Long mã trên gốm sứ Chu Đậu.
Trong nghệ thuật Trung
Hoa, long mã là một hóa thân của kỳ lân, được thể hiện dưới dạng con vật có đầu tựa rồng thân ngựa, chân hươu. Long
mã thường được thể hiện theo điển tích “Long mã phụ Hà đồ”, trên lưng linh thú
phủ một tấm Hà đồ, dưới chân là sóng nước, phía trên mây vờn quanh. Tương
truyền, vào đời vua Phục Hy ở Trung Hoa (năm 2852-2737 trước CN), có một trận
giông lớn nổi lên trên sông Hoàng Hà, nước sông dâng cao, đột nhiên một quái thú
đầu rồng mình ngựa xuất hiện đứng trên mặt nước, con vật mang theo thanh bảo
kiếm, trên lưng nó có nhiều đốm xếp theo một trật tự đặc biệt. Dân chúng thấy
chuyện lạ, liền cấp báo cho vua Phục Hy. Vua Phục Hy đến nơi và nhận ra đó là
con Long mã, một loại linh thú hiếm khi xuất hiện. Ngài phán rằng: “Nếu ngươi
đem báu vật đến dâng cho ta thì hãy đến trước mặt ta.” Nghe xong, long mã lướt
vào bờ, đến trước mặt vua Phục Hy quì xuống. Nhà vua đón nhận bảo kiếm và ghi
nhớ những đốm trên lưng con vật. Dâng báu vật xong, long mã quay trở ra sông và
biến mất. Vua Phục Hy vẽ lại những đốm trên tấm da tạo thành một bức đồ, đặt
tên là Hà đồ. Sau đó, nhà vua xem Hà đồ, kết hợp với quan sát thiên tượng, đã
vẽ ra Bát Quái Đồ, gọi là Tiên Thiên Bát
Quái Đồ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng điển tích “Long mã phụ hà đồ”
có liên quan mật thiết với nguồn gốc Kinh Dịch, từ đó, phần lớn các bức vẽ Long
mã đều thể hiện hình Bát Quái Tiên thiên trên lưng linh thú này.
Long
mã là sự kết hợp giữa ngựa và rồng. Theo quan niệm của người Đông phương, Long
(rồng) là một linh vật, thường ở trên trời, mạnh mẽ, linh hoạt, thống trị không
gian, được xem là nguyên lý Dương. Mã (ngựa), mặc dù không phải là linh vật,
nhưng là con vật hữu ích cho loài người, có sức bền bỉ, có nghĩa với chủ, chạy
nhanh, biểu tượng cho thời gian và nguyên lý Âm. Sự kết hợp rồng và ngựa vào
Long mã là sự kết hợp của Âm - Dương, biểu hiện sự chuyển hóa không ngừng trong
vũ trụ. Ở Việt Nam, long mã thường được thể hiện dưới dạng phù điêu trang trí trên bình phong các nhà thờ tộc, đình, chùa, miếu... để tăng sự tôn nghiêm, linh thiêng cho công trình kiến trúc. Hình tượng long mã còn được các nghệ sĩ dân gian mô tả trên các tác phẩm gốm sứ; đặc biệt, trong số hàng ngàn cổ vật thuộc dòng gốm sứ Chu Đậu đã được tìm thấy, bên cạnh các bức vẽ cảnh sơn thủy, hoa lá, chim, thú, tôm, cá... hình tượng long mã xuất hiện dưới hình dạng độc đáo riêng có trên gốm cổ Việt Nam.
Trên một chiếc liễn men trắng vẽ hoa lam, cùng với dải hoa văn cánh sen cách điệu, long mã được thể hiện dưới dạng cổ điển, tuy nhiên không đứng trang nghiêm như long mã ở các bức bình phong, người nghệ sĩ dân gian đã phóng bút vẽ một long mã tung vó phi trong mây, con vật có đầu rồng với 2 sừng dài, thân hình ngựa phủ vảy rồng, chiếc đuôi xoắn của kỳ lân. Những đám mây quanh long mã cách điệu hình đao lửa (đám mây xoắn cuộn kết hợp hình đao ngọn lửa), đôi cánh như một đám mây đao lửa kéo dài từ ức lên lưng long mã và tung bay về phía sau.
Ở tâm một chiếc đĩa lớn tráng men tam thái (3 màu), long mã được thể hiện dưới dạng một con kỳ lân mập mạp đang tung vó bay trong mây. Trên thân có vật có những đốm lớn nhỏ chi chít, dường như tác giả muốn thể hiện những đốm trên bức hà đồ như trong truyền thuyết. Nét độc đáo của chiếc đĩa nầy là kỹ thuật phủ men ánh kim vàng trên gốm.
Một dạng long mã khác mang đậm chất ngựa hơn, đó là bức vẽ long mã trên một thạp gốm men trắng hoa lam. Trên vai và phân chân thạp trang trí văn cánh sen cách điệu quen thuộc của gốm Chu Đậu. Phần giữa thân thạp là một long mã đang phi nước đại giữa đám mây cuộn. Con long mã nầy không theo kiểu truyền thống như trong nghệ thuật Trung Hoa. Với nét vẽ đầy chất ngẫu hứng, phóng khoáng, người họa sĩ dân gian đã thể hiện một con ngựa có cánh gần giống với con ngựa bay Pegasus trong thần thoại Hy Lạp, đôi cánh ngựa cách điệu, tạo đường viền như một dải mây; trên mình ngựa cũng vẽ nhiều đốm lớn nhỏ xen lẫn nhau, phần đầu ngựa được thể hiện khác lạ, phần mõm khá dữ tợn, dường như đang hóa dần thành đầu rồng. Phần khớp gối của 2 chân sau phủ túm lông như chân kỳ lân.
Trên một chiếc đĩa men tam thái lớn, vành đĩa tạo hình cánh sen, giữa lòng đĩa thể hiện một con ngựa có cánh dài đang tung vó bay trong mây, con long mã nầy cũng mang đậm chất ngựa như bức vẽ trên thạp gốm. Long mã và các đám mây được bố cục theo dạng tròn, đầu long mã vươn cao, nét phóng bút nhẹ nhàng khiến bức vẽ long mã trở nên linh hoạt hơn, khiến người xem có thể hình dung long mã đang chuyển động theo vòng tròn trên bầu trời.
Một tác phẩm vẽ long mã khác cũng rất lạ, trên một chiếc đĩa men trắng hoa lam, một con ngựa có cánh đang sải vó phi nước đại, bao quanh long mã là những đám mây cách điệu hình đao lửa. Nét độc đáo ở đây là đôi cánh ngựa cũng mang hình đám mây đao lửa, cổ ngựa vươn cao, động tác toàn thân như đang chuyển theo vòng tròn.
Được vẽ bằng bút pháp phóng khoáng, long mã trên gốm cổ Chu Đậu không theo lối truyền thống trong nghệ thuật Trung Hoa, các nghệ nhân Việt xưa kia đã thể hiện sự sáng tạo tài hoa, nâng cao giá trị cho các sản phẩm; mỗi bức vẽ có bố cục riêng đầy ngẫu hứng, đó không chỉ là vật dụng bằng gốm sứ cao cấp mà còn là những tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật...
Tư Cận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét