Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Được và mất

Từ Trung Phước nhìn sang bên kia là làng quả Đại Bình - Ảnh: mẹ Bầu Bí

Được và mất

                    Một ngày nghỉ chủ nhật đối với công nhân viên và người lao động quả thật rất quý vì sau một tuần làm việc mệt nhọc có điều kiện được thư giản nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động cho tuần sau. Ấy vậy mà ngày chủ nhật vừa qua đối với tôi thật sự là mệt nhưng lại rất ý nghĩa, tôi mất cũng nhiều và ngược lại mình được cũng nhiều.
                   Cái mất trước hết mà mất thời gian để nghỉ ngơi, tiếp đến là mất một cuộc hẹn caffe với những người bạn thân cũ và cuối cùng - một cái mất lớn hơn nữa là mất một cuộc hội ngộ của các bạn học thời đệ thất niên khóa 1969-1970 sau “40 năm trở lại trường xưa”.
                   Trên đường đi với người đồng đội về thôn Đại Bình xã Trung Phước huyện Nông Sơn,Quảng Nam để dự đám cưới của con một người đồng đội cũ, tôi kể lại chuyện ấy cho anh bạn đồng đội nghe và anh ta liền mắng tôi :
           - Reng thứ chi ông cũng muốn được hết về cho mình mà không chịu mất đi một ít cho thiên hạ nhờ -  Rồi anh ta cười ha hả trong tiếng động cơ xe máy lao vút đi trên đường.
                  Ừ anh ta nói cũng phải! Nghĩ lại tôi thấy mình quả tham lam thiệt,ai đời cái gì cũng muốn được hết sao?
                  Có thể nói,cái tôi được cũng không đến nỗi ít và cũng không đến nỗi xoàng, tất nhiên cái được ấy không thể đem ra mà cân đong đo đếm. Cái được trước hết là cái được của tình đồng đội sau gần 40 năm, từ lúc còn ở chiến trường Tây Nam được may mắn còn lành lặn xuất ngũ trở về lại cuộc sống đời thường, để hôm nay về mừng đứa con đầu của anh lập gia đình trong niềm vui của tình đồng đội. Tiếp đến cái được thứ hai lớn hơn trong tôi là tìm gặp lại người bạn học thời phân ban lớp 10 ở trường Trung Học Phan Châu Trinh xa cách hơn 40 năm là bạn Hoàng Kim Minh. Bạn ấy là một người gốc Huế ở Đà Nẵng, tốt nghiệp trường Sư phạm ra trường về công tác tại xã Trung Phước, huyện Quế Sơn (Nay là xã Trung Phước huyện Nông Sơn) rồi lập gia đình với người đồng nghiệp và nhận nơi nầy làm quê hương thứ hai của mình. Để chuẩn bị cho cuộc tìm bạn nầy, đêm trước khi đi, tôi liên lạc với bạn Nguyễn Lợi (là người học cùng với Kim Minh thời lớp đệ thất và Lợi đã tìm được Minh cách đây 5 năm) để xin số điện thoại cùng địa chỉ của Minh, và để chắc ăn tôi mang theo cuốn đặc san Giao Mùa của lớp 12A3 và một tập thơ in chung với Xuân Tịnh để làm quà.
                    Theo sự hướng dẫn của các bạn đồng đội ở Trung Phước, tôi tìm nhà Minh không khó lắm, tuy cuộc gặp mặt thật đơn sơ nhưng xúc động trước sự ngỡ ngàng của vợ bạn ấy và của những người đồng đội của tôi đang đứng ở ngoài sân. Minh thật sự không nhận ra tôi, rồi từ từ anh bảo trông tôi quen quen, cuối cùng khi tôi mở quyển đặc san Giao Mùa ra chỉ vào tấm ảnh bản đồ lớp 10C1 của trường Phan Châu Trinh thời ấy thì Minh đã ồ lên như một đứa trẻ thơ, rồi cầm chặc lấy tay tôi như sợ tụt mất một vật gì quý giá và anh như chìm vào miền ký ức mờ xa. Đã nhận ra nhau và qua mấy lời tâm sự tôi mới biết cuộc đời và số phận của Hoàng Kim Minh cũng ba chìm bảy nỗi không khác gì tôi, chúng tôi hình như cũng đỡ thấy ngậm ngùi. Vì thời gian đám cưới con người đồng đội đã cận kề mà đường đến còn xa, tôi vội vàng xin lỗi chia tay Minh hẹn một dịp khác sẽ gặp lại rồi cùng anh em đồng đội tiếp tục cuộc hành trình. Tôi theo anh em đi về làng Đại Bình (Một địa danh khá nỗi tiếng trong tuyến du lịch sinh thái của Quảng Nam vào những năm gần đây) quê hương của người đồng đội tổ chức cưới vợ cho con hôm nay.
                      Làng Đại Bình ở bên kia sông Thu Bồn, muốn đến đó có thể gửi xe máy ở bên bờ nam rồi đi qua đò ngang để sang là gần nhất, còn không đi theo con đường bộ thì xa hơn. Chúng tôi chọn con đường bộ đi qua cầu Nông Sơn rồi vòng qua nhà máy Nhiệt Điện Nông Sơn, đi theo một đoạn đường đất lầy lội khoảng một cây số và phải vượt qua con suối cạn trước khi đến con đường rãi bê tông quanh co uốn lượn theo mấy ngọn đồi trước khi dẫn vào làng. Cũng may là hôm nay trời âm u, chỉ mưa rất thưa và nhẹ nên đường đỡ lầy lội chứ nếu trời mưa to thì đoạn đường đất nầy không thể nào đi được.
          (Xin được nói thêm một chút về cây cầu và nhà máy nhiệt điện: Theo người đồng đội dẫn đường bảo với tôi rằng, cây cầu nầy được làm cách đây vài năm sau khi sự cố chìm đò khiến cho 28 em học sinh tử nạn hồi 6 năm về trước. Còn Nhà Máy Nhiệt Điện nầy do nhà thầu Trung Quốc đang thi công dỡ dang thì họ rút quân không làm nữa, không biết vì lý do gì đã để lại một mớ ngổn ngang khó khăn cho địa phương và không biết đến bao giờ công trình nầy mới hoàn thành để hòa mạng lưới điện quốc gia giúp cho người dân nơi đây dựng xây và phát triển quê hương tươi đẹp của mình?).
                      Sau khi đi hết con đường bê tông ngoằn ngèo qua mấy ngọn đồi khoảng 3 km thì chúng tôi đi vào làng Đại Bình, hai bên đường nhà dân thưa thớt nhưng vườn tượt thì rất tuyệt vời bởi những cây ăn quả như lòn bon, chanh cam và bưởi trái trĩu cành. Nhà đồng đội tôi ở ngay trung tâm của làng bên cạnh sân bóng đá nên không gian rất thoáng đãng, tôi đảo mắt nhìn quanh thì làng nằm giữa muôn trùng núi non. Đồng đội gặp nhau tay bắt mặt mừng và bạn cũng không tin được là chúng tôi đã có mặt nơi đây để mừng ngày vui của con bạn. Vào dự tiệc được môt giờ đồng hồ, tôi lấy cớ đi ngoài và một mình làm một cuộc khám phá sự kỳ diệu của Đại Bình và mới nhận ra rằng người ta nói không sai về một Miền Nam thu nhỏ trong lòng Nông Sơn của Quảng Nam. Đường làng bây giờ 90% là đường bê tông đi dưới những tán lá cây ăn quả mát rượi, mỗi nhà đếu có một khu vườn rất rộng trồng đủ loại cây ăn quả như ở Miền Nam. Quả thật Đại Bình là một đặc ân của thượng đế ban tặng cho Nông Sơn khi mà giữa một vùng núi non hóc hiểm như vậy mà có một vùng đất thịt mầu mỡ với khí hậu ôn hòa.
                    Tôi đi sâu vào làng rồi rẽ theo một con đường nhánh ra bến đò dưới những vòm tre xanh mướt, buổi trưa ở làng thật là yên tỉnh chỉ nghe thi thoảng tiếng gà gáy ó ó ở phía cuối làng. Xuống đến bến đò tôi gặp một chị đang gánh đôi thùng nước đi lên đến đầu dốc rồi đặt gánh xuống nghỉ vai. Thấy tôi lạ chị mỉm cười và chào tôi rồi dọ hỏi:
           - Chú định gọi đò qua sông?
                    Tôi chào đáp lễ và nói cho chị biết tôi không qua sông, chỉ đi tham quan làng thôi, nhân thể tôi đến vịn vào một cây tre xanh thật to rồi hỏi chị:
           - Ở quê mình thì loại tre nầy còn có tên gọi nào khác không ?
                    Chị hơi ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi, nhưng chị cũng vui vẻ:
           - Ở làng tôi, loại tre nầy người ta gọi là tre mỡ vì nó rất ít gai, thân cây to, lóng dài, lá to và đặc biệt là nó có một màu xanh rất tươi, loại tre nầy đan đát thì rất tốt. Còn loại khác là tre gai vì nó có rất nhiều gai, loại tre nầy để đóng cọc, làm cột nhà vì thân nó rất cứng dày...
                     Tôi cũng thuộc dân sinh ra từ củ khoai củ sắn, nói đến tre tôi nào có lạ chi nhưng nghe chị giải thích tôi thấy hay hay, như được biết thêm về những điều kỳ thú của mỗi miền quê. Tôi cũng ngạc nhiên hỏi chị nhà không có giếng bơm hay sao mà phải đi gánh nước giếng đào, chị chỉ cười mà rằng: nước giếng đào nó trong và ngọt hơn. Nghe chị nói vậy thì cũng chỉ biết vậy vì mình có ở đây đâu mà kiểm nghiệm được cái điều ấy. Thấy chị định nâng chiếc đòn gánh lên vai,tôi xin phép hỏi chị câu nữa:
         - Chị ơi!S ông Thu Bồn ở làng mình ngày xưa thế nào và ngày nay thế nào hở chị?
                    Chị lại đặt chiếc đòn gánh xuống để lên hai miệng thùng rồi chỉ tay xuống dòng sông Thu nước đang ngầu đục rồi chẩm rãi:
         - Chú có thấy cái bờ cát dài từ mép sông ngoài kia vào tới chỗ mình đứng đây không? Ngày xưa bờ cát ấy nhỏ lắm vì dòng sông rất rộng và sâu,nước trong xanh và chảy xiết. Từ bờ bên nầy qua bờ bên kia người ta phải chống đò mất cả tiếng đồng hồ mới tới .Còn bây giờ dòng sông bị thu hẹp lại rồi, nước thì đỏ ngầu quanh năm và có chỗ dòng sông nằm trơ cả đáy nhất là vào mùa khô nắng gắt...
                   Tôi lặng lẽ ngắm nhìn dòng sông trong lời kể buồn buồn của chị và như thấy trước mắt tôi dòng sông Vu Gia ở quê nhà, cũng cùng chung cảnh ngộ như dòng sông Thu bây giờ, bất giác chị lên tiếng:
         - Thôi tôi phải về, chú ở lại chơi nghe!
                   Tôi quay lại cám ơn chị rồi lại nhìn xuống dòng sông ngầu đỏ dưới kia và bất giác trong tôi vang lên bài hát của nhạc sĩ Từ Huy:
            Tôi yêu quê tôi , xanh xanh lũy tre
             Quê hương tuổi thơ, đi qua đời tôi
             Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm
            Thả diều đá bóng, bắt cá giữa đường
             Biển trời mênh mông, tôi bơi ngày ấy
             Tiếng tu hú gọi, thấy nhớ biết bao 
             ...........................................................
             Ngày ấy đâu rồi
             Ngày ấy đâu rồi
             Ngày ấy đâu rồi !!!
                        (Quê hương tuổi thơ tôi - Từ Huy)
                   Tôi phải quay lại nhà người đồng đội trong tiếng điện thoại gọi đi về của anh em, đi dưới vòm lá tre xanh của làng Đại Bình và chợt nghĩ quê hương mình được cũng nhiều và mất cũng không phải là ít.

                                                                           30/7/2013


                                                                    Trương Công Ảnh

Sầu Riêng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét