Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Linh tinh ngày Tết


LINH TINH NGÀY TẾT.

Ông không phải là người thân hay bạn bè  nhưng mấy ngày qua tôi cứ bần thần như mất đi một  báu vật .
Cái cảm giác ấy khó dứt ra  khi báo , đài, các phương tiện thông tin đại chúng không ngừng nói về ông. Mà cũng phải thôi. Ông đã chạm đến nỗi đau mất mát của những trái tim biết rung động trước cái đẹp và biết phẩn nộ trước bất công của cuộc đời.
Tôi cũng không ngoại lệ!
Sáng 30 cuối năm, tôi đứng bên lề đường, hòa vào dòng người chờ xe tang đi qua. Xe chở quan tài qua rồi mà có người hỏi “Xe tang đâu?”.
Một cổ xe đơn giản, không kèn trống xập xình, không băng liễn vòng hoa hai bên. Lặng lẽ đi qua trước mặt những người chờ vẫy tay tiễn biết ông lần cuối. Họ quên rằng ông vốn không ầm ĩ. Ông đã đến với cuộc đời này không bằng kèn trống thì chuyến đi cuối cùng của cuộc đời cũng  mộc mạc thế thôi.
Mà ông  có âm thanh riêng của ông.
Âm thanh của tiếng  lòng tức tối của triệu con tim Đà Nẵng.
Âm thanh của những  câu hỏi vì sao lại có sự bất công đến vô lý thế.
Âm thanh của những lo lắng của người dân Đà Nẵng mồ côi .
Để được còn thấy ông, tôi mở đi mở  lại các đoạn băng về ông lúc còn sống. Trong từng câu từng chữ , nếu xâu hết lại sẽ là một tuyên ngôn về sự làm người. Ừ thì làm người . Ai cũng làm người hết. Ai cũng có một cuộc đời . Có ai sinh ra mà không sống đâu. Nhưng có những người  có thể mai mới chôn  nhưng trên bia mộ sẽ ghi chết cách đây đã lâu lắm rồi.
Khi nói về chức vụ, ông chỉ cho đó là phương tiện. Cái chính là làm được gì ở chức vụ đó , rằng mai sau khi  chết đi chẳng ai nhớ các chức vụ anh đã kinh qua mà chỉ nhớ cái anh đã làm được.
Những gì ông làm được mọi người đã thấy.Một chặng đường gần  20 năm. Không xa vời như chàng Từ Thức từ cõi tiên về trần nhưng với những người đi xa về họ cũng sẽ có cảm giác như  Từ Thức. Những chuyến phà chen chúc  mỗi chiều đi biển đã đi vào huyền thoại, dân ‘’quạ bưng’’  đã  biết ở biệt thự chung cư resort, “bên kia sông” không còn là khái niệm của quê mùa của nghèo khó…
Có người ví ông như một cầu thủ chơi đẹp. Đã ra trận là đá, đá hết mình…
          Nhưng Nguyễn Bá Thanh yêu quí của Đà Nẵng ơi ! trên một sân cỏ  gập gềnh , cùng đội  chơi   giữ chân thì liệu có nên đá hết mình hay không?
Rồi ông nói với con gái Hoài An như một người đã hoàn thành nhiệm vụ “Đà Nẵng chừ đẹp, hai con cũng trưởng thành’’*
Không, ông chưa sẵn sàng cho cuộc ra đi này đâu. Đó chỉ là cách nói của sự bất lực, sự không có lựa chọn nào khác. Ông còn biết bao hoài bão, biết bao khát vọng, khát vọng đưa Đà Nẵng đi xa hơn nữa, khát vọng biến Đà Nẵng thành một Singapo, một Hồng Kong…khát vọng biến  khát vọng của mình thành hiện thực trên mảnh đất Đà Nẵng yêu thương
          Những gì đã làm được chỉ là mới bắt đầu phải không anh Thanh?
Những khát vọng ấy đã cùng anh yên nghỉ  trong lòng đất Hòa Tiến
Người Đà nẵng yêu anh  lắm nhưng không  biết làm gì để giữ  được anh . Anh  đã tuột ra khỏi  tầm tay của  yêu thương ,  anh  đã một mình chống chọi với định mệnh… Tôi, Đà Nẵng và những người  yêu  anh  vô cùng chỉ biết tức tưởi   chấp nhận sự bất lực của mình.
Mộ anh phủ đầy hoa trong ngày đầu năm. Người Đà Nẵng  vẫn tiếp tục về nơi anh yên nghỉ như tự dối lòng mình là anh vẫn còn đó.
Vài dòng cho anh trong ngày đầu năm vắng anh trên quê hương. Người nhạc trưởng ấy đã đi xa nên thành phố như cung đàn lỗi nhịp. Đêm giao thừa lặng lẽ, sang mồng  một buồn tênh khi  thiếu  anh trên đường hoa Bach Đằng. Vui xuân ư?
Đà Nẵng năm này không có mùa xuân!

ThoPhanthi



Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Trở về mái nhà xưa!

Trở về mái nhà xưa!
    Lâu quá, kể từ khi Mây tôi làm nhà, tạm cắt internet mấy tháng  cho đỡ tốn tiền, không biết nhà cửa 12aba ra sao?  Bữa ni tạm ổn mọi chuyện, ghé thăm nhà thì … ôi vui quá!  Vui khi thấy cửa nhà vẫn sạch sẽ,vui vẻ và nhất là vẫn ấm cúng. Vẫn có rất nhiều anh em ghé thăm nhà. Gã quản vẫn đều đều giới thiệu món ngon.  Lão Lý vẫn còn tình yêu nồng thắm . Ngày lễ tình yêu dân làng vẫn được ôn lại chuyện …. yêu đương một thời qua mấy bài thơ của gã quản và lý trưởng. Hàng tháng , sinh nhật của anh chị em vẫn được gởi hoa chúc mừng. Thật lòng  Mây  tôi  cảm động quá! May mắn quá! không phải là cảnh vườn không nhà trống . Thì ra không có mình anh em vẫn đều đặn sinh hoạt. Chưa bao giờ Mây tôi thấm thía cái câu của người xưa:  “không mợ chợ cũng đông”. He he! Chỉ có một điều mây tôi … ghét nhất là, nhân lúc tôi bận bịu, cái lão  Đồ gàn đã tranh quyền đoạt vị, hắn cướp mất cái chức... Táo quân của tôi rồi!  Hắn còn lên báo cáo với Ngọc hoàng cái chuyện ba điểm về môn nữ công của tôi. Thiệt là đáng ghét!
          Không thường xuyên ghé thăm nhà nhưng Mây tôi vẫn nhớ đến bạn bè một thời đèn sách.  Nhớ cái thuở huy hoàng thỉnh thoảng gặp nhau. Cái gì mới mẻ cũng hấp dẫn. Ngày ấy, cứ gặp mặt hoài, tha hồ đấu... hót. Dù ai nấy đã ngoại ngũ tuần mà cứ như hồi còn đi học. Ngày ấy đâu rồi?  Nhiều lúc Mây tôi cứ muốn gào lên câu ấy… Nhưng mà , theo lão Đồ Gàn thì bởi nhiều nguyên nhân… Cũng đúng,  ngay đến một người hay kêu gọi hò hét như Mây tôi mà có lúc cũng chây ỳ ra đó thì còn biết trách ai? Nhưng ,có phải chăng chỉ vì chừng ấy? Còn nguyên nhân nào nữa không nhỉ? Cuối năm tự kiểm điểm lại mình, Mây tôi tự trách tôi. Bận bịu việc nhà cũng có, bạn bè nhiều quá cũng có… mà có lẽ nguyên nhân chính là do tuổi tác chăng? Ta đã quá … giòa rồi. Gối mỏi chân chồn rồi ư? Hu hu…buồn quá
          Hôm nay, Mây tôi nhớ bạn bè quá bèn điện thoại cho lão quản, cho vợ chồng bác Cả, cho lão Lý để rủ gặp nhau cuối năm. Thiệt là …thần giao cách cảm, tự nhiên lão Minh 3 kỳ gọi tôi. Lão nói cuối năm hoàn cảnh của lão … neo đơn quá. Cả vợ con lão đều ở sg.chỉ mỗi mình gã ở đây. Mây tôi … mừng rỡ định tính làm một chuyến …Tam Kỳ du ký thì lão báo… hung tin; vợ lão sắp về và sẽ … quản lão suốt mấy ngày xuân! Tôi …thất vọng tràn trề thì gã …an ủi, gã  hẹn … ra giêng lão cưới…à quên, ra giêng gặp nhau! Tôi nói đến … sang năm lâu quá. Thế là tôi hẹn vài bạn chiều mai-chủ nhật ngồi ở Lãng Tiêu để ôn lại chuyện chúng mình!!!
          Không biết xuân này mụ Thọ có về không nhỉ? Đôi lúc cũng thấy nhớ nhớ mụ Nhớ nhất là lời hứa của mụ, sẽ là người thường xuyên ghé thăm nhà, thường xuyên giữ lửa.. Suy cho cùng, chỉ có lão lý và gã quản gia mới là hai người xứng đáng. Mà cũng đúng thôi, hai lão có … chức có quyền, làm .. lớn thì phải làm .. láo thôi! Nói chi thì nói hai lão vẫn phải viết bài đều đều.. phải thường xuyên làm  mới nhà cửa, chào đón dân làng lâu lâu về tụ hội. Hi hi…
   Nhân dịp năm mới sắp đến, Mây tôi xin thân chúc cả nhà 12aba một năm được mạnh khỏe, vui vẻ.hẹn gặp lại!

Nhân dịp đầu năm mới, mời các bạn đọc một bài thơ khá hay viết về không khí một gia đình vào ngày tết năm xưa… Đầm ấm hạnh phúc quá ! Rất tiếc mình đã quên nhan đề và không biết tác giả là ai. Nếu bạn nào biết rõ thì nhắc với nhé!
      Tiếng pháo nổ rồi từng tràng pháo nổ.
      Trên bàn thờ,mâm cỗ đã bày xong.
      Mẹ tôi đang châm dở nén hương vòng.
      Và xếp lại trái bồng mâm ngũ quả.
      Anh tôi cắt khoanh giò đang bóc lá.
      Con Hương châm pháo tép dọa thằng Ba!
      Em út tôi xé nát bức tranh gà.
      Thằng nhỏ đứng pha trà dâng nước cúng.
      Cha tôi mặc chiếc áo dài lụng thụng.
      Lại bàn thờ ,quỳ xuống lễ gia tiên.
     Bỗng một tràng pháo chuột nổ ngoài hiên.
     Nghe tiếng pháo tôi liền ra mở cửa.
     Một ông khách trông tươi cười hớn hở.
     Bước vào nhà mững rỡ mở phong bao
     Làm cả nhà tấp nập chạy xôn xao!
     Chúc năm mới ồn ào không tiếng ngớt…

MÂY

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Quà tết Đồ Gàn

Quà tết Đồ Gàn

Chúc xuân

Tết đến xuân về khắp nơi nơi
Gàn tui xin phép có đôi nhời
Chúc cho đất nước mình luôn mãi
Quốc thái dân an đến muôn đời.

Ba hoa

Tết nhất năm nay chắng có gì
Giao Mùa vắng lặng đến như ri
Mấy năm về trước nghe vui lắm
Ất mùi sắp đến chẳng thấy chi.

Dân tình ngán ngẫm bỏ làng đi
Cũng do cuộc sống quá lâm li
Giá cả leo thang dù xăng hạ
Hàng giả thi gan cái mặt lì.

Chưa có năm nào như năm ni
Văn chương thơ phú chẳng ra gì
Què quẹt đôi câu mừng xuân mới
Tết đến xun xoe gọi lì xì.

Đua đòi

Năm rồi ngựa đến trự đùi nhây
Giáp Ngọ mà reng cứ trật trầy
Lòm eng èo ọp tơi xơ mướp
Rứa mà vênh váo vẻ ta đây.

Ất Mùi chưa tới đã phây phây
Pi-lốt kính đen dáng quan thầy
Quần zin áo bó giày khủng bố
Con nít trông vào ói ...chết ngay.

Trần gian nhốn nháo dễ mấy tay
Lên voi xuống chó được mấy ngày
Cái ngữ Đồ kia ti toe gáy
Danh vọng bọt bèo tỉnh với say.

Thôi thôi xin hãy về chỗ cũ
An phận thanh bần với thế gian
Bon chen chi lắm đời con đỏ
Xuân đến mừng nhau cứ hát tràn.

Quà tết

Nghe nói lệnh trên cấm nhận quà
Tết đến xuân về tránh xa hoa                 
Sáu ngàn quà tết đều hàng giả
Người nghèo nghe cấm bỗng khóc òa.
Quà cáp mập mờ khó kiểm tra
Mở đường thăng tiến mới rầy rà
Quà tết cho người nghèo lao khổ
Xin tặng vần thơ đến muôn nhà.

10/02/2015
Đồ Gàn

 






CHÚC MỪNG NĂM MỚI

XUÂN ĐÃ VỀ, GIAO MÙA XIN CHÚC TẤT CẢ DÂN LÀNG 12A3 CÙNG BẠN BÈ GẦN XA MỘT NĂM MỚI ANH KHANG, HẠNH PHÚC!
              

 

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Thơ cho ngày 14/2

Thơ cho ngày 14/2

Khởi nguồn
Tình yêu
Nơi khởi nguồn của hạnh phúc
Mà cũng là nơi tận cùng của những khổ đau
Là nơi ngạt ngào hương thơm và mật ngọt
Mà cũng là nơi đọa đày của những bất hạnh đắng cay.

Hoài vọng
Tình yêu về khi mùa xuân đang tới
Hoa khoe sắc bên đời trong cái rét buổi tàn đông
Em nơi ấy có nhớ thương ngày xuân cũ
Cho ta ở bên này lòng cứ mãi hoài mong.

Hư ảo
Em gửi lại tình tôi
Một chiều xuân hy vọng
Khi hoàng hôn ngã bóng
Níu lại một dáng hình.
Tôi giữ lại tình em
Một nỗi buồn rực rỡ
Dù tim mình rạn vỡ
Vẫn thắp lửa đợi chờ.
Cho dù chỉ là mơ
Giữa đôi bờ hư thực
Em có còn thổn thức
Thương nhớ một tình ai.

Nếu
Nếu trái đất không có ánh mặt trời
Thì muôn loài sẽ ngập chìm trong bóng tối           
Và con người sẽ buông mình trong lầm lỗi
Bỡi trong tâm hồn không có được một tình yêu.

yêu
Tình yêu là thứ vô hình
Không trọng lượng,sắc màu và kích thước
Nhưng một khi ta có được
Thì nó lại biến ta thành nô lệ của tình nhân.
Người yêu là vật ngoại thân
Và khi xích xiềng của tình yêu đã khóa đời ta lại
Tim rướm máu bỡi mũi tên tình ái
Hồn bỗng hóa tật nguyền mà sao vẫn cứ yêu.

Tận cùng
Nơi tận cùng của tình yêu
là hạnh phúc
Nơi tận cùng của thù hận
là khổ đau
Nơi tận cùng của yêu thương
là nỗi nhớ
Nơi tận cùng của cuộc đời
khi trái tim không còn
gõ nhịp thời gian.

Hương tình
Nụ hồng ngày ấy trao em
Tình yêu phong kín êm đềm nhớ thương
Lỡ làng đời muối gió sương
Lòng ta vẫn mãi vấn vương hương tình.

Thơ yêu
Mừng nhau ngày Lễ Tình Nhân
Mà không viết nỗi một vần thơ yêu
Cái thời lạm phát trớ trêu
Trái tim tham nhũng như diều đứt dây.
Qua rồi một thuở đắm say
Trái tim bỗng hóa dạ dày vĩ mô
Tình yêu như trận ma đồ
Nhân tình thế thái lõa lồ dối gian.

Oan
Thói thường trâu đi tìm cột
Lẽ công bằng cột lại tìm trâu
Bản năng trâu cột - cột trâu
Tình yêu vô tội Thị Mầu hàm oan?

Tình mơ
Cũng người cũng thịt cũng da
Mà phải mắc tội chẳng qua vì nghèo
Tình yêu Thị Nỡ Chí Phèo
Giấc mơ ân ái tiếng kêu xé lòng.

102/2014

Nhân Trần

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Táo Online

Táo Online

Hai ba các Táo về trời
Bếp núc hạ giới khắp nơi im lìm
Nam Tào chụp ảnh quay phim
Bắc Đẩu lật sổ truy tìm điểm danh
Ngọc Hoàng lui tới loanh quanh
Vuốt râu nheo mắt rồi đành thở ra
Sao không thấy Táo A Ba?
Lên đây trình tấu cho ta tỏ tường
Đẩu, Tào vội chỉ vào gương
Thấy lão Quản mới đáng thương thế nào
Ngọc Hoàng vội bảo Nam Tào
Khẩn trương nối mạng ta vào kiểm tra
Giao Mùa Mười Hai A Ba
Lâu nay chẳng thấy Quản gia đốt lò
Lão Quản vừa mừng vừa lo
Muôn tâu Ngọc Đế xin cho trình bày
Bao nhiêu đầu bếp giỏi hay
Bỏ làng bỏ lớp nhảy bay hết rồi
Chỉ còn mỗi chị Bán Xôi
Nữ công ba điểm thì thôi mong gì
Ban chỉ đại (thì) say li bì
Thần vừa “đào bới” vừa truy Gút-Gồ
Món nào được thì “sợt” vô
Cho bà con trong lớp có đồ lai rai
Cuối năm bẩm báo On-lai
Đơn sơ vắn tắt xin ngài thấu cho
Thần đâu dám hẹn dám hò
Năm rồi hẻo quá thân cò hắt hiu  
Chỉ mong ấm mãi tình yêu
Nghĩa thầy tình bạn thần liều chẳng than
Đẩu, Tào cùng với Ngọc Hoàng
Nghe lời trình tấu chứa chan nỗi niềm
Thương lắm thay
Những trái tim
Tình thầy tình bạn
Hãy tìm nơi đây
Ngọc Hoàng ếch -xít chia tay
Quản Gia kính lễ gút- bay thiên đình.

10/2/2015
(Nhằm ngày 22 tháng chạp năm Giáp Ngọ)

Đồ Gàn   

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Hương vị ngày xuân


 Hương vị ngày xuân              
                Ngày tết, bên quả mứt ấm trà cùng với “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” mà đọc thơ tết và câu đối tết của người xưa thật thú vị biết bao. Qua đó cũng để hiểu thêm được tâm tư tình cảm của tác giả và cũng để mà sẻ chia hoàn cảnh đón tết vui xuân của văn nhân thi sĩ trong bối cảnh xã hội đương thời. Nhân tết Ất Mùi, trong một giới hạn nhất định, Giao Mùa xin được sưu tầm giới thiệu đến cùng các bạn một số bài thơ và câu đối tết để đời của các bậc hiền nhân
               Trước hết, đó là cụ Tam Nguyên Yên Đỗ với nét bút dung dị tài hoa đã cho hậu thế chúng ta một bức tranh toàn cảnh về tết qua một số câu đối tiêu biểu:
+ Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó
   Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo

      + Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén
         Xuân về, bút mới thử vài trang

      + Tranh pháo vui xem đàn trẻ nhỏ
         Tóc râu thêm một sợi tuổi trời cao

     + Ủa! Tết đến rồi đó, chẳng lẽ trơ cùi cùng tuế nguyệt
        Kìa! Xuân sang đấy ư, thôi đành mở múi với giang sơn

     + Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc
        Lung linh ánh lữa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn

     + Xuân vẫn còn dài, hướng đến tương lai vùng đất mới
        Tết dù đã ngắn, quay nhìn dĩ vãng cảnh người xưa

     + Già trẻ gái trai đều khoái Tết
        Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân

     + Ai đẻ mãi ra Xuân, Xuân ấy đi, Xuân khác về, năm nay năm ngoái Xuân hơn, kém?
        Nhà lại sắp có khách, khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái năm nay khách vắng, đông?

      + Tối ba mươi, nghe pháo nổ đùng, ờ ờ Tết
         Sáng mùng một, chạm nêu đánh cộc, à à Xuân

      + Ai nấy dại vô cùng, pháo pháo nêu nêu kinh những Quỷ
         Ta đây nhàn bất trị, chè chè rượu rượu sướng bằng Tiên.

             Còn đối với Uy Viễn Tương Công  Nguyễn Công Trứ thì mùa xuân và cái tết lại thêm chua chác bạc bẽo cảnh đời với nhân tình thế thái!
       + Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
           Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.
               Riêng với ông Tú họ Trần là Trần Tế Xương,thì bao cái tết đều chìm trong cảnh nợ nần túng quẫn,đến nỗi:”Van nợ lắm khi trào nước mắt,chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”,nhưng với cái cốt cách trào lộng giễu cợt,ông mô tả lại cảnh làm câu đối tết của ông qua bài hát nói: “Ngày tết dán câu đối”
Ngày tết dán câu đối
Nhập thế cục bất khả vô văn tự,
Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài,
Huống chi mình đã đỗ Tú tài,
Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối.
Đối rằng :
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài;
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.
Viết vào giấy dán ngay lên cột,
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay ?
“Rằng hay thì thực là hay,
Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài,
            Xưa nay em vẫn chịu ngài !”
            Đặc biệt “Bà Chúa thơ Nôm” là nữ sĩ Hồ Xuân Hương,không cam phận nữ nhi nhưng với khí phách ngang tàng, bà đã đi trước thời đại và bà đã đưa hình ảnh của người phụ nữ ở thời của bà lên một tầm cao mới, đạp đổ cái bức tường lễ giáo phong kiến quá khắc khe qua đôi câu đối:
     +“Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa  quỷ tới
          Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào”.
             Ngoài cặp câu đối tuyệt vời trên, nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn có một bài thơ miêu tả cảnh chơi xuân ngày xưa của con trai con gái thật vô cùng ấn tượng,đầy hình ảnh biểu trưng về cái tục mà lại rất thanh tao:

Đánh đu
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân ai biết xuân chăng tá
Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
                               (Hồ Xuân Hương)

              Cũng nói về mùa xuân và tết,nhưng nhà thơ Tú Xương lại có một cách nhìn khác qua những lời mời mọc và chúc tụng nhau đầy châm biếm và trào lộng trong bài thơ “Chúc Tết”:

Chúc Tết

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu ?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời *
Chúc cho khắp hết ở trên đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người .!!!

 (* Có ý kiến cho rằng khổ thơ này không phải của Tú Xương mà do người đời sau thêm vào)
                  
                  Có lẽ không ai trong chúng ta lại mong muốn những cảnh tết mà đầy rẫy những khó khăn và nợ nần như Trần thi sĩ, vì mỗi thời đại mỗi khác và hoàn cảnh xã hội cũng khác nhau và đời sau khá hơn đời trước nên cái khó cái nghèo cũng được lặp lại nhưng ở những cung bậc khác nhau. Dù sao, vui xuân đón tết và đọc lại thơ phú của người xưa để mà lòng ta thêm yêu thêm quý những giá trị tinh thần bất hủ ấy, đồng thời có một cái nhìn đầy ắp tình người trên mỗi sáng tạo tinh thần ngời sáng tính nhân văn.
                   Chúc các bạn một năm mới Ất Mùi vạn sự như ý.

06/02/2014
GIAO MÙA


 

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Con dê trong văn học

Con Dê trong văn học

           Dê là con vật được con người thuần dưỡng từ rất sớm theo tiến trình phát triển của xã hội loài người.  Tuy nó không có sức mạnh để giúp con người trong lao động sản xuất là kéo xe, kéo cày như những con trâu con bò hay làm phương tiện di chuyển như ngựa như voi.... Nhưng Dê đã cho con người nguồn thực phẩm bổ ích cũng như nguồn dinh dưỡng quý giá là sữa và một số tinh chất để góp phần chữa bệnh cho con người. Hơn nữa đời sống của dê cũng rất đơn giản không đòi hỏi cầu kỳ, chỉ cần nơi nào có nước, có cỏ tươi và lá cây xanh là dê đã sống được và phát triển rồi.
           Vì vậy, dê đã trở thành con vật nuôi thân thiết có mặt trong đời sống về cả vật chất lẫn tinh thần của con người. Nó được xếp vào hàng thứ tám sau ngựa và trước khỉ trong 12 con giáp để cầm tinh điều khiển một năm theo quan niệm của người Á Đông. Trong cuộc sống thực tế, thì dê có một cuộc sống năng động và thích nghi được với mọi hoàn cảnh của khí hậu thời tiết và môi trường. Đặc biệt về bản năng sinh tồn thì dê thuộc vào hàng quán quân,vì thế mà dê cũng mang tiếng hàm oan dưới cái nhìn của con người.
              Chính vì những đặc điểm trên nên hình ảnh con dê đã xuất hiện rất sớm trong văn học kể cả Đông Tây kim cổ, từ văn học dân gian cho đến nền văn học viết sau nầy.Riêng ở nước ta, con dê đi vào ca dao tục ngữ cũng rất sớm. 
+ Người ta tuổi ngọ tuổi mùi
Em đây luống những ngậm ngùi tuổi thân.
+ Ru em buồn ngủ buồn nghê
Con tằm chín đỏ con dê chín muồi
Con tằm chín đỏ để nuôi
Con dê chín muồi làm thịt em ăn.
+ Năm Ngọ mã đáo thành công
Năm Mùi dê béo rượu nồng phủ phê.
+ Bốn cửa anh chạm bốn dê
Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
          Con dê rất hiền lành và không tầm vóc và mạnh mẽ như ngựa như bò hay trâu. Nhưng được cái là bản năng sinh tồn của dê thích nghi được với mọi hoàn cảnh sống môi trường và khí hậu và nhất là bản năng sinh lý thì rất tốt và đó coi như là đặc điểm nổi trội của loài dê. Chính vì đặc điểm nầy mà con người đổ oan đổ vạ cho dê để đến nỗi ở một hoàn cảnh nào đó nó trở thành là một biểu tượng xấu: 
+ Thế gian ba sự khôn chừa
Rượu nồng dê béo gái vừa đương tơ.
+ Tuổi mùi là con dê chà
Có sừng có gạc râu ra um sùm.
+ Bươm bướm mà đậu cành bông
Đã dê con chị lại bồng con em.
+ Dê xồm ăn lá khổ qua
Ăn nhằm sâu róm chết cha con dê xồm.
+ Phượng hoàng đậu nhánh sa kê
Sao thần không vật mấy thằng dê cho rồi.
         Con dê rất hiền lành và dễ thương và hay bị các loài khác bắt nạt, ấy vậy hình ảnh con dê đi vào đời sống tâm hồn của trẻ thơ qua các bài đồng dao, hay trò chơi bịt mắt bắt dê rất dễ thương: 
+ Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp...
         Ngày xưa khi quan niệm khắc khe của lễ giáo phong kiến về mối quan hệ nam nữ với gọng kìm: “Nam nữ thụ thụ bất tương thân” thì người bình dân cũng đã có những giải pháp để phá gỡ cái gọng kìm đó:

+ Giả vờ bịt mắt bắt dê
Để cho cô cậu dễ bề với nhau.
         Con dê còn xuất hiện trong thành ngữ và tục ngữ khá ấn tượng

+ Cà kê dê ngỗng
+ Treo đầu dê bán thịt chó
+ Bán bò tậu ruộng mua dê về cày
+ Giàu nuôi chó,khó nuôi dê,không nghề nuôi ngỗng. 
           Trong nền văn học viết nước ta từ xưa đến nay, hình ảnh con dê xuất hiện khá dày đặc, có lúc nói lên cái khát vọng về tình dục tình yêu, nhưng cũng có lúc các thi nhân lại dùng hình ảnh con dê để chỉ phường đạo tặc và quân giặc cướp xâm lược.
Sách “Lĩnh Nam Chích Quái”ở chương đầu viết về họ Hồng Bàng có kể lại rằng Người Việt cổ biết chăn nuôi dê trâu bò ngựa lợn..... và họ đã giết thịt các động vật nuôi nói trên để làm lễ tế đất trời thần linh và dùng trong việc hôn nhân hay tang tế.
          Vào giữa thế kỷ 16,trong bài “Đào Nguyên Hành”của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã mô tả đời sống của nhân dân lúc ấy qua hình ảnh: 
“Trâu bò lợn gà dê ngan
Đầy lũ đầy đàn rong thả khắp nơi”.                   
         Trong bài “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Đạo đã viết:
“Uốn lưỡi cú diều mà sĩ mắng triều đình
Đem thân dê chó mà ngạo mạn tễ tướng” hay
“ Cú diều uốn lưỡi thấp cao
Bẻ bai triều bệ biết bao nhục nhằn
Tuồng dê chó tưởng rằng đắc thắng
Chốn triều đình ngạo nghễ vương công.”hoặc
“ Tặc lưỡi cú diều mà chữi mắng triều đình
Đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”                      
Vua Lê Thánh Tôn cũng đã đưa con dê vào thơ của mình trong “Hồng Đức Quốc Âm thi Tập”:
“Biển bắc xuân chẳng dê chẳng nghén
Trời Nam thu thẳm nhạn không thông.”                  
Sứ thần Lê Quang Bí khi triều đình nước ta cử ngài đi sứ sang Trung Quốc thì bị Nhà Minh giữ lại 18 năm và ngài đã viết;  
“Hơi dê đã ngấu manh tơi lá
Tuyết nhạn còn in cái tóc lông”                 
 Vào thời nhà Nguyễn,con dê được dùng vào việc cúng tế rất trang nghiêm:
“ Dê vốn thật thuộc loài tế lễ
Để hòng khi tế thánh tế thần
Hễ có việc lấy dê làm trước
Dê dâng vào người mới lạy sau”.                    
Hình ảnh con dê còn được cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa vào thơ của mình để nói lên cái cảnh nhân tình thế thái:
“ Lận thế treo dê mang bán chó
Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền.”                  
 Tác giả Đặng Trần Côn cũng dùng hình ảnh con dê để nói lên cái khát vọng của người cung nữ trong tình yêu lứa đôi: 
“Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào
Thâm khuê vắng ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo
Ngấn phượng liễn chòm râu lỗ chỗ
Dấu dương xa đám cỏ quanh co...”
                   
 Nữ sĩ Hồ Xuân Hương nổi tiếng là nhà thơ trào lộng với biệt danh được người đời phong tặng là “Bà Chúa Thơ Nôm”,cũng đã dùng hình ảnh con dê để đạp đổ cái bức tường sinh lý oan nghiệt trong thời đại của bà:
“Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”.
                                                      (Dê cỏn)                    
 Về sau nầy,vào giữa cuối thế kỷ 19,nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã dùng hình ảnh con dê vào hai phương diện: Nói lên khát vọng tình yêu lứa đôi và lên án bọn phản dân hại nước trong hoàn cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm.                  
  Trong tác phẩm “Lục Vân Tiên”:
+ Con người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu”.
Hay
+ Trải qua dấu thỏ đường dê
Chim kêu vượn hú bốn bề núi cao”.                   
             
Trong tác phẩm “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” :
+ Hai vầng nhật nguyệt chói lòa
Đâu dung lũ treo dê bán chó
Mùi tinh chiên vấy đã ba năm
Ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ....”                   
 Đến nền văn học cách mạng hiện đại thì hình ảnh con dê cũng được các nhà văn nhà thơ đề cập đến:
+ “Này anh chị em lao khổ
Nông nỗi này ai tỏ chăng ai
Đã non tám chục năm rồi
Làm thân trâu ngựa cho loài chó dê”
                                                       (Bài ca cách mạng)
+ “Giống nai sao lại tiếng be hê
Đứng lại mà coi vốn thiệt dê
Đực cái cũng râu không hổ thẹn
Vợ chồng một mặt hết khen chê”
                                                      (Con dê)                      
Không riêng gì trong nền văn học ở nước ta mà ngay cả nền văn học của các nước trên thế giới thì loài vật nói chung đã có mặt rất sớm và đồng hành cùng sự tồn tại và phát triển của thế giới loài người.Nó đã trở thành người bạn gần gũi trong đời sống sinh hoạt và trở thành đối tượng để con người gửi gắm tâm tư tình cảm vào nó. Nhất là ở nước ta, con dê lại là con vật cầm tinh cho một năm mới ẩn chứa bao điều tốt đẹp và may mắn theo quan niệm của ông bà xưa truyền lại.
           Cầu chúc các bạn một mùa xuân như ý và một cái tết Ất Mùi an khang thịnh vượng.

20/01/2015
Mạc Nhân
 






Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Con Dê trong thơ ngụ ngôn

    
Con Dê trong thơ ngụ ngôn               

         Nhân dịp năm Ất Mùi(2015), năm cầm tinh con dê, Giao Mùa xin được mạn phép các dịch giả của những bài thơ ngụ ngôn có đề cập đến hình ảnh con dê dịch từ nguyên bản của đại thi hào người Pháp là Jean De La Fontaine để gọi là làm một món quà xuân nho nhỏ gửi tặng các bạn nhân dịp tết đến xuân về.


Dê, rùa, chuột và quạ

                                                Bản dịch của Nguyễn Trinh Vực
                                                                            Tặng bà Sablière
Linh dương, Rùa, Chuột, Quạ khoang
Bốn con kết nghĩa đá vàng anh em
Cùng nhau ở một hang lèn
Xa Người tưởng được bình yên tốt lành
Ngờ đâu Người rất tinh anh
Chỗ nào họ cũng thân hành đến nơi
Trong rừng, dưới bể, chân trời
Đi đâu cũng bẫy người đặt giăng
Linh dương một bữa đi ăn
Chẳng may gặp phải chó săn của Người
Linh dương thấy biến chạy dài
Đến trưa cũng chửa về nơi hang nhà
Khi ăn bốn mặt còn ba
Chuột rằng: "Nó dễ quên bà con đây"
Rùa rằng: "Nếu tớ biết bay
Xem Linh dương nó giờ đây thế nào
Dễ chừng mắc nạn nơi đâu
Linh dương đâu có quên bầu bạn đây"
Quạ nghe liền cất cánh bay
Thấy bạn mắc lưới, trở ngay về nhà
Bởi vì xuống hỏi rầy rà:
"khinafo", "sao thế", như ba thầy đồ
Thì Linh dương phải vào lò
Cảnh tình thật tội mỗi giờ một nguy
Quạ ta cũng đã nghĩ suy
Cho nên không xuống vội phi về nhà
Chuột, Rùa thấy Quạ chạy ra
"Linh dương nguy quá nó sa bẫy rồi"
Ba con bàn luận một hồi
Quạ rằng: "Giờ Chuột với tôi lên đường
Ta đi tháo bẫy Linh dương
Anh Rùa chậm chạp khôn đương việc này
Anhđành ở giữ nhà đây"
Dứt lời Chuột chạy, Quạ bay tức thì
Nhưng Rùa cũng cứ theo đi
Càng đi càng tức chân kia, mai này
Đến nơi Chuột cắn lưới dày
Linh dương thoát được khỏi tay lưới Người
Thợ săn cũng chay đến nơi
Hô rằng: "Ai cướp mất mòi của tôi?"
Quạ bay lên ngọn cây Sồi
Linh dương vào bụi, Chuột chui xuống hầm
Thợ săn trong dạ càng căm
Thấy Rùa lững thững thẳng xăm đến liền
Bỏ Rùa vào đẫy xách lên
Nói rằng: "Mày đã chọc điên tao rồi
Tối nay tao thịt mày chơi"
Dễ thường Rùa phải bỏ đời đó chăng?
Quạ trông thấy bảo Linh dương
Linh dương nhảy vụt, Người quăng đẫy Rùa
Giả đi lạc để Người lùa
Chuột ta nhân dịp nhảy vô gặm liền
Rùa ra ai nấy băng miền
Trong bốn con ấy nên khen con nào?
Kể công thì Chuột đứng đầu
Nhưng con nào cũng yêu nhau hết lòng
Chữ tâm quý hoá vô cùng
Yêu nhau rời núi lấp sông quản nào


Hai con dê
Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh

Khi nào dê đã ăn no
Thì dê hay thích tự do chơi bời
Đi tìm những chốn xa khơi
Những vùng khuất nẻo, những nơi vắng người
Núi cao cây cỏ tốt tươi
Dưới khe sâu thẳm, đá đôi ba hòn!
Các cô đến đấy nhảy bon
Chẳng ai ngăn được dê non chạy quàng
Một hôm dê cái hai nàng
No nê bỏ nội cỏ vàng đi rong
Hai bên bờ suối nước trong
Tình cờ đâu lại đi cùng tới bên
Có cầu nho nhỏ bên trên
Đôi cầy họa mới đi len nhau vừa
Dưới khe dòng nước chảy bừa
Đứng trên nom xuống nghĩ mà ghê thay!
Nhịp cầu tấm ván lung lay
Vậy mà dê nọ bước ngay một đầu
Dê kia nào có hãi đâu
Đưa chân cũng bước đầu cầu bên kia
Thoát coi nào có khác chi
Vua Pha-nho với vua Louis hội đồng
Hai nàng bước một thong dong
Giữa cầu thoắt đã đicùng tới nơi
Kiêu căng ai lại nhường ai
Cũng nòi đáo để, cũng vai anh hùng
Cô này cậy cháu nhà tông
Dê này Bách lý là ông sáu đời
Con dòng cháu giống phải chơi!
Cô kia khi ấy tức thời nghĩ ra
Tổ tiên ngũ đại nhà ta
Là dê Tô Vũ ông cha kế truyền
Cũng là cháu phượng con tiên
Hai cô cùng dấn bước lên nhịp cầu
Nào ai có nhượng ai đâu
Ganh nhau cho đến đâm đầu xuống khe
Câu này chẳng những chuyện dê
Bước đường danh lợi ngưởi đi cũng đường


Dê, cừu và lợn
Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh

Con Dê, con Cừu, con Lợn béo
Cùng một xe đương kéo qua đường
Chủ nào có phải vì thương
Đem ra chơi chợ coi phường leo dây
Hay là dắt đi đây đi đó
Để cho coi phường phố thị thành
Chẳng qua đem bán cho nhanh
Nó tham lời lãi chớ tình nghĩa chi
Lợn í éc một khi ỏm tỏi
Ngỡ trăm dao nó đuổi theo sau
Dê, Cừu chẳng rõ vì đâu
Mà kêu nhức óc váng đầu người ta
Hỏi: - Cớ chi mà la thế vậy?
Thử im mồm nằm đấy xem sao?
Chủ nhân nổi giận ào ào
Mắng Heo vô cớ kêu gào điếc tai
- Kìa bắt chước như hai gã nọ
Cứ ở yên phỏng có mất gì?
Con Cừu ngậm miệng lì lì
Khôn ngoan rất mực ai thì không yêu
Heo bèn đáp: - Lựa theo thằng ngốc
Tôi đây nào phải học chú Cừu
Ví chăng Cừu biết phận Cừu
Thì Cừu chắc hẳn lo ưu mấy lần
Còn Dê nọ an thân nằm đó
Cũng chẳng qua là họ ngu si
Hai thằng này ngỡ có khi
Gọt lông và sữa vắt đi là cùng
Có lẽ thế là xong phận họ
Còn tôi đây thân nọ đã đành
Chỉ đem nướng chả, nấu canh
Sống mà cái chết vẫn dành một bên
Cho nên phải khóc rên rầm rĩ
Ngẫm Heo ta thâm thúy lạ dường
Nhưng mà dẫu thét cùng đường
Chết đành vẫn chết ai thương đâu mà
Biết cam thân phận mới là

 Dê mẹ dê con và chó sói
Bản dịch của Tú Mỡ
Muốn đầy căng vú thõng
Mẹ Dê kiếm cỏ non
Ra đi, cài chặt cửa
Không quên dặn dê con:
"Con ơi, phải khôn hồn
Bất cứ ai gọi cửa
Phải coi chừng, chớ mở
Nếu mật hiệu hô sai:
"Diệt sói, diệt cả nòi"
Mẹ Dê đang mải dặn lời
Bỗng đâu chó sói tới nơi tình cờ
Lắng nghe vừa đúng thời cơ
Nhẩm câu dê mẹ dặn dò nhập tâm
Như ta có thể tin rằng
Không trông thấy gã cha căng háu mồi
Mẹ Dê sơ ý vậy thôi
Sói chờ lúc nó vừa dời chân đi
Đến gõ cửa, mạo giọng dê
Hô câu "Diệt sói" lăm le chực vào
Dê con chưa đủ tin nào
Nhìn qua khe cửa thoạt đầu quát ngay:
"Hãy giơ chân trắng ra đây
Nếu không, đếch mở!" Xưa nay lạ gì
Tông môn nhà sói đen sì
Nhìn xem bốn cẳng ít khi trắng ngà
Sói nghe câu nói bất ngờ
Nãy trơ mõm đến, giờ trơ mõm về
Khen thay chú bé nhà dê
Sói đơm khẩu hiệu, nếu nghe nhập nhằng
Có khi đã chết nhăn răng
Cho hay một chắc, không bằng thêm hai
Chữ rằng: "Cẩn tắc..." không sai

Bò, dê, cừu và sư tử

Bản dịch của Nguyễn Đình

Bò, Dê với ả Cừu, ba mụ
Cùng đại vương Sư Tử oai hùng
Chúa sơn lâm ở trong rừng
Cùng nhau lập hội, tính chung lãi lời
Dê đánh bẫy được nai một chú
Vội vã mời đông đủ hội viên
Tựu tề đủ mặt bốn bên
Soạc chân, Sư Tử đếm trên vuốt ngài
Rằng: "Bốn ta chia mồi làm bốn"
Sả nai ra, Sư chọn phần đầu
"Đây phần chúa tể là tao
Danh xưng Sư Tử, quyền cao lưu truyền"
Cái lý ấy hội viên chịu cứng
Phần thứ hai lại cũng: "Về tao!
Quyền này không biết hay sao?
Là quyền kẻ mạnh, đứa nào dám tranh?"
Phần ba Sư lại giành lấy mất
Bởi "Tao đây đệ nhất anh hùng!
Phần tư bay cũng đừng hòng
Đứa nào đụng đến thì ông thịt liền?"

Cáo và dê
Bản dịch của Nguyễn Đình và Huỳnh Lý

Đầu lĩnh Cáo một hôm đi dạo
Cùng bạn Dê cao nghệu đôi sừng
Cáo, vua xỏ lá danh lừng
Để nhìn xa, cũng khoảng chừng mũi Dê
Cơn khát đến, rủ rê xuống giếng
Cáo cùng Dê ngon miệng uống tràn
Đã cơn, Cáo mới luận bàn:
"Uống rồi ta liệu tìm đàng mà lên
Cất chân trước, sừng nghênh cao nữa
Thành giếng làm chỗ tựa, bạn ơi!
Tôi leo lưng bạn, tôi ngồi
Lại leo sừng bạn tôi rời nơi đây
Nhờ sử dụng máy này như thế
Tôi ra ngoài kéo lẹ bạn ra"
Dê cho mưu ấy cao xa
Viện râu chứng giám, khen là kế hay
"Anh, người sâu sắc lắm thay
Già đời tôi cũng khôn bày mưu cao!"
Cáo ra khỏi, giở câu lật lọng
Thuyết một thôi: "Vững bụng! Kiên tâm!
Trí anh ví địch râu cằm
Thì đâu anh có xuống nằm giếng sâu!
Anh ở lại, xin chào anh vậy!
Cố mà ra, chớ ngại gian nan
Tôi đây còn bận việc cần
Gấp rồi, dừng lại giữa đàng khó thay!"
Việc đang diễn khó biết ngay
Việc xong, mới rõ dở hay lòng người.

            Mùa xuân đọc thơ ngụ ngôn của La Fontaine để càng thấm thía hơn bài học về chân lý cuộc sống. Thông qua hình ảnh của các nhân vật (loài vật) trong thơ để mình tự chiêm nghiệm mình trước các giá trị đạo đức mà nhà thơ gửi gắm cho hậu thế.
Chúc các bạn năm Ất Mùi an vui, hạnh phúc.

26/01/2015

GIAOMUA