Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Con dê trong văn học

Con Dê trong văn học

           Dê là con vật được con người thuần dưỡng từ rất sớm theo tiến trình phát triển của xã hội loài người.  Tuy nó không có sức mạnh để giúp con người trong lao động sản xuất là kéo xe, kéo cày như những con trâu con bò hay làm phương tiện di chuyển như ngựa như voi.... Nhưng Dê đã cho con người nguồn thực phẩm bổ ích cũng như nguồn dinh dưỡng quý giá là sữa và một số tinh chất để góp phần chữa bệnh cho con người. Hơn nữa đời sống của dê cũng rất đơn giản không đòi hỏi cầu kỳ, chỉ cần nơi nào có nước, có cỏ tươi và lá cây xanh là dê đã sống được và phát triển rồi.
           Vì vậy, dê đã trở thành con vật nuôi thân thiết có mặt trong đời sống về cả vật chất lẫn tinh thần của con người. Nó được xếp vào hàng thứ tám sau ngựa và trước khỉ trong 12 con giáp để cầm tinh điều khiển một năm theo quan niệm của người Á Đông. Trong cuộc sống thực tế, thì dê có một cuộc sống năng động và thích nghi được với mọi hoàn cảnh của khí hậu thời tiết và môi trường. Đặc biệt về bản năng sinh tồn thì dê thuộc vào hàng quán quân,vì thế mà dê cũng mang tiếng hàm oan dưới cái nhìn của con người.
              Chính vì những đặc điểm trên nên hình ảnh con dê đã xuất hiện rất sớm trong văn học kể cả Đông Tây kim cổ, từ văn học dân gian cho đến nền văn học viết sau nầy.Riêng ở nước ta, con dê đi vào ca dao tục ngữ cũng rất sớm. 
+ Người ta tuổi ngọ tuổi mùi
Em đây luống những ngậm ngùi tuổi thân.
+ Ru em buồn ngủ buồn nghê
Con tằm chín đỏ con dê chín muồi
Con tằm chín đỏ để nuôi
Con dê chín muồi làm thịt em ăn.
+ Năm Ngọ mã đáo thành công
Năm Mùi dê béo rượu nồng phủ phê.
+ Bốn cửa anh chạm bốn dê
Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
          Con dê rất hiền lành và không tầm vóc và mạnh mẽ như ngựa như bò hay trâu. Nhưng được cái là bản năng sinh tồn của dê thích nghi được với mọi hoàn cảnh sống môi trường và khí hậu và nhất là bản năng sinh lý thì rất tốt và đó coi như là đặc điểm nổi trội của loài dê. Chính vì đặc điểm nầy mà con người đổ oan đổ vạ cho dê để đến nỗi ở một hoàn cảnh nào đó nó trở thành là một biểu tượng xấu: 
+ Thế gian ba sự khôn chừa
Rượu nồng dê béo gái vừa đương tơ.
+ Tuổi mùi là con dê chà
Có sừng có gạc râu ra um sùm.
+ Bươm bướm mà đậu cành bông
Đã dê con chị lại bồng con em.
+ Dê xồm ăn lá khổ qua
Ăn nhằm sâu róm chết cha con dê xồm.
+ Phượng hoàng đậu nhánh sa kê
Sao thần không vật mấy thằng dê cho rồi.
         Con dê rất hiền lành và dễ thương và hay bị các loài khác bắt nạt, ấy vậy hình ảnh con dê đi vào đời sống tâm hồn của trẻ thơ qua các bài đồng dao, hay trò chơi bịt mắt bắt dê rất dễ thương: 
+ Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp...
         Ngày xưa khi quan niệm khắc khe của lễ giáo phong kiến về mối quan hệ nam nữ với gọng kìm: “Nam nữ thụ thụ bất tương thân” thì người bình dân cũng đã có những giải pháp để phá gỡ cái gọng kìm đó:

+ Giả vờ bịt mắt bắt dê
Để cho cô cậu dễ bề với nhau.
         Con dê còn xuất hiện trong thành ngữ và tục ngữ khá ấn tượng

+ Cà kê dê ngỗng
+ Treo đầu dê bán thịt chó
+ Bán bò tậu ruộng mua dê về cày
+ Giàu nuôi chó,khó nuôi dê,không nghề nuôi ngỗng. 
           Trong nền văn học viết nước ta từ xưa đến nay, hình ảnh con dê xuất hiện khá dày đặc, có lúc nói lên cái khát vọng về tình dục tình yêu, nhưng cũng có lúc các thi nhân lại dùng hình ảnh con dê để chỉ phường đạo tặc và quân giặc cướp xâm lược.
Sách “Lĩnh Nam Chích Quái”ở chương đầu viết về họ Hồng Bàng có kể lại rằng Người Việt cổ biết chăn nuôi dê trâu bò ngựa lợn..... và họ đã giết thịt các động vật nuôi nói trên để làm lễ tế đất trời thần linh và dùng trong việc hôn nhân hay tang tế.
          Vào giữa thế kỷ 16,trong bài “Đào Nguyên Hành”của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã mô tả đời sống của nhân dân lúc ấy qua hình ảnh: 
“Trâu bò lợn gà dê ngan
Đầy lũ đầy đàn rong thả khắp nơi”.                   
         Trong bài “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Đạo đã viết:
“Uốn lưỡi cú diều mà sĩ mắng triều đình
Đem thân dê chó mà ngạo mạn tễ tướng” hay
“ Cú diều uốn lưỡi thấp cao
Bẻ bai triều bệ biết bao nhục nhằn
Tuồng dê chó tưởng rằng đắc thắng
Chốn triều đình ngạo nghễ vương công.”hoặc
“ Tặc lưỡi cú diều mà chữi mắng triều đình
Đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”                      
Vua Lê Thánh Tôn cũng đã đưa con dê vào thơ của mình trong “Hồng Đức Quốc Âm thi Tập”:
“Biển bắc xuân chẳng dê chẳng nghén
Trời Nam thu thẳm nhạn không thông.”                  
Sứ thần Lê Quang Bí khi triều đình nước ta cử ngài đi sứ sang Trung Quốc thì bị Nhà Minh giữ lại 18 năm và ngài đã viết;  
“Hơi dê đã ngấu manh tơi lá
Tuyết nhạn còn in cái tóc lông”                 
 Vào thời nhà Nguyễn,con dê được dùng vào việc cúng tế rất trang nghiêm:
“ Dê vốn thật thuộc loài tế lễ
Để hòng khi tế thánh tế thần
Hễ có việc lấy dê làm trước
Dê dâng vào người mới lạy sau”.                    
Hình ảnh con dê còn được cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa vào thơ của mình để nói lên cái cảnh nhân tình thế thái:
“ Lận thế treo dê mang bán chó
Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền.”                  
 Tác giả Đặng Trần Côn cũng dùng hình ảnh con dê để nói lên cái khát vọng của người cung nữ trong tình yêu lứa đôi: 
“Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào
Thâm khuê vắng ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo
Ngấn phượng liễn chòm râu lỗ chỗ
Dấu dương xa đám cỏ quanh co...”
                   
 Nữ sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng là nhà thơ trào lộng với biệt danh được người đời phong tặng là “Bà Chúa Thơ Nôm”,cũng đã dùng hình ảnh con dê để đạp đổ cái bức tường sinh lý oan nghiệt trong thời đại của bà:
“Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”.
                                                      (Dê cỏn)                    
 Về sau nầy,vào giữa cuối thế kỷ 19,nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã dùng hình ảnh con dê vào hai phương diện: Nói lên khát vọng tình yêu lứa đôi và lên án bọn phản dân hại nước trong hoàn cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm.                  
  Trong tác phẩm “Lục Vân Tiên”:
+ Con người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu”.
Hay
+ Trải qua dấu thỏ đường dê
Chim kêu vượn hú bốn bề núi cao”.                   
             
Trong tác phẩm “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” :
+ Hai vầng nhật nguyệt chói lòa
Đâu dung lũ treo dê bán chó
Mùi tinh chiên vấy đã ba năm
Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ....”                   
 Đến nền văn học cách mạng hiện đại thì hình ảnh con dê cũng được các nhà văn nhà thơ đề cập đến:
+ “Này anh chị em lao khổ
Nông nỗi này ai tỏ chăng ai
Đã non tám chục năm rồi
Làm thân trâu ngựa cho loài chó dê”
                                                       (Bài ca cách mạng)
+ “Giống nai sao lại tiếng be hê
Đứng lại mà coi vốn thiệt dê
Đực cái cũng râu không hổ thẹn
Vợ chồng một mặt hết khen chê”
                                                      (Con dê)                      
Không riêng gì trong nền văn học ở nước ta mà ngay cả nền văn học của các nước trên thế giới thì loài vật nói chung đã có mặt rất sớm và đồng hành cùng sự tồn tại và phát triển của thế giới loài người.Nó đã trở thành người bạn gần gũi trong đời sống sinh hoạt và trở thành đối tượng để con người gửi gắm tâm tư tình cảm vào nó. Nhất là ở nước ta, con dê lại là con vật cầm tinh cho một năm mới ẩn chứa bao điều tốt đẹp và may mắn theo quan niệm của ông bà xưa truyền lại.
           Cầu chúc các bạn một mùa xuân như ý và một cái tết Ất Mùi an khang thịnh vượng.

20/01/2015
Mạc Nhân
 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét