Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Đi xệp

Đi xệp

                    Nhân chuyến tham quan du lịch ở Phú Quốc, tôi có dịp ghé về TP Rạch Giá- Tỉnh Kiên Giang để thăm bà con, ở đây tôi được mấy người anh con bà cô dùng xe máy đưa tôi đi tham quan những phong cảnh đẹp của xứ sở Kiên Giang. Trong những lần đi đó tôi được mấy người anh đưa đi thăm một bến Xệp (là một trong những nơi cập bến của các tàu đánh bắt cá của TP Rạch Giá). Tàu đánh cá ở đây  người địa phương gọi là dõ xệp, thân tàu làm bằng sắt dài khoảng 10m-12m và rộng từ 4-5m,tàu được gắn động cơ của xe ô tô, tùy theo độ lớn nhỏ của chiếc dõ xệp mà người ta gác động cơ máy cho phù hợp, thông thường tàu xệp ở đây được gắn máy từ 4 đến 6 hoặc 10 mã lực.
                    Tôi được may mắn tiếp xúc với một cụ ông gần 80 tuổi, tóc búi củ tỏi mang đậm đặc trưng của những cụ già Nam Bộ kể lại rằng: Gia tài của ngư dân ở đây là chiếc dõ xệp và cuộc sống của gia đình là ở hết trong đó, chỉ trừ những ngày trời động bão giông, còn lúc bình yên là mọi người đều đi xệp. Cụ cho biết đi xệp dùng tàu có gắn một đôi càng bằng tre dài từ 15 đến 20 mét, trên đôi càng tre ấy có mắc một tấm lưới dài có đến hàng trăm mét, tàu nổ máy kéo tấm lưới ấy đi cho đến khi nghe tàu ì máy có nghĩa là lưới đã đầy tôm cá thì bắt đầu thu lưới lại và kéo cá lên tàu, một mẻ xệp như vậy nếu trúng thì có khi hơn cả tấn cá tôm.
                    Tôi và mấy người anh của tôi say sưa nghe cụ già kể chuyện về nghề đi xệp, cụ còn cho biết thêm: Ở đây gọi là đi xệp, chứ ở Bình thuận Phan Thiết thì gọi là đi te. Rồi bất giác cụ quay sang hỏi tôi: Chớ ở ngoài Trung đánh bắt như thế nầy gọi là gì? Thú thật tôi hơi bất ngờ về câu hỏi của cụ vì tôi có rành lắm đâu, và hình như dân biển ở ngoài mình không đánh bắt kiểu nầy mà là họ dùng tàu léo một tấm lưới hoặc dùng hai tàu gắn máy kéo một tấm lưới lớn hơn gọi là đánh giả cào. Tôi ấp úng trả lời cụ rằng ở ngoài Miền Trung của cháu ngư dân họ cũng dùng tàu kéo lưới gọi là đánh giả cào chứ không làm cặp càng xúc như ở đây. Nghe xong cụ châm thuốc hút và cười vui vẻ.
                   Tranh thủ trong lúc mấy người anh tôi tiếp chuyện về cuộc sống biển khơi, tôi quan sát cảnh vật chung quanh mới nhận ra rằng cuộc sống của ngư dân ở đây quả thật là đơn sơ và giản dị, mấy ngôi nhà chồ nằm dọc theo bờ xáng được bao bọc bởi những hàng dừa nước keng dày và có vẻ tạm bợ lắm. Họ cũng nuôi heo, nuôi chó nuôi gà, cũng trồng rau trồng khoai trên các mảnh vườn bé nhỏ nhưng có lẽ chỉ đủ dùng trong gia đình. Với cái tính tò mò, tôi đi ra sát bờ xáng nơi có mấy chiếc dõ xệp đang nằm nghỉ dưới bóng mát của mấy cây cổ thụ trên bờ thì thấy người ta đang uốn một cặp gọng xệp bằng tre rất to và dài. Tôi dùng hai bàn tay gang thử đường kính phần gốc nhưng không hết được vì gốc tre đường kính có đến hơn 250mm và chu vi có đến 600mm và chiều dài khoảng độ hơn 15m. Quả thật từ nhỏ đến bây giờ tôi chưa từng thấy có loại tre nào to và dài đến vậy.
                   Thấy tôi cứ tần ngần trầm trồ trước mấy cây tre ấy, ông cụ giải thích: Tre nầy có nhiều ở đảo Hòn Tre và Hòn Đất của Kiên Giang mình, các chú thấy đó giá một cặp như dậy  khi chở dề tới đây là 3 triệu đồng, sau khi phơi khô uốn cho thẳng thớm và phủ một lớp nhựa Composic dày khoảng một phân từ gốc tới ngọn để chống mục là hơn 6 triệu đồng nữa, vị chi ngót ngét gần chục triệu đồng mới làm được một bộ gọng xệp ưng ý đó và đi biển được khoảng năm ba năm. Quả thật quê hương đất nước mình tài nguyên phong phú quá, ngay cả cây tre thôi cũng đã có không biết bao nhiêu loại và đã làm cho người xứ khác đến phải thán phục ngạc nhiên.
                   Trời chiều nắng đã tắt, mọi người trên bờ bắt đầu chuyển đồ nghề xuống tàu để chuẩn bị ra khơi, mấy anh em tôi chào cụ già ra về và tôi cứ hoài nuối tiếc, giá như mình có thời gian được theo mấy người ngư dân ấy đi xệp một lần thì thú vị biết bao. Gió ngoài biển thổi vào mát rượi, tuy nhiên, màu nước biển Kiên Giang  đục ngầu chứ không trong xanh như biển ở quê mình.


Trương Công Ảnh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét