Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Con sùng đất


Mùa đông thời thơ ấu
 
Con sùng đất

           Ở quê tôi, khi mùa đông đến cái lạnh đã tràn về, nhất là khi cơn lũ cuối cùng trong năm kết thúc, đất còn ẩm ướt và là vùng trung du lại có núi cao bao bọc vì thế mà mùa lạnh ở quê tôi hình như lạnh hơn ở những nơi khác trong vùng. Xa quê từ tấm bé nhưng những kỷ niệm mùa lạnh ở quê tôi thì không làm sao tôi quên được và giờ nhớ lại tôi bỗng thấy thèm thuồng. Hồi ấy tôi chăn bò cùng chúng bạn trong làng, đến mùa lạnh thì mang chiếc áo tơi và trong túi có một nắm bắp rang hoặc đậu phụng rang chưa bóc vỏ. Ngồi trên lưng bò gặm cỏ trên đồng, bọn tôi vừa ăn bắp rang vừa tám đủ thứ chuyện vui mà tựu trung chỉ toàn là chuyện trẻ con như chuyện nhác ma, hay hái trộm trái cây trong vườn mấy nhà khá giả bị chó cắn rượt đuổi chạy thục mạng,có khi cao hứng có đứa còn “cắp đôi” nhau là chuyện “tìn iu” thời con nít nhưng cũng làm cho nhiều đứa phải “mắc tịt” má đỏ thẹn thùng.

          Rồi đến khi có nắng ấm lên, đất khô ráo, dân làng chuẩn bị dọn cỏ để bắt đầu gieo trồng vụ mới, ấy là lúc rộ lên mùa đào con sùng ở dưới đất. Số là sau khi cơn lũ cuối cùng qua đi để lại trên cồn bãi những gò đất bồi phù sa mầu mỡ, dưới những lớp đất phù sa ấy có không biết cơ man nào là rác rều, củi mục và lá cây rừng vùi lấp tạo nên một lớp thức ăn cho con sùng sinh trưởng và phát triển. Vòng đời của con sùng rất ngắn từ 2-3 tháng, bắt đầu từ trứng của một loại côn trùng nó nở ra và sống trong lòng đất phù sa ở độ sâu khoảng 20cm, có nới chúng còn ở sâu hơn có đến 30-40cm, sùng càng lớn thì ở càng sâu. Con sùng có một cái đầu bằng hạt đậu ngự màu nâu và hai cái ngàm răng rất khỏe, thân nó mềm và có nếp gấp như cái lồng đèn xếp cùng tám cái chân cũng màu nâu bé tí nằm dọc theo hai bên thân mỗi bên bốn cái. Con sùng to nhất bằng ngón chân cái người lớn dài độ 6-8cm,có màu vàng rộm và khi người ta đào chúng lên ngắt đít rảy sạch túi phân cho sạch và nó chỉ còn như một cục mỡ vàng ngậy.

          Nói về cái cảnh đào sùng thì vui không thể tả, bọn con nít chăn bò chúng tôi cũng đâu chịu thua những người lớn, chúng tôi cũng mang theo cái chạc (cái rỗ nhỏ đan bằng tre) có bốn dây quai để xách và một cái cuốc con con. Khi bò đã được thả ra đồng ăn cỏ tập trung ổn định rồi thì chúng tôi xách đồ nghề đi theo mấy người lớn để đào sùng và thường thì chúng tôi chỉ đào được những con sùng con bé tí, may lắm mới đào được vài con sùng lớn là mừng rơn lên rồi. Nói như vậy không phải việc đào sùng đơn giản đâu vì người lớn có kinh nghiệm là họ chọn nơi nào có nhiều đất bồi phù sa, có cây bói cây đế mọc để đào và người lớn có sức khỏe cuốc được sâu mới có được con sùng lớn, còn lũ con nít chúng tôi chỉ “gãi” trên mặt đất nên đào được sùng con mà thôi. Nhiều lúc vì quá ham khi thấy bạn mình đào được sùng to,bọn tôi vứt cuốc xúm nhau chạy đến coi thì chẳng may bị bạn cuốc vào đầu vào chân gây thương tích.

          Khi mùa xuân đã dần dần đi qua, ấy là lúc đậu phụng bắt đầu trổ hoa và có trái thì đó cũng là lúc những chú sùng ở dưới đất bắt đầu ăn rễ cây đậu phụng. Bọn con nít chăn bò chúng tôi lại có một việc bắt sùng mới mà không cần phải dùng cuốc để đào. Chúng tôi quan sát những đám đậu phụng có cây nào lá héo ủ rủ tức thị có con sùng đang cắn rễ cây đậu ấy. Chúng tôi lập tức nhổ cây đậu lên, dùng mấy ngón tay móc nhẹ xuống ngay dưới vị trí gốc cây đậu bị héo thì y như rằng cu cậu đang nhâm nhi rễ cây đậu phụng ngọt lịm ở đó, loại sùng nầy bọn tôi gọi là “sùng gộc” nghĩa là loại sùng khủng nhất, nó rất mập và béo ngậy.

          Sùng là loại côn trùng giàu chất đạm và rất bổ, nó là một loại thực phẩm sạch vì nó sống dưới đất sâu và chỉ ăn rễ cây và lá cây mục, Con sùng được chế biến làm thức ăn một cách đơn sơ, không đòi hỏi cầu kỳ. Thường khi đào sùng đem về rữa sạch sẽ và có thể làm các món ăn rất chi là dân dã sau:

          Sùng nướng trụi: Sùng sau khi sữa sạch ,lấy hành tươi có cả củ dã nát với muối sống và một ít ớt xanh, xong nhét vào thân con sùng rồi dùng cái xiên bằng tre xâu vào thành xâu từ 8-10 con,tùy theo số sùng nhiều hay ít mà xâu cho đều, nếu có mỡ heo thì phết nhẹ vào mỗi xâu thì tuyệt, sau đó quạt lửa than lên nướng. Trong quá trình nướng phải trở đều cho sùng chín và khi sùng trở màu vàng là đem ra cùng nhau nhâm nhi hít hà thì thật là khoái khẩu trong cái lạnh mùa đông.

          Sùng xào nghệ: Nếu đào được nhiều sùng thì sau khi rữa sạch để cho sùng ráo nước, lấy nghệ củ tươi giã nát sau đó trộn đều với sùng và cho ít nước mắm vào ướp khoảng 20 phút, bắt chảo lên cho dầu phụng khử chín và cho tất cả vào xào, đảo đều cho đến khi síp nước là nhắc xuống. Món sùng xào nghệ ăn với cơm nóng thì tuyệt cú mèo không có cơm nào mà chịu cho thấu!

          Ngoài việc đào sùng ra, bọn con nít chúng tôi còn rủ nhau vào sáng sớm tinh sương đi trong cái giá rét mùa đông để tìm hái nấm mối ở những gò đất bồi phù sa trên cồn bãi. Hái được nấm đem về cho mẹ xào lá lốt, hay nấu canh với ngọn rau khoai lang ngọt như nấu với thịt bò. Nhà đứa nào khá hơn thì xay bột đúc bánh xèo với nấm mối thì không chê vào đâu được.

          Những kỷ niệm thời thơ ấu trong tôi vào những ngày đông giá rét ở một vùng quê trung du nghèo khó như vẫn còn mãi mãi tươi xanh mặc dù mình đang bước đến bên bờ “tri thiên mệnh”. Những kỷ niệm ấy thật giản dị mộc mạc đơn sơ và thánh thiện làm sao, nhưng nó đã nuôi lớn tuổi thơ tôi, nuôi lớn tâm hồn tôi của một thời hồn nhiên và hạnh phúc, mà có lẽ chỉ có một lần trong mỗi đời người rồi không bao giờ quay trở lại. Còn chăng chỉ là những giấc mơ chập chờn trong ký ức về những hoài niệm xa xưa và nó như là những chuyện cổ tích êm đềm của một thời thơ ấu mà thôi!

 Mùa đông 2013
Hoàng Trương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét