Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

VIENNE


VIENNE (ÁO)


          Vừa mới từ Vienne về tôi  định chạy qua nhà Giao Mùa  kể chuyện về thành phố âm nhạc cho các nhạc sĩ nhà mình nghe luôn tiện xem thử có gì  mới  trong mấy ngày vắng mặt.

          Thì ra thiên hạ đang  bận rộn chuyện chải đầu, chải tóc…

          Chao ơi, ba đào của  mỹ nhân đã dìm chết lí trí minh mẫn của ngài Taha.  Mới nghe nàng Mây tâng cho mấy tầng, nhà Nhật học đã xách dép chạy theo bênh nàng chầm chập.

          Tôi cảm thấy mình bơ vơ chống chọi với đời. Lão quản gia thì ba phải:  chải đầu cũng như chải tóc!  Nhưng tui còn ai ngoài  lão  để cùng chiến đấu với anh hùng và mỹ nhân kia.


          Và cũng hên là tui vắng nhà, không thôi thì  cái miệng rất Quảng Nam hay cải của tui sẽ làm Giao mùa  gãy cây, tốc mái vì bút chiến. Thôi thì  sự đời đã thế  đã thì cũng nên cho qua.

 “Khôn ngoan đối đáp người ngoài

  Gà cùng một… lớp chớ hoài đá nhau.”

          Tuy nhiên xin nhắn với ngài Taha là lập luận như ngài thì ta gọi là mát xa đầu cho tiện.  Haha.


          Chuyện  người ngoài nè!

          Vừa rồi tui đi Vienne, đến tận quê hương của Danube bleu mới vở ra rằng nước sông Danuble không xanh mà đục nhờ nhợ.

          Đoạn qua Vienne, sông chỉ là con kênh nhung nhúc những cầu, những tầu, những contenair.

          Hơi thất vong, tôi tự an ủi : có lẽ thời của Strauss nước xanh, có thể vì ông là người Áo,  có thể Danube là con sông tuổi thơ của ông như… Tế Hanh chẳng hạn.

          Về nhà nghe lại Dòng Sông Xanh, vẫn dập dìu dồn dập và réo rắc như… một thời.

          Muốn nói với ai đó rằng tui đã lại sống với  Dòng sông Xanh của chúng mình ngày ấy rồi đấy nhé!

          Rồi đến căn  nhà của Beethoven, nơi ông đã sống 25 năm cuối đời mình sau lần toan tính tự tự  khi biết mình bị điếc. 

          Một bản di chúc, một vài cuốn vở mà ông đã dùng để bút đàm với người thân, một bức tượng bán thân, một nhúm tóc… tất cả chứa trong hai căn phòng be bé…

          Tất cả đều bằng tiếng Đức nên tui mù. Duy chỉ có bảng di chúc là đã dịch sang tiếng Pháp. Đọc thấy thương, thấy xót, thấy bực mình cho tạo hóa không biết xoay vần để rồi  vô lý bắt một thiên tài như  ông phải mang bệnh hiểm nghèo, để rồi không nghe được những sáng tác bất hủ của mình.

          Tuy nhiên bản giao hưởng số hai còn được gọi là Bản giao hưởng định mệnh   ra đời  trong thời gian  nầy  vẫn là kiệt tác đó thôi .

          Về nhà sợt Gu-gồ xem thử đã có ai dịch  bản di chúc đầy tâm sự của Beethoven sang tiếng Việt chưa. Nếu bác hội viên hội nhạc sĩ Đà Nẵng của làng mình chưa được đọc tui xin tình nguyện dich cả ba trang ra tiêng Việt cho bác gọi là quà.

          Tui cũng học đòi đi nghe hòa nhạc bác nhạc sĩ ạ . Các nhạc công mặc áo quần đẹp lắm.

          Vienne là thành phố có rất nhiều quán cà phê và đi uống càphê trở thành môn thể dục quốc gia của người Áo. Vì thế, định nghĩa về quán cà phê của họ cũng rất là người. Ví dụ :

« Être au café c’est se trouver chez soi sans  être à la maison »

          Hoặc

« C’est le meilleur endroit d’être seul en compagnie »

          Gần một tuần lang thang tui đã đáp vào không biết bao nhiêu là quán cà phê  nhưng  không đâu có cái kiểu uống caphê như nhà mình. Gọi một ly cà phê sữa đá, bạn có ngay cốc caphê sữa nóng hổi. Caphê vẫn ngon, vẫn thơm nhưng thiếu thiếu . Thiếu cái phin, thiếu từng giọt từng giọt chảy từ từ, thiếu cái sống chầm chậm ...

          Nhà bạn Pi vẫn còn giử cái lọc cà phê  thời bạn ấy còn trẻ. Không cùng système  cái nồi ngồi trên cái cốc như mình mà gần gần như thế. Thỉnh thoảng bạn Pi vẫn lôi ra chế uống để nhớ một thời... Cà phê bây chừ đã được công nghiệp hóa, nhấn nút một cái là có ly đen, nhấn thêm nút nữa là có sữa thêm nút nữa là có đường... Người vội vàng thì uống cái ực là xong, người không vội cũng chẳng ai bỏ ra cả buổi sáng nhâm nhi 30cl cà phê trong cái ly bé tí ti.

          Tôi nhớ thời còn à ơi với mối tình học trò, bọn tui hay hẹn nhau ở quán cà phê Tuổi Ngọc trên đường Phan Châu Trinh. Vừa nhấm nháp ly cà phê đắng ngắt vừa nghe nhạc Trầm Tử Thiêng làm như mình tâm trạng lắm.

Nhưng mà lúc ấy không hẹn nhau ở cà phê và chàng không hút thuốc là... chưa lớn mặc dù uống cà phê như uống thuốc bắc.

          Thế nhưng dần dần rồi quen, rồi nghiện. Những năm sinh viên khó khăn ở Huế, cả nhóm năm sáu đứa vào quán cà phê chỉ dám gọi 2 ly hoặc 3 ly. Xin thêm nước sôi, nhân bản lên  làm mấy cốc lạt  nhách thế mà vẫn ngon, vẫn hít hà...

          Cà phê ở Vienne  ngon, thậm chí là rất ngon nhưng phải tập uống theo kiểu khác, kiểu của thời hiện hại và sống vội.

          Còn nhiều thứ đáng để thăm để kể  như cái nghĩa trang thuộc loại lớn thứ hai của Châu Âu mà các thiên tài người Áo (không hiếm) đã yên nghỉ, nơi đây Có những ngôi mộ như đánh đố người thăm : «Tôi không ghi tên mình nhưng nếu bạn đã tìm đến đây hẳn  bạn đã biết tôi là ai.» hoặc  các nhà hát lớn  đánh dấu thời hoàng kim của nền âm nhạc Áo, hoặc  tòa lâu đài Schonbrunn của nữ hoàng SISSI, hoặc một buổi du thuyên trên sông Danube...

          Gởi về Giao Mùa một ít hình ảnh thay nhiều lời muốn nói

          Hẹn ngày về.


                                                                                      Paris 07/10/2013

     Người đàn bà đi
Nhà BEETHOVEN


Nhà BEETHOVEN
Tượng BEETHOVEN

Sông Danube


Mùa thu trên sông Danube

Lâu đài Schonbrunn

Cà phê


Phố đi bộ

4 nhận xét:

  1. Xin chào bà bạn Thọ Phan,
    Viên-nờ du hí , đâu chàng Pi-e.?
    Hỏi lthăm chàng ấy sức khoe :
    Lâu ni có chút màu mè chi không?

    Hm

    Trả lờiXóa
  2. Rất trông bản dịch của Thọ - Nhớ đính kèm bản chụp chính nha.
    Hm

    Trả lờiXóa
  3. Hoan hô bài viết hay, rộng của người đàn bà đi.
    Bà thả cái ba-ri-e , khóa họng ông bạn Taha lại không cho ổng cãi ngang cãi ngửa nữa . Làm tui hả dạ vô cùng ...ha ha . Cám ơn bà nhiều nhiều nha.

    Trả lờiXóa
  4. Tui sẽ nhờ Giao Mua đăng bản chụp. Bản dịch thì chờ nhé. Ít ra cũng phải vài chầu cà phê.

    Trả lờiXóa