Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Được và mất

Từ Trung Phước nhìn sang bên kia là làng quả Đại Bình - Ảnh: mẹ Bầu Bí

Được và mất

                    Một ngày nghỉ chủ nhật đối với công nhân viên và người lao động quả thật rất quý vì sau một tuần làm việc mệt nhọc có điều kiện được thư giản nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động cho tuần sau. Ấy vậy mà ngày chủ nhật vừa qua đối với tôi thật sự là mệt nhưng lại rất ý nghĩa, tôi mất cũng nhiều và ngược lại mình được cũng nhiều.
                   Cái mất trước hết mà mất thời gian để nghỉ ngơi, tiếp đến là mất một cuộc hẹn caffe với những người bạn thân cũ và cuối cùng - một cái mất lớn hơn nữa là mất một cuộc hội ngộ của các bạn học thời đệ thất niên khóa 1969-1970 sau “40 năm trở lại trường xưa”.
                   Trên đường đi với người đồng đội về thôn Đại Bình xã Trung Phước huyện Nông Sơn,Quảng Nam để dự đám cưới của con một người đồng đội cũ, tôi kể lại chuyện ấy cho anh bạn đồng đội nghe và anh ta liền mắng tôi :
           - Reng thứ chi ông cũng muốn được hết về cho mình mà không chịu mất đi một ít cho thiên hạ nhờ -  Rồi anh ta cười ha hả trong tiếng động cơ xe máy lao vút đi trên đường.
                  Ừ anh ta nói cũng phải! Nghĩ lại tôi thấy mình quả tham lam thiệt,ai đời cái gì cũng muốn được hết sao?
                  Có thể nói,cái tôi được cũng không đến nỗi ít và cũng không đến nỗi xoàng, tất nhiên cái được ấy không thể đem ra mà cân đong đo đếm. Cái được trước hết là cái được của tình đồng đội sau gần 40 năm, từ lúc còn ở chiến trường Tây Nam được may mắn còn lành lặn xuất ngũ trở về lại cuộc sống đời thường, để hôm nay về mừng đứa con đầu của anh lập gia đình trong niềm vui của tình đồng đội. Tiếp đến cái được thứ hai lớn hơn trong tôi là tìm gặp lại người bạn học thời phân ban lớp 10 ở trường Trung Học Phan Châu Trinh xa cách hơn 40 năm là bạn Hoàng Kim Minh. Bạn ấy là một người gốc Huế ở Đà Nẵng, tốt nghiệp trường Sư phạm ra trường về công tác tại xã Trung Phước, huyện Quế Sơn (Nay là xã Trung Phước huyện Nông Sơn) rồi lập gia đình với người đồng nghiệp và nhận nơi nầy làm quê hương thứ hai của mình. Để chuẩn bị cho cuộc tìm bạn nầy, đêm trước khi đi, tôi liên lạc với bạn Nguyễn Lợi (là người học cùng với Kim Minh thời lớp đệ thất và Lợi đã tìm được Minh cách đây 5 năm) để xin số điện thoại cùng địa chỉ của Minh, và để chắc ăn tôi mang theo cuốn đặc san Giao Mùa của lớp 12A3 và một tập thơ in chung với Xuân Tịnh để làm quà.
                    Theo sự hướng dẫn của các bạn đồng đội ở Trung Phước, tôi tìm nhà Minh không khó lắm, tuy cuộc gặp mặt thật đơn sơ nhưng xúc động trước sự ngỡ ngàng của vợ bạn ấy và của những người đồng đội của tôi đang đứng ở ngoài sân. Minh thật sự không nhận ra tôi, rồi từ từ anh bảo trông tôi quen quen, cuối cùng khi tôi mở quyển đặc san Giao Mùa ra chỉ vào tấm ảnh bản đồ lớp 10C1 của trường Phan Châu Trinh thời ấy thì Minh đã ồ lên như một đứa trẻ thơ, rồi cầm chặc lấy tay tôi như sợ tụt mất một vật gì quý giá và anh như chìm vào miền ký ức mờ xa. Đã nhận ra nhau và qua mấy lời tâm sự tôi mới biết cuộc đời và số phận của Hoàng Kim Minh cũng ba chìm bảy nỗi không khác gì tôi, chúng tôi hình như cũng đỡ thấy ngậm ngùi. Vì thời gian đám cưới con người đồng đội đã cận kề mà đường đến còn xa, tôi vội vàng xin lỗi chia tay Minh hẹn một dịp khác sẽ gặp lại rồi cùng anh em đồng đội tiếp tục cuộc hành trình. Tôi theo anh em đi về làng Đại Bình (Một địa danh khá nỗi tiếng trong tuyến du lịch sinh thái của Quảng Nam vào những năm gần đây) quê hương của người đồng đội tổ chức cưới vợ cho con hôm nay.
                      Làng Đại Bình ở bên kia sông Thu Bồn, muốn đến đó có thể gửi xe máy ở bên bờ nam rồi đi qua đò ngang để sang là gần nhất, còn không đi theo con đường bộ thì xa hơn. Chúng tôi chọn con đường bộ đi qua cầu Nông Sơn rồi vòng qua nhà máy Nhiệt Điện Nông Sơn, đi theo một đoạn đường đất lầy lội khoảng một cây số và phải vượt qua con suối cạn trước khi đến con đường rãi bê tông quanh co uốn lượn theo mấy ngọn đồi trước khi dẫn vào làng. Cũng may là hôm nay trời âm u, chỉ mưa rất thưa và nhẹ nên đường đỡ lầy lội chứ nếu trời mưa to thì đoạn đường đất nầy không thể nào đi được.
          (Xin được nói thêm một chút về cây cầu và nhà máy nhiệt điện: Theo người đồng đội dẫn đường bảo với tôi rằng, cây cầu nầy được làm cách đây vài năm sau khi sự cố chìm đò khiến cho 28 em học sinh tử nạn hồi 6 năm về trước. Còn Nhà Máy Nhiệt Điện nầy do nhà thầu Trung Quốc đang thi công dỡ dang thì họ rút quân không làm nữa, không biết vì lý do gì đã để lại một mớ ngổn ngang khó khăn cho địa phương và không biết đến bao giờ công trình nầy mới hoàn thành để hòa mạng lưới điện quốc gia giúp cho người dân nơi đây dựng xây và phát triển quê hương tươi đẹp của mình?).
                      Sau khi đi hết con đường bê tông ngoằn ngèo qua mấy ngọn đồi khoảng 3 km thì chúng tôi đi vào làng Đại Bình, hai bên đường nhà dân thưa thớt nhưng vườn tượt thì rất tuyệt vời bởi những cây ăn quả như lòn bon, chanh cam và bưởi trái trĩu cành. Nhà đồng đội tôi ở ngay trung tâm của làng bên cạnh sân bóng đá nên không gian rất thoáng đãng, tôi đảo mắt nhìn quanh thì làng nằm giữa muôn trùng núi non. Đồng đội gặp nhau tay bắt mặt mừng và bạn cũng không tin được là chúng tôi đã có mặt nơi đây để mừng ngày vui của con bạn. Vào dự tiệc được môt giờ đồng hồ, tôi lấy cớ đi ngoài và một mình làm một cuộc khám phá sự kỳ diệu của Đại Bình và mới nhận ra rằng người ta nói không sai về một Miền Nam thu nhỏ trong lòng Nông Sơn của Quảng Nam. Đường làng bây giờ 90% là đường bê tông đi dưới những tán lá cây ăn quả mát rượi, mỗi nhà đếu có một khu vườn rất rộng trồng đủ loại cây ăn quả như ở Miền Nam. Quả thật Đại Bình là một đặc ân của thượng đế ban tặng cho Nông Sơn khi mà giữa một vùng núi non hóc hiểm như vậy mà có một vùng đất thịt mầu mỡ với khí hậu ôn hòa.
                    Tôi đi sâu vào làng rồi rẽ theo một con đường nhánh ra bến đò dưới những vòm tre xanh mướt, buổi trưa ở làng thật là yên tỉnh chỉ nghe thi thoảng tiếng gà gáy ó ó ở phía cuối làng. Xuống đến bến đò tôi gặp một chị đang gánh đôi thùng nước đi lên đến đầu dốc rồi đặt gánh xuống nghỉ vai. Thấy tôi lạ chị mỉm cười và chào tôi rồi dọ hỏi:
           - Chú định gọi đò qua sông?
                    Tôi chào đáp lễ và nói cho chị biết tôi không qua sông, chỉ đi tham quan làng thôi, nhân thể tôi đến vịn vào một cây tre xanh thật to rồi hỏi chị:
           - Ở quê mình thì loại tre nầy còn có tên gọi nào khác không ?
                    Chị hơi ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi, nhưng chị cũng vui vẻ:
           - Ở làng tôi, loại tre nầy người ta gọi là tre mỡ vì nó rất ít gai, thân cây to, lóng dài, lá to và đặc biệt là nó có một màu xanh rất tươi, loại tre nầy đan đát thì rất tốt. Còn loại khác là tre gai vì nó có rất nhiều gai, loại tre nầy để đóng cọc, làm cột nhà vì thân nó rất cứng dày...
                     Tôi cũng thuộc dân sinh ra từ củ khoai củ sắn, nói đến tre tôi nào có lạ chi nhưng nghe chị giải thích tôi thấy hay hay, như được biết thêm về những điều kỳ thú của mỗi miền quê. Tôi cũng ngạc nhiên hỏi chị nhà không có giếng bơm hay sao mà phải đi gánh nước giếng đào, chị chỉ cười mà rằng: nước giếng đào nó trong và ngọt hơn. Nghe chị nói vậy thì cũng chỉ biết vậy vì mình có ở đây đâu mà kiểm nghiệm được cái điều ấy. Thấy chị định nâng chiếc đòn gánh lên vai,tôi xin phép hỏi chị câu nữa:
         - Chị ơi!S ông Thu Bồn ở làng mình ngày xưa thế nào và ngày nay thế nào hở chị?
                    Chị lại đặt chiếc đòn gánh xuống để lên hai miệng thùng rồi chỉ tay xuống dòng sông Thu nước đang ngầu đục rồi chẩm rãi:
         - Chú có thấy cái bờ cát dài từ mép sông ngoài kia vào tới chỗ mình đứng đây không? Ngày xưa bờ cát ấy nhỏ lắm vì dòng sông rất rộng và sâu,nước trong xanh và chảy xiết. Từ bờ bên nầy qua bờ bên kia người ta phải chống đò mất cả tiếng đồng hồ mới tới .Còn bây giờ dòng sông bị thu hẹp lại rồi, nước thì đỏ ngầu quanh năm và có chỗ dòng sông nằm trơ cả đáy nhất là vào mùa khô nắng gắt...
                   Tôi lặng lẽ ngắm nhìn dòng sông trong lời kể buồn buồn của chị và như thấy trước mắt tôi dòng sông Vu Gia ở quê nhà, cũng cùng chung cảnh ngộ như dòng sông Thu bây giờ, bất giác chị lên tiếng:
         - Thôi tôi phải về, chú ở lại chơi nghe!
                   Tôi quay lại cám ơn chị rồi lại nhìn xuống dòng sông ngầu đỏ dưới kia và bất giác trong tôi vang lên bài hát của nhạc sĩ Từ Huy:
            Tôi yêu quê tôi , xanh xanh lũy tre
             Quê hương tuổi thơ, đi qua đời tôi
             Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm
            Thả diều đá bóng, bắt cá giữa đường
             Biển trời mênh mông, tôi bơi ngày ấy
             Tiếng tu hú gọi, thấy nhớ biết bao 
             ...........................................................
             Ngày ấy đâu rồi
             Ngày ấy đâu rồi
             Ngày ấy đâu rồi !!!
                        (Quê hương tuổi thơ tôi - Từ Huy)
                   Tôi phải quay lại nhà người đồng đội trong tiếng điện thoại gọi đi về của anh em, đi dưới vòm lá tre xanh của làng Đại Bình và chợt nghĩ quê hương mình được cũng nhiều và mất cũng không phải là ít.

                                                                           30/7/2013


                                                                    Trương Công Ảnh

Sầu Riêng

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Vỡ mộng

Vỡ mộng

Phen nầy lão Lý chắc giàu to
Tiếp tục lọc lừa với ky bo
Giao Mùa sắp được đầu tư lớn
Ngoại kiều tấp nập hẹn với hò.

Ngặt nỗi dân làng la với ó
Lão Lý đêm ngày lo thêm lo
Miếng ăn sắp nuốt qua cổ họng
Thì “Người nhiều chiện” lắm chiêu trò.

Bảo người ngoại quốc là hàng dõm
Hàng nhái, hàng lô chỉ đoán mò
Trời cao đất rộng nào có biết
Máu tham lão Lý chảy đầy kho.


                                                        TÊ KA


Thành tâm

Thành tâm

Chào ngài Piere Samson
Gàn tui đã nói là không sai lời
“Chuồng heo” thoải mái nghỉ ngơi
Có buồn hãy ghé sang chơi Giao Mùa
Xin đừng nghĩ ngợi hơn thua
Lỗ lời được mất trò đùa thế gian
Đồ tui tuy có hơi gàn
Nhưng tình với nghĩa chứa chan đậm đà.

Chào ngài Cushi Taha
Trước quen sau lạ mới là đáng chê
Gàn tui tuy có vụng về
Cái tình cái nghĩa vẹn thề trước sau
Haiku - lục bát gặp nhau
Mặc “người nhiều chuyện” pha màu bôi tô
Nào là hàng nhái hàng lô
Hãng dõm hàng hiệu cơ hồ rối reng
Làm cho trắng đổi thành đen
Tấm lòng chân thật nhập nhằng dối gian.

Giao Mùa cùng với dân làng
Mong tình bằng hữu vẹn toàn nghĩa nhân
Sá chi những thứ phù vân
Lợi danh ở chốn hồng trần đua tranh
Thời gian gió thoảng qua mành
Có chi mà phải đua tranh cực lòng
Có chi mà phải cân đong
Có chi mà phải lòng vòng khổ thân
Nói xa không qua nói gần
Xin hỏi quý khách ngại ngần chi không?
Euro cần vài triệu đồng
Tiền Yên mươi tỷ mới mong đổi đời...
                    
Giao Mùa chỉ một cuộc chơi
Tấm lòng chân thật xin mời góp zui.


                                                          Đồ Gàn

Lại chuyện hàn huyên

 LẠI CHUYÊN HÀN HUYÊN!
          Nhận được tin nhắn của Thọ mời càphê tui thấy dzui dzui trong bụng. Nề, các bạn đừng nghĩ rằng tui nghiện cà phê. Không đâu, mỗi lần lê la tui … hiền lắm. Chỉ uống ly sữa chua gọi là… Tui dzui vì sắp … chộ lại mấy gương mặt thân quen của làng mà khá lâu vắng bóng. Sáng nay chủ nhật, toàn là … cu rảnh và bé rảnh nên từ sớm tin nhắn, điện thoại reo … ầm ầm! Hừ, đọc đến đây hẳn mấy lão bạn của tui, nhất là bác cả Lê sẽ cười gằn mà bảo: bả làm như bả … ngon lắm! Làm như ai cũng quý bả! He he thiệt đúng như rứa.
          Tui đã từ chôi 2 đám cà phê và đặc biệt một đám rủ đi nhà thờ! Chả là tui có người bạn khá thân. Hắn ta theo đạo Tin Lành nên cứ rủ tôi đi nhà thờ. Mỗi lần từ Saigon về sau vài câu hàn huyên cho có lệ là hắn bắt đầu diễn thuyết về Chúa. Hắn nói nghe cũng hay thiệt. Càng nói hắn càng hăng tiết vịt. Một hai hắn bảo tôi thử mần một cuộc cách mệnh theo chúa để được phước đời đời. Thấy tui không mặn mà chi mấy (tôi nói với hắn rằng cái đạo làm người đây mà tau làm chưa xong thì làm răng mà theo chúa được), hắn có vẻ thất vọng và buồn vì nghĩ rằng sau này hắn và tui sẽ không cùng gặp nhau ở … Thiên Đường!
          Trở lại cuộc gặp sáng nay. Cánh phụ nữ chỉ có Thọ, bác cả gái, tui. Bên cánh liền ông thì có gã quản gia, bác cả trai và gã cạn hồ trường. Vẻn vẹn chỉ có … sáu mống. Rứa mà cũng vui. Hễ cứ gặp là vui. Nhưng mà nói chi thì nói tui thấy “Các bạn của chúng ta giỏi thật” (hi hi.tôi sửa lại cái đề của tác phẩm Con cái chúng ta giỏi thật “của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ-). Nhiều người rất chi là uyên bác. Mà hình như ai cũng giỏi. Mỗi người một lĩnh vực khác nhau . Giỏi thiệt! Chơi với mấy bạn tui học tập được nhiều lắm. Gặp nhau, Chúng tôi luận bàn nhiều chuyện trên đời, Có lúc cười vang, “đấu qua đấu lại chan chát”, có lúc lại… trầm ngâm suy nghĩ như những nhà hiền triết hay những nhà cách mệnh chứ chẳng phải chơi. Mà các bạn tôi giỏi thật. Xem đó, Gã quản gia vừa đề tặng cho tôi tập thơ thứ 2 cùng viết chung với lão lý. Tập thơ “Màu thời gian”. Chà nghe đề tài hay quá. Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Đoàn Phú Tứ “Hương thời gian xanh xanh. Màu thời gian tím biếc.” Tôi chưa đọc kỹ từng bài (thơ mà! Phải có không gian thời gian chứ”) nhưng tôi đọc kỹ Lời tựa, đó là lời của gã Hoàng Minh. Đúng như Thọ nói, bài viết của lão sâu sắc thiệt. Đang lúc câu chuyện luận bàn về tập thỏ  đang sôi nỗi thì bỗng dưng bác cả trai lên tiếng “Ê, bà Vân. Bà định uống mấy ly mà … húp nhanh như rứa?”. Hừ bác cả hiếp người quá đáng. Giữa chốn đông người mà bác cử … chĩa vào ly sữa chua của tui. Quả là vuốt mặt mà không nể mũi. Chà một mối thù ... bất cộng đái thiên!Tôi khó chịu quá và … ngượng nữa chứ nên vặn lại: “Có cần bác phải nói rứa không? Có cần phải  “soi mói” chuyện … đời tư, chuyện ẩm thực của họ không.” Bác ta cũng chẳng vừa, hàm hồ cãi lại: “Đời tư cái chi. Rõ ràng ràng bà đang uống sữa chua, ai mà không thấy.” Thế là cả bọn cười ngặt nghẽo. Tôi chợt nhớ lại môt lần cách đây rất lâu. Tôi uống cà phê cùng với ông anh và mấy người bạn, toàn đàn ông hết. Khi họ đem cà phê ra, tôi… làm một hơi-chính xác là nửa hớp thôi là ly càphê sạch bách! Tôi nhìn quanh, hỡi ơi! Ai nấy còn y nguyên! Tôi dị dễ sợ. Thật sự lúc đó tôi không thể nào hiểu nỗi tại sao có chút cà phê mà họ có thể ngồi … uống cả buổi!” Ông anh tôi thấy tội nghiệp nên nói đỡ “Lần sau nói họ pha cho mi một ly... cối cà phê hỉ”. Chuyện qua đã lâu rôi. Tự nhiên hôm nay lại có người soi mói mới đáng ghét chớ.
           Qua câu chuyện tôi của Thọ tôi nghe thêm nhiều chuyện thật như đùa, cười ra nước mắt của một giảng viên đại học khoa văn mà không biết về Tự lực văn đoàn, về Khái Hưng, Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo! Nhưng Thọ đã nói rồi, thôi không nói nữa. H.Minh hỏi tôi  một câu: “Rứa bà có biết bà là ai không?” Hổng biết.-Ử rứa thôi, đó cũng là chuyện … phình phường!”.OK, hoàn toàn … mất trí với ý kiến của bác!
          Vậy đó, nói cho cùng thì giảng viên khoa văn rồi tổ trưởng khoa văn của trường đại học mà không biết thì … thôi chớ làm chi bi chừ? Đã từng có môt … món canh gà Thọ Xương đình đám rồi còn gì! Rồi câu chuyện lại sang đề tài du lịch. Ngày mai tôi đi Buôn mê còn Thọ thì đi Ghềnh Đá Đĩa Quy Nhơn. Nghe nói tôi muốn đi qua đất nước chùa tháp, Thọ chỉ vẽ đường đi nghe cũng hấp dẫn và cũng rất hợp với cái “gu” của tôi. Tôi sẽ cố gắng để có một cuộc hành trình như rứa.
          Trưa về, tôi vội mở blog ra xem . Mới có mấy bữa thôi mà bài viết quá chừng. Cười ra nước mắt là mấy bài của Thọ. Còn mấy bài … đấu qua đấu lại của mấy ổng nữa chớ. Rảnh ! Rỗi ! Nhiều chiện! Hừ đã lục tuần rồi mà cứ như thế hệ..9x! Ngôn ngữ rặt mùi … xì tin! Tôi vốn ưa đơn giản. Muốn núa chi thì cứ … huỵch tot ra luôn! Cuôc đời nay đã quá rắc rối rồi… Cứ úp úp mở mở ! Tôi cũng biết tỏng tòng tong ngài... Cuschi  là người Nhật gốc … 3 kỳ!
          Thôi, phải chuẩn bị hành trang mai còn lên Buôn mê, nhét cho chị Siublak chút tiền để chị đi …wánh bạc.
He he.Tạm biệt mấy bác.

Mây Xanh

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Rỗi

Rỗi


Kính thưa...... người nhiều chiện!

          Mấy ngày nay tui có ghé về Giao Mùa và thấy có nhiều người cùng về vui quá, nhất là có nhiều vị khách nước ngoài ở Châu Á và Châu Âu cùng ghé thăm, qua đó họ có nhiều chia sẻ thật thú vị với bà con dân làng 12A3 của mình. Rùi khi dạo qua nửa chục chiện lạ đời về tên đường ở cái xứ Đà Thành thì tui mới thấy quả đúng là người nhiều chiện “Gảnh” thiệt. Vì có thì giờ gảnh nên mới tò mò thóc mách đến tận tường như vậy và biết đâu câu chiện ni lọt tới tai các cơ quan chức năng sở tại họ sẽ sửa chữa điều chỉnh cho đúng thì cái nhiều chiện ấy mới đáng đồng tiền bát gạo làm sao?
          Nhưng người nhiều chiện ơi!
          Sao người nhiều chiện đa nghi quá rứa hè? Cái việc làng ta có mấy vị khách quý Nhựt kiều là ngài Cushi Taha cùng một vị khách Châu Âu là Pierre Samson ghé thăm và được hai lão Đồ Gàn cùng lão Lý đón tiếp khá chu đáo tuy không đầy đủ lễ nghĩa theo nghi thức của làng. Nhưng thiết nghĩ đó là niềm vui ,niềm hạnh phúc và là niềm vinh hạnh lớn lao cho bà con làng 12A3 chúng ta chớ? Ấy vậy mà người nhiều chiện lại nghĩ oan cho hai lão ấy, nào là các lão “bé cái nhầm”, nào là các lão“có mắt không tròng” rùi xúi Tư Cận cho mượn đôi mắt kiếng để các lão ấy nhìn cho rõ......
          Người nhiều chiện có biết như vậy là đã làm mếch lòng các vị khách quý ấy không và lại làm mất uy tín về truyền thống hiếu khách của làng ta đã khổ công gìn giữ qua bao đời nay? Mà hình như người nhiều chiện đang làm Tourisme mà? Níu mình hành xử như rứa thì khách nào còn đến visite làng mình nữa, hóa ra ngành du lịch non trẻ của làng 12A3 mình sẽ đi vào ngõ cụt và phá sản à?
          Tui thật sự khâm phục về tấm lòng hào hiệp của ngài Cushi Taha trước sự đa nghi như Tào Tháo của ngừ nhiều chiện về hành tung của ngài rèng: “Cho nên bạn sẽ luôn là bạn của Cushi Taha trên những trang mạng này, mặc cho bạn có núa ngã núa nghiêng ra sao?”Có thế chứ! Như rứa mới xứng là đấng trượng phu của xứ sở mặt trời với tinh thần thượng võ vô biên. Tui nói thiệt lòng chớ không phải là nịn đâu à nghen! Và mong ngài Cushi Taha không vì thế mà làm cho tình hữu nghị vừa mới được nhóm lên giữa chúng ta lịm tắt.
          Dẫu sao tui cũng thấy tội và thương cho lão Lý và lão Đồ Gàn, vì các lão ấy chỉ có trên răng dưới cát tút thì làm sao mà làm vừa lòng hết cả thiên hạ được!
          Nhưng cuối cùng cũng xin núa thiệt lòng là thằng tui rất cám ơn cái ngừ nhiều chiện. Vì quả thiệt níu không có những ngừ nhiều chiện như vậy thì eo ui ... có lẽ Giao Mùa đã tắt ngúm tự lâu rùi!

                                                                                         24/7/2013


                                                                                           TÊ KA

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Rảnh

 RẢNH

1/
Anh bạn vong niên xem chương trình Ai là triệu phú xong  cười tủm tỉm kể:
Câu hỏi của chương trình là ;
Trong bốn nhân vật sau đây  Khái Hưng, Nhất Linh Hoàng Đạo, Thạch Lam ai là  anh em với nhau?
Thí sinh dự thi là một giảng viên khoa văn trường Đại Học Thái Bình. Cô suy nghĩ , suy nghĩ rồi … luận:
Nhất Linh thì nghe quen quen, giống như tên một một nam ca sĩ, còn  Hoàng Đạo ,Thạch Lam thì….cô  định nói cái gì đó nhưng Lại Văn Sâm đã vội gợi ý:
Họ là những sáng lập viên của Tự Lực Văn Đoàn.
Cô tiếp tục :
Tư  Lực Văn Đoàn? Hình như tên một đoàn cải lương…
 Lại văn Sâm sợ cô nói tiếp liền cứu bồ:
Chị vẫn còn một sự trợ giúp: gọi điện cho người thân.
Chj quyết định gọi cho anh tổ trưởng tổ văn của khoa. Sau 30 giây anh ta bấm chuông cái rột hét lên trong máy : HOÀNG ĐẠO
???
2/
Tuần qua thiên hạ xôn xao về cái quyết định của Bộ giáo dục :  Bà mẹ việt nam anh Hùng sẽ được cộng thêm 2 điểm khi đi thi  đại học.
Nhưng vui nhất vẫn là  những comment :
-Ba mẹ VNAH mà vượt đèn đỏ sẽ không bị phạt
-Bà Mẹ VNAH lái xe sẽ không cần bằng lái
-Liệt sĩ đi thi sẽ được tuyển thẳng
Còn tui thì ngớ ngẫn hoỉ : mình đang ở hành tinh nào đây ?

3/ Có một thành phố ở miền tây nước ta, trên mỗi bảng tên đường đều cố chua thêm một và nét về tiểu sử cái người mang tên ấy . Ví dụ :
Đường HAI BÀ TRƯNG – Nữ anh hùng dân tộc
Đường NGUYỄN HUỆ - tên húy của vua Quang Trung
Đường LƯƠNG VĂN CỪ - Liệt sĩ cách mạng

Giá như thành phố Đà Nẵng mình cũng làm thế, sẽ có một số người đở phải hởi ông Google :
Ví dụ :
Đường Lê Hữu Khánh (khu Nam Việt Á). Ông là doanh nhân thời vua Thành Thái. Hẳn là có tài trợ cho phong trào chống Pháp của  vua Thành Thái nên sắm được một tên đường. Trên google thì tên ông còn sau cả facebook của Lê Hữu Khánh bác sĩ, Lê Hữu Khánh.
Bên Phạm Văn Đồng chổ khu Mân Quang, Mân Thái có đường Trần Đức Thông, là anh hùng liệt sĩ chết trong trận Gạc Ma . Đố ai mà biết  nếu như gần đây báo chí không nhắc đến.
Gần đường Trần Đức Thông có đường Morrison. Anh em với Yersin ư ?
Ông ta là người Mĩ, tự thiêu trước nhà trắng để phản đối chiến tranh  Việt Nam. Không biết bà thơ Emily con ơi có phải Tố Hửu viết cho ông ta không ?
Rồi đường Dương Đình Nghệ . Đã cẩn thận dặn bạn là nhà tớ ở đường Dương Đình Nghệ, bạn đi tìm đường Lê Đình Nghệ, Nguyễn Đình Nghệ... May mà bạn chưa lộn đường Dương Đình Gừng !

Còn nè. Đường Quy Mĩ, phía sau siêu thị Lottemart, cái đường mà muốn đi siêu thị mà lỡ vào đó rồi thì phải chạy xe cho tới hết cầu Tuyên Sơn rồi quay lại để vô cái đường song song với nó ở phía bên kia thì mới quẹo vô siêu thị được. Tra google không ra !!!

4/
Trên đường Sơn Trà Điện Ngọc có tấm biển quảng cáo to đùng :
CƠ HỘI SỞ HỮU BA CĂN HỘ BÊN BIỂN CUỐI CÙNG.
Ba căn hộ cuối cùng hay bên biển cuối cùng ? Ông nhà đầu tư ni chắc  ngày xưa không học lớp 12a3, chưa bao giờ annalyse grammaticale. Nếu không cái trạng từ cuối cùng ấy ông đã biết phái đặt ở chỗ nào mới đúng để mỗi lần đi qua đỡ  thấy nhột mắt.

5/
Viết thêm cái nữa cho chẵn nữa chục nè : có một ông tám ký  giả danh người Nhật ghé thăm nhà Giao Mùa rứa mà  lão Lý tin sái cổ luôn. Lão còn kính cẩn mời ngài ghé thăm thường xuyên.
Chắc là tưởng ông  Cushi Taha sắp vào đầu tư  ở Giao Mùa . Haha. Lão Lý ơi là lão Lý !


                                                                    Người nhiều chuyện.
Thêm mấy tấm ảnh tên đường xem cho zui:



Phúc đáp

Phúc đáp

          Thưa ngài Cushi Taha!
          Thiệt là vinh hạnh cho bà con ở cái láng 12A3 chúng tôi và cũng thiệt là hạnh phúc cho cái lão Đồ Gàn tui vì đã được ngài phang cho một chữ Enter thay vì đá cho một cú Exit. Đọc cái comment của ngài mà Gàn tui thấy mát lòng mát dạ và càng phục ngài hơn nữa về trình độ hiểu biết uyên thâm của ngài đối với nền văn học của xứ sở chúng tôi.
          Cũng xin được khoe với ngài là mới đây, ngoài ngài ra, là vị khách Châu Á đầu tiên đến thăm ngôi nhà Giao Mùa của chúng tôi, thì còn có một vị khách Châu Âu tên là Pierre SamSon cũng ghé đến thăm và muốn tìm hiểu về chúng tôi như ngài. Phải nói không có chi vui và hạnh phúc cho tàn thể dân làng 12A3 chúng tôi hơn như thế này nữa vì biết đâu qua tìm hiểu các ngài sẽ hổ trợ cho chúng tôi xây dựng một ngôi làng văn hóa theo mô hình xây dựng nông thôn mới của chính phủ hiện nay trên nhà mạng Blogspot.
          Ngài Cushi Taha kính mến!
          Qua tâm sự của ngài, biết ngài rất thích thể thơ lục bát của đất nước chúng tôi từ ca dao tục ngữ cho đến các tác phẩm văn chương bác học cổ điển như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du hay “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu.... Nhân đây tui cũng xin được phép giới thiệu với ngài một tác phẩm thơ đặc chủng 6/8 là “Lục bát trăng” của nhà thơ Lãng Tử ở làng tui để ngài ngâm vịnh cho vui (Cảm phiền xin ngài cho cái Edmin để tui nhờ lão Quản gia  Bốn Mắt của Giao Mùa mang tới).
          Còn về cái chuyện ngài hỏi Đồ Gàn có phải là tên tui không thì quả ngài đoán như thần, nhưng tui nào dám được như cụ Tam Nguyên :
                               “Mở miệng ra nói gàn bát sách
                                 Mềm môi chén mãi tít cung thang”
          Không nói thì ngài cũng thừa biết, tui cũng chỉ thuộc vào hạng giở hơi chập chập manh manh mà thôi. Còn ngài bảo Gàn tui và ngài gặp nhau ở điểm nầy thì e rằng làm tui xấu hổ quá, vì như thế thiên hạ sẽ bảo Gàn tui “thấy sang bắt quàng làm họ chăng”? Ý tui là người ta bảo thấy ngài là một nhà văn hóa Nhật Kiều nên muốn dựa dẫm vào ngài để vụ lợi. (Xin được mở cái ngoặc nói nhỏ riêng với ngài rằng họ còn bảo tui là cái thứ người nhiều chiện nữa đó!)
          Cám ơn ngài đã tặng chúng tôi một bài thơ theo thể Haiku truyền thống của xứ sở Hoa Anh Đào, khi đọc lên làm cho tui liên tưởng đến cái Nhàn của cụ Uy Viễn Tướng Công ở đất nước chúng tôi. Nói đến thơ theo thể Haiku của đất nước ngài thì chúng tôi mù tịt mà có biết thì cũng chỉ biết sơ sơ nhờ ông Google, nhưng cũng để đáp lại tấm thịnh tình của ngài, Gàn tui xin được phúc đáp:
                              Phượng vẫn hoài thắm đỏ
                        Thời áo trắng vẫn hoài trong mơ
                              Chỉ còn - thơ và mộng.
          Không biết mấy câu thơ con cóc ấy có đúng với tinh thần của thơ Haiku không, xin ngài chỉ giáo cho.
          Kính chúc ngài luôn vui khỏe và hạnh phúc!

                                                                                  23/7/2013

                                                                                   Đồ Gàn

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Xin đại xá

Xin đại xá

          Thay mặt cư dân làng 12A3 xin chào mừng ngài Cushi Taha đã ghé đến thăm ngôi nhà Giao Mùa của chúng tôi và chúng tôi cũng thành thật xin lỗi vì đã không đón tiếp ngài chu đáo,   có gì thất lễ xin ngài bỏ qua cho và mong rằng ngài luôn quan tâm thường xuyên ghé thăm thì thật là niềm vinh hạnh cho dân làng chúng tôi rồi.
          Thưa ngài Cushi Taha!
          Bà con dân làng chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được ngài ghé thăm và có những chia sẻ rất chân tình mà người vui nhất không ngoài ai khác là chị Mây Xanh và nhà thơ Mạc cưa mạc gà mô đó. Chị Mây nhà chúng tôi phục ngài sát đất vì ngài như là một nhà chiêm tinh vậy, vì những gì ngài đoán về chị ấy đều đúng y như ngài đi guốc trong bụng chị ta. Xin kính phục, kính phục... Riêng cái lều thơ mạc cưa mạc gà mô đó mà ngài nhận xét cứ y như thần, yêu chi mà yểu xìu cũng bày đặt yêu rùi chỉ biết trồng cây si thôi hà? Chán thấy mồ!
          Duy có một điều làm cho bà con làng tui théc méc là, không hiểu sao ngài là người Nhựt Bổn mà sao ngài lại rành về thơ phú của người Việt chúng tôi đến sáu câu như zậy, mà bằng chứng là ngài đã ra một câu thơ rất chi là đơn giản như là đang giỡn để mời chúng tôi làm tiếp thêm mấy câu nữa, làm cho bà con dân làng chúng tôi đến tắc tị suốt mấy ngày hôm nay mà chưa thấy ai lên tiếng:
                     “Rủ chàng Lãng Tử đến Lãng Tiêu”
                       .............(mời họa tiếp).....................
          Kể ra về chuyện văn thơ thì làng tui không đến nỗi thiếu nhơn tài, vì làng cũng đã có nhiều nhà thơ như Ngọc Tuyết, Thanh Thám, Lãng Tử, UdumBara, nhà thơ Cạn Hồ Trường, nhà thơ đau dạ dày Đức Tấn, Lê Nguyễn, nhà thư câu một BaGa và một số lều thơ mới mọc lên gần đây như Đỗ Quyên, Mạc Nhân... nhưng hình như chẳng mấy ai để ý nên thành ra thất lễ với ngài quá. Đồ Gàn tui cũng xin liều mạng chắp theo ngài mấy câu con cóc để gọi là một chút đáp lại tấm lòng hiếu khách của ngài.
                       Rủ chàng Lãng Tử đến Lãng Tiêu
                       Cà phê cà pháo - thích thì chìu
                       Hàn huyên tâm sự tình tri kỷ
                       Cùng đám bạn hiền tóc muối tiêu.
                       Người ở phương xa thấy buồn hiu
                       Nhớ bạn nhớ bè biết bao nhiêu
                       Ước chi nâng chén quỳnh tương ấy
                       Say nghĩa tình say sáng đến chiều.
          Ngài Cushi Taha kính mến!
          Xin ngài đại xá cho cái tội mạo phạm này và nếu ngài cảm thấy được thì cho Gàn tôi một chữ Enter, còn nếu như không được thì xin ngài cho Gàn tôi một đá Exit để tôi được yên thân. Chúc ngài luôn luôn khỏe mạnh và mong ngài luôn ghé thăm Giao Mùa của chúng tôi để tình hữu nghị của chúng ta đến ngày đơm bông kết trái.

                                                                            Kính chào ngài Cushi Taha
                                                                                             22/7/201

                                                                                             Đồ Gàn


                                                                                        
 

                      
                      

                       

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Vay

Vay

Tặng tỷ phú Mây Xanh - người giàu nhất làng 12A3

Mây Xanh ơi hỡi Mây Xanh
Từ nay trở thành tỷ phú thời gian
Không ai mà sướng như nàng
Từ nay làm chủ “kho vàng” trời cho.

Đêm đêm ngủ ngáy kho kho
Tha hồ mà hẹn với hò lê la
Qua rồi những thứ phiền hà
Dự giờ, giáo án, kiểm tra đứ đừ
Mà nào chỉ thế thôi ư?
Còn bao nhiêu việc công tư rối bời
Coi thi đi khắp mọi nơi
Chấm thi cấm cố chẳng ngơi tí nào
Tập huấn cải cách nâng cao
Buồn tình giảm tải biết bao nhọc nhằn
Về nhà thì lại lăng xăng
Chợ búa bếp núc đến oằn đôi vai
Nỗi này biết tỏ cùng ai
Dạy thêm phụ đạo soạn bài ôn thi
Nhiều lúc muốn bỏ quách đi
Nghĩ lại nồi gạo thôi thì ... cố thôi.

Giờ đây mặc sức nằm ngồi
Thời gian rảnh rỗi nấu xôi đãi làng
Gàn tôi vốn kẻ đa mang
Xin chị vay ít “lượng vàng” rong chơi.

                                                       18/7/2013


                                                        Đồ Gàn

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Tạ lỗi

TẠ LỖI

Lêu lêu cái lão Đồ Gàn
Học đòi làm kẻ đa mang bỡn đời
Thông tin núm chẻng đến nơi
(Để) bàng dân thiên hạ buông lời cười chê.

          Đúng là lão Đồ Gàn, gàn hết chỗ nói, gàn đến ngây thơ ông cụ. Ai đời lão bị anh chàng Lùn mã tử ở tuốt tận An Giang lừa cho một quả “là anh ta đã về Đà Nẵng và đang ngồi uống caffe bên Dòng Suối Ngọc ở đường Triệu Nữ Vương”. Để rùi từ hổm đến giờ chẳng nghe anh ta điện đóm chi cả, bạn bè ai cũng hỏi thăm làm tui cuống cả lên. Mà tui cũng lấy làm lạ bán tín bán nghi, vì rằng lần nào về thì hắn ta cũng hú gọi anh em mà sao lần nầy hắn lại im thin thít nên tui nghĩ thế là lão Đồ Gàn bị hắn ta cho nhậu thịt lừa rùi.
          Cái thằng tui định bụng sẽ báo cho vợ chồng bác Cả Lê và anh chàng Tư Mắt Kiếng cùng anh chàng nhà thơ câu một Baga biết để gặp hắn một bữa, nhưng do hắn không ư hử chi cả, hơn nữa tui vì công việc bận túi bụi nên cũng chẳng nhớ ra thành thử cũng ấm ớ hội tề. Sáng nay công chiện cũng ngơi ngơi một tí, tui phải tìm hiểu xem thực hư như thế nào chớ không thì oan cho anh chàng Lùn mã tử mà lại tội nghiệp cho lão Đồ Gàn. Tui học theo kiểu điều tra của nhà thám tử “Xê Lốc Khom” là truy từ căn nguyên bắt đầu từ Dòng Suối Ngọc. Tui thật sự thất vọng khi nghe Dòng Suối Ngọc trả lời qua điện thoại là có thấy anh chàng Lùn về hồi nào đâu và cô ấy lại còn vặn vẹo lại tui nữa chứ:
         - Mắc mớ chi hỏi tui, mà tui có liên quan chi tới hắn ta đâu? Mọi lần về là hắn đến trình diện Lý trưởng trước kia mà.
          Coi bộ không xong trước những lời đôi chối ấy, tui liền đem biện pháp nghiệp vụ đặc biệt ra để bắt mạch, và quả y như rằng không đợi lâu, Dòng Suối Ngọc liền róc rách:
         - Núa thiệt là hắn có về và rủ tui đi uống caffe ở quán nhà Thanh Hồng, sau đó hắn gọi cho lão Lý và Xuân nhưng mấy người đều bận việc không tới được. Ngồi tâm tìn vối nhau một tí khoảng hơn mấy tiếng đồng hồ rồi chia tay, hắn hẹn là để gọi lại cho bạn bè sau nhưng chờ hoài mà chẳng thấy tăm hơi chi cả, tui có gọi điện lại cho hắn thì nghe hắn bảo là đã về lại Sài gòn gấp vì ông anh của hắn bị bệnh nặng đang phải nhập viện.
          Tui nghe tiếng róc rách của Dòng Suối Ngọc mà chưa kịp phản ứng gì, thì dòng suối ấy thở dài và buông một dòng nước lạnh đến tái tê.
          - Đúng là người không có duyên, gặp lại nhau sau hơn 30 năm mà vẫn không được một lần trọn vẹn. Nghĩ mà buồn cho cái số mình quá “vô duyên”.
          Tự nhiên tui thấy ân hận vì vô tình làm cho dòng suối ấy xót xa!
          Rồi vào tối thứ 7 tuần qua, lão Quản gia nhắn tin mời anh em sáng chủ nhật đến quán Lãng Tiêu uống caffe. Tui tiếc hùi hụi vì phải cắp tráp theo lão Lý đi họ đám cưới cho đứa cháu ở quê. Không biết sáng chủ nhật ấy có ai đến không hay lại để cho lão Quản ngồi  ngáp ruồi một mình cho bỏ ghét. Tui định bụng bữa mô đó rảnh rỗi, sẽ mời lão Đồ Gàn đi làm một cử để gọi là tạ lỗi bất kính với lão và dĩ nhiên là phải mời bà con làng mình đến để cùng chứng kiến chứ.
          Hãy đợi đấy!!!


                                                                                                 TÊ KA

Tỷ phú thời gian

Tỷ phú thời gian   
          Như rứa là tháng sáu đã qua rồi. Không biết mấy ổng mần ăn như thế nào mà chẳng họp lớp họp trường chi hết? Có chi thì cũng thông báo cho làng biết chớ hè? Có lẽ nào… “Thôi thế là thôi. Là thế đó..” he he , tôi nhại lại câu hát trong bài “Nhật ký đời tôi” của Thanh Sơn đó mà.
          Hôm nay thật là rảnh rỗi, tôi mở trang blog của lớp ra xem,  đọc ngấu nghiến bài của lão lý và chợt nhớ ra ngày họp lớp đã trôi qua một cách âm thầm lặng lẽ. Tại sao vậy nhỉ! Cái ban… chỉ đại của làng này mần ăn ra răng mà… Rồi đọc tiếp  mấy bài thơ lục bát của anh chàng Mạc Nhân nào đó. Mà tôi đoán chắc là của lão Lý chớ còn ai vô đây nũa. Để ý lắm thì mới thấy có một bài thơ nhắc đến chữ … mây. Mà than ôi! Đó là mây trắng các bác ạ. Hổng phải là mây xanh. Hu hu . Hừ, lão làm mây tui mừng hụt. Cứ tưởng rằng mình cũng có một … vị trí khiêm tốn trong … lòng lão chứ/ Thiệt là bé cái nhầm! Tôi vẫn thích giai điệu nhẹ nhàng của thể thơ lục bát, thích nhất là bài thơ Ngu ngơ của lão. Lão làm thơ cũng hay đó chớ! Mây tui thích nht là 2 câu:
Dẫu em không đợi không chờ.
Thì ta luôn ở bên bờ nhớ thương.
          Yêu như rứa mới là yêu chớ. Như rứa mới là cao thượng. Có đâu như bi chừ. Hừ! yêu chi mà quá đản!.. Rời mắt mấy bài lục bát, tôi đọc tiếp bài viết của lão lý. Qua bài đó, tôi biết anh chàng Chi ở An giang có về Đà Nẵng. Chà, mấy lão tệ ghê. Rứa mà chẳng nói cho mình biết. Khá lâu rồi, tôi cũng muốn xem… dung nhan ngày ấy bây giờ ra sao? Nếu biết có Chi về, thế nào tôi cũng…  mò đến. Phải tiếp đãi hắn tử tế để khi nào vào An Giang hắn còn nghĩ chút tình mà cho ăn món điên điển nữa chớ!
  Các bác wơi! Cái trang blog của mình bây chừ sắp xếp răng lạ quá. Hổng giống như mấy bữa. Cái bài viết lâu lắc lâu lơ của tui “12a3 ngày ấy bây giờ” lại hiện ra … chình ình… Tôi đọc lại và chợt nhận ra văn chương của mình hồi nớ dễ thương ghê. Còn bây chừ văn của mình sao nhuốm màu… giang hồ quá xá! Còn hình ảnh nữa chứ. Trời ! nhìn lại hồi nớ tôi thấy mình …vễ thương ghê… sao bây chừ “ròa” quá.
          ÔI thời gian! Mi đã làm tàn phai … nhan sắc của tụi ta! Hừ nghĩ lại mà tôi muốn khóc quá. Chủ nhật vừa rồi (cách đây 3 ngày) tôi được tin nhắn của lão quản gia mời lê la tại quán Lãng tiêu. Trời ơi! Tức không chịu được. Nghĩ răng mà lão đợi cho tôi về quê rồi mới mời? Tôi đã từ chối mà lòng buồn… dười dượi. Cuối cùng sáng chủ nhật tôi cũng kiếm cớ để ra Đà Nẵng lê la. Tôi nói phỉnh là đi ra gấp để đi thăm anh hiệu phó bị đau .(mà ổng bị đau thiệt). Vừa dắt xe từ thềm xuống sân thì hỡi ôi! Ông trời hình như đã nhìn thấu sự … dối trá của tôi thì phải. “Rắc”! một cái, lưng tôi bị đau, hình như hơi bị … trật cái khớp chi đó. Rứa là phải vào giường nằm để …. ổn định cái lưng. Đi không được. Nhưng, nhờ trời nghĩ đến cái tấm chân tình của tôi với các bạn, chừ tôi hết đau dzồi! hi hi… Hẹn gặp lại các bạn . Tôi bây chừ là tỷ phú thời gian rồi. tôi sẽ cố góp chút sức mọn để ngôi nhà 12a3 thêm ấm áp.
Mây Xanh



Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

théc méc

Théc méc 

          Thế là ngày hội của làng ta đã chìm vào vĩ vãng và thế là cái bao lãnh đạn của làng ta cũng đã sơ tán ở tận nơi nao? Nghĩ mà buồn thúi cả ruột! Thế mà chẳng thấy bà con làng mình có ý cò ý cuốc gì cả, càng nghĩ lại càng thấy buồn hơn!!!
          Đang ngồi thừ ra với những ý nghĩ chẳng đâu vào đâu trước những công việc nhùng nhằng với chuyện áo cơm thì có chuông điện thoại réo, quệt đại đôi bàn tay dầu mỡ vào bộ đồ lao động đang mắc trên người rồi móc điện thoại ra thì thấy cuộc gọi của anh chàng trồng bonsai ở xứ An Giang gọi rủ đi uống caffe. Tui ngạc nhiên hỏi lại hiện anh đang ở đâu thì anh ta cừ một cách thoải mái và cho biết là đã về Đà Nẵng và hiện đang ngồi uống caffe bên Con Suối Màu Đen ở đường Triệu Nữ Vương. Chời ơi! nghe mà thèm quá nhưng đang giờ làm việc mà lại ở xa tít mù thì biết làm sao thôi đành nuốt nước bọt và ậm ừ hẹn lại dịp khác.
          Rùi mấy hôm nay lão Quản gia cứ cho bà con mình xơi miết mấy vần thơ của anh chàng Mạc Nhân mạc cưa mô đó đến là bội thực, cũng may là lão Quản đã kịp thay đổi khẩu vị bằng món vịt rang me chớ không thì bà con mình ngán đến tận cổ bởi mấy vần thơ con cóc kia rùi. Cái thằng tui đi đâu cũng nghe bà con làng mình ta thán rằng:
           - Không biết vì sao từ cái ngày ngôi nhà GiaoMùa đổi địa chỉ từ Yahoo sang Blogspot thì mọi mọi ý kiến comment đều không vào được chính vì thế mà họ chán nản không về thăm nhà nữa. Chiện chi chớ chiện ni thì cái thằng tui cũng thuộc vào loại mít đẹc nên cũng chỉ biết trông chờ vào cái tài của lão Quản gia mà thôi. Không biết lão Quản có nhận ra điều ấy không rứa hỉ?
          Rùi cũng có người đánh tiếng mát mẽ:
           - Từ đầu năm tới chừ, tháng mô cũng có mừng sinh nhật cho các bạn có ngày sinh trong tháng, còn đến tháng 7 ni reng hổng thấy mừng sinh nhựt bạn nào hết. Thử hỏi chơi rứa có công bằng hông?
          Ui cha mạ wơi! Chiện ni lại cũng phải hỏi lão Quản thôi, vì tay hòm chì khóa là trên lão tất, cái thằng tui cũng chỉ biết lắng nghe và mét lại cấp trên chớ biết mần sao? Thôi thì bà con làng mình có ý kiến hay théc méc chi thì một là hỏi trực tiếp chuyên mục “Dân hỏi lão Quản trả nhời”, còn không thì vào bóp cổ ông Google như cái nhà chị Mây thì sẽ được giải đáp một cách chu đáo và thấu tình đạt lý.
          Lại phải đi giải quyết ba cái chiện lằng nhằng liên quan tới cái chiện áo cơm nên đành gác phím. Hẹn hầu chiện bà con làng mình vào những lần sau .

                                                                            09/7/2013


                                                                             Đồ Gàn

Áo xưa

Áo xưa



Màu chiều dù có xa xôi

Ngàn năm mây trắng vẫn trôi mượt mà

Nhớ thời áo lụa thướt tha

Vấn vương ngày ấy gót ngà mộng du...

Lãng Tử

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Lục bát 6

Nam nhi

Miệng ăn - có
Miệng nói - không
Miệng hùm gan sứa đàn ông kiểu gì
Có đáng là mặt nam nhi
Sao em không xúc đổ đi cho rồi
Bực mình đến thế thì thôi
Lại thêm cái tội đứng ngồi không yên
Mặc cho thiên hạ đảo điên
Học theo thánh hiền-ngậm miệng lắng nghe.

Sợ

Giận em tôi muốn bỏ đi
Vắng tôi thì sợ lấy gì em la
Vậy nên tôi phải về nhà
Cho em trút giận làm quà yêu thương.

Ước

Ước gì có phép phân thân
Cho người một nửa để phần mai sau
Tình yêu hóa phép nhiệm mầu
Cho ta nhẹ bước qua cầu nhân duyên.

Chờ

Lạ gì chót lưỡi đầu môi
Lạ gì những thứ đãi bôi phụ phàng
Xin người mở cửa thiên đàng
Xem ai ở lại thế gian để chờ.

Ghét

Ghét tôi em cứ ghét đi
Nếu muốn ghét cả tông ti họ hàng
Khổ thân làm kẻ đa mang
Cõi trần mỗi một thiên đàng -là em!

Màu yêu

Em nhớ anh?
Xưa như trái đất!
Anh nhớ em?
Cũ hơn quả địa cầu !
Giận hờn chẳng biết vì đâu
Để cho nỗi nhớ đổi màu yêu thương.
                                                                   
                                                                 Mạc Nhân