Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Người đàn bà đi - Chặng 2

CỐI XAY GIÓ
Giã từ  hoaì niệm với Vincent Van Gogh, tôi  tiếp tuc đi về phía Nam theo lộ trình đã mặc định trước khi vượt biên qua Thụy sĩ.
Trạm dừng đầu tiên là …cái cối xay gió của ông Daudet.
Cối xay gió  Daudet nằm trên một ngọn đồi thuộc làng Fontvieille. Nếu không gọi là Moulin de Daudet thì chẳng ai dừng lại để thăm . Thì ra ông Daudet không sống ở đây, mỗi lần ông về vùng Fontvieille, ông thường nghỉ đêm tại lâu đài Mautauban và Lettres de mon Moulin được viết tại...Paris.
Mà không sao, ông Tố Hữu cũng đã viết bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” đầy khí thế ...xung trận với
“Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...”
làm mọi người cứ ngỡ ông đang ở Điện Biên Phủ vào thời điểm hào hùng của lịch sử ấy. Nhưng không, ông viết bài thơ nầy ở Hà Nội và lúc đó hình như ông chưa từng lên Điện Biên.
Tôi lên đồi chụp một bức hình cái cối xay gió, hỏi bạn Pi xem cái cối xay gió ...để làm gì. Bạn Pi giải thích là để xay lúa mì ra thành... bột mì. Người nông dân khi lên cối xay thì kệ nệ mang theo túi lúa mì , khi về thì về với túi bột mì. Tất cả các khâu xay , giã , giần, sang  đều một mình cái anh cối xay gió làm ,tất nhiên là với với sự điều khiển của anh meunier. Do đó mới có bài hát “meunier, tu dors, ton moulin va trop vite, meunier, tu dors ton monlin va trop fort...”
Sau cái cối xay gió tôi đi về Arles bằng le Vieux chemin d’Arles. Con đường làng ngoằn ngoèo vòng quanh các dãy núi đá , khi ẩn khi hiện các vườn ô liu dẫn đến Les Baux –de – Provence, một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp nằm ở lưng chừng trời (trên đỉnh núi ) mà muốn lên thăm phải có đôi chân thật chắc.
Mà đã lên rồi thì chỉ muốn ở lại đêm, khi mà các khách du lịch đoàn đã về nghĩ ở Arles, khi mà cái cái yên tỉnh được trả lại cho làng, bạn tha hồ mà thả tầm nhìn xuống các thung lũng bên dưới, mà lang thang trên các con đường hẹp len lỏi quanh làng, mà nghe các tảng đá kể chuyện quá khứ.
Và nếu lãng mạn một tí, bạn sẽ sắm vai anh chăn cừu đang yêu, đang kể cho cô chủ Stephannette chuyện đám cưới các vì sao, chuyện cái ngôi sao đẹp nhất đang dần đi vào giấc ngủ trên vai mình (Các vì sao - Alphonse Daudet)
Buổi tối ở Arles buồn hiu. Vì không phải là mùa du lịch nên hàng quán, khách sạn đóng cửa gần hết. Thôi thì ngủ lại một đêm để ngày mai đi thăm Camargue.
Camargue được biết đến như một vùng duy nhất ở Pháp có trồng lúa. Lich sử hạt lúa ở đây ít nhiều có dính dáng đến câu chuyện của 20.000 nông dân Viêt Nam được “mẫu quốc” tuyển mộ sang Pháp để làm lính thợ năm 1939 (Travailleurs indochinois-Pierre Daum).
Thực ra hạt lúa đã xuất hiện ở vùng delta sông Rhone nầy từ thế kỷ thứ 17. Nhưng vì là vùng nước mặn, lúa chỉ như một loại cây để rửa mặn trước khi trồng  các loại cây khác.Việc thu hoạch lúa để lấy gạo chỉ là số 0.
Năm 1939, trong số những người lính thợ được tuyển sang Pháp chủ yếu là để làm việc ở những nhà máy chế tao vũ khí, thuốc súng thay cho những người đàn ông Pháp phải ra trận,người Pháp chợt nghĩ ra sao không tận dụng kiến thức trồng lúa của họ để khiến cây lúa ở vùng nước mặn nầy cho ra sản phẩm là hạt gạo.Thế là một số người được đưa về đây, họ giải mặn nước, họ gieo, họ cấy,họ trồng theo kinh nghiệm sẵn có. Đồng lúa Camargue thực sự hình thành từ đấy.
Từ Arles về Camargue không xa . Chỉ 20 phut là bạn đã có thể đứng giữa cánh đồng lúa mênh mông. Vì là cuối mùa nên chỉ còn lác đác vài đám ruộng chưa gặt còn toàn bộ chỉ là gốc rạ. Nếu bịt tai và quay lưng về con đường cao tốc, bạn sẽ có cảm giác như đang ở đâu đó trên đồng bằng sông Cửu Long vì trước mặt bạn là cánh đồng bát ngát chỉ có lúa và lúa.
Tôi quyết định đi thẳng về Saintes Maries de la Mer, nơi sông Rhone đổ ra biển Địa Trung Hải. Ghé thăm ngôi nhà thờ của vị nữ thánh Sara, thánh của đám dân digan. Saintes Maries de la Mer là nơi hẹn hò hàng năm của họ. Họ tập trung về đây như về ngôi nhà chung của mình để trao đổi kinh nghiêm, để liên hoan ca hát hay để thấy rằng mình cũng có nơi để định cư, để đến hẹn lại lên...dù ngắn ngủi.
Sau nhà thờ là Bảo tàng Camargue.Dù bảo tàng được giới thiệu nhiều và cũng là điểm tham quan của ai muốn tìm hiểu về quá trình hình thành vùng đất trũng nầy nhưng mục đích của tôi là hướng tới thăm Bảo tàng lúa (musée du riz) .Một cái bảo tàng bé tí được một gia đình ba đời trồng lúa dựng nên. Lòng vòng gần một giờ mới tìm ra nhưng đến nơi thì mới biết đã ...đóng cửa từ lâu. Có lẽ cái người yêu hạt lúa đến độ muốn lưu giử cho con cháu mình những kinh nghiệm cùng những kỷ niệm đã qua đời. Con cháu thì có nhiều thứ khác để yêu hơn là ...hạt lúa.
Sau hơn nữa ngày rong ruổi trên các nẽo đường của Camargue, hẹn lần sau về sẽ đi một vòng tour ngựa, sẽ đi tầu vòng quanh Camargue...khi vào mùa lúa.
Tiếp tục lên đường đi Sisteron sau khi phải đi qua một cái ...phà . Nếu không tận mắt chứng kiến thì chẳng bao giờ ai nghĩ là trên đất Pháp còn có nơi dùng phà để đưa xe ...sang sông.
Đến Sisteron thì trời đã sẩm tôi. Phố xưa vẫn thế nhưng vắng khách du lịch nên lòng phố không nhộn nhịp và các anh nhạc công năm nào cũng vắng bóng.
Lòng vòng quanh phố cổ, đúng hơn là đi lên đi xuống vì đường phố chỉ toàn đồi, dốc.
          Rời Sisteron tôi men theo tỉnh lộ đi về Gap rồi Briancon. Con đường cái quan ngoằn ngoèo men theo chân núi trước khi vượt dãy Alpes rời nước Pháp.
Dù đã cuối tháng 10 nhưng trời vẫn còn nắng. Hai bên đường là cây, là lá vàng, là các ngôi làng nằm rải rác trong các thung lũng. Cứ chừng vài cây số là bạn bắt gặp các bảng chỉ đường với nội dung “Chemin des villages” do các công ty du lịch địa phương dựng lên. Khách du lich hoặc đi trek, hoặc đi bằng ô tô đều có thể thăm các ngôi làng ,có thể thưởng thức các đặc sản hoặc ngủ đêm trong các chalet.
Nhìn qua thì không khác gì cách đi thăm bản ở Sapa nhưng cái khác ở đây là các cuộc sống của người dân. Khái niệm về “người miền núi” ở đây không phải là dân tôc thiểu số, là lam lũ, la xa lạ với văn minh đô thị, là đi bộ hằng ngày để đi đến chợ phiên hoặc chợ tình để tìm bạn đời. Các ngôi làng ở đây đều có đường trải nhưa, có siêu thị, có bệnh viện, có nhà thờ, có trường hoc. Người miền núi ở đây là những người có của ăn của để, hoặc họ là dân địa phương, hoặc họ là những cư dân theo mùa đến từ thành phố để tận hưởng mùa đông bên nắng ấm và tuyết. Họ có nhà đẹp (chalet) với hoa phủ đầy ban công. Họ có cuộc sống đầy đủ tiện nghi như người thành phố, họ giàu hơn hẳn người thành phố là có không khí trong lành để thở, có thực phẩm sạch để ăn và có thiên nhiên luôn bên mình để tận hưởng.
Bạn Pi thỏ thẻ: “ước gì mình cũng là người miền núi!”
“Một đèo, một đèo lại một đèo...”
Đèo Galibier, đèo Lautaret, đèo Telegraphe... Còn phải vượt  xong những ba đèo nữa  mới qua đến Thụy sĩ .
GPS của bạn Pi không chỉ được đường ở Thụy sĩ. Phải dừng lại biên giới Pháp để mua cái bản đồ. Một tấm bản đồ Lausanne với màu xanh lá cây thật đẹp giá ...29eur. Đành bấm bụng mua thôi vì nếu không thì đến tối vẫn chưa chắc đã đến nơi.
Có lẽ vì hoa mắt với giá nên chẳng ai để ý đên nội dung bên trong. Đến khi lên xe rồi hai đứa mới phát hiện ra là cái bản đồ nầy dành cho người đi bộ... trong rừng, không có tên đường phố. Mất toi 29eur vì...ngu.

Và rồi tôi cũng đã đến Thụy sĩ, đất nước của núi đồi và hồ , nới có con bé Út đang  học học kỳ cuối đang chờ mẹ tiếp tế.
Moulin de DAUDET

Điện gió

Lúa


Đèo

Ngoằn ngoèo

Tuyết

Nắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét