Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Tuấn mã và ngựa thồ



TUẤN MÃ VÀ NGỰA THỒ

          Những con ngựa đầu tiên được loài người thuần dưỡng vào khoảng 4000-4500 TCN, các nhà nghiên cứu cho rằng ngựa đã được nuôi phổ biến ở châu Âu vào khoảng 3000 TCN-2000 TCN. Ban đầu, có lẽ ngựa được thuần dưỡng để làm vật kéo xe hoặc thồ hàng, sau đó thấy được sự nhanh nhẹn và khả năng chở nặng của ngựa, người ta đã sử dụng ngựa làm vật cỡi. Khi các chiến binh sử dụng ngựa thành thạo, tung hoành trên chiến trường hữu hiệu, một số quốc gia  đã thành lập lực lượng kỵ binh, đôi quân cực kỳ cơ động này đã tăng ưu thế quân sự cho các quốc gia cổ đại.
          Mùa xuân năm 334 Trước Công Nguyên, Alexandre Đại đế của Macedonia  lãnh đạo đại binh tấn công nước Ba Tư. Trong trận Gaugamela  đẫm máu, lực lượng của đế quốc Ba Tư có voi chiến, hàng ngàn chiến xa do ngựa kéo, rất nhiều kỵ mã và bộ binh, chiếm ưu thế hơn so với quân Macedonia, Alexandre Đại đế  đã tung 7.000 kỵ binh thiện chiến và 40.000 bộ binh vào trận. Nhờ lực lượng cơ động thần tốc, quân Macedonia đã khiến cho quân Ba Tư hoảng loạn tháo chạy tan tác. Gắn với các chiến công của Macedonia, phải nói đến con ngựa Bucephalas nổi tiếng của Alexandre Đại đế, đây là con chiến mã đã đưa vị vua trẻ tung hoành ngang dọc trên chiến trường, chinh phục cả đế quốc Ba Tư hùng mạnh.
          Thời Tam Quốc bên Trung Hoa, một con ngựa nổi tiếng đã đi vào truyền thuyết-  ngựa Xích Thố, con ngựa này dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, một ngày có thể đi ngàn dặm, khi xông pha sa trường thì nhanh như chớp. Con ngựa nầy nguyên là của Đổng Trác tặng cho Lữ Bố. Lúc Lữ Bố chết, Tào Tháo biết là ngựa quý cho người chăm sóc, sau tặng lại cho Quan Vân Trường (Quan Công). Quan Vân Trường cưỡi ngựa Xích Thố qua năm ải, chém sáu tướng. Hình tượng Quan Công thường được thể hiện gắn với thanh Long đao và ngựa Xích Thố. Cùng thời này, còn có con ngựa Ô Truy của Hạng Võ đã trung thành với chủ đến giờ phút cuối cùng...
          Vào thế kỷ 13 sau Công nguyên, vó ngựa quân Mông Cổ tung hoành khắp lục địa Âu, Á. Giống ngựa vùng thảo nguyên Mông Cổ vóc dáng nhỏ hơn ngựa Trung Nguyên song chúng sức chịu đựng dẽo dai, có thể thích nghi tốt với khí hậu cận nhiệt đới. Với sức mạnh kỵ binh, quân Mông Cổ đã xâm chiếm nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở châu Âu, châu Á. Tưởng chừng sức mạnh của đội quân Nguyên Mông là bất khả chiến bại, song, khi tiến quân xuống phía Nam Trung Hoa, xâm lược Đại Việt, đội quân thiện chiến của Hốt Tất Liệt đã bị chặn đứng và đánh bại. 
          Trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ, bên cạnh bộ binh, thủy binh và tượng binh, quân Đại Việt cũng sử dụng ngựa trong chiến trận. Mặc dù ngựa Việt nhỏ thó nhưng vẫn có những chiến mã cùng với chủ lập nên những chiến công lẫy lừng.  Lê Phụ Trần là danh tướng đời Trần Thái Tông, nguyên ông tên là Lê Tần, hoặc Lê Tân Trần, sau được Trần Thái tông ban tên là “Phụ Trần” để tưởng thưởng công lớn trong cuộc kháng chiến chống quan Nguyên-Mông. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, ngày 12 tháng 12 âm lịch năm 1257, quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Ngột Lương Hợp Thai từ Vân Nam xuôi theo sông Hồng tràn vào Đại Việt, Vua Trần Thái Tông thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Thế giặc mạnh, quan quân ta hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần một mình một ngựa, xông vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không...
          Những con ngựa đẹp, có tốc độ nhanh thường được gọi với danh từ mỹ miều: Tuấn Mã. Những con tuấn mã không chỉ được ghi chép trong lịch sử mà còn đi vào thi ca, nhạc họa.
          Trong thi ca Việt Nam, tác phẩm Chinh phụ ngâm có đoạn:
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu...

          Chỉ có 4 câu thơ đã thể hiện được sự oai hùng, kiêu bạt của người chiến binh xông pha chốn sa trường trên lưng ngựa, không sợ hy sinh.
          Trung Hoa có bức họa Bát tuấn đồ lấy từ điển tích tám con ngựa kéo xe của Mục Vương (1001 – 746 trước CN), vị vua thứ năm của nhà Chu. Tương truyền, cỗ xe 8 ngựa kéo của Mục Vương đã đưa nhà vua rong ruổi khắp vương quốc để xem xét dân tình. Chu Mục Vương được hậu thế tôn là minh quân, bởi ông đã có công làm cho nhà Chu hưng thịnh trở lại. Bạch Cư Dị, thi sĩ nỗi tiếng Trung Hoa thời nhà Đường đã có bài thơ Bát tuấn đồ:
Mục Vương bát tuấn thiên mã câu,
Hậu nhân ái chi tả vi đồ.
Bối như long hề cảnh như tượng,
Cốt tủng cân cao chỉ nhục tráng.
Nhật hành vạn lý tật như phi,...

Ngô Văn Phú dịch:
Đời Mục Vương, tám con ngựa đẹp,
Người đời sau, chuộng vẽ nên tranh.
Lưng như rồng chừ cổ như voi,
Xương vững, gân bền, cơ bắp khoẻ.
Như bay, ngày đi ngàn dặm nhanh,..

          Bức họa Bát tuấn đồ ngày nay được nhiều họa sĩ mô phỏng, lấy cảm hứng tạo thành nhiều bố cục khác nhau với ý nghĩa “Mã đáo thành công”.
         Trong âm nhạc, ở nước ta có 2 ca khúc rất sôi động có liên quan đến ngựa của nhạc sĩ Lê Yên: “Ngựa phi đường xa” và “Kỵ binh Việt Nam”. Nghe giai điệu và ca từ  của bài hát, ta tưởng chừng như nghe tiếng vó câu của đoàn kỵ mã đang dập dồn phi trên đường xa...
          Trong hàng trăm con ngựa, chỉ có vài con ngựa xứng danh tuấn mã, còn lại, đa số là ngựa kéo, ngựa thồ. Không lẫy lừng như tuấn mã nhưng những con ngựa thồ, ngựa kéo đã âm thầm làm lợi cho chủ, hàng hóa được vận chuyển từ nơi nầy sang nơi khác, phát triển giao thương giữa các vùng, các quốc gia; đặc biệt là ngựa thồ đã góp phần không nhỏ vào việc vận tài hàng hóa trên “Con đường tơ lụa”, xuất phát từ Trung Hoa qua các nước Mông Cổ, Ấn Độ, Afganistan, Thổ Nhỉ Kỳ, Hy Lạp...
          Ngày nay, nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, rất cần những người tài năng, nhanh nhẹn như tuấn mã để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh; đồng thời cũng rất cần những người cần cù, chăm chỉ như những chú “ngựa thồ” ngày đêm âm thầm lao động miệt mài làm ra của cải cho xã hội, trong những năm qua, chính lực lượng lao động nầy đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước.
          Nếu không đủ sức trở thành “tuấn mã” tung hoành trên chính trường, thương trường thì ta cũng hãy vui vẻ làm những “ngựa thồ” lặng lẽ góp phần công sức nhỏ bé của mình vào việc kiến thiết, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh hơn, tươi đẹp hơn...

Tư Cận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét