Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Du hành




Chặng 01
Vincent VAN GOGH.
Ngày 21 tháng hai năm 1888, Vincent Van Gogh đã xuống tầu ở ga Arles, một thành phố của miền Nam (Midi) nước Pháp, nới có nắng có gió, có rừng cây ô liu, có những cánh đồng lavande tím ngắt và cũng là nơi đã cho nhà danh họa bạc mệnh nhiều cảm hứng để hoàn thành gần 300 tác phẩm trong một thời gian không đầy một năm.
Cảm thương số phận người họa sĩ và trân trọng trước tình cảm anh em giữa Theo và Vincent Van Gogh, hành trình đi Thụy Sĩ lần nầy của người đàn bà ưa đi là tôi đã vòng xuống phía Nam, về Arles, Saint  Saint Remy –de- Provence để theo dấu những bước chân cuối đời của ông.
Paris-Arles nếu đi bằng  đường cao tốc chỉ cần 4 tiếng.
Qua khỏi Lyon là đã nghe gió rít. Mistral (gió bấc) thổi 130km/h. Hai hàng cây ngô đồng trên con đường dẫn vAvignon đong đưa đủ chiều khổ sở.
Tôi chợt nghĩ có thể vì Mistral mà cây cối trong tranh Van Gogh luôn run rẩy!
Arles đưọc  coi như thành phố trung tâm để những ai muốn đi thăm những thành phố vệ tinh xung quanh. Thành phố thì quá bé với cái đấu trường La Mã đồ sộ nằm chểm chệ ở trung tâm. Vì không phái là mùa du lịch, lại đúng hai ngày gió bấc nên mới 7 giờ tối mà thành phố vắng hoe.
Gió bấc lạnh buốt xương, mặc hai cái áo trên người vẫn không đủ ấm. Tiếng gió rít đến rợn người.Đi trên đường ta luôn có cảm giác chẳng mấy chốc sẽ bị gió bứng đi.
Tôi lại nhớ đên ông. Trong cuốn hồi ký về ông có đoạn tả ông đã phái chằn giá vẽ dưới đất để gió khỏi thổi bay.
Loanh quanh tìm con đường có ngôi nhà màu vàng , nơi Van Gogh đã ở cùng Gauguin, nơi ông đã nuôi ước mơ lập xưởng vẽ miền Nam cùng các đồng môn , nơi ông đã cắt  tai mình để giải tỏa sự  thất vọng ê chề khi Gaughin bỏ ông mà đi.
Bởi lẽ trái tim ông quá trong sáng và đam mê nghệ thuật thì vô bờ. Ông đã đón Gauguin với tất cả lòng ngưỡng mộ và một sự chuẩn bị  chu đáo. Thế nhưng định mệnh đã không công bằng với ông. Đáp lại tấm chân tình của Van Gogh là sự tính toán của Gauguin, nhà danh họa đến từ Địa Trung Hải  nên không cần đi tìm nắng ấm như Van Gogh  mà chỉ muốn dùng Vincent để bắt cầu đến với Théo,vừa là  em trai của Vincent, vừa là  nhà buôn tranh vừa là nhà tài trợ.
Ông mất phương hướng trước các nhận định và các lời khuyên của “thần tượng”, ông bỏ lối vẽ sở trường để chạy theo cái cách của Gauguin…Kết quả là sự khủng hoảng, là những cơn điên loạn để rồi  dẫn ông đến  Saint Remy de Provence, một nơi an dưỡng dành cho người điên!
Trong thời gian nầy ông đã vẽ như say…Vẽ giữa hai cơn điên, vẽ lúc thức giấc nữa đêm, vẽ trong những phút hiếm hoi được tự do đi dạo. Tiếc thay chẳng bán được bức nào. Tranh ông lúc nầy vẫn  còn xa lạ với quần chúng.
Lúc ông được mời đi triển lãm ở Bruxelle  thì đã quá muộn…Ông như đã quyết định giã từ cõi đời nầy rồi, ông không muốn mãi là gánh nặng của em mình là Théo Vincent…
Như mọi buổi chiều khác, ông mang giá vẽ ra đi để rồi trở về với những bước chân lảo đảo lúc chập choạng tối. Ông đã bắn vào đầu rồi tự đi về nhà trọ với sức lực cuối cùng.
Hai ngày sau ông đã tắt thở trong vòng tay Théo, người em trai, người bạn đời, người bạn nghệ thuật trung thành của cả đời ông với  những lời yêu thương cuối cùng: “đừng khóc, em ! ”
Cái tâm hồn nhạy cảm ấy đã vĩnh viễn rời xa chúng ta một buổi chiều mùa hè ở Auvers- sur Oise. Vùng ngoại ô Paris , khi ông mới bước qua tuổi 37.
Suốt cuộc đời cầm cọ ông chỉ hưởng được 400 quan tiền bán một bức duy nhất là Chùm nho đỏ.
Nhà thì còn đó nhưng…không như tôi đã trong tưởng tượng.Một thế kỷ trôi qua rồi mà!
Tôi đi lang thang trong phố cỗ, hình dung ông với những tháng ngày đói, rét tất bật ra đi từ từ sang sớm, trở về lúc trời tối mịt, ăn qua loa ổ bánh mì chống đói để dành tiền mua sơn, giấy vẽ để rồi có bức lên đến vài triệu USD sau khi ông đã nằm yên dưới đất.
Cả em trai ông, Théo cũng chết theo ông sau đó vài tháng.
Từ Avignon về đến Saint Remy –de- Provence không đầy 30km đường làng. Như bao nhiêu ngôi làng nông thôn Pháp, Saint Remy de Province có cái quảng trường với một vài quán cà phê , có một cái nhà thờ với tháp chuông có thể nhìn thấy từ xa ,có một vài khách sạn mà một cái mang hẳn tên Van Gogh , có cái tiệm sách bán toàn tranh chép của ông. Anh bán sách sau khi nghe mục đích chuyến đi thăm trái mùa của du khách là tôi, đã cặn kẽ chỉ đưòng đến Saint -Paul -de- Mausole với lời nói nhắn “pas grande chose à voir” (chẳng còn gì để thăm)
Nhưng tôi cũng đã đến đây, đã tưởng tượng ông trong bốn bức tường mà ông đã diễn tả qua các bức vẽ ở giai đoạn nầy, rồi những cơn điên, rồi ông già đưa thư Roulin…để rồi ngậm ngùi cho một con người tài hoa bạc mệnh.
Giả từ hoài niệm với Van Gogh, tôi lang thang quanh phố cỗ Avignon . Thành phố nầy vào thế kỷ thứ 14 là Roma của người thiên chúa. Giáo Hoàng Clement V sau khi được đăng quang vào năm 1305 đã chọn nơi nầy thay vì Rome.
Rẽ trái là cây cầu Avignon. Một nửa cầu đã bị nước lũ của sông Rhone cuốn đi hồi thế kỷ thứ 17, nữa còn lại cố đứng vững như để làm chứng cho một thời huy hoàng, để khách du lịch có cái mà chụp hình, để người dân Avignon có nơi mà nhảy múa.
“Sur le pont d’Avignon
On  y danse, on y danse
Sur le pont d’Avignon
On y danse ...tout en rond”*
(Không tout en ronde mới lạ bởi nếu không thì sẽ rơi tõm xuống sông!)
Dọc hai bên đường dẫn đến chân cầu cơ man là cửa hàng bán quà lưu niệm : lavande**, xà phòng marseille, khăn bàn  thổ cẩm với đủ các sắc màu.
Mua một ít oải hương và savon de marseille về làm quà cho bè bạn, hít thật sâu mùi provence vào ngực cho thỏa mãn cái cảm giác trời đất của ta sau khi ăn một bữa tối mà món gì cũng có olive.
------------------------------------
* Bài hát  ni có trong cuốn Cour de Langue. 12A3 còn nhớ không ?
**Lavande, nhà  mình việt hóa là la vân đơ, có màu tim tím, thơm ngào ngạt. Thường dùng bỏ vào tủ quần áo thay cho long nảo, làm xà phòng, nước hoa và cả gối cho em bé nằm thay cho cây đinh lăng.

 Thophanthi
Palais des Papes



Hàng lưu niệm

Avignon

Cầu Avignon


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét