Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Lá rụng sân trường

Lá rụng sân trường

Hoa nắng lung linh trên vai trên tóc
Hoa nắng đùa vui trên má trên môi
Cơn gió thoảng qua ngập ngừng bối rối
Em khẽ đưa tay ôm nắng vào lòng.

Có chiếc lá vàng buông mình theo gió
E ấp nhìn em mắt biếc thẹn thùng
Lá sẽ về đâu trên sân trường vắng
Nuối tiếc một thời hoa nắng quàng vai.

Áo trắng nhạt nhòa trên những tàn phai
Ta lại lang thang tìm chút dư hương ngày cũ
Mấy cây xà cừ lặng yên ủ rủ
Những vết sẹo học trò đã lành theo dấu thời gian.

Đâu rồi bạn bè của một thuở nghịch hoang
“Nhất quỷ nhì ma...” làm thầy cô ngao ngán
Những con chữ tật nguyền mang dáng hình bom đạn
Chiến tranh làm lụi tàn từng tất đất quê hương.

Đâu rồi dáng thầy cô của ngày tháng yêu thương
Những phòng học buồn tênh ghế bàn sầu trống vắng
Và những dãy hành lang im lìm tỉnh lặng
Hun hút một nỗi buồn nỗi nhớ mái trường xưa.

Tượng chí sĩ Tây hồ dầu dãi với nắng mưa
Giữa sân  trường bụi mờ rêu phong khói phủ
Yêu biết mấy thời sách đèn đã lùi xa vào quá khứ
Ta lại gặp em về mơ lá rụng chiều nay.

18/11/2014
Dzu Tử


 

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Giao mùa với 20/11

Giao mùa với 20/11

                       Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, là ngày tôn vinh công lao dạy dỗ của các thầy cô giáo cho các thế hệ học sinh chúng ta. Là người đã trao chìa khóa tri thức của nhân loại để cho các thế hệ học sinh chúng ta bước vào đời làm chủ thiên nhiên làm chủ cuộc sống để xây dựng một xã hội văn minh tiến bộ công bằng. Chúng ta cũng đã từng nghe một chân lý rất giản dị đơn sơ mà rất là cao thượng: “Cơm cha áo mẹ chữ thầy”, câu nói tự ngàn xưa không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm của mỗi thé hệ con người Việt Nam chúng ta và càng lớn lên ta mới càng thấu hiểu,càng thấm thía hơn cái ý nghĩa rất đời thường mà lại phi thường của nó.
                      Cha mẹ nuôi  ta lớn lên bằng đời sống vật chất, cho ta dáng vóc hình hài; còn thầy dạy ta lớn lên trong đời sống tinh thần mở mang tâm hồn và trí tuệ,thầy cho ta tri thức để làm người, làm chủ đất nước tương lai. Ông cha ta xưa cũng đã từng nói: “Không thầy đố mày làm nên” và cả cái lễ giáo của đức Khổng Mạnh cũng đã dạy chúng ta “Nhất nhật vi sư, bán tự vi sư”.Vị trí của người thầy cũng đã được nhà nước thời phong kiến đặt vào hàng thứ hai sau đấng quân vương: “Quân sư phụ”. Như thế vai trò vị trí của người thầy trong đời sống xã hội quan trọng đến nhường nào.
                     Chào mừng ngày nhà giáo việt nam 20/11/2014, Giao Mùa xin kính chúc các Thầy Cô giáo và các bạn của lớp 12A3 đã và đang là thầy cô giáo đang giảng dạy ở các cấp học được mạnh khỏe, gia đình an vui và hạnh phúc.
Nhân đây xin phép nhà thơ Hữu Thỉnh cho Giao Mùa được đăng lại bài thơ“Thưa Thầy”của tác giả để gọi là làm một món quả nhỏ dâng lên các Thầy Cô Giáo để bày tỏ lòng tôn sư trọng đạo.

  Thưa thầy

Trước ngọn thước là con đường xa tắp
Bông hoa nào cũng có vẻ bình yên
Và em tin - qua cay đắng vẫn tin
Có dòng suối không làm đau bóng thỏ.

Đời vấp ngã - thưa thầy - nhiều vấp ngã
Chẳng ở đâu xa,ngay giữa con người
Em lặng lẽ bước đi,hoảng hốt nghĩ về thầy
Đời nhanh quá - vui buồn chưa kịp cũ.

Đời ngắn quá,tóc thầy như khói phủ
Giáo án mong manh bão giật đời thường
Cây trước cửa,gió ở ngoài tay với
Thầy một mình vật vã với văn chương.

Đang mùa bão đường về sông nước ngập
Giở trang Kiều thầy giảng chạnh lòng đau.
                                           
                                                         Hữu Thỉnh
15/11/2014
GIAO MÙA


Người thầy đầu tiên

Người thầy đầu tiên

Mừng ngày nhà giáo hôm nay
Cho ta nhớ đến những ngày ấu thơ
Chào đời mẹ hát ầu ơ
Ru ta chập chững giấc mơ làm người.

Dạy ăn dạy nói dạy cười
Dạy đi dạy đứng vui tươi cuộc đời
Công cha nghĩa mẹ biển trời
Sinh thành dưỡng dục ta thời nào quên.

Ơn người ta biết vươn lên
Sống trọn đạo lý đáp đền nghĩa nhân
Không thầy muôn kiếp ngu đần
Đối nhân xử thế vong ân khó gì.

“Ấu bất học lão hà vi”
Đừng đem quá khứ so bì tương lai
Núi cao biển rộng sông dài
Người thầy thứ nhất sơ khai mẹ hiền.

16/11/2014

Nhân Trần

Ký ức tuổi thơ

Ký ức tuổi thơ

                        Ngày tôi còn bé  quê hương còn rất yên bình, việc học cái chữ ở các trường làng thật là vất vả vì quê tôi thuộc vùng trung du bán sơn địa. Trường học chủ yếu là trường tư. Nói là trường chứ thực ra là nhà ở của các ông giáo làng chái thêm cho rộng ra rồi kê năm ba dãy bàn và ghế sơ sài cho học trò ngồi học. Một lớp học gồm mấy lớp học chung với nhau từ lớp năm cho đến lớp nhất (Các lớp học của ngày xưa của cấp một ngược với bây giờ và không có lớp mẫu giáo mà có lớp vỡ lòng. Cách gọi các lớp cấp tiểu học ngày xưa là: Lớp 5 bây giờ là lớp 1, lớp 4 là lớp 2, lớp 3 là lớp 3,l ớp nhì là lớp 4 và lớp nhất là lớp 5). Mỗi lớp có năm bảy trò, thầy xếp các lớp lớn vào với nhau và ngồi quay lưng lại với các lớp nhỏ. Mỗi mình thầy dạy tất tần tật tất cả các môn ở cấp tiểu học, từ tập viết, tập vẽ, chính tả, toán đố, vệ sinh thường thức, địa lý, lịch sử, tập làm văn, công dân giáo dục......vân vân và vân vân.
                       Trước khi được đến trường học, tôi và mấy đứa em tôi được ba tôi “dạy thêm” trước ở nhà 24 chữ cái và 10 con số đếm. Vì giấy bút mực hồi ấy quá hiếm hoi, nên ba tôi rọc lá chuối sứ (loại chuối chát có hột) phơi qua một nắng cho lá rút bớt mủ rồi ông vót mấy chiếc đũa tre mứt nhọn trui sơ qua lửa cho khỏi bị tà đầu để làm bút. Cứ mỗi buổi trưa đi làm về, sau khi ăn uống xong nghỉ ngơi một lúc là ông kê tấm ván gỗ mít lên hai con ngựa (ghế băng), sai mấy anh em tôi mỗi đứa lấy một cái ghế đòn để ngồi rồi ông dạy đánh vần 24 chữ cái và bày chúng tôi tập viết các mẫu tự lên lá chuối. Thật ngộ nghĩnh và buồn cười với những nét bút đầu tiên, chúng tôi vẽ giun vẽ rắn lên các tấm lá chuối một cách nghuệch ngoạc ngô nghê, thậm chí tôi đè cái đũa bút tre mạnh qúa khiến cho lá chuối bị rách, nhưng ba tôi không trách mắng mà chỉ cười và động viên anh em tôi tập viết một cách kiên trì và nhẫn nại.
                       Chỉ một thời gian sau, anh em chúng tôi đã biết viết và đọc được 24 chữ cái và mười con số đếm một cách ngon lành với vở lá chuối, viết bằng bút đũa tre và điều ấy đã làm cho ba mẹ tôi vui lắm. Tôi còn nhớ mấy kỷ niệm về những ngày đầu tiên học chữ bằng vở lá chuối viết với bút đũa tre khi đã hết “vở” tôi sử mấy đứa em tôi lấy than củi viết lên mấy cánh cửa gỗ ở ông nội tôi và thế là sau đó chúng tôi được một trận đòn đỏ đít. Rồi có lần cao hứng tôi lại rủ mấy tên bạn cùng lứa ra ngôi chùa duy nhất của làng, lấy mấy miếng ngói vỡ làm phấn rồi thi nhau viết vẽ lên bức tường của nhà chùa để rồi chúng tôi bị ông thủ từ bắt vào quỳ trong nhà hội quán, chờ cho đến khi có cha mẹ đến xin lỗi nhà chùa mới được cho về nhà và kết quả đứa nào cũng được một trận đòn nớt đít. Có một cách tập viết an toàn nhất là rủ nhau lấy chổi đót quét sân đất cho thật sạch rồi chia nhau ra lấy que tập viết, khi viết hết chỗ rồi thì lại quét đi cho sạch để viết tiếp một cách thoải mái mà không sợ bị ai quở trách cả mà có khi còn được khen ngợi nữa.
                        Sau khi tôi được ba tôi kèm cặp vỡ lòng, lần đầu tiên tôi được đến trường của ông giáo làng học tập,mẹ tôi may cho tôi bộ đồ bà ba bằng vải ta mới màu nâu, ba tôi sắm cho tôi một đôi guốc mộc bằng gỗ thầu đâu (gỗ xoan) có đôi quai bằng võ lốp xe đạp cũ Mít- xờ-lanh màu đỏ bầm và ông làm cho tôi một lọ mực bằng bình thuốc pi-ni-ci-lin có gắn một cục xi măng làm đế cho khỏi đổ. Còn ông nội tôi xin của người hàng xóm miếng võ bao xi măng rồi bồi cho tôi một bìa vở mới cứng còn thơm phức mùi hồ. Tôi hớn hở theo ba tôi đến trường nhà ông giáo và tôi đã bắt đầu tập tễnh làm một chú học trò quê ở dưới mái trường làng.
                        Có lẽ đến bây giờ nhìn lại thấy sao mà buồn cười đến vậy và tôi cũng chưa hề kể lại cho các con tôi nghe về những ngày xưa thơ dại ấy của chính mình. Biết đâu chúng lại cho rằng mình là những người lẩm cẩm kể chuyện cổ tích đời xưa hay lại than vãn chuyện quá khứ xa xăm của những con người hoài cổ. Vẫn biết rằng mỗi thời mỗi khác, chúng ta không bắt con cái chúng ta phải nghĩ và giống như quá khứ của chúng ta. Song, tôi chắc rằng trong thế hệ chúng ta ai cũng có một thời như thế tuy không ai giống ai, nhưng với riêng tôi ấy là một thời đẹp nhất và dễ thương nhất trong những cái ngây ngô thơ dại của mình. Cũng xin được dài dòng văn tự một chút, sở dĩ thế hệ học trò chúng ta ngày ấy già trước tuổi cũng bởi do hoàn cảnh chiến tranh ly loạn, có thể một lớp học mà có khi phải học đến 2 , 3 năm mà chưa xong được vì khói lửa đạn bom nên phải tản cư liên tục và con chữ trở thành một niềm mơ ước xa vời. Kỷ niệm về tuổi học trò của thời thơ ấu nhiều và nhiều lắm,và đó mới chỉ là một mãng của ký ức tuổi học trò thơ dại ngày xưa và mong rằng nó sẽ gợi lại trong mỗi chúng ta những kỷ niệm đẹp của tuổi thần tiên trong mỗi đời người mà sẽ không bao giờ gặp lại. Có còn chăng cũng chỉ là mơ!

12/11/2014

TÊ KA

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Gần mà xa

Gần mà xa

        Mấy ngày qua bận túi bụi không về thăm Giao Mùa được, bữa ni mới được chút thảnh thơi nên tui chạy ù một hơi lên nhà Giao Mùa. Mới vừa mở cửa ra tui mới tá wả vì lão Quản gia đã bày ra ê hề các món nhậu, nào là sườn non rang muối, sườn non rán, sườn non rang sả và sườn non rim mè... (nghe mà chảy nước bọt chưa?). Mà đã hết đâu, lão ta còn bày lên nào là món giả cầy chân giò, món gà kho gừng và món ốc nấu chuối đậu... Ui chu choa mạ wơi! Reng mà lão ác ghê rứa lão Quản hì? Làm cho cái thèng tui vốn dĩ mang tiếng là đệ nhất trột eng không sao cầm được cái tính háu eng đó, ruột gan tui cứ trộn trạo như cái cối xay lúa lúc đã mòn reng. Lão còn đánh tiếng ai có mần theo cách lão bày thì hú lão với nghe! Ái chà chà.... bở eng quá mà!
         Tuy lão Quản bày biện nhiều loại ẩm thực tuyệt cú mèo như rứa mà tiếc là chẳng có ai zề để cùng thưởng thức với lão, cùng nhâm nhi với nhau một chút ruga (rụ gạo đó chớ hổng phải rụ Tây mô) trong những ngày giá lạnh của mùa đông nầy. Nhân nhắc tới cái chiện nhà cửa vắng vẻ ni tui mới sực nhớ ra là hình như lâu lắm rồi thì phải, bà con làng mình không biết đi mô hết mà chẳng thấy ai ghé zề chơi. Chả bù cho những ngày đầu tái hợp, một tuần gặp nhau không biết mấy chở, có ngày lại lê la với nhau có đến mấy lần mà không biết chán,còn giờ sao vắng lặng rứa zậy ta? Cũng may là năm ni nhuần 2 tháng 9 chứ không ngó tết đến nơi rồi và không biết tết năm ni làng mình có chi zui không ta ?
Đã lâu lắm mới có được một cuộc gặp mặt chớp nhoáng nhân đám cưới con trai của cô nàng Chiêu Anh, mà ngặt nỗi hôm ấy trời lại mưa dầm lê thê mới ác chớ. Bà con làng mình có đâu hơn một mâm: ngoài vợ chồng bác Cả và vợ chồng Thu Sương, còn lại có anh Mõ, Đức Lang, Lý phó, Tuyền, Xuân, nhà chị bán xôi Mây xanh, Diệu Liên và lão Lý. Nhưng lão Lý mới ngồi độ nửa tiệc thì xin phép cáo từ chạy lên khu công nghiệp Hòa Khánh để làm việc, không biết hôm nớ bà con làng mình còn ngồi lại có lâu không và chắc có nhiều chiện vui lắm hỉ?
          Ụa! cái thằng tui lại chiện nọ xọ chiện kia rùi! Đang núa chiện về eng ún lại sa vào cái chiện cưới hỏi thiệt là lạc đề hết chỗ chê. Quả là cái tài zô bếp Online của lão Quản không ai bì kịp, mà không biết trên thực địa có được như rứa không ta? Thực đơn lão bày ra vô cùng hấp dẫn nhưng ngặt nỗi rất gần mà lại quá ư là xa, gần tận mắt mà xa tít cái cửa mồm, bùn thiệt! Nhưng dầu sao cũng cám ơn lão Quản gia, vì nhờ có lão mà cái bếp của Giao Mùa luôn luôn đỏ lửa và ngôi nhà của Giao Mùa luôn ấp áp suốt bốn mùa xuân hạ thu đông...

11/11/2014
TÊ KA

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Món ngon mùa lạnh

Chuẩn bị sang mùa lạnh rồi, có mấy món để các bạn nhậu Online nhé!

Giả cầy chân giò
Chân giò lợn nấu giả cầy là món ngon được nhiều người ưa thích, đặc biệt là trong thời tiết mưa lạnh. Đặc biệt, món giả cầy có thể nhâm nhi cùng chén rượu ấm lòng ngày lạnh. Như vậy là các mẹ đã có thể giúp ông xã đãi bạn vào ngày cuối tuần này.
-Nguyên liệu: 1 móng giò (chân trước nhiều thịt hơn); mẻ; mắm tôm; mật mía; ớt; bột canh; mỳ chính; riềng; sả; rau sống ăn kèm.
Thời tiết se lạnh ăn món gì ngon? - 1
- Chế biến:
+Móng giò đem nướng trên than hoặc nếu không có than bạn có thể nướng trên bếp ga.
+Chặt miếng vừa phải như hình để thịt dễ ngấm gia vị.
+Riềng, sả đập dập thái nhỏ. Ớt thái nhỏ.
+Ướp chân giò với mắm tôm, mẻ, mật mía, ớt; riềng sả đã thái nhỏ trong nồi khoảng 10 – 15 phút.
+Sau đó cho nồi lên bếp đảo săn thịt.
+Tiếp đến, nếu có nước chè xanh, bạn cho một cốc nước chè xanh vào, nếu không bạn cho một cốc nước lọc vào để ninh kỹ trong 30 phút.
Như vậy là bạn đã có món giả cầy chân giò béo thơm, cay cay của riềng, ớt đãi cả nhà rồi.
Thời tiết se lạnh ăn món gì ngon? - 2


Gà kho gừng
Nguyên liệu: thịt gà (300g hoặc tùy theo số người ăn để làm), gừng, bột nghệ, đường,nước mắm, hạt nêm, tỏi, ớt, tiêu.
Thời tiết se lạnh ăn món gì ngon? - 3
Chế biến:
+Thịt gà rửa sạch, chặt khúc nhỏ vừa ăn. Gừng gọt vỏ thái sợ chỉ.
+Cho tỏi vào nồi phi thơm với dầu, sau đó cho thịt gà vào đảo săn.
+Tiếp đến nêm gia vị nước mắm, đường, hạt nêm rồi đảo đều.
+Cho ít nước lọc nấu sổi rồi cho ít bột nghệ vào và hạ nhỏ lửa, kho đến khi thịt gà chín mềm, thấm gia vị. (Nếu có nồi đất, bạn có thể cho thịt gà vào nồi rồi mới đảo tiếp đến lúc thịt chín).
Như vậy là bạn đã có món gà kho gừng bùi bùi, cay cay đãi cả nhà rồi.

Ốc nấu chuối đậu
Đây là món ăn dân dã nhưng lại thơm ngon, đưa cơm vào ngày lạnh .
Nguyên liệu: Ốc nhồi, thịt ba chỉ, đậu phụ, chuối xanh, mắm tôm, mẻ, lá tía tô, hành tươi, tỏi khô, ớt, nước mắm, muối, mì chính.
Thời tiết se lạnh ăn món gì ngon? - 4
Chế biến:
+Ngâm ốc vào nước gạo một đêm cho ốc nhả hết bẩn ra, vớt ra rửa sạch, khêu lấy ruột, bóc bỏ đường phân, bóp ít muối, rửa sạch, để ráo nước. Con to cắt làm đôi.
+Chuối xanh tước bỏ vỏ, cắt khúc dài 3 cm rồi bổ tư, ngâm vào nước lã có pha mẻ hay giấm cho chuối khỏi thâm, luộc qua cho bớt chát.
+Đậu phụ thái miếng vừa ăn rán vàng.
+Mẻ, mắm tôm nghiền nhỏ, lọc lấy nước, bỏ bã.
+Nghệ rửa sạch, giã nhỏ,vắt lấy nước.
+Thịt ba chỉ rửa sạch, thái miếng mỏng.
+Hành nhặt rửa sạch, thái khúc. Tỏi, ớt băm nhỏ. Tía tô nhặt rửa sạch, thái nhỏ.
+Ướp ốc và thịt lợn với nước mắm, mẻ, mắm tôm, nghệ, ớt, tỏi để 15-20 phút cho ngấm nhưng để riêng ốc và thịt lợn.
+Cho một ít dầu, mỡ vào chảo, đun nóng rồi cho hành, tỏi vào phi thơm. Tiếp đến, cho thịt vào xào săn rồi xúc ra. Sau đó cho ốc vào xào với hành tỏi còn lại, khi ốc vừa săn thì xúc ra.
+Cho chuối vào chảo cùng với mắm muối, nước nghệ đảo ngấm. Cho nước sôi vào xăm xắp chuối và thịt xào rồi đun sôi. Tiếp đến, cho đậu vào đun sôi lên cho đậu ngấm.
+Khi thịt, chuối chín mềm, đổ ốc vào đun cho sôi lại, nêm vừa mắm muối, bắc ra cho hành, tía tô vào, múc ra bát to, ăn lúc còn nóng mới ngon và không bị tanh.

Theo Hạ Vy (Đời sống & Pháp luật)

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Hồn quê

Hồn quê

Ngày ta xa quê, quê vẫn còn nghèo, nghèo lắm
Làng chỉ là một gò nổi giữa núi và sông
Đất cát bạc màu chỉ trồng khoai đậu bắp
Chén cơm không chỉ được dùng cho những lúc ốm đau.
Lũy tre làng nơi cắt rốn chôn nhau
Con người dân quê hiền lành chân chất
Suốt tháng quanh năm nón cời chân đất
Đi mòn hết cuộc đời mà chưa có được một ngày vui.
Đường làng quanh co đèo dốc ngược xuôi
Mỗi mùa đông về mây giăng trắng núi
Chiều chiều mưa dầm tiếng mang kêu bên suối
Tu hú lạc bầy xao xác bóng trời đêm.
Tiết tháng mười mùa lũ nước lên
Từ nguồn trôi về cành khô củi mục
Có con chim nó kêu bắt cô trói cột
Tuổi thơ đi qua trong nghèo khó an lành.
Đất nước hòa bình quê hương hết chiến tranh
Bà con quê ta đi vào hợp tác
Bộ mặt nông thôn có đôi phần đổi khác
Chiếc áo thời bao cấp đã bạc màu sờn gấu vá vai.
Ngọn gió đổi mới bùng lên bừng sáng một tương lai
Núi rừng quê hương đã bắt đầu chảy máu
Những dòng sông không còn trong xanh và êm ã
Chỉ còn là những lạch nước đục ngầu bờ bãi đìu hiu.
Những ngày lễ ngày tết ở thôn quê rộn rã biết bao nhiêu
Dân làng không còn chơi lô tô hay bài chòi truyền thống
Đường bê tông xe máy rú gầm náo động
Karaokê thi nhau inh xóm inh làng.
Tôi ôm khư khư cái quá khứ đã ố vàng
Về lại quê xưa bỗng thấy thèm thấy nhớ
Nhớ con sông Vu Gia bên bồi bên lỡ
Nhớ những bờ cừ ngăn sông cho guồng xe nước quay vòng.
Nhớ con đường làng trưa nắng cong cong
Tiếng mẹ à ơi ru theo nhịp võng
Con gái chơi ô con trai đá bóng
Thiên đường tuổi thơ vui cõng nắng trưa hè.
Ta làm cuộc phiêu bồng về quá khứ lắng nghe
Thèm tiếng cu gù trên ngọn tre lặng gió
Thèm khói lam chiều bay là đà trước ngõ
Say khướt hồn quê khi hoàng hôn vừa đổ xuống bên đời.

05/11/2014
Lãng Dzu






Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Món ngon với sườn heo non

Sườn non rang muối
Ngon cơm với sườn non rang muối - 1
Nguyên liệu: 
500g sườn non, 1 quả trứng gà 200g lá lốt, 20g sả cây, 10g củ gừng, 10g củ riềng, 10g hành tím, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 2 thìa súp bột năng, 1/2 thìa súp tiêu xay, 1 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê muối hạt; Dầu để chiên, muối tiêu chanh ăn kèm
Các bước thực hiện: 
1. Sườn non rửa sạch, xắt miếng vừa ăn, chần sơ, cho vào bát trộn đều với trứng gà, bột năng, ướp hạt nêm, bột ngọt, tiêu xay, đường, để thấm gia vị khoảng 15 phút
2. Lá lốt, gừng, riềng thái chỉ. Sả cây, hành tím bào mỏng 
3. Làm nóng dầu ăn, cho sườn non vào chiên vàng, vớt ra để ráo dầu. Dùng lại chảo, cho lá lốt, sả, gừng, riềng, hành tím vào chiên giòn
4. Làm nóng một chảo khác, cho muối vào rang khoảng 2 phút, cho sườn và hỗn hợp rau củ chiên giòn vào xóc đều tay trên lửa lớn khoảng 1 phút là được
5. Cho sườn ra đĩa, chấm muối tiêu chanh.
Mách nhỏ: 
Chiên suờn không chiên quá lâu, sườn sẽ bị teo lại và mất độ giòn. Khi xóc muối, phải xóc nhanh tay, đều để các nguyên liệu ngấm đều muối.

Sườn non rán
Thơm ngào ngạt món sườn non rán - 1
Nguyên liệu:
Sườn non: 500gr
Xà lách, cà chau bi, ngò rí, cơm nóng, 1 gói gia vị hoàn chỉnh sườn rán, 2 củ hành, 2 tép tỏi.
Cách làm:
Sườn non rửa sạch, lọc bớt phần mỡ, để ráo. Chặt sườn thành từng khúc 3-4 cm. Củ hành và tỏi lột vỏ, băm nhuyễn.
Ướp sườn với 1 gói gia vị hoàn chỉnh sườn rán, hành băm, tỏi băm, để sườn thấm.
Đun nóng chảo, cho dầu ăn vào, đợi dầu sôi, cho từng miếng sườn vào rán, để lửa vừa. Rán cho sườn chín vàng hai mặt. Sau đó gắp sườn ra để ráo dầu, bày ra đĩa và trang trí thêm cà chua bi, ngò rí, xà lách, thưởng thức với cơm nóng.
Mách nhỏ: Chọn miếng sườn non có phần thịt và xương gần bằng nhau. Để khử mùi tanh của sườn, bạn có thể dùng rượu rửa sơ qua rồi rửa lại bằng nước sạch.


Sườn non rang sả
Nguyên liệu:

300gr sườn non
Vài tép tỏi
30gr sả bằm sẵn
3 thìa cà phê bột năng
Muối, nước mắm, đường
Tương ớt.
Sườn non rang sả ăn kiểu gì cũng ngon - 1


Cách làm:
Sườn non rang sả ăn kiểu gì cũng ngon - 2

Sườn non rửa sạch, đổ nước xâm xấp mặt sườn, đun sôi khoảng 30 phút để miếng sườn mềm rồi vớt ra để vào bát, nêm với 1 thìa cà phê muối, ½ thìa cà phê đường.

Sườn non rang sả ăn kiểu gì cũng ngon - 3

Đổ bột năng ra bát, lăn từng miếng sườn qua bát bột năng.

Sườn non rang sả ăn kiểu gì cũng ngon - 4

Làm nóng dầu ăn trong chảo, gắp từng miếng sườn thả vào chiên vàng đều hai mặt rồi vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu.

Sườn non rang sả ăn kiểu gì cũng ngon - 5

Đổ hết dầu ăn trong chảo ra ngoài bát riêng, cho tỏi vào phi thơm.
Sườn non rang sả ăn kiểu gì cũng ngon - 6
Nhanh tay thêm sả vào cháy cạnh.
Sườn non rang sả ăn kiểu gì cũng ngon - 7
Cho sườn non đã chiên vàng vào chảo đảo đều, công đoạn này làm nhanh tay đến khi sả bám đều quanh miếng thịt, bên ngoài hơi cháy xém thì tắt bếp.
Sườn non rang sả ăn kiểu gì cũng ngon - 8

Sườn non rim mè

Nguyên liệu:

400gr sườn non
2-3 thìa cà phê mè đã rang
2 củ tỏi, bằm nhuyễn
Nước tương (xì dầu), đường, ớt bột
Tiêu, muối
2 nhánh hành lá, bỏ rễ, xắt khúc khoảng 2cm.
Sườn non rim vừng ăn với cơm nóng hổi - 1
Cách làm:

Sườn non rim vừng ăn với cơm nóng hổi - 2

Sườn non chặt thành từng khúc nhỏ vừa ăn, rửa sạch rồi đổ vào nồi, thêm nước ngập mặt sườn, đun sôi tầm 30 phút thì vớt ra rổ cho ráo nước. Giữ lại nước luộc sườn.

Sườn non rim vừng ăn với cơm nóng hổi - 3

Làm nóng 2 thìa cà phê dầu ăn trong chảo, đổ tỏi vào phi thơm.
Sườn non rim vừng ăn với cơm nóng hổi - 4
Cho sườn vào rán vàng đều hai mặt.

Sườn non rim vừng ăn với cơm nóng hổi - 5


Sau khi sườn vàng đều, bạn nêm vào chảo thịt 2 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê nước tương, 1 thìa cà phê đường, nửa thìa cà phê muối, ớt bột, dùng đũa đảo đều. Châm vào nồi thịt khoảng 5 thìa súp nước luộc sườn, đun sôi rồi nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn.


Sườn non rim vừng ăn với cơm nóng hổi - 6

Khi sườn mềm, nước sốt kho thịt dẻo quánh lại bám đều xung quanh mặt sườn thì bạn từ từ đổ mè vào nồi thịt...

... dùng đũa đảo đều để vừng áo đều quanh miếng thịt, thêm hành lá thái nhỏ vào đảo đều rồi tắt bếp.
Sườn non rim vừng ăn với cơm nóng hổi - 7 

Theo 24h.com

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Mừng sinh nhật tháng 11


Trong tháng 11, cả lớp chúc mừng sinh nhật của  bạn

 Nguyễn Ngọc Tuyết:     05-11-1958

Giao mùa chúc bạn cùng gia đình luôn vui tươi, bình an.