NHỊP CẦU NỐI
NHỮNG BỜ VUI.
Đó là cây cầu Cửa Đại,
nối vùng biển Duy Nghĩa của Duy Xuyên với xã Cẩm Thanh -Hội An. Đường về quê tôi như thế bớt xa lắc lê thê!
Cây cầu khánh thành từ hồi tháng 9, lúc ấy tôi còn mãi lang thang đâu đó, biết
được là nhờ đọc trên trang fb của Trần Trà. Nhìn hình cây cầu hoành tráng , mỗi bên hai làn xe,
cũng thanh chắn , cũng vòm cong cong, cũng dải phân cách với muôn ngàn hoa lá
... bắt ngang vùng hạ lưu sông Thu Bồn
quê tôi mà chẳng thể nào tin được . Lòng thầm hứa nhất đình ngày về “phải đi cầu
thôi !”
Sáng nay, sau một vòng lễ nghĩa cuối năm ở quê, từ Duy An tôi
xuống Duy Thành, qua Duy Nghĩa để qua cầu
Cửa Đại về Hội An.
Từ Nam Phước đi vào một đoạn theo Quốc Lộ 01, rẽ trái là con
đường bê tông thay cho con đường đất ngày
xưa. Hai bên đường rau bắp xanh rì, trước mỗi nhà là giàn khổ qua hoặc giàn mướp trĩu trái , những quả ngọt còn lại
để dành ngày tết. Thỉnh thoảng là những vỉ bánh tráng phơi quanh nhà , cũng có
nơi phơi chiếu ngày trên bờ rào. Rồi nồi bánh tét bên góc sân nhà còn trên bếp
lửa, một vài luống xà lách, rau tần ô dở dang, rồi mâm cúng tất niên bày ra trước sân...
Không gian Tết và
không khí Tết mới thân quen làm sao. Tôi lại nhớ đến mẹ con mình ngày ấy.
Tôi vốn dân Duy Thành (quê ngoại ) Mẹ tôi theo chồng về
Duy An từ năm 18 tuổi. Con đường nối hai xã là “con đường tình ta đi” của ba và mẹ tôi.
À ơi với nhau gần tám năm , nhưng cưới nhau chưa đầy hai năm
thì ba tôi mất, biến mẹ tôi thành bà
góa ở tuổi 28. Con
đường tình trở thành con đường đau khổ, nơi
chứng kiến nổi gian nan của bà mẹ trẻ một
mình nuôi hai con .
Còn trong ký ức tôi đó là cung đường hạnh phúc . Ngày ấy đường
từ Duy An về Duy Thành là con đường làng bé bé men theo bờ sông , phương tiện
di chuyển là xe đạp hoặc xe ... dép . Ba
mẹ con tôi đương nhiên là đi xe... dép rồi, nhưng vì đường xa, vì thương con
còn nhỏ, mẹ tôi nghĩ ra một loại phương tiện khác là ... gánh. Mỗi đưa ngồi trên một cái thúng
mà ngày thường mẹ dùng để gánh lúa, chị
tôi một đầu, tôi một đầu. Ba mẹ con cứ thế ríu ra ríu rít mà quên đường xa vạn
dặm. Cây đa là bên đường nơi ba mẹ con
ngồi nghỉ, ăn vài chén bánh bèo ở cái quán bên đường để lấy sức hoặc chờ gặp người cùng làng gánh hộ mẹ một đoạn ...
Cây đa ấy vẫn còn , vẫn là nơi dừng chân của những người bộ
hành hiếm hoi cuối năm. Hy vọng quê tôi sẽ không vội vàng biến thành phố thị , để cây đa năm nào còn đứng đó được
lâu, để có người còn lấy đó làm nhà ga cho tuổi thơ của mình.
Duy Thành, còn là nơi gìn giữ một cách trân trong ngôi mộ của Xuân
Quý, vợ nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc)
“Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi..”
Có lẽ ông đã chọn mảnh đất lành Duy Thành cho bà nên sau khi
giải phóng, Xuân Quý vẫn nằm lại nơi đây. Mộ bà vẫn nằm trong khuôn viên khu vườn nơi bà đã hy sinh. Theo người dân
quê tôi kể: Đêm ấy lính Đại Hàn đi càn,
căn hầm bí mật bị lộ, tổ chức bố trí cho Xuân Quý cùng chồng thoát thân. Không
may trong lúc di chuyển ,tóc bà vướng phải một cành gai trong lúc bò, lính Đại
Hàn nổ súng ngay về hướng có tiếng động. Xuân Quý chết
ngay tại chỗ, Bùi Minh Quốc thoát đươc.
Có lẽ không nổi đau nào lớn hơn thế nên trong “Bài Thơ về hạnh phúc”, ông như trút cả lòng
mình :
“Anh
mất em như mất nửa cuộc đời
Nỗi
đau anh không thể nói bằng lời
Một
ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy
Những
viên đạn quân thù bắn em, trong lòng anh sâu xoáy
Anh
bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi
Như
bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc.
Nhưng
em ạ, giây phút này chính lúc
Anh
thấy lòng anh tỉnh táo lạ thường
Nhằm
thẳng quân thù, mắt không giọt lệ vương
Anh
nổ súng...”
Qua khỏi Duy Thành là
đến Duy Nghĩa, xã giáp biển của Duy
Xuyên vẫn còn đường bê tông thênh thang cho nên xe ta cứ thế mà bon bon.
Dừng lại bên cây cầu
Trường Giang chụp tấm hình mà ngỡ ngàng
trước vẻ đẹp rất quê ta.
Đi tiếp sẽ là con đường
đất ngoằn ngoèo, xe thụp lên thụp xuống như con đường xưa em đi nhưng khác là
sau khúc ngoằn nghèo ấy là cây cầu Cửa Đại hoành tráng xuất hiện.
Qua cầu sang sông là đến Cẩm Thanh, Hội
An.
Giá mà mẹ tôi còn sống,
chắc bà đã quẳng được gánh lo mỗi khi đi
phố (Hội an)
Hội An ngày ấy là thương cảng sầm uất, chỉ cách quê tôi một
con sông mà xa vời vợi. Muốn sang Hội An thì phải đi đò, hoặc đi vòng lên Nam
Phước ra Vĩnh Điện rồi mới xuống được Hội An. Và mỗi lần đi phố Hội An với người dân quê tôi cũng giống
như bây giờ ta đi Mỹ, đi Tây.
Trong mớ ký ức mịt mù, Hội An của tôi là nơi có tiệm ảnh Huỳnh
Sau mà ba mẹ tôi thời còn à ơi đã
có một lần đã chụp hình ở đó (đó cũng là tấm ảnh duy nhất của hai người), là nới có quán phở Liến mà mẹ
thường kêu chỉ một tô, xin thêm một cái
bát rồi phân ra làm hai cho hai chị em tôi, còn mẹ thì lúc nào cùng ... “mẹ no
rồi” rồi ra ngồi chờ chị em tôi phía trước quán sau khi đã trả tiền.
Mỗi dịp tết, chị em
tôi lại được mẹ cho đi sắm Tết ở chợ Hội
An. Cái áo đầm mẹ mua luôn dài đến mắt cá để
mặc được vài năm, đôi giày đôi dép cũng luôn rộng hơn một tí với cùng một
nguyên tắc như thế.
Trên chuyền đò sang sông về lại quê nhà năm ấy, chuyến đò
tròng trành không chỉ vì sóng và còn vì phải chở cả cái hạnh phúc quá lớn của những đứa bé quê được đi PHỐ như chị em
tôi.
Thêm một chuyến đò đi vào cổ tích!
Đứng trên cầu CỬA ĐẠI, nhìn ra xa là biển, là mênh mông xa tắp. Tự nhiên tôi nhớ
MẸ cùng những chuyến đò năm nào...
Duy
Xuyên ngày cuối năm
THỌ
PHAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét