Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Sơn Tinh Thủy Tinh- Phiên bản... lỗi


SƠN TINH THỦY TINH phiên bản... lỗi
Sau khi đã véo von được hơn chục từ “ bèo dạt mây trôi chốn xa xôi, eo ui em vẫn đợi í ì i i i “ (eo ui chứ không phải anh ơi đâu nhé) với cái giọng rất là “Việt kiều” , bố mẹ em tha về nhà cả bộ truyện tranh nào là Tấm Cám, Sự tích trái dưa hấu, rồi Thánh Gióng, rồi Sơn Tinh Thủy Tinh ….  lạc quan đầy mình là sẽ nâng trình độ tiếng Việt em lên một lê-vồ nữa .
Kế hoạch sẽ là mỗi tối sẽ đọc cho em nghe một (hoặc vài) truyện trước khi ngủ.
Tối qua sau một lúc nhìn qua nhìn lại, bốc lên thả xuống, em chọn cuốn Sơn Tinh Thuỷ Tinh rồi tuyên bố:
"Ce soir, je dors avec papi" (Tối nay con ngủ với papy)
Thường thì khi đọc truyện cho em, papy hay kèm cả diễn giải, rồi có lúc ông cháu còn phân vai theo nhân vật nên em rất thích… Hể có công chúa nào vừa đẹp vừa ngoan thì nhất định phải là Misan của ông rồi.
Hi hi. Lần nầy thì papy đứng hình, chết như Từ Hải bởi lẽ truyện toàn tiếng Việt mà trình tiếng Việt của papy còn thua xa Misan. Vì thế nên mới có chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh phiên bản … lỗi
Chẳng những đọc , papy còn lật trang…  như thiệt :
« Ngày xửa ngày xưa có một nàng công chúa xinh đẹp rất được vua cha yêu quý , một hôm có một chàng hoàng tử (đã có công chúa thì phải có hoàng tử chắc rồi) muốn cưới công chúa làm vợ. Chàng liền tặng cho bố vợ tương lai con ngựa trắng mà mình đang cưỡi »
          E hèm ! (bà ngoại liếc qua thì thấy trang ni vẽ Sơn Tinh mang lễ vật đến cầu hôn trong đó có ngựa chín hồng mao, voi chín ngà ….)
« Rồi chàng cùng công chúa về sống trong lâu đài »
Mais je ne vois pas le château. (con không thấy lâu đài )
Đây là bên trong . Tý nữa mình sẽ thấy cả tòa lâu đài .Papy đối phó rất tình thế.
Qui est ce méchant ? Ông ác ni là ai ?
Ha ha, khúc ni truyện minh họa Thủy tinh tức giận bằng bộ mặt đen sì, vung kiếm quyết ăn thua đủ với Sơn Tinh giữa mênh mông sông nước, sấm sét rực trời…
« Có một ông ác, muốn cướp công chúa xinh đẹp của hoàng tử nên ban đêm đã lén vào nhà… »
Em rất căng thẳng, liền hỏi :
Il va voler la princesse ?
Khúc ni thì bà ngoại phải cứu bồ không thôi phiên bản lỗi lại lỗi tè le.
Bà ngoại tiếp sức : « ông ác đã thua , công chúa xinh đẹp sống hạnh phúc cùng hoàng tử …trên núi »
Chuyện kết thúc rất có hậu, papy cũng được giải cứu êm thắm , tưởng thế là yên …
Nhưng : Pourquoi ils ne vivent pas dans le château ?(vì sao công chúa không sống trong lâu đài cùng hoàng tử ?)
Haha, lại là cái lâu đài bị hố của papy hồi nãy.
« Sau một thời gian sống cùng hoàng tử trên núi để hít thở không khí trong lành, để đi trượt tuyết (khoản ni em thích lắm). Hoàng tử sẽ đưa công chúa về sống trong lâu đài »
Hết !
Thọ Phan


Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Khởi động


Khởi động

                  Đầu xuân Bính Thân,vợ chồng Bác Cả Lê đã có một cuộc khởi động rất chi là êm đềm và loảng moạn tại Khách Sạn Grand Mercure ở bờ Tây Sông Hàn.
Số là anh chàng Tâm Hề của 12A3 từ Sè Goòng làm một cuộc du xuân về với quê hương kết hợp với công cán của bà xã anh ta ở Quảng Ngãi. Theo Bác Cả gái thì nghe đâu thành phần khách mời đông lắm, nhưng đến phút 89 thì Xuân Thảo bận đi chùa ở Hội An, Thọ Phan thì mắc “Bà ơi bà cháu iu bà lắm”, chị Bán Xôi thì đang tính chiện “Hoàng hôn nhiệm kỳ” tranh thủ dạy thêm dạy bớt, còn anh chàng Mõ thì bận “nâng lên hạ xuống” với các đối tác đi phượt.... Cuối cùng chỉ có vợ chồng nhà Nhị Lang, Tâm Hề, cờ đỏ BaGa, lão Quản, Lý Phó Diệu Minh, vợ chồng bác Cả Lê và lão Lý. Cuộc hội nghị hai bàn tròn diễn ra thật vui và khá hoành tráng với những câu chuyện buồn vui của cuộc sống thường ngày.
Nhìn zô quyển mơ-nu dày cộp, đủ loại đồ ăn, đồ uống, tuy nhiên vì chỉ được mời uống cà phé nên không ai gọi thức ăn (mà chắc bác Cả có gọi cũng không ai ăn vì đã ăn cơm ở… nhà rùi). Người thì gọi cà phé đen không đường thêm nước sôi, người thì gọi cà phé sữa, người gọi trà gừng, lão Lý lại cắc cớ gọi sữa cà phé (5 phần sữa với 1 phần cà phé), chưa hết bác Cả gái và Lan chơi trội gọi 2 ly kem dâu, ối trời ơi, bên ngoài đang lạnh run mà zô đây lại gọi kem!!! Hai bà còn nói "Bên ngoài lạnh chớ trong ni lạnh chi mô!"... Mà hình như dâu tây hơi chua nên 2 bà nhăn mặt.
Chuyện trò đang ngon trớn, bỗng nhiên bác Cả trai quay ngoắc 180 độ thúc:
  -Mấy anh em mình cố gắng làm cho xong tờ bích báo để sáng mai nộp à nghe!
               Mọi người chưng hững chưa kịp nhận ra cái ca-rờ-phua mà bác Cả Lê vừa rẽ, thì anh chàng nhà Nhị Lang chống chế liền:
  - Ba cái chiện zăn nghệ zăn gừng báo đời báo kiếp nớ là tui không liên quan, học xong là zề thẳng tới nhà, nghĩ ngợi ôm zô chi cho mệt!
Lang tiếp, không biết mấy ông máy bà có khi mô ngủ mơ thấy mình đang còn đi học không? Tui thì thỉnh thoảng ngủ mơ như rứa, mà toàn là lâm vô thế bí như là không thuộc bài, chưa làm bài tập về nhà. Khi tỉnh ra toát mồ hôi, cám ơn trời đất đó chỉ là giấc mơ. Đúng là ác mộng!
Hình như Nhị Lang nói đúng ai cũng có lúc nhớ về thời xa lắc và có những giấc mơ kỳ cục.
              Riêng Tâm Hề có một nhận xét rất chi là đột phá:
           -Nề mấy bác thấy có hay không, anh em mình mới gặp lại nhau thì hơi ngờ ngợ do dáng hình thay đổi theo thời gian, nhưng nhìn kỹ một lúc thì những “Gương mặt thân quen” vẫn y như ngày nào, có điều nó hơi cũ một chút thôi đúng không?
             Còn đúng với sai chi nữa, mọi người được một dịp cười phá tan cái không khí im lặng gần như nghiêm túc ngoài mong muốn. Chỉ có mỗi lão Lý là cắc cớ nhứt, đang ngồi chuyện trò vui vẻ thì lão ta lẳng lặng bỏ đi khi nghe tiếng dương cầm vang lên trước gian tiền sảnh, và khi lão trở lại thì bác Cả gái cảnh cáo liền:
           - Khách sạn có camera theo dõi khắp nơi, ông mà bỏ đi lang thang là bảo vệ họ tóm cổ thì bọn tui không chịu trách nhiệm à nghe?
            Bị bác Cả gái nhắc nhở như rứa mà lão Lý chẳng những không sợ mà lại còn vênh vênh cái điệu bộ:
  - Lúc mô về, mọi người theo tui nghe?
            Và quả đúng như vậy, khi anh chàng cờ đỏ BaGa xin phép Bác Cả thổi còi ra lệnh tan hàng thì lão Lý đã kéo mọi người đến cái mâm bánh tét bánh chưng khổng lồ của khách sạn trưng bày trước tiền sảnh, lúc đó mọi người mới vỡ lẽ cái ý đồ của lão Lý. Các phó nháy lập tức soạn đồ nghề tác nghiệp ngay và các nường tha hồ mà khoe bo-dỳ kiểu dáng.
            Cuộc gặp mặt đầu năm thật vui và ấm cúng, cám ơn vợ chồng bác Cả Lê đã làm một cuộc khởi động đầu xuân và dành cho anh em bằng hữu tấm thịnh tình nầy…


TÊKA

Cà phê VIP

TỐI 17/02/2016, VỢ CHỒNG BÁC CẢ CHƠI SANG, MỜI DÂN LÀNG 12A3 UỐNG CÀ PHÊ TẠI KHÁCH SẠN GRAND MERCURE ĐÀ NẴNG (KHÁCH SẠN 5 SAO ĐÓ NGHE). CÀ PHÊ NGON, CHỖ NGỒI ĐẸP VÀ TIỀN CHẮC CŨNG "ĐẸP" HE HE HE...
Lâu quá mới thấy Lý phó Diệu Minh xuất hiện

Lê Công Tâm từ Sài Gòn ra 


Lý trưởng lo lắng: Bác Cả chơi sang quá, không biết có đủ tiền trả không đây???

Lo chi, bác Cả mời thì cứ yên tâm kêu đồ uống,
Nhưng mà uống thôi nghe, không kêu đồ ăn, mắc lắm đó!

Cứ bình tỉnh đi, có tui đây!

Nói rứa chớ cũng hơi lo lo, khách sạn 5 sao giá mắc lắm đó

Chừ mà "viện binh" chưa tới, bác Cả hơi lo rồi

Be Uyên đến kia rồi, vậy là yên tâm, có hắn thì sẽ được giảm 25%




Cà phê có kèm miếng bánh khuyến mãi, nhưng mà bánh nhỏ nhỏ quá bác Cả ơi

Trời lạnh ngắt nhưng vẫn có người ăn kem dâu. Ăn rồi than thở,"Chua quá chua"












"Cục vàng" của bác Cả




Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Du xuân

Du xuân

              Kể cũng lạ, con người ta có bao nhiêu điều tự mâu thuẩn với chính mình,cứ mong tết đến xuân về rồi lại chạy theo nó đến hụt hơi và để rồi cuối cùng lại than vãn “tết nhứt chi cho mệt rứa không biết”! Nói thì nói vậy chứ có ai không mong tết đâu? Chỉ có trẻ con là sung sướng nhất còn cánh người lớn chúng ta lo đến “bở hơi tai”. Có điều lo mà vẫn vui và phấn chấn vì chúng ta cũng đã trải qua cái thời hoàng kim ấy rồi mà!
            Tết Con Khỉ năm nay ở cái làng 12A3 chúng ta không có gì khởi sắc lắm, hình như mọi người ít về nhà, hình như cái ban chỉ đại của làng cũng cao bay xa chạy đâu hết, vì thế nên dân làng phải lo tự xử thôi! Lão Lý chỉ lo thu vén cho riêng mình (mà cũng phải thôi, nghe đồn lão ta sắp hạ cánh nay mai do vậy lão không cố tranh thủ vơ vét mới là chiện lạ?). Đã thế mấy ngày Tết lão ta có chường mặt ra ngoài đâu mà cứ then cài cửa đóng, có lẽ lão ta sợ dân làng phát hiện cái chiêu bài “Hoàng hôn nhiệm kỳ” của lão chăng?
             Hôm mồng Bốn Tết, vợ chồng lão Quản có đến nhà thăm lão ta, hai lão có vẻ tâm đầu ý hợp về cái chuyện trèo lên tụt xuống ở đời và mới thấy hết được cái chiều sâu của cái gọi là lợi ích nhóm ngay cả trong giới văn nghệ văn gừng. Qua mấy tuần trà, lão Quản bảo với lão Lý tết có đi thăm chơi đâu nhiều chưa thì lão ta tình thật:     
              -Mồng Một, mồng Hai tết trời lạnh quá, chỉ lo thực hiện việc hương khói cho ông bà tổ tiên ở quê, còn lại thì đóng cửa luyện “Cửu âm chân kinh”.
               Nghe vậy chị Quản nhíu mày ngạc nhiên không hiểu mô tê chi cả. Nói xong lão Lý lấy bản Sonate Ánh Trăng của Bethoven viết cho Piano được một nhạc sĩ người Tây Ban Nha chuyển soạn lại cho Guitare classique và khoe với chị Quản:
         - Tui đã chép lại tác phẩm nầy ở một bệnh viện dã chiến đóng trong rừng cao su thuộc Quân khu Đông Bắc chiến trường Tây Nam Campuchia cách đây hơn 30 năm. Và lão ta chỉ vào bản nhạc chép tay trên giấy ố vàng cái triện hình khuông nhạc rồi bảo:
         - Con dấu nầy là của Tư Cận khắc kỷ niệm cho tui cách đây hơn 40 chục năm rồi đó. Nghe xong chị Quản xuýt xoa mãi về cái hiện vật phi vật thể lạ lùng ấy vẫn sống mãi trong lòng tình bạn của hai lão.
          Tết đến xuân về, người ta đi chơi đó chơi đây, còn lão Lý thì lại ru rú ở nhà then cài cửa đóng và du xuân một cách quái đản lạ kỳ.


TÊKA

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Tảo mộ đầu năm


Tảo mộ đầu năm
Có lẽ người Miền Trung mình chịu lạnh kém thật, nhiệt độ ngoài trời mới 15, 16 độ C mà đã co ro và cố thủ trong nhà. Phải nói rằng chưa có một cái Tết nào mà trời đẹp như thế này, trời không nắng không mưa mà chỉ se se lạnh cứ y như là ở xứ sở của xứ sương mù (xạo à nghe, ếch ngồi đáy giếng cả đời mà múa lân ghê rứa cha nội,  nớ là phải hỏi nhà chị Thọ Phan kìa!). Theo thông lệ (cái thông lệ của người Quảng Nam-Đà Nẵng ) cứ sáng mồng một Tết là hầu như mọi nhà đều kéo nhau về các nghĩa trang  của thành phố để thắp hương cho người thân của mình, nhất là các nghĩa trang lớn ở Hòa Sơn và Hòa Khương, Gàn tui cũng không nằm trong ngoại lệ ấy.
Tui nghĩ có lẽ mình nên đi trễ hơn để tránh kẹt xe nên 9 giờ sáng mới xuất phát, nhưng lại bé cái nhầm, vì thời tiết lạnh quá, mọi người cũng đều nghĩ như mình nên cái cảnh kẹt xe lại diễn ra trước mắt. Khi qua khỏi cầu vượt Hòa Cầm thì lượng xe cộ tăng lên gấp bội, nào ôtô, nào xe máy đủ mọi thế hệ bấm còi inh ỏi nối đuôi nhau về hướng Hòa Khương, đứng ở trên cao nhìn các phương tiện di chuyển giống như một dòng sông cơ khí trôi giữa sương mù. Tuy có kẹt xe cục bộ ở những điểm có các hàng quán lớn bán hương hoa và các đồ vật thờ cúng nhưng nhờ có lực lượng công an chốt chặn nên mọi người khá trật tự, hai bên đường người ta bày bán đủ các loại hoa, chủ yếu là hoa cúc và hoa vạn thọ, vì thế mà con đường 14B từ Hòa Cầm đến nghĩa trang Hòa Khương như một tấm thảm hoa với gam màu vàng rực rỡ. Tui cũng trôi trong dòng người và xe cộ ấy gần một giờ đồng hồ và khi vào đến ngã ba Đại Hiệp thì mới thoát được cái cảnh rùa bò để tiếp tục về Đại Hồng quê tôi.
Có lẽ buổi sáng ngày mồng một đầu năm trở nên linh thiêng và trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân Miền Trung mình chăng! Và hình như ai chưa thực hiện được điều đó trong ba ngày tết thì trong lòng thấy không yên, không thoải mái. Đã lâu lắm rồi Gàn tui không về lại Giao Mùa, không gặp được mọi người nên cũng thấy áy náy trong lòng lắm lắm, có những việc nghĩ tới mà chưa làm được để rồi lại đổ hô cho cái gọi là “lực bất tòng tâm”! Nhưng rất tuyệt vời, cái bếp của Giao Mùa vẫn đỏ lửa, mọi người vẫn không quên đường về để cùng nhau đoàn tụ trong những ngày xuân.
Dê đi thì khỉ lại về
Mong rằng năm mới tràn trề nềm vui.

Mùng Hai Tết Bính Thân

Đồ Gàn

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Tất niên bận rộn


Tất niên bận rộn
            Sau chuyến đi bụi VIP, Quản gia vừa về nhà đã thấy dân làng gửi hàng đến tấp nập. Khổ nổi nhà cửa bỏ bê lâu ngày không dọn nên bụi đóng thành lớp dày, hắn phải hì hục quét dọn lau chùi ngôi nhà Giao mùa, vừa chuẩn bị lễ cúng Tất niên rước ông bà cho nhà riêng của hắn. Nhà nào cũng bân rộn tíu tít, lâu ni bà xa hắn mòn mỏi chờ hắn về, nên khi mới bước chân vào nhà hắn đã nhận lệnh chở "xếp" đi chợ mua đồ cuẩn bị cúng Tất niên, cúng Giao thừa, rồi mua hoa trang trí nhà cửa vân vân và vân vân... Hắn thấy hoa mắt, chóng mặt bởi công việc tấp nập, tuy nhiên biết lỗi vì đã đi bụi lâu ngày, hắn không nề hà thực hiện nhiệm vụ.
          Lang thang dạo mấy chợ hoa cây kiểng mới thấy thương người nông dân, mai thì hoa nở rộ hết, người đi xem thì đông đúc nhưng hắn thấy không có mấy người mua, cúc thì hình như bị lạnh quá nên teo hết, ít có chậu đẹp, giá cả không đắt nhưng cũng ít người mua. Vợ chồng hắn tìm đỏ con mắt mới thấy 2 chậu cúc ưng ý, cứ tưởng người ta hét giá cao, tuy nhiên khi người bán hô giá thì hắn chưng hửng: "300.000 đồng một cặp" có người trả 200.000đ, vợ hắn thấy tội nghiệp hô đại 280.000, vậy là xong, thuê người chở về nhà hết 80.000 đ. Nhìn 2 chậu cúc hắn cười tươi: "cũng còn rẻ chán, tui mà trồng bán thì 2 chậu ni phải 500.000đ" (Đâu mà mắc dữ vậy cha nội! Chắc là hắn thấy công xá người lao động quá rẻ mạt nên nói vậy thôi)
            Với ngôi nhà Giao mùa, vừa mới dọn dẹp xong, hắn nhận ngay hàng của Tê Ka gửi đến, tức tốc biên tập đăng lên ngay cho ấm áp ngôi nhà. Chưa kịp nghỉ xả hơi, hắn nhận ngay món hàng khủng (Nguyên một cây cầu dài hơn 1km) của Thọ Phan với yêu cầu đưa vào nhà lúc Giao thừa. Chị này cũng chảnh quá đây! Muốn làm người xông đất đầu năm cho ngôi nhà Giao mùa hử? Hắn định ra điều kiện này điều kiện nọ, nhưng nghĩ lại cái tội mới lén bán đất làng lấy tiền đi bụi, nay lại đòi hối lộ không chừng dân làng "tức nước vỡ bờ" thì có đường chết chìm. Vậy là hắn chuẩn bị mở gói hàng của Thọ Phan để đưa vào nhà lúc Giao thừa đúng yêu cầu. Bài viết của Thọ Phan làm hắn thấy xúc động bởi một thời gian khó nhưng đầm ấm của gia đình Thọ, nghĩ lại, hắn thấy mình vô tâm quá, lâu nay chơi thân với bạn nhưng hắn không hề biết cuộc sống gia đình bạn ngày xưa... 
           Chuẩn bị xong lễ cúng Giao thừa, hắn đang thắp hương khấn vái thì pháo hoa ở sông Hàn bùng lên rực một góc trời, vì nhà gần, hắn ham zui định chạy ra xem, nhưng nhớ lại lời yêu cầu của Thọ Phan, hắn tức tốc mở cửa ngôi nhà Giao mùa đưa món hàng "Nhịp cầu nối những bờ vui" vào trang trí đầu năm mới. 
          (Thọ Phan nhớ có quà cho hắn đó nghe! Không phải hắn đòi hối lộ đâu. Nói hối lộ coi chừng người ta kết tội Quản gia tham nhũng, mà đã có người tham nhũng thì Làng 12a3 không còn "Trong sạch vững mạnh" đâu nghe) Hehehe...
            

Nịp cầu nối những bờ vui






NHỊP CẦU NỐI NHỮNG BỜ VUI.
Đó  là cây cầu Cửa Đại, nối vùng biển  Duy Nghĩa của Duy Xuyên với  xã Cẩm Thanh -Hội An.  Đường về quê tôi như thế bớt xa lắc lê thê!
Cây cầu khánh thành từ hồi tháng  9, lúc ấy tôi còn mãi lang thang đâu đó, biết được là nhờ đọc trên trang fb của Trần Trà. Nhìn  hình cây cầu hoành tráng , mỗi bên hai làn xe, cũng thanh chắn , cũng vòm cong cong, cũng dải phân cách với muôn ngàn hoa lá ...  bắt ngang vùng hạ lưu sông Thu Bồn quê tôi mà chẳng thể nào tin được . Lòng thầm hứa nhất đình ngày về “phải đi cầu thôi !”
Sáng nay, sau một vòng lễ nghĩa cuối năm ở quê, từ Duy An tôi  xuống Duy Thành, qua Duy Nghĩa để  qua cầu  Cửa Đại về Hội An.
Từ Nam Phước đi vào một đoạn theo Quốc Lộ 01, rẽ trái là con đường bê tông thay cho con đường đất  ngày xưa. Hai bên đường rau bắp xanh rì, trước mỗi nhà là giàn khổ qua hoặc  giàn mướp trĩu trái , những quả ngọt còn lại để dành ngày tết. Thỉnh thoảng là những vỉ bánh tráng phơi quanh nhà , cũng có nơi phơi chiếu ngày trên bờ rào. Rồi nồi bánh tét bên góc sân nhà còn trên bếp lửa, một vài luống xà lách, rau tần ô dở dang, rồi  mâm cúng tất niên bày ra trước sân...
Không gian Tết  và không khí Tết mới thân quen làm sao. Tôi lại nhớ đến  mẹ con mình ngày ấy.
Tôi  vốn dân  Duy Thành (quê ngoại ) Mẹ tôi theo chồng về Duy An từ năm 18 tuổi. Con đường nối hai xã là “con đường tình ta đi” của ba  và mẹ tôi.
À ơi với nhau gần tám năm , nhưng cưới nhau chưa đầy hai năm thì ba tôi mất, biến mẹ tôi thành bà  góa  ở tuổi  28.  Con đường tình trở thành con  đường đau khổ, nơi chứng kiến nổi gian nan của bà mẹ trẻ  một mình nuôi hai con .
Còn trong ký ức tôi đó là cung đường hạnh phúc . Ngày ấy đường từ Duy An về Duy Thành là con đường làng bé bé men theo bờ sông , phương tiện di chuyển  là xe đạp hoặc xe ... dép . Ba mẹ con tôi đương nhiên là đi xe... dép rồi, nhưng vì đường xa, vì thương con còn nhỏ, mẹ tôi nghĩ ra một loại phương tiện khác  là ... gánh. Mỗi đưa ngồi trên một cái thúng mà ngày thường mẹ dùng để gánh  lúa, chị tôi một đầu, tôi một đầu. Ba mẹ con cứ thế ríu ra ríu rít mà quên đường xa vạn dặm. Cây đa là bên đường  nơi ba mẹ con ngồi nghỉ, ăn vài chén bánh bèo ở cái quán bên đường để  lấy sức hoặc chờ  gặp người cùng làng gánh hộ mẹ một đoạn ...
Cây đa ấy vẫn còn , vẫn là nơi dừng chân của những người bộ hành hiếm hoi cuối năm. Hy vọng quê tôi sẽ không vội vàng biến  thành phố thị , để cây đa năm nào  còn đứng  đó  được lâu, để có người còn lấy đó làm nhà ga cho  tuổi thơ của mình.
Duy Thành, còn là nơi  gìn giữ một cách trân trong ngôi mộ của Xuân Quý, vợ nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc)
 “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi..”
Có lẽ ông đã chọn mảnh đất lành Duy Thành cho bà nên sau khi giải phóng, Xuân Quý vẫn nằm lại nơi đây. Mộ bà vẫn  nằm trong khuôn viên  khu vườn nơi bà đã hy sinh. Theo người dân quê tôi kể: Đêm ấy lính  Đại Hàn đi càn, căn hầm bí mật bị lộ, tổ chức bố trí cho Xuân Quý cùng chồng thoát thân. Không may trong lúc di chuyển ,tóc bà vướng phải một cành gai trong lúc bò, lính Đại Hàn   nổ súng  ngay về hướng có tiếng động. Xuân Quý chết ngay tại chỗ, Bùi Minh Quốc thoát đươc.
Có lẽ không nổi đau nào lớn hơn thế nên trong  “Bài Thơ về hạnh phúc”, ông như trút cả lòng mình :
“Anh mất em như mất nửa cuộc đời
Nỗi đau anh không thể nói bằng lời
Một ngọn lửa thâm trầm âm ỉ cháy
Những viên đạn quân thù bắn em, trong lòng anh sâu xoáy
Anh bàng hoàng như ngỡ trái tim rơi
Như bỗng tắt vầng mặt trời hạnh phúc.
Nhưng em ạ, giây phút này chính lúc
Anh thấy lòng anh tỉnh táo lạ thường
Nhằm thẳng quân thù, mắt không giọt lệ vương
Anh nổ súng...”

Qua khỏi Duy Thành là đến Duy Nghĩa, xã  giáp biển của Duy Xuyên  vẫn còn đường   bê tông thênh thang  cho nên xe ta cứ thế mà bon bon.
Dừng lại bên cây cầu Trường Giang chụp tấm hình mà  ngỡ ngàng trước vẻ đẹp  rất quê ta.
Đi tiếp sẽ là con đường đất ngoằn ngoèo, xe thụp lên thụp xuống như con đường xưa em đi nhưng khác là sau khúc ngoằn nghèo ấy là cây cầu Cửa Đại hoành tráng xuất hiện.
Qua cầu sang sông là đến Cẩm Thanh, Hội An.

Giá mà mẹ tôi còn sống, chắc bà đã  quẳng được gánh lo mỗi khi đi phố (Hội an)
Hội An ngày ấy là thương cảng sầm uất, chỉ cách quê tôi một con sông mà xa vời vợi. Muốn sang Hội An thì phải đi đò, hoặc đi vòng lên Nam Phước ra Vĩnh Điện rồi mới xuống được Hội An. Và mỗi lần đi  phố Hội An với người dân quê tôi cũng giống như bây giờ ta đi Mỹ, đi Tây.
Trong mớ ký ức mịt mù, Hội An của tôi là nơi có  tiệm ảnh Huỳnh  Sau  mà ba mẹ tôi thời còn à ơi đã có  một lần đã chụp hình ở  đó (đó cũng là tấm ảnh duy nhất  của hai người), là nới có quán phở Liến mà mẹ thường  kêu chỉ một tô, xin thêm một cái bát rồi phân ra làm hai cho hai chị em tôi, còn mẹ thì lúc nào cùng ... “mẹ no rồi” rồi ra ngồi chờ chị em tôi phía trước quán sau khi đã trả tiền.
Mỗi  dịp tết, chị em tôi lại được mẹ cho đi sắm Tết  ở chợ Hội An. Cái áo đầm mẹ mua luôn dài đến mắt cá để  mặc được vài năm, đôi giày đôi dép cũng luôn rộng hơn một tí với cùng một nguyên tắc như thế.
Trên chuyền đò sang sông về lại quê nhà năm ấy, chuyến đò tròng trành không chỉ vì sóng và còn vì phải chở cả cái hạnh phúc quá lớn  của những đứa bé quê được đi PHỐ như chị em tôi.
Thêm một chuyến đò đi vào cổ tích!
Đứng trên cầu CỬA ĐẠI, nhìn ra xa  là biển, là mênh mông xa tắp. Tự nhiên tôi nhớ MẸ cùng những chuyến đò năm nào...
                                                                                    Duy Xuyên ngày cuối năm
                                                                                                THỌ PHAN




Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Phượt

Phượt
Mấy tháng cuối cùng của năm Con Dê sao mà vắng vẻ rứa không biết, chính vì thế mà Giao Mùa buồn tênh. Suốt hai tháng trời chỉ có mấy ngọn nến Online mừng sinh nhật sáng lập lòe mà rùi những người được nêu tên chúc mừng cái “Ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”cũng chẳng có ai ừ cho lấy một tiếng để gọi là...!!! Tình hình cũng như tình trạng ấy cứ kéo dài mãi cho đến một hôm... mà chín xác là sáng 28 tết thì lão Quản phát tin nhắn là Giao Mùa đã mở cửa để mời gọi dân làng về nhà ăn tết Con Khỉ.
Ít ra cũng phải rứa chớ! Ai đời ỷ mình giữ tay hòm chìa khóa rồi tự tung tự tác muốn mần chi thì mần sao được? Phải nói là lão Quản là thỏi nam châm bự nhứt của làng đó,bà con dân làng 12A3 mình không quan tâm đến lão, để lão mất từ trường là coi như tan sòng rã đám à nghen! Đọc mấy dòng tâm sự của lão mới biết thời gian qua lão ta đi phượt theo dạng VIP rất chi là sang chảnh, báo hại cả làng cứ năn nỉ ỉ ôi năm lần bảy lượt thì lão ta mới chịu về. Gớm thật!!!
Kể ra hai tháng trôi qua làng mình cũng có mấy cuộc Lê La ra trò đấy chứ, một cuộc do anh chàng Mõ la làng về ngồi quán cà phê cóc trước cổng Chùa Chiêu Ứng và cuộc thứ hai là do chị Xôi rủ rê ăn bún riu cua và cà cho phê cũng ở cái quán cóc trước cổng Chiêu Ứng Tự. Mà cái nhà chị Xôi dạo nầy ghê gớm thật, chị ta quát tháo ra mặt đấy, nhất là mấy trự đi trễ mà trong đó có cả vợ chồng bác Cả Rề mới chết chớ!
Còn  nhà chị Thọ Phan cũng có vừa vẹn chi? Cũng là loại đi phượt cấp quốc tế đấy! Mà về lại quê nhà cả tháng trời thì vẫn im hơi lặng tiếng . Đã thế lại còn đi phân bì với lão Lý rằng: “Ông dạo ni lẹng giỏi ghê hỉ? Nghe rứa lão Lý chát lại liền: “Chớ bộ pà thua chi ai, có lẽ chỉ đứng sau Ánh Viên một bậc chớ mấy?” Và kết quả cuộc đôi co ấy là hai người hở hết mười cái reng...
Chắc tết Con Khỉ năm ni bà con làng 12A3 mình về ăn tết đông vui lắm đây và Giao Mùa có lẽ đang ấm dần lên rồi đó. Bông lơn mấy câu cho vui cửa vui nhà, TÊ KA tui chẳng có gì hơn chúc toàn thể bà con dân làng mình đón một cái tết an vui và hạnh phúc, vạn sự như ý.
Và nhất là không còn cái cảnh:
Người ta tuổi ngọ tuổi mùi
Còn tui luống những ngậm ngùi tuổi thân”.

Tối 28 tết
TÊ KA

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

CHÚC MỪNG NĂM MỚI


CHÚC MỪNG NĂM MỚI
THẤM THOÁT MÀ ĐÃ ĐÔNG QUA, XUÂN ĐẾN. GIAO MÙA XIN CHÚC TOÀN THỂ DÂN LÀNG 12A3 CÙNG CÁC BẠN CỰU HỌC SINH TRƯỜNG PHAN CHÂU TRINH ĐÀ NẴNG CÙNG GIA ĐÌNH MỘT NĂM MỚI AN LÀNH, HẠNH PHÚC.

Quản gia đi bụi


QUẢN  GIA ĐI BỤI
          Gần 1 tháng nay gã Quản gia bỏ nhà đi bụi. Quản gia mà đi bụi thì rõ ràng ngôi nhà Giao mùa cũng đầy bụi bám thôi, lý do đơn giản là tay hòm chìa khóa đều do gã giữ, không cho ai đụng vào, dân làng có gì muốn gởi vào nhà phải  qua "trạm" Quản gia.
          Lý do vì sao Quản gia đi bụi thì chắc dân làng cũng biết rồi. Mấy tháng nay dân làng xiêu tán khắp nơi, người thì lo giữ cháu nội, cháu ngoại, người tranh thủ làm thêm công việc kiếm sống, người thì viễn du nơi trời Tây... Chẳng ai đoái hoài đến làng 12a3 nên ngôi nhà Giao mùa vắng ngắt. Thế là Quản gia buồn tình, Quản gia bỏ đi... bụi.
          Nói là đi bụi nhưng Quản gia lại sống rất phong lưu, gã thuê hẳn một phòng có máy lạnh, có ti vi, cứ như khách sạn 3 sao vậy. Về chuyện ăn uống thì có người bưng cơm rót nước, cứ như là "quý sờ tộc". Không biết tiền đâu mà gã xài sang quá vậy? Nhân viên "Cục điều tra làng" ngấm ngầm truy xét mới biết gã Quản đã lén bán mấy lô dất mặt tiền của làng để xài sang một chuyến.
          Quản gia đi vắng, không ai trông nom nhà cửa, dân làng có người trở về ghé qua nhà thì thấy cửa đóng then cài, buồn tình đi hỏi Lý trưởng thì lão Lý cũng đang lo chạy mánh kiếm tiền tiêu Tết. Hỏi Lý phó thì chị Lý đang bận trông cháu nội. Hỏi Bác cả thì Bác cả cũng lo trông cháu ngọai, lại thêm bệnh tật của bác rề rề nên không thường xuyên về làng được. Hỏi chị Mây thì chị Mây vừa lo bán xôi vừa tranh thủ dạy kèm... Cuối cùng chẳng biết hỏi ai, mọi người phải truy tìm Quản gia để hỏi cho ra lẽ.
          Điều tra được nơi Quản gia đang nghỉ mát, cả làng kéo nhau đến định cho gã một trận nhớ đời. Đầu tiên Bác cả lên tiếng: "Chớ lâu ni chú mi quên nhiệm vụ quản gia hay reng mà để cửa nhà vắng nghét đầy bụi rứa", gã Quản chỉ trả lời "Không có việc chi làm nên buồn quá bỏ đi chơi thôi". Lý trưởng giở giọng quát nạt "Làng giao cho ông chức Quản gia mà làm không xong, lại còn dám tư túi bán đất làng tiêu xài nữa, coi chừng tui cách chức đó!", Quản gia cười khẩy "Thì cứ cách đi, tui cũng chán giữ nhà rùi". Chị Mây thì đòi họp Hội đồng kỷ luật, gã cũng không ngán " Hội đồng thích kỷ luật thì cứ kỷ đi, đây không sợ!"...
          Thấy  dọa không xong, mọi người bèn xuống nước năn nỉ gã Quản nên vì "đại nghiệp" của làng mà quay về trông nom nhà cửa. Người thì mua nước yến sào, người thì mua sữa, người thì mua cà phê... đến thuyết phục, cố làm cho Quản gia xiêu lòng.
          Tiền đã cạn, không thể cứ lang thang bụi bờ mãi, nói thật lòng, gã cũng nhớ làng, nhớ nhà nên cuối cùng Quản gia đồng ý quay về dọn dẹp nhà cửa đón Tết Nguyên đán. 
          Dân làng nghe tin mừng ứa nước mắt vì Quản gia đã bình yên trở về....

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Sinh nhật tháng 2

Mừng sinh nhật tháng 2

Giao mùa chúc mừng sinh nhật các bạn ra đời trong tháng 02:

- Nguyễn Thị Ấn                   01-02-1757

- Trương Thị Thanh Hồng   06-02-1957

- Đinh Thị Như Mai              10-02-1957