đó nhưng không phải với ai mẹ cũng là như thế. Có biết bao người từng chăm chuốc chải tóc cho thú cưng? Khi chú thú cưng bị ốm,họ lo lắng chạy chữa, mời bác sĩ… Con chó con mèo họ nuôi mà bị bắt trộm hay bị mất đi có khi họ buồn cả tháng, có khi họ khóc lóc thảm thiết … nhưng đã chắc gì họ một lần chăm lo cho mẹ, đã chắc gì trong đời họ một lần chải đầu cho mẹ?
          Sáng nay, tôi đã tận mắt chứng kiến một hành động vô cùng nhỏ nhoi mà vô cùng cao đẹp của một người bạn trong trường-một người con, dành cho mẹ của mình. Hành động ấy của anh làm cho tôi cứ bâng khuâng, xúc động và nhớ biết bao nhiêu người mẹ của tôi. Chỉ một cử chỉ của anh đối với người mẹ mà đã làm cho tôi trăn trở mãi để rồi viết lên những dòng này…
          Sáng nay, sau khi dự một tiết thao giảng, sau khi họp tổ ngữ văn, phổ biến một số công việc về chuyên môn, chúng tôi bàn với nhau đi thăm mẹ của một thầy giáo,  cũng là tổ trưởng chuyên môn của chúng tôi. Nghe đâu bà cụ đã già, lại vừa bị tai nạn. Trong thâm tâm tôi luôn nghĩ, những người già thường hay có cảm giác cô đơn, họ rất thích được con cháu thăm viếng sớm hôm. Và nếu như có  bạn bè của con đến thăm, có lẽ là điều mà các cụ vui mừng và còn cảm thấy tự hào nũa! Không hiểu sao tôi cứ nghĩ, khi các cụ (cha mẹ của bạn mình) còn sống sự thăm viếng của ta giá trị biết bao, còn hơn rất nhiều lần, khi các cụ “đi” rồi ta mới đến thắp hương khấn vái…
          Vì lý do tế nhị, chúng tôi đi thăm bà cụ mà không báo cho anh bạn biết. Khi đến nhà anh, vừa bước xuống xe, tôi đã  ngạc nhiên và rưng rưng xúc động khi thấy anh bạn đã đến tự lúc nào. Tôi nhìn thấy một bà cụ có vẻ khoe mạnh và cũng không già lắm  đang ngồi trên một chiếc ghế bành. Tôi đoán ngay là mẹ của anh. Bởi bên cạnh bà, anh bạn tôi đang cúi xuống. Tay  anh đang cầm chiếc lược và  chải lên mái tóc của mẹ . Anh chải đầu cho mẹ bằng sự dịu dàng, xen lẫn sự âu yếm. Tóc của mẹ anh còn ít lắm, thế mà anh cứ chải, cứ chải rồi “bối” gọn gàng thành  một buí tóc chỉ bằng một … củ hành ta! Tôi bỗng nghẹn  ngào, bần thần đến không nói được. Lâu rồi, rất lâu rồi tôi chưa được  thấy người đàn ông nào chải đầu cho mẹ. Không phải anh ấy “làm màu mè “gì đâu. Bởi anh không biết chúng tôi đến. Ôi, cái hình ảnh ấy, cái tinh cảm ấy mới cao đẹp, mới cảm động làm sao! Thấy chúng tôi, anh mĩm cười có chút gì hơi bẽn lẽn. Một người bạn khác của tôi không nén được cảm xúc nói to : “Bác ơi, bác có người con có hiếu và dễ thương quá. Con trai mà chải đầu cho mẹ. thiệt hiếm có”. Bà cụ cười hiền lành và có phần hãnh diện.
          Mặc dù được anh giới thiệu là mẹ năm nay đã chín mươi hai tuổi nhưng chúng tôi không tin bởi bà cụ quá … trẻ.  Có thể nói bà dường như mới ngoài bảy mươi. Mái tóc chỉ mới hoa râm, khuôn mặt không nhiều nếp nhăn và nhất là bà hãy còn minh mẫn lắm. Tôi thầm nghĩ, bà cụ còn khỏe như vậy chắc hẳn bà được sống cuộc đời sung mãn hạnh phúc. Sung mãn ở đây không hẳn  có nghĩa là có nhiều tiền bạc, được an sung mặc sướng  mà chính là bà được sống trong  tình yêu thương, sự âu yếm quan tâm sâu sắc của các con dành cho bà. Chắc hẳn còn vì bà luôn được con trai mình chải đầu.
          Trong cuộc sống hiện đại hối hả hiện này, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào về khoa học về kỹ thuật mà đặc biệt là công nghệ thông tin, chữ hiếu của con người có lúc, có nơi đã bị mai một đến nhức nhối đau lòng… Nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng những tấm gươngbất hiếu, ngược đãi bạo hành đối với những đấng sinh thành, thì  hành động chải đầu cho mẹ của anh bạn tôi thật là đãng ngưỡng mộ, đáng trân trọng và nể phục.
          Mẹ là như vậy. Đối với mẹ là phải như vậy. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa-bài thơ tôi rất tâm đắc, nhất là đọc bốn câu thơ cuối:
Con mong mẹ khoe dần dần.
Ngày ăn ngon miệng, đêm  nằm ngủ say
Rồi ra đọc sách ,cấy cày.
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con.
          Mẹ là đất nước, tháng ngày của con. Mẹ là tất cả. Những ai còn mẹ hãy nhớ yêu thương kính trọng mẹ của mình. Và hãy cố gắng có một lần chải đầu cho mẹ.

                                                  Thanh Vân 

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Lê la Chủ nhật



 Lê La Chủ Nhật.
          Thứ năm, tôi nhận được tin nhắn của lão lý. Nói thiệt nghe, nhìn thấy tin từ lý trưởng lòng cũng hơi lo lo… Bởi vì thường, lão nghiêm túc lắm! Lý trưởng mà.! Những mẩu tin mà lão báo cho dân làng phần lớn đều là … hung tin! Nhất là vừa trải qua cơn bão số tám. Đại loại như… thôi, không dẫn ra nưã. Nhưng đọc kỹ thì là một tin vui. Thì ra lão mời chủ nhật đi cà phê, lê la. Mây tui thở phào sung sướng, lòng mưungf khấp khởi…
          Sáng nay, đúng hẹn tôi lo đi chợ sớm để có nhiều thì giờ mà đấu hót. Nhưng đột ngột nhận tin người em trai mời đi cà phé với sui gia của hắn ta. (số là ông sui này từ xứ núi Ấn sôngTra vừa ra). Tui hơi … cụt hứng. Nói thiệt đi với bạn bè thú vị hơn nhiều. Ngồi với sui gia, mất công phải … giữ kẽ! Phải nói năng cho … chuẩn. Mà ngặt nỗi cái miệng tui thì hay nói ... bậy. Hình như ngày nào không... nói bậy tui chịu hổng đươc. Mấy thân hữu đừng chê cười tui nghe! Tôi vội vã phi xuống Lãng Tiêu. Ở đây mới chỉ có gã quản gia, lão lý, gã mõ và đặc biệt là gã cạn hồ trường từ xứ ba kỳ xa xôi cũng có mặt. Nhìn quanh chỉ có một mình tui –Hà hà tui hôm nay là… bông huê duy nhất mới thích chớ. Bởi rứa không phải tự nhiên mà ai cũng … đứng lên nhường ghế cho tui! Giờ đây tui mới thấm thía câu … quảng cáo; “Là con gái thật tuyệt”! Tôi hỏi lão lý; “Răng có chừng ni người?” . Lão than phiền “Bữa ni dân làng 12aba bướng bỉnh lắm! Nói tụi hắn không nghe”. Tui bèn … vặt lại bằng một câu chữ … nho hẳn hoi để chứng tỏ cái trình độ nho học lỏm của mình; “Thượng bất chính, hạ tất (tắc) loạn”. (he he, tui nói rứa không biết có chuẩn không? Bác nào thâm Nho-Hán … rộng nhớ phản hồi cho biết). Ý của tui là trách lão lý, lâu ni lão có tổ chức hội hè chi đâu. Thậm chí dân làng mời mà lão cũng bận việc gì không đến. Mới đối đáp mấy câu thì vợ chồng bác cả đến. Hội cà phê càng trỏ nên rôm rả. Nói thiệt hồi nãy đến chừ tui nói năng thoải mái. Nãy chừ ở đây ai cũng có vẻ bao dung, mặc tui ba hoa chích chòe. Nhưng bác cả đến tui có vẻ … hơi khựng. Lão này tính hay … soi mói và thường khắc khẩu với tui. Hễ tui nói ra câu nào là y như lão nghĩ xiên nghĩ  xẹo. Mà khổ, tui thiệt thà như đếm nên thỉnh thoảng hay bị lão … lừa!trỏ thành trò cười mới tức chớ!
           Hôm nay lão lý mời. Tụi tui … ăn thoải mái. (rứa mà gã cạn hồ trường vẫn thích cà khịa. Lão nhìn tui cười cười; “Nếu mà hôm nay bà Vân mời thì tôi ăn thoải mái. Còn ông Ảnh mời thì tội ổng quá”. Hừ câu nói của gã làm tui muốn nổi điên. Chỉ có quản gia là lúc nào cũng điềm đạm. Gã không ăn. Ngồi bên lão tui cứ nài nỉ mãi. Tui mời lão ăn với tui cho vui. Cuối cùng, nể tình , tui và lão cùng ăn một đĩa bánh mì xíu mại với pa tê. Trời ơi. Đúng là ở đời không ai học được chữ ngờ. Không bao giờ tui nghĩ có một ngày…hai đứa cùng ăn ổ bánh mì’! Bởi hồi xưa đi học tui ghét lão lắm. Lão là cờ đỏ của lớp, của trường, có vẻ ngầu lắm, tui không ưa… Rứa đó mà từ hồi lớp 12A3 tái ngộ, bỗng dưng tui hết ghét lão. Tôi càng thương mấy lão nữa mới lạ chớ! Quả là, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Một kết thúc rất ư là có hậu. Chúng tôi đã trở thành những bạn tốt của nhau.
          Mặc dù thỉnh thoảng bác cả và bác Minh hơi cà khịa với tui, hơi … soi mói tui nhưng hổng sao. Tui không bao giờ giận mà còn rất chi là dzui dzẻ. Định bụng ngồi với các bạn một chút rồi đi … ca khác nhưng (lại nhưng), thình lình có điện thoại của người bạn nhờ tui đến bệnh viện coi ngó giúp một người bạn đang đau rất nặng. Tui vội vã từ giã các bạn để đến b. v. Ra khỏi quá mà tui vẫn còn nghe lão cạn hồ trường nói với theo: “Nè, bà đi chăm sóc cho bạn hay là chăm sóc cho chồng bạn?”. Thiệt hết biết cho cái sự cà khịa của mấy lão bạn của tui!
Mây Xanh


Hợp

GHI NHANH

Hợp

          Mới khoảng 5 giờ sáng chủ nhật trời lại đổ mưa, tưởng đâu siêu bão Usagi sẽ tiếp sức cho mưa to thêm nữa, nhưng chỉ khoảng 30’ sau thì mưa tạnh và trời hững nắng. Thế là cuộc hẹn của lão Lý với bà con dân làng 12A3 vẫn diễn ra xuôi chèo mát mái tại quán caffe Lãng Tiêu. Đúng hẹn, đã thấy Tư Mắt kiếng đến xí chỗ rồi, sau đó là anh Mõ, nhà chị Bán Xôi và anh chàng Udumbara Hoàng Minh ở Kỳ Tam City, vợ chồng bác Cả Lê là những người đến cuối cùng. Cuộc họp mặt chỉ có mấy mống nhưng không phải vì vậy mà kém vui vì những anh chàng và cô nàng tóc muối tiêu đã cùng nhau tạo nên niềm vui ấy.
          Đầu tiên là anh chàng Udumbara làm cho cô bé nhân viên phục vụ của quán đến hết hồn với bộ mặt tỉnh weo anh ta hỏi xin việc làm vì bên ngoài quán có treo bảng cần tuyển nhân viên: “Thưa bác, ở quán đây không tuyển nhân viên nam (mà bác lại già wá ), chỉ tuyển nhân viên nữ thôi!”. Rồi đến sự “soi mói” của bác Cả về cái chuyện sữa đường gì đó của nhà chị Xôi làm chị ta đến nóng trong người. Nhưng hổng sao ấy chỉ là những chuyện vui thường tình mỗi khi dân làng 12A3 có dịp lê la. Qua trò chuyện mới biết thêm thông tin về chuyện hiu của chị bán Xôi, lẽ ra theo đúng luật định thì tới hết tháng 10 năm ni là chị ta hạ cánh an toàn, nhưng lại được kéo dài cho đến hết năm học để thay cô bạn đồng nghiệp trong tổ nghỉ sinh, ấy vậy mà bác Cả Lê phán liền một câu xanh zờn: “Đúng là đồ… đồ… YAMAHA”. Nghĩ cũng oan cho nhà chị Xôi. Tưởng đâu chị ta sẽ nhảy đựng lên khi nghe câu ấy, nhưng chị ta lại vô cùng vui vẻ và nói một cách thật lòng: “Cứ mỗi lần nghĩ tới chuyện về hiu là em buồn thúi cả ruột các bác ạ! Em hóc thầm trong đêm suốt mấy năm ni, nhưng chừ nghĩ lại em hết buồn rồi, em thấy đó là lẽ thường tình vì mình phải về để cho thế hệ sau họ tiếp bước chớ.” Đúng! đúng quá đi chứ lị, chị Xôi tiến bộ ra rồi đó! Chị chỉ buồn thôi chứ đâu có phải YÀ MÀ  HAM đâu bác Cả nhảy?
          Và điều tuyệt vời nhất trong cuộc họp mặt nầy là làng ta được vinh dự đón ngài Nhật kiều Cushi Taha ghé thăm nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước ta và nước Nhật (21/9/1973-21/9/2013). Trong buổi họp mặt, ngài nói thật nhiều đến văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, nhân thể ngài có đề cập đến vấn đề ăn chay ăn mặn và rút ra kết luận rằng: “Chủ yếu là ở trong tâm, còn ăn chay như là để nhắc nhở ta và cũng như để thay đổi khẩu vị mà thôi!”. Rất tiếc trong cuộc họp mặt nầy không có nhà chị Thọ Phan để chị được tận mắt chứng kiến ngài Cushi Taha nói tiếng Việt như người Việt làng ta và đọc thơ cùng bình thơ của mấy lều thơ của làng ta đến không chê vào đâu được. Trong cuộc giao lưu trò chuyện thân mật, ngài Cushi Taha có tâm sự rằng không biết có cái nhà chị Thọ Phan nào đấy của làng ta có vẻ hung hăng ưa gây sự quá làm ngài hơi e ngại. Ngài hẹn sẽ tiếp tục đăng đàn để còm-măng chia sẻ cùng dân làng nếu như chị Thọ Phan không còn gây nhũng nhiễu và hạ bớt nhiệt độ.
          Nói túm lợi là cuộc hợp mặt lần nầy tuy không được đông đủ như mong muốn, song không vì thế mà kém vui. Mọi người ra về và hẹn nhau lần sau sẽ được thưởng thức món Sakê trộn của nhà anh Mõ. Để cho chắc ăn, làng giao nhiệm vụ cho vợ chồng bác Cả Lê trực tiếp đến nhà anh Mõ để kiểm kê thực tế về số lượng quả cũng như đánh giá chất lượng và báo cáo cho hội đồng làng vào cuộc họp mặt lần tới. Trong khi đó, lão Lý thay mặt dân làng tiễn ngài Cushi Taha vào thành phố Hội An để tham dự chương trình : “Hội An – ngày không khói xe”.
                                                                                    22/9/2013


                                                                                      TÊ KA

TÌNH CHỈ ĐẸP

TÌNH CHỈ ĐẸP
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo.
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.
          Ngay từ trong buổi bình minh của lịch sử con người, ngay từ lúc tâm hồn con người còn hoang sơ đơn giản thì tình yêu đã vô cùng mãnh liệt. Khi yêu nhau rồi, người ta sẽ vượt qua tất cả những gì gọi là “chướng ngại vật” để đến với nhau. Mấy núi, mấy sông, mấy đèo … cũng qua chứ đừng nói là mấy … con người! “Cũng qua” có nghĩa là cũng gặp, cũng có nghĩa là sẽ vượt qua. Tự nhiên như thế, tình yêu bao giờ cũng bao hàm ước muốn gần gũi, chiếm hữu…
          Yêu nhau, muốn đến với nhau để trở thành vợ chồng, cùng nhau sống đến ngày “Đầu bạc răng long” là ước muốn chính đáng, đẹp đẽ và hoàn toàn xứng đáng được mọi người ủng hộ. Nhưng, cuộc sống không phải là bất biến và tình yêu cũng vậy. Hợp rồi tan cũng là lẽ thường tình. Một cuộc tình đẹp cũng có thể đến chỗ ly tan. Có thể hồi đó tôi (anh) yêu anh (tôi) mà bây giờ tôi không yêu anh (tôi) nữa! Đó cũng là điều bình thường trong tình cảm. Đừng hỏi: “Vì sao lúc trước anh (em) yêu tôi mà bây giờ em (anh) phụ tôi? Bởi chuyện nó là như vậy rồi. Cũng có thể yêu nhau say đắm một thời gian thì … bỗng dưng phát hiện ra mình không hòa hợp. Hoặc có khi  đôi lứa vẫn mặn nồng tình nghĩa nhưng vì nghịch cảnh, vì cha mẹ đôi bên không chấp nhận, vì cuộc sống… mà phải xa nhau. Có thể nói muôn nẻo đường để yêu nhau và cũng vạn  nẻo đường để chia tay nhau. Thậm chí đã là vợ chồng, đầu ấp tay gối mà vẫn phải đến lúc “Anh đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”.
          Vậy, khi tình yêu “vỗ cánh bay đi”, chúng ta nên có thái độ, cách hành xử như thế nào cho đẹp? Buồn? Thương? Tiếc nuối? xót xa? Gin hờn… Những cảm xúc ấy ai yêu mà không có.? Chính nhà thơ tình yêu nổi tiếng Xuân Diệu đã định nghĩa về tình yêu:
Yêu là chết ở trong lòng một ít.
    Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
                 Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu.
    Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết.
          Mới yêu thôi thì đã “chết trong lòng” huống hồ mất tình yêu? Chết điếng nữa là khác. Nhưng, ngày xưa, hay nói gần hơn là trước đây, khi tình yêu - vì một lẽ nào đó mà tan vỡ thì người ta thường chỉ lặng câm gậm nhấm nỗi buồn.một mình.kiểu như “Ngày nhà em pháo nổ. Anh cuộn mình trong chăn”. Hoặc nhìn người yêu sang ngang mà than thở: “Ván kia, bây giờ đóng thuyền rồi. Có còn chi đâu nứa, thôi đành hẹn trong mơ”. Không được hạnh ngộ ngoài đời thì hẹn gặp nhau trong mơ. Vậy thôi. Còn nếu  đau đớn hơn thì: “Anh về góp lại thư em,  cả ngàn trang giấy mỏng xanh màu. Gom cả áo lạnh ngày xưa,anh đem ra đốt thành tro tàn”. Đốt là đốt thư,đốt áo lạnh. Để làm gì? Ta hãy nghe, rất là nhân văn: “Cho người xưa khỏi phân vân. Khi ngồi đan áo cho người mới”. À, thì ra, anh sợ còn nhìn kỷ vật thì càng khó quên,rồi sinh ra nhung nhớ, có thể gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của người mình yêu.Vậy đó. Hoặc có khi … điên tiết quá, giận quá thì anh cũng  sẽ… giết nhưng mà là: Giết người đi. Giết người trong mộng đã bội thề…”. chỉ là giết người trong mộng mà thôi như để xóa tan bóng hình người xưa… Rồi trên đường đời, nếu vô tình ta có gặp lại nhau thì “Xin làm người xa lạ”. . Hoặc nếu sợ còn… yêu quá thì anh se van xin nàng: “Đôi mắt người xưa, xin đừng buồn vì tôi. Cho trái tim tôi ngủ quên chuyện tình xưa lỡ làng”. Nỗi buồn vì mất tình yêu trong thơ  trong nhạc ngày xưa sao mà đẹp thế, nhân văn đến thế. .Yêu như vậy mới là yêu. Tình như vậy mới là tình đẹp. Cũng có thể có người cho đó là ủy mị, là thụ động. Nhưng như thế còn hơn chán vạn lần những kẻ thất tình rồi tìm cách trả thù tàn độc theo kiểu “không lấy cũng khuấy cho hôi”. nhưng không phải là “hôi” mà là sự tàn nhẫn, sự man rợ ,mất nhân tính khi… chặt chém, tạt a-xit, đổ xăng đốt hay … viết cáo phó, đem vòng hoa đến … khủng bố nhà người yêu ngay lúc người ấy đi lấy chồng (vợ)! Như vậy không phải là tình yêu. Hãy biết rằng vết thương lòng rồi dần dần sẽ nguôi ngoai. Rồi thòi gian sẽ xóa đi tất cả. Rồi mỗi người sẽ lại vui với người mới, tình mối. Cuộc sống vẫn tốt đẹp biết bao. Nên nhớ rằng mối tình sử của Rô- mê- ô và Ju-ly-et đã từng làm thổn thức triệu con tim nhân loại thì cũng không phải là tình đầu tiên.! Còn nếu ai đó muốn  ôm ấp mãi mối tình xưa để tôn thờ tình yêu cũng vẫn tốt. Những ai yêu nhạc của Vũ Thành An hẳn không quên bài hát : “Bài không tên cuối cùng”. Trong đó, khi hai người không còn với nhau, cô người yêu đi lấy chồng, anh đau đớn quá cứ tự hỏi lòng: “Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng hay sai em.? Mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng?..”. Hay : “xa nhau rồi, thiên đường thôi lỡ, cho thần tiên chắp cánh xót đau người tình si…” Chỉ hoàn toàn là những lời buồn anh tự gặm nhấm cho riêng mình. Thế đó, nhưng, mấy chục năm sau, chính những lời nhạc đó đã làm cho tác giả ân hận và thấy mình có lỗi. Yêu người, anh muốn cho người yêu hạnh phúc. Anh sợ rằng những lời hát đó có thể làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của người yêu. Thế nên, trong bài hát “Bài không tên cuối cùng 2”, nhạc sĩ đã  vội vàng sửa lại: “Này em hỡi! Con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng đấy em ơi. Nếu chúng mình có thành đôi lứa,c hắc gì ta đã thoát ra vòng khổ đau?”… Em bỏ anh đi lấy chồng là hoàn toàn đúng đó em ơi! Đừng cho rằng điều đó chir có trong nhạc trong thơ. Đó chính là đời. Thật là một tình yêu cao thượng.
          Yêu say đắm vội vàng nhưng chính nhà thơ Hồ Dzếnh lại viết: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Yêu nhau, không ai muốn chuyện tình mình dang dở. Nhưng biết đâu, khi mộng ước không thành cũng để lại trong ta dư âm và hình ảnh đẹp mãi không phai mờ trong tâm thức. để mãi nhớ về nhau.. Tình yêu đẹp lắm! Tình yêu là muôn thuở, là bất diệt, là thiêng liêng. Hãy cố gắng giữ cho tình yêu đẹp mãi cho dù có thể ta không chung bóng chung đường.
                                              Ngày 9 tháng 9 năm 2013
                                              Mây


Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Bội thực

Bội thực

          Lão Quản ơi là lão Quản!
          Thiệt lão ác hơn là bão số 8 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền từ Quảng Trị –Bình Định nữa đó! Ai đời cái nhà chị bán Xôi ở cái làng 12A3 đã cố géng eng kiêng chỉ cơm gạo lức muối mè để tránh ba cái vụ máu nhiễm lộn mỡ celestrole, rùi đến cái chiện thấp khớp cao khớp hay huyết áp trồi lên tụt xuống chi đó. Rứa mà lão cứ liên tục dọn mâm lên Giao Mùa hết món nầy đến món khác thì thử hỏi có ma nào mà kiêng được cơ chứ, nói chi đến nhà chị Xôi? Ngay đến cái thằng tui khi đang viết mấy dòng nầy mà cũng không cầm được nước bọt, vì nó cứ cứ túa ra liên tục không kịp nuốt đây nề! Ui chu choa mạ wơi! Hình như tui nhớ không nhầm, hồi đầu tháng tám cho tới giờ lão Quản đã thếch bà con làng mình eng các món nào là: “Vịt kho chuối xanh; Lưỡi heo trộn chua ngọt; Gà cuộn xôi xoài; Thịt heo quay không cần tiền (ý lộn) không cần lò”. Rồi bước qua tháng chín, lão Quản đãi làng các món: “Cá basa chiên sốt me; Vịt nấu thơm và Gỏi gà hoa chuối”. Không biết tiếp theo lão sẽ mời bà con làng mình những món gì nữa đây? Cái thằng tui vốn đã được nhà chị ThọPhan phong tặng tục danh “Đệ nhứt trột eng” rứa mà coi bộ tui không giữ nổi được cái danh hiệu bêu rếu đó rùi vì có người đang rắp tâm soán ngôi ấy chớ? Níu nhà chị Xôi mà đọc tới đây thì hãy chịu khó nhắm mét lại kẻo lại bị Celestrole hay thần kinh tọa do eng phải những món đặc sản Online nầy của lão Quản thì đừng có mà đổ thừa cho cái thằng tui mà tội nghiệp lắm à nghen! Tui đang đi dép lồ trong bụng lão Quản đây nề? Mấy bữa ni trời mưa trời gió đùng đùng, nhất là cơn bão số 8 đang ngấp nghé đổ bộ vào đất liền thì thế nào lão Quản cũng mời bà con làng mình eng món bánh xèo Online cho mà coi? Mà quả thiệt núa không phải nịn lão Quản chớ đúng lão là một chiên za tâm lý số một về ẩm thực, mùa nào thức ấy không chê vào đâu được, chỉ tội là lão cho bà con làng mình eng toàn bằng mét không hà!
          Nhân núa tới món bánh xèo, làm tui nhớ lại hồi nhỏ còn ở quê, vào những ngày mưa lụt, trời lành lạnh,ba tui đi ra đồng hái được nấm mối đem về, bảo mẹ tui ngâm gạo rồi bỏ vào cối đá xay bột đúc bánh xèo. Ba tui thì đi hái rau thơm nào là rau húng, rau quế, tía tô… rồi ông đi chặt một cây chuối sứ non đem về tướt vỏ, liếc con dao thật bén kê cây chuối non lên miệng cái chậu đất trong có đổ đầy nước rồi xắt từng vòng thật mỏng, khi công việc đã xong ông đem mớ rau thơm trộn vào và rửa sạch sẽ vớt ra cái rỗ để cho ráo nước. Trong lúc nầy mẹ tôi xay bột đã xong, bà đem nấm mối ra cạo bùn đất rửa sạch sẻ, nấm mối được xắt mỏng trộn vào trong nồi bột, nhóm bếp lên và lấy cái xanh đổ dầu phụng đặt lên bếp lửa hồng. Ba tui lấy một cái nia và cắt mấy tàu lá chuối lót vào cho sạch sẻ đặt cạnh bếp. Ông bưng một chén mắm cùng mấy cái tô và rỗ rau để vào giữa nia, xong mấy cha con ngồi quanh bếp lửa chờ cái tài đúc bánh của mẹ tui. Cái mùi dầu phụng được khử lên bằng một củ hành tươi nghe đã thơm rồi,  cứ mỗi lần mẹ đổ bột vào cái xanh nghe cái xèo thì cái mùi thơm ấy như được nhân lên gấp bội, thơm ơi là thơm. Khi bánh chín mẹ tui đổ ra cái nia nóng ơi là nóng, ba tui lấy dao cắt đều cho mỗi đứa một miếng rồi anh em tui lấy rau sống bỏ vào quấn tròn lại chấm mắm ngon ơi là ngon. Nấm mối đúc bánh xèo thơm ngọt như thịt bò, cái dư vị ấy đến bây giờ như vẫn còn ngọt thơm mãi trong tui……!
          Bên ngoài trời đang mưa từng cơn rất lớn và bão số 8 như một gần hơn. Có lẽ cái thằng tui đã làm cho bà con làng mình bị bội thực rồi chăng? Vâng! Bội thực bởi một cái mơ-nu ẩm thực Online của lão Quản và nhất là bội thực bởi một quá khứ đến dễ thương mà không bao giờ có lại được. 
           Dù sao cũng xin cám ơn lão Quản gia, vì níu không có lão thì cái bếp của Giao Mùa đã tàn lạnh không biết đến bao giờ!
                                                                                             18/9/2013

                                                                                               TÊ KA

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Hoa vàng ngày ấy

Hoa vàng ngày ấy

Ngày lên như thể chưa buồn

Mây qua đầu núi

mưa nguồn đã giăng

Thu về hoa nở muộn mằn


Sắc vàng ngày ấy còn chăng hỡi người…



Lãng Tử

gỏi gà hoa chuối

Gỏi gà hoa chuối

Hấp dẫn gỏi gà hoa chuối 1
Nguyên liệu:
- 2 miếng lườn gà ta
- 1 hoa chuối
- 2 trái chanh, 1 trái ớt
- 50 gr húng bạc hà và rau ngò
- 50 gr đậu phộng rang
- 2 muỗng đường, 2 muỗng nước mắm
Cách làm:
1.Lườn gà hấp hoặc luộc với chút gừng và muối cho đậm đà, xé nhỏ.
2.Hoa chuối thái nhỏ, ngâm vào nước lạnh có vắt 1 trái chanh. Ngâm hoa chuối với nước có chanh sẽ giòn, ngon và trắng hơn, không ngâm muối. Vớt ra để ráo nước.
3.Pha nước trộn gỏi theo tỉ lệ: 3 muỗng nước cốt chanh, 3 muỗng đường, 3 muỗng nước mắm, trộn đều.
4.Cho hoa chuối vào một cái tô lớn, chan một muỗng nước trộn gỏi, đảo đều, sau đó cho thịt gà xé vào cùng với rau húng và ngò cắt to, chan hết nước trộn gỏi vào trộn đều.
5.Đậu phụng rang cho vào một bịch ni lông to rồi dùng chày gỗ đập nhẹ, sao cho hạt đậu phụng chỉ vỡ đôi, vỡ ba, rắc đều vào tô gỏi. Nếu thích ăn cay thì cho vài lát ớt.

6.Cho gỏi ra dĩa, trang trí với rau húng và chút đậu phộng rắc phía trên.

Theo SAIGON amthuc.vn

Dưới ánh trăng rằm

TẢN MẠN

Dưới ánh trăng rằm

                      Hình như đã qua rồi cái thời tết Trung thu của trẻ con với ánh trăng tròn vành vạnh treo lơ lững trên bầu trời đêm, cùng với những chiếc lồng đèn bánh ú thủ công hay chiếc lồng đén ông sao bằng giấy màu thô ráp, mấy chiếc kẹo đòn xóc hay những cái bánh in làm bằng bột nếp với đường đen được gói trong những tờ giấy gương xanh, đỏ, tím ,vàng sặc sỡ mà làm cho những tâm hồn trẻ thơ thời ấy vui sướng đến ngất ngây. Những chiếc trống ếch được làm bằng ống tre hay bằng lon sữa bò bịt những miếng áo mưa cũ đánh lên nghe ình ịch, tuy không được giòn giã như những chiếc trống được làm bằng da nhưng cũng khá vui tai, làm cho trò chơi rồng rắn của đám trẻ con ở làng quê trong đêm trăng rằm thêm rộn rã.
                      Ngày nay, tết Trung thu thật là hoàn hảo (vì xã hội phát triển nên đó là lẽ đương nhiên!) và trẻ con hôm nay thật là hạnh phúc. Đồ chơi tết Trung thu cho trẻ từ hiện đại đến thô sơ không thiếu thứ gì kể cả đồ nội lẫn đồ ngoại (chỉ thiếu tiền!). Còn quà bánh thì người ta đã sản xuất trên những dây chuyền máy móc hiện đại, từ những loại cao cấp nhất cho đến những loại bình dân, được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách rầm rộ và bày bán trước đó cả mấy tháng trời trên khắp mọi miền đất nước. Trẻ con hôm nay được xã hội quan tâm rất đặc biệt, từ gia đình, nhà trường, phường xóm và cả đến các cơ quan đoàn thể, nhà máy, doanh nghiệp đều dành cho trẻ con những tình cảm đầy ắp thương yêu.
                       Tết Trung thu là ngày truyền thống dành cho trẻ con của một số nước ở Châu Á. Đó là cái tết hồn nhiên trong sáng ngây thơ và tuyệt vời nhất của trẻ thơ mà người lớn chúng ta phải có nhiệm vụ làm cho cái tết ấy trở thành một ngày hội thiêng liêng cho con trẻ, vừa mang tính chất cổ tích mà lại vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên do cuộc sống xã hội phát triển nên người ta đã ít nhiều làm méo mó cái ý nghĩa thiêng liêng của ngày tết Trung thu, thậm chí tết Trung thu trở thành mục đích kinh doanh và người ta đã thương mại hóa nó một cách vô tội vạ, đôi khi trở thành phương tiện để cầu cạnh cho lợi ích riêng tư.
                      Cái tết Trung thu của thế hệ chúng ta ngày ấy không quá cầu kỳ, ước mơ của trẻ con không  dám vượt qua khỏi lũy tre làng nhưng tâm hồn chúng ta đã được tắm mát trong một thế giớ cổ tích thần kỳ đầy nhân văn. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta so bì tuổi thơ của ngày xưa với ngày nay (Vì mọi sự so sánh đều là khập khiễng mà!) và cho dù thế giới con người có văn minh tiến bộ, có đổi thay đến độ nào đi nữa thì xin hãy làm cho ngày tết Trung thu của trẻ thơ luôn mãi thiêng liêng và luôn mãi vẹn tròn sáng trong như ánh trăng rằm.

                                                                                          Trung thu 2013


                                                                                            Nhân Trần

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Ngóng

Ngóng

Lâu ni Chị Ốc đi mô
Để bà con phải đúp-bồ nhớ mong
Dẫu xa lòng vẫn dặn lòng
Giao Mùa làng dưới xóm trong ngóng chờ
Một nàng Ốc
một nàng thơ
Một bờ tóc nguyệt
một bờ vai nghiêng
Ngẩn ngơ vẽ một dáng tiên
Cho người lãng tử muộn phiền dưới trăng.

                                                       12/9/2013

                                                        Đồ Gàn

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Thơ Hoàng Minh

Chiều hoang

Chiều nay lạnh,
Anh gởi về em niềm thương nhớ.
Sương gió chi!
Chất ngất mãi vương hương.
Khói bép chiều vương vấn quyện trời lam.
Anh say khướt mùi hương hoa cúc bạch.


Hồn hoang

Quyện hồn trong mơ hồ màn sương nguyệt.
Dìu dặt vương hương nhẹ gió ru.
Đêm bềnh bồng man mác trăng vàng dịu.
Lắng trong sông trôi dòng phiêu lãng
Dạ khúc buồn chi lòng vương vấn lạ


Hoàng Minh

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Miền lặng








Nhạn ảnh
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Thiền sư Hương Hải (1627-1715)

(Cánh nhạn qua không.
Đáy nước bóng in
Nhạn không để dấu
Nước chẳng lưu hình
                                                HM)
Như cánh nhạn kia lướt qua không trung,, dịu dịu  trăng sáng, mờ ảo   nước in.
Ô hay thực ảo ở tự đâu?
Những cánh nhạn lướt đi trong hồ  xuân, trong không trung êm ái nhẹ nhàng , không một nhiểu động ba đào, dịu dàng trong miền trăng trắng vô ngần.
Ta như  quyện vào miền trăng huyền diệu, yên tỉnh lạ thường.
Như nhạn kia đến rồi đi. Miền trăng không  hình không bóng.
Chỉ còn  miền không gian tịch lặng rổng rang.
Như việc đời kia đến rồi đi. Chẳng nuối tiếc vấn vương, vướng bận .
Miền tâm vắng lặng rổng rang.
Và thư thái  nhẹ nhàng  vào cõi lặng.
Hoàng Minh

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Tình thơ


Tình thơ

Tình thơ nét mực phai màu
Ngày xa xôi hứa đợi nhau thu vàng
Chìm trong ký ức miên man
Cánh chim di trú ngỡ ngàng xót xa
Chân mây ngập ánh chiều tà
Tìm nơi bờ cát gót ngà nay đâu
Biển xanh con sóng bạc đầu
Viễn du người đã bao lâu không về

Ta xin rời khỏi cơn mê
Để chiều ngồi chải tóc thề cho em...

Lãng Tử

Coi như

Coi như

                                   Tặng nhà chị Mây

Tuổi thơ qua tự bao giờ
Đến chừ nghĩ lại mà ngơ ngẩn buồn
Sông kia có chảy về nguồn
Có ai leo ngược qua truông cuộc đời
An nhiên tự tại rong chơi
Coi như mình mãi cái thời ấu thơ
Vô tư không đợi chẳng chờ
Sinh lão bệnh tử hững hờ mà chi
Không cay cú chẳng so bì
Hỉ nộ ái ố sân si nặng lòng
Phong trần nhẹ gót thong dong
Chữ nhàn Uy Viễn cầu mong vẹn tròn
Thời gian mãi mãi không mòn
Chỉ mòn thân xác và mòn ước mơ
Tặng người có mấy vần thơ
Đợi khi hạ cánh ta nhờ đồ xôi.

                                                 6/9/2013


                                                 Đồ Gàn

Làm bà khó lắm

Làm bà khó lắm

          Tự nhiên tui phát hiện ra là mình hát cũng hay!
          Tháng tám, tháng của mùa thu Việt Nam, tháng của chuẩn bị “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc”, tháng của xôn xao mùa tựu trường ngày xưa lại là tháng tôi nhận ra mình đã già, đã phải làm bà, đã phải à ơi với  cái con bé cháu  ngoại chưa đầy mười tháng tuổi mà bố mẹ hắn giao cho giữ 3 tuần.
          Có giữ cháu rồi mới biết là “làm bà khó lắm…”
          Một ngày của bà ngoại bắt đầu từ 5h sáng, có nghĩa là lúc con bé cháu bắt đầu o oe. Bà thức dậy, bà làm sữa, bà cho cháu bú bình, bà thay bĩm cho cháu sạch sẽ với hy vọng cháu ngủ tiếp đên 7, 8 h sáng để bà còn chợp mắt một tí . Có khi vui con bé bú xong ngoác   miệng cười với bà  một cái rồi ngủ tiếp, nhưng có lúc vui hơn con bé lại lật, lại bò lại trèo lên thành ghế mà bà đã cẩn thận che chắn đêm qua để cháu khỏi té khi ngủ. Thế là bà lại phải bò theo cháu, mắt nhắm mắt mở cũng cũng phải toét miệng cười khi cháu cười, cũng phải a a khi cháu a a, cũng phải lặp lại chết cha, chết cha khi cháu chết cha, chết cha hoặc tương tự như thế.
          Cứ thế bà cháu diễn trò cho nhau xem cho đến lúc cháu ngủ lại.
Cái khó ló cái khôn,  ông bà ta đã chẳng bảo thế. Chính những lúc như thế nầy tôi mới phát hiện  ra giọng ca muộn màng của mình.
          Này nhé, muốn cháu ngủ thì bà phải ru, mà đã ru thì phải hát… Đời bà có hát ru ai bao giờ đâu. Lúc ru mẹ cháu ba mươi năm trước đây bà còn à ơi được vài câu như Ví dụ như  ví dầu cầu ván đóng đinh, hay Chiều chiều ông Lữ đi câu, bỏ ve bỏ chén bỏ bầu ai mang…
          Nhưng những âm điệu hát ru ấy hình như chỉ phù hợp với cái nôi tre, với mái nhà tranh có cây kèo để treo nôi, có bốn cái  tao nôi mà khi nắm gọn trong tay bà như nắm cả tình thương, cả trách nhiệm và cả cái lo toan những ngày tới mù mờ . Cứ thế nhịp nhàng, nhịp nhàng…
          Bên nầy không có nôi, cháu ngủ giường riêng lúc một tháng tuổi (chỉ có khi về ở với bà bà mới cho cháu ngủ chung). Mẹ cháu  mà biết chắc lại lặp lại cái câu bà làm hư cháu như mỗi khi bà  làm cái gì đó không nằm trong chương trình nuôi dạy con  cuả mẹ cháu.
          Mà bà cũng chẳng thèm quan tâm tới cái lịch mà mẹ  cháu đã cẩn thận dán lên tường trước khi giao cháu cho bà. Bà bế cháu khi cháu đòi bế, bà ru khi cháu buồn ngủ chứ không:
          Ngủ: 20h30 cho  lên  giường, mở đèn ngủ, đóng cửa phòng. Misan sẽ tự ngủ.
          Ở với bà, cháu ngủ chung giường với bà , bà hát ru , vỗ vỗ mông cháu theo nhịp điệu bài hát, ban đầu cháu có vẻ ngạc nhiên nhưng có lẽ bẩm sinh con người thích những điều dịu êm vả ngọt ngào nên cháu quen rất nhanh.           Cháu lim dim lim dim, mĩm cười với bà như cám ơn rồi đi vào giấc ngủ.
          Cứ thế bà ru cháu ngủ trưa, ngủ tối, ngủ tiếp nữa giấc đêm khuya.
          Vốn bà không thuộc nhiều bài hát, chỉ có những bài bà yêu thích mới nạp trọn vào bộ nhớ. Mà không phải bài nào hát ru cũng đươc. Phải chọn bài nhịp  nhàng theo cái vỗ mông, không ồn ào, đều đều mà du dương.
          Bài Ngày trở về của Phạm Duy được chọn làm bài hát ru ưa thích.
Không biết do bà hát hay, do bài hát hay, do những cái vỗ mông êm ái mà lần nào cháu bà  cũng ngủ ngon lành. Có hôm bà mới tới “mẹ lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ , tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chở ” là cháu  đã ngủ ngay…
          Nhưng cũng có lúc bà phải tua đi tua lại nhiều vòng đợi cháu ngủ.
          Chao ơi cái ngày trở về của anh thương binh sao mà êm đềm, mà ấm cúng mà chan chứa tình người đến thế.
Ngày trở về có anh nông phu chống nạng cầy bừa.
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ
 
Hoặc
Ngày trở về,
lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Gió mát trăng thanh,
ôi ngày trở về
Có anh thương binh sống đời hoà bình
. 

          Ông Phạm Duy không lên gân. Ông phát họa bức tranh ngày trở về của anh thương binh rất giản dị. Vì anh là thương binh nên con trâu cũng  biết đồng cảm vơi anh , cây lúa cây ngô tưởng chừng vô tri cũng biêt hát đùa trước ngõ chào đón anh về sống đời hòa bình.
          Ban đầu là hát ru cháu ngủ  nhưng sau đó là hát cho mình. Càng tua càng thấy hay . Ngày trở về như bản tuyên ngôn về tình người.
          Có hôm cháu ngủ từ đời nảo đời nao mà bà vẫn còn tua đi tua lại. Bà hát rồi bà liên tưởng đến Ngày trở về của những người bạn của mình, của em trai mình, của anh thương binh ngồi vá xe trên đường Quang Trung, của anh bảo vệ bên bệnh viện gần nhà…
          Không phải ngày trở về nào cũng êm đềm!
          Thế đấy, ba tuần với cháu trôi qua bên bức tranh bình yên của Phạm Duy, bên những câu ca đầy triết lý cuộc đời của Trần Long Ẩn,  “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về ai” hoặc  “anh là chim bói cá, em là bóng trăng ngà, chỉ cách một mặt hồ mà muôn trùng chia xa…” trong  Khúc Thụy Du  hoặc có lúc  ướt nhẹp  như “Chiều nao tiễn nhau đi khi nắng ngả xế tà. Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn tôi…”
          Bài nào cháu cũng  cười với bà, cũng ngủ ngon sau đó , có lúc cháu còn ê ê, a a theo bà làm bà nghĩ chắc bà hát hay.
          Bây chừ thì cháu đã trở lại nhà trẻ, có cô nuôi người Ả Rập tên là Allam, có thằng Victor bằng tuổi cháu mà to gần gấp đôi  cùng bú cùng ăn khi tới giờ, cháu tự ngủ khi đến giờ ngủ ,  không có bà hát ru cháu có thấy nhớ không hở Misan?
          Bà thì bà nhớ cháu lắm. Nhớ cái mặt cười rạng rỡ khi thấy con chim bồ câu vỗ cánh bay, nhớ  ánh mắt sáng ngời khi tìm ra bà  núp trốn  cháu sau cánh cửa. Nhưng nhớ nhất là những lần bà cháu  mình ôm nhau ngủ. Không có cháu để ru bà cũng không còn hứng để hát.
          Thôi thì bà cháu mình hẹn nhau tháng tám  năm sau, khi bà Allam nghỉ phép, khi bố mẹ cháu đi du lịch. Lúc ấy bà sẽ quẳng gánh lo đi ở Viêt Nam mà bay sang với cháu. Bà  sẽ đưa cháu đi chơi công viên chờ xem chim bồ câu bay và sẽ hát vô số bài để  ru cháu ngủ  Misan nhé.

                                                          Paris tháng 09 2013
                                                               Bà Ngoại

                                                             Thophanthi

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Vịt nấu thơm

Cuối tuần làm thêm nón ngon

Vịt nấu thơm 

Nguyên liệu:

Thịt vit: 800g; Thơm: 1 trái; Dừa tươi: 1 trái; Hành tây: 1 củ; Cà chua bi: 5 trái; Nước ép thơm: 1 chén; Nước dùng gà: 600ml; Đinh hương, quế chi, lá thơm; Ớt sừng, gừng, nước cốt hành tím; Dầu ăn, dầu điều, bột năng; Muối, tiêu, đường, rượu;Nước tương; Hạt nêm.

Cách làm:

- Dùng gừng giã và rượu rửa sạch da vịt để tẩy mùi hôi lông, xả sạch, để ráo. Khứa vài đường trên da vịt rồi chiên cho ra bớt mỡ, khứa dọc bên trong má đùi và đùi vịt để dễ thấm gia vị. Ướp vịt với 2M nước cốt hành tím, 2M Nước tương, 1/2M muối, 1/2M tiêu và 1.5M Hạt nêm để thấm 30 phút.
- Thơm gọt vỏ, tỉa sọc đứng, cắt miếng vừa ăn, khoét bỏ lõi, ướp với 1 ít đường và muối. Dừa tươi chặt lấy nước. Hành tây cắt múi, ớt sừng cắt lát. Hòa tan 1M bột năng với 1/2 chén nước.
- Cho vịt vào nồi nấu không cần dầu, nêm 1M dầu điều, 1 nhánh quế, 4-5 nụ đinh hương, 1 nhánh lá thơm, cho thêm 1 chén nước cốt thơm và nước dừa tươi, nấu lửa to đến khi sôi thì giảm lửa, nêm 1M Hạt nêm, cho thơm và hành tây vào rồi nấu đến khi vịt chín mềm. Khuấy bột năng cho vào từ từ đến khi nước sánh vừa, tắt bếp.
Vịt nấu thơm ngon mà không ngấy - 1



- Múc thịt vịt ra đĩa sâu lòng, rắc thêm tiêu và trang trí với ngò rí, ăn kèm bánh mì, Nước tương và ớt cắt lát tùy khẩu vị.

Mách nhỏ:

- Khứa những đường song song trên da vịt để khi chiên mỡ vịt chảy ra bớt.

- Nếu thích ăn béo thì giữ lại phần mỡ khi chiên thịt để nấu.



Theo Gia đình xã hội