Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Phây búc

PHÂY BÚC.
Tặng Đồ Gàn và  những người đã  bỏ làng chạy theo tiếng gọi của Phây Buc.

Mấy hôm nay tui thử bê nguyên xi cái cuộc sống trên fb của mình áp vào đời sống  làng mình.
Này nhé, mỗi sáng ra khỏi ngõ, gặp ai tui cũng xin kết bạn .
 Kết bạn xong tui kể họ nghe  ĐỦ MỌI THỨ TRÊN  ĐỜI : hôm qua tui làm gì, hôm nay tui ăn gì, mai tui đi đâu…
Chưa hết đâu, dù rất bận rộn tui  cũng  đưa hình con chó, con mèo, hình mấy cái hoa trong vườn, hình bể bơi, hình cái bếp....ra khoe.
Rồi  tui hóng  tất tần tật mọi chuyện của thiên hạ. Hóng xong tui bảo tui thích (like)...
Kết quả:
Hiện tui có 03 người ...  bạn luôn theo tui: 02 anh công an  khu vực và một bác sĩ thần kinh.

Thọ Phan.

Ma lực

Ma lực

Cái thuở bờ-lốc xưa rồi
Gờ-meo, già-hú lỡ thời lắm sao
Đang hót phếch-búc phong trào
Người người truy cập xôn xao đêm ngày.

Trẻ già lớn bé đều say
Thượng vàng hạ cám tỏ bày thật hư
Không do dự, chẳng chần chừ
Chỉ mong chia sẻ tâm tư cùng người.

Buồn vui đau khổ khóc cười
Vàng thau lẫn lộn mười mươi khó lường
Lợi hại thì đã tỏ tường
Đề phòng những kẻ bất lương tráo lừa.

Mỹ từ mật ngọt đón đưa
Dao hai lưỡi phếch có thừa khả năng
Một đời sống thực vĩnh hằng
Bên đời sống ảo vầng trăng tâm hồn.


Đồ Gàn

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Bài thơ cho vợ

Bài thơ cho vợ

Đừng hỏi vì sao
tôi không có thơ viết cho em
Vì em đã ở trong tôi quá ư là viên mãn
Không còn chỗ để lo, để buồn và để chán
Nên nghĩ về em tôi đã cạn hết nguồn thơ.
Đừng hỏi vì sao
tôi hay mộng hay mơ
Thường thức giấc giữa đêm khuya ghi ghi chép chép
Một giai điệu hay hay một câu thơ đẹp
Vừa ghé thoáng qua đến gõ cửa tâm hồn.
Đừng hỏi vì sao
tôi dỡ dại dỡ khôn
Ngẫn ngẫn ngơ ngơ như người đồng bóng
Ấy là lúc trái tim tôi cháy bỏng
Những thanh âm của cuộc sống quay cuồng.
Giận tôi ư?
Em có thể
Ghét tôi ư?
Em cứ làm
Nhưng xin em đừng bao giờ bắt tôi ngừng suy tưởng
Như thế chỉ làm cho tôi chóng già và chết giữa yêu thương.

Nhân Trần

 



Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Thơ mùa thu


Hồn thu

Thu về em có hay
Chiều buông nắng vương đầy
Trời xanh trong vời vợi
Bồng bềnh mây trắng bay.
Tiếng đàn ai đắm say
Rót hương vào trong gió
Hoàng hôn vừa bỏ ngõ
Khép lại những cánh cò.
Ước vọng thuở học trò
Mỗi lần “Tôi đi học”
Sợi buồn vương trên tóc
Em có sầu ướt mi.

Hình như thu về

Hạ đi
không tiếng tạ từ
Thu về có lẽ
hình như thu về
Tiếng ve
lạc giữa cơn mê
Phượng hồng nở muộn
hẹn thề mùa sang   
Gió thu
Dìu dặt cung đàn
Nắng thu vàng nhuộm
mênh mang đất trời
Mưa thu
từng giọt giọt rơi          
Trăng thu mờ ảo
rối bời hồn ta.

Lá rơi

Khi cơn gió lướt qua
Cây trở mình thổn thức
Có chiếc lá vàng rơi
Giữa đôi bờ hư thực.
Lá có rơi về cội
Hay mặc gió cuốn đi
Dững dưng ngày xá tội
Quy luật của sinh tồn.
Lúc xanh thì sống khôn
Nương cành ru theo gió
Vàng rơi vào nội cỏ
Khép lại kiếp vô thường.


Mạc Nhân

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Đi xệp

Đi xệp

                    Nhân chuyến tham quan du lịch ở Phú Quốc, tôi có dịp ghé về TP Rạch Giá- Tỉnh Kiên Giang để thăm bà con, ở đây tôi được mấy người anh con bà cô dùng xe máy đưa tôi đi tham quan những phong cảnh đẹp của xứ sở Kiên Giang. Trong những lần đi đó tôi được mấy người anh đưa đi thăm một bến Xệp (là một trong những nơi cập bến của các tàu đánh bắt cá của TP Rạch Giá). Tàu đánh cá ở đây  người địa phương gọi là dõ xệp, thân tàu làm bằng sắt dài khoảng 10m-12m và rộng từ 4-5m,tàu được gắn động cơ của xe ô tô, tùy theo độ lớn nhỏ của chiếc dõ xệp mà người ta gác động cơ máy cho phù hợp, thông thường tàu xệp ở đây được gắn máy từ 4 đến 6 hoặc 10 mã lực.
                    Tôi được may mắn tiếp xúc với một cụ ông gần 80 tuổi, tóc búi củ tỏi mang đậm đặc trưng của những cụ già Nam Bộ kể lại rằng: Gia tài của ngư dân ở đây là chiếc dõ xệp và cuộc sống của gia đình là ở hết trong đó, chỉ trừ những ngày trời động bão giông, còn lúc bình yên là mọi người đều đi xệp. Cụ cho biết đi xệp dùng tàu có gắn một đôi càng bằng tre dài từ 15 đến 20 mét, trên đôi càng tre ấy có mắc một tấm lưới dài có đến hàng trăm mét, tàu nổ máy kéo tấm lưới ấy đi cho đến khi nghe tàu ì máy có nghĩa là lưới đã đầy tôm cá thì bắt đầu thu lưới lại và kéo cá lên tàu, một mẻ xệp như vậy nếu trúng thì có khi hơn cả tấn cá tôm.
                    Tôi và mấy người anh của tôi say sưa nghe cụ già kể chuyện về nghề đi xệp, cụ còn cho biết thêm: Ở đây gọi là đi xệp, chứ ở Bình thuận Phan Thiết thì gọi là đi te. Rồi bất giác cụ quay sang hỏi tôi: Chớ ở ngoài Trung đánh bắt như thế nầy gọi là gì? Thú thật tôi hơi bất ngờ về câu hỏi của cụ vì tôi có rành lắm đâu, và hình như dân biển ở ngoài mình không đánh bắt kiểu nầy mà là họ dùng tàu léo một tấm lưới hoặc dùng hai tàu gắn máy kéo một tấm lưới lớn hơn gọi là đánh giả cào. Tôi ấp úng trả lời cụ rằng ở ngoài Miền Trung của cháu ngư dân họ cũng dùng tàu kéo lưới gọi là đánh giả cào chứ không làm cặp càng xúc như ở đây. Nghe xong cụ châm thuốc hút và cười vui vẻ.
                   Tranh thủ trong lúc mấy người anh tôi tiếp chuyện về cuộc sống biển khơi, tôi quan sát cảnh vật chung quanh mới nhận ra rằng cuộc sống của ngư dân ở đây quả thật là đơn sơ và giản dị, mấy ngôi nhà chồ nằm dọc theo bờ xáng được bao bọc bởi những hàng dừa nước keng dày và có vẻ tạm bợ lắm. Họ cũng nuôi heo, nuôi chó nuôi gà, cũng trồng rau trồng khoai trên các mảnh vườn bé nhỏ nhưng có lẽ chỉ đủ dùng trong gia đình. Với cái tính tò mò, tôi đi ra sát bờ xáng nơi có mấy chiếc dõ xệp đang nằm nghỉ dưới bóng mát của mấy cây cổ thụ trên bờ thì thấy người ta đang uốn một cặp gọng xệp bằng tre rất to và dài. Tôi dùng hai bàn tay gang thử đường kính phần gốc nhưng không hết được vì gốc tre đường kính có đến hơn 250mm và chu vi có đến 600mm và chiều dài khoảng độ hơn 15m. Quả thật từ nhỏ đến bây giờ tôi chưa từng thấy có loại tre nào to và dài đến vậy.
                   Thấy tôi cứ tần ngần trầm trồ trước mấy cây tre ấy, ông cụ giải thích: Tre nầy có nhiều ở đảo Hòn Tre và Hòn Đất của Kiên Giang mình, các chú thấy đó giá một cặp như dậy  khi chở dề tới đây là 3 triệu đồng, sau khi phơi khô uốn cho thẳng thớm và phủ một lớp nhựa Composic dày khoảng một phân từ gốc tới ngọn để chống mục là hơn 6 triệu đồng nữa, vị chi ngót ngét gần chục triệu đồng mới làm được một bộ gọng xệp ưng ý đó và đi biển được khoảng năm ba năm. Quả thật quê hương đất nước mình tài nguyên phong phú quá, ngay cả cây tre thôi cũng đã có không biết bao nhiêu loại và đã làm cho người xứ khác đến phải thán phục ngạc nhiên.
                   Trời chiều nắng đã tắt, mọi người trên bờ bắt đầu chuyển đồ nghề xuống tàu để chuẩn bị ra khơi, mấy anh em tôi chào cụ già ra về và tôi cứ hoài nuối tiếc, giá như mình có thời gian được theo mấy người ngư dân ấy đi xệp một lần thì thú vị biết bao. Gió ngoài biển thổi vào mát rượi, tuy nhiên, màu nước biển Kiên Giang  đục ngầu chứ không trong xanh như biển ở quê mình.


Trương Công Ảnh



Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Đoàn tụ

Đoàn tụ

                Sau hơn một năm biệt tích trên chốn giang hồ (Í lộn- chốn Giao Mùa chớ!),  anh chàng Lãng Tử đã trở lại với hai bài thơ Phân vânChơi vơi. Cũng vẫn những vần thơ lục bát mềm mại dễ thương và là phong cách thơ sở trường của tác giả đã làm cho Giao Mùa sau bao tháng ngày oi bức vắng lặng trở nên rộn ràng tươi mát mênh mang. Thế mà Gàn tui cứ tưởng chắc bà con làng ta đã làm điều gì sơ xuất để Lãng Tử giận mà không về, hay là “lều thơ” cần có một quãng thời gian dừng lại nghỉ ngơi, để tự nhìn lại mình và để đầu tư thêm vốn liếng cho một chuyến đi mới dài hơi có cái mà tái sản xuất. Từ xa xưa các bậc hiền nhân đã đưa ra một đúc kết rất chi là chí lí rằng: Hiện thực sinh động của cuộc sống chính là đề tài vô tận cho mọi sự sáng tạo của con người trong đó có Văn Nghệ nói riêng với điều kiện đừng bao giờ lười suy nghĩ.
                      Rồi thì nhà chị Mây cũng sau một thời gian bỏ nhà đi bụi (hình như bị “lây cái bịnh ngã” của anh chàng Mõ?) lang thang cà lơ phất phơ trên chốn facebook gặp nhà ThọPhan dỗ dành hết đâu một thùng nước mét thì chị ta mới chịu về nhà. Tưởng đâu chỉ có cánh mày râu mới hoang đàng bỏ nhà đi bụi, đằng này cánh nữ nhi cũng đâu có kém cỏi gì, có khi lại còn hầm hố hơn nữa là đằng khác? Mây đã trãi lòng mình khi về lại mái nhà xưa mà không một chút phân vân do dự lưỡng lự chần chừ. Mọi người vẫn mong mỏi chờ đợi nhau về đoàn tụ trong ngôi nhà Giao Mùa có khi hoang vắng đến nao lòng!
                      Cũng liên quan đến chuyện này, vào cuối tháng 7 vừa rồi lão Lý được cơ quan cho đi tham quan du lịch 3 ngày 2 đêm ở Phú Quốc. Vui thì vui thật đấy, song đi du lịch kiểu mì ăn liền thì quá  như đi tra tấn không bằng. Phần lớn thời gian là ở trên tàu xe, mà ác nỗi xe tour toàn chạy ban đêm cho kịp thời gian nên yếu bóng vía như lão Lý thì chỉ “hò” đến té mật xanh mật vàng. Nói vậy chứ lão cũng cố kết hợp một công đôi ba việc tranh thủ nhìn ngắm xứ sở đất Phương Nam để mà còn có cái mà sáng với tối (lại nhầm nữa rồi-sáng tác chứ?) Lão ở Phú Quốc được 2 ngày 2 đêm và trở về Hà Tiên bằng tàu cao tốc. Khi tàu vừa cập bến là lão ta đón xe ôm lên bến xe Hà Tiên mua vé đi Rạch Giá Kiên Giang thăm bà con và ở lại đó 2 ngày một đêm, lão còn định đi xuống miệt Cà Mau để thăm người bạn học thời Sư Phạm, nhưng rất tiếc người bạn đã lên Sở Giáo Dục trên tỉnh Bạc Liêu để học chính trị chuẩn bị cho năm học mới nên lão đành đi xe tốc hành lên lại Sài Gòn ngay sau đó.
                     Kể ra người có chút “máu me” như lão Lý thì đi đến đâu mà không tức cảnh sinh tình,nhưng quả thật chuyến đi này tàu xe đã xóc lão như xóc bầu cua làm lão ta đâm tắt tị. Sau khi trở về lại Đà Nẵng vào lúc 12g đêm thứ 5 (30/7/15) lão ta mới thật sự hoàn hồn, và Gàn tui tranh thủ liếc qua cuốn sổ tay ghi chép của lão với những con chữ bị gạch xóa nhòe nhoẹt, phải cố gắng lắm tui mới hệ thống được những câu từ của lão cho xuôi tai và xin được ghi ra đây gọi là món quà du lịch của lão Lý tặng bà con làng ta đọc cho vui.

Thượng đế

Suốt đời làm một thường dân
Mấy khi được làm thượng đế
Nói dễ nhưng nào phải dễ
Hỡi anh thượng đế dân quèn.

Có tiền thì lắm kẻ khen
Nào là anh sang,anh chảnh
Sự đời sa cơ gãy gánh
Còn không thượng đế ăn dày.

Túi đầy lúc tỉnh lúc say
Trò đời kẻ tâng người bốc
Đến khi mất phanh tụt dốc
Thượng đế nô lệ ăn mày.

Đêm Sài Gòn

Sài Gòn - đêm rực rỡ
Không gian huyền ảo lung linh
Tấp nập người đi hối hả
Người về vội vả đường xa.

Những cơn mưa rụt rè lướt qua
Rồi ráo hoảnh như trẻ con vừa khóc
Đêm Sài Gòn ngất ngây như mời mọc
Bước chân lữ khách phiêu bồng.

Sài Gòn đêm rộng mênh mông
Náo nức người đi như đi trẫy hội
Nhiều phận người chìm vào đêm tối
Lặng thầm bới rác mưu sinh.

Có những đôi tình nhân xinh rất xinh
Dìu nhau bước đi mòn đường cơm áo
Cơn gió thoảng qua ngọn đèn đêm chao đảo
Giật mình tôi rớt xuống giữa cơn mê.

Delay

Bao giờ cho hết delay
Để cho thượng đế được bay đúng giờ
Không phải đợi chẳng phải chờ
Giản đơn xin lỗi làm thơ che trời.

Chiều biên hải

Biển chiều đỏ ối hoàng hôn
Khơi xa vỗ sóng gọi hồn núi sông
Đất trời mây nước mênh mông
Một thời mở cõi cha ông vang lừng.

Cúi đầu lòng thấy rưng rưng
Gươm khua biên hải trên từng đảo xa
Hùng thiêng “Nam Quốc Sơn Hà”
Nam Du, Phú Quốc ngọc ngà, Thổ Chu.

Kiên Giang non nước thiên phù
Hà Tiên Rạch Giá lời ru vọng về
Sóng xô gành đá câu thề                        
Quang sang muôn dặm ta hề nào quên.

Chiều trên biên hải lênh đênh
Bão giông chớp giật sấm rềnh đã tan      
Gió khơi dìu dặt cung đàn
Hồn cha ông hóa sóng vàng biển khơi.
  
                      Được đứng ở một trong những nơi tận cùng của đất nước, buổi sáng thấy ánh bình minh rực rỡ rạng ngời, buổi chiều ngắm bóng hoàng hôn đỏ ối từ từ lắng xuống, hỏi làm sao mà không thấy xúc động bồi hồi. Tuy đi tour kiểu mì ăn liền như thế thì nhọc thật nhưng bù lại cũng chẳng hoài công. Tui có hỏi lão Lý về việc lớp việc làng,nhưng lão vẫn chứng nào tật ấy, cứ ậm ậm ừ ừ, mà hình như lão ta đang còn mãi mê về con người và mảnh đất Phương Nam trên từng nốt nhạc.


Đồ Gàn

Trở lại mái nhà xưa

Trở lại mái nhà xưa!
          Vắng nhà đã lâu hôm nay mới trở lại. Đọc những dòng chào mừng sinh nhật của các bạn chợt nhận ra mình quá vô tình...  Nhân dịp tháng tám về, cho Mây gởi... kèm theo lão quản gia lời chúc mừng các bạn nhé!
          Hôm qua gặp Thọ Phan trên fb, Thọ nhắc về nhà kể chuyện Pattaya cho lão Lý và dân làng nghe chơi... Giật mình tỉnh ra. Ồ! Mình đã đi đâu mấy tháng nay rồi?  Hu hu... xin dân làng thứ cho cái tội- Vẫn là tội... ngu lâu! Nói thiệt giờ chừ viết bài rồi chút nữa lại phải nhờ đến con gái post lên! Vẫn chưa tự mình đưa bài lên cho lão quản được. Đọc tới đây chắc là  bác Hùng đang cười...khinh khỉnh “bà ni chậm tiến quá”, Còn lão quản thì cười phá lên; “Trời ơi! Dễ lắm mà...” Thôi, riêng cái phạm trù ni thì tôi chậm... tiêu thiệt! Về thăm lại mái nhà xưa thấy vui quá! Biết được  dân làng mình vẫn đều đặn ghé thăm nhà, biết được công việc bù đầu bù cổ của lão Lý mà thấy tội nghiệp quá, Mà cũng tại lão cả thôi! Ai biểu lão đa tài mà còn đa mang nữa! Chúc mừng sự thành công ngoài mong đợi của cuộc họp lớp do lão tổ chức. Được biết dạo này lão quản cũng ít làm món ăn cho dân làng thưởng thức, Có lẽ người làng đã già rồi, ăn ít lại chăng? Nhưng không sao, mình vẫn rất thích đọc mấy bài thơ tình của Tê Ka và Đồ Gàn, Lãng Dzu, Lãng Tử... Hay lắm! vẫn còn nồng nàn lắm
   Bao năm mỏi gót phong trần,
Nửa đường ta bỗng phân vân lối về
   Thiên đường như một cơn mê
Sao bằng áo tím giữa quê yên lành
Chí lý! Thậm chí lý! Thiên đường như một cơn mê! Ôi thôi, thèm một tà áo tím... May mắn quá đi, áo tím là chiếc áo dài đầu tiên của Mây tôi sau mấy chiếc áo trắng học trò! Hà hà, thiệt là... tự hào khi vô tình chiếc áo dài tím của mình đẫ được đi vào thơ của lão!
Vẫn còn “Chơi vơi”, còn “Bâng khuâng”, còn “Phân Vân” nên còn cố ... “Nhặt”! He he, vẫn nặng tình lắm lắm... Qua bao năm tháng, qua bao thăng trầm của cuộc sống mà tâm hồn các bạn vẫn đầy những mộng mơ, đầy những ân tình. Rất tuyệt! Thôi, hãy thưởng thức thơ đi! Các bác đừng thèm chờ món Miến vịt của lão quản nữa! Mây tôi sẽ mời mà! Xem như là... tạ tội với dân làng vì đã bỏ nhà đi hoang quá lâu. Cảm ơn Thọ Phan đã nhắc nhở để một đứa con đi... bụi như Mây tôi lại trở về nhà. Cảm ơn dân làng vẫn giữ được ngôi nhà Giao mùa yêu dấu. Nếu ai cũng như cái mụ bán xôi ni thì... hi hi!

          Hẹn gặp lại các bạn một ngày gần nhất. Mây tôi sẽ mời cafe để... tạ tội đi hoang!

Mây 

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Mừng sinh nhật tháng 8

Mừng sinh nhật tháng 8

Chúc mừng sinh nhật của các bạn ra đời trong tháng 8:

-  Nguyễn Thị Hồng Loan  :  01-08-1957

-  Phạm Tấn Dũng               : 27-08-1957

-  Nguyễn Lợi                      : 30-08-1957

Giao mùa chúc các bạn cùng gia đình an vui, hạnh phúc.