Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Tâm hồn người thầy giáo trong vị danh tướng bất khả chiến bại.


Tâm hồn người thầy giáo trong vị danh tướng bất khả chiến bại.

          Trên thế giới, ngoài  Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hiếm có vị tướng nào nhận được sự nể phục và kính trọng của những người thua trận. Tướng De Castries- bại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải thừa nhận: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”. Và, gần 60 năm sau trận Điện Biên Phủ, khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, mới đây tại Paris, người Pháp đã làm lễ tưởng niệm vị danh tướng đã từng đánh bại đoàn quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Đông Dương.
          Ai cũng biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, phong trào Cần Vương, Duy Tân đã ảnh hưởng không nhỏ và nuôi dưỡng ý chí giành độc lập trong lòng Võ Nguyên Giáp. Từ thời còn đi học ở trường Quốc Học Huế, ông đã tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, Tháng 4/ 1927 ông bị đuổi học vì đã tham gia tổ chức một cuộc bãi khóa. Sau khi rời trường, Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây Võ Nguyên Giáp có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết dân tộc, cách mạng, đặc biệt là cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp và tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, Võ Nguyên Giáp bắt đầu nghề làm báo và bắt đầu sự nghiệp cách mạng.
          Năm 1936, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng. Tháng 5 năm 1939, ông nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc. Một năm sau, Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Nguyễn Ái Quốc. Thấy Võ Nguyên Giáp là người có tư duy quân sự nên Nguyễn Ái Quốc đã liên hệ với Đảng cộng sản Trung Quốc và cử ông đến Diên An để đào tạo chỉ huy. Tuy nhiên, do tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn. Ở châu Âu, phát xít Đức đã xâm chiếm Pháp. Nguyễn Ái Quốc nhận định tình hình Đông Dương sẽ chuyển biến nhanh, cần gấp rút trở về nước chuẩn bị đón thời cơ, do đó đã triệu hồi Võ Nguyên Giáp quay lại.
          Đầu năm 1941, Võ Nguyên Giáp cùng Nguyễn Ái Quốc trở về Cao Bằng. Tại đây, ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ Việt Minh ở Cao Bằng. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ đạo của Hồ Chí Minh (tên mới của Nguyễn Ái Quốc), ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
          Mặc dù chưa qua trường lớp đào tạo quân sự nào, tuy nhiên với khả năng thiên bẩm của mình. Võ Nguyên Giáp đã làm nên những kỳ tích trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngày 25 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, đây là chiến công đầu tiên, mở ra một thời kỳ mới cho cánh mạng Việt Nam.
          Là một thầy giáo dạy lịch sử, Võ Nguyên Giáp đã nằm lòng nghệ thuật quân sự của cha ông ta trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Hoa. Đó là phương châm lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh nhân dân, là sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiênquan điểm quân sự Hồ Chí Minh.    
          Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn". Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy chiến dịch tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân viễn chinh nhà nghề được trang bị hiện đại của chính phủ Pháp. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của thực dân Pháp tại Đông Dương đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một vị tướng lừng danh thế giới.
          Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, báo chí, truyền thông nước ngoài gọi ông là Napoleon của Việt Nam. So sánh Võ Nguyên Giáp với Napoléon là sự thể hiện lòng kính trọng và khâm phục về tài năng quân sự của thế giới đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, Napoléon- vị Hoàng đế- danh tướng của nước Pháp đã bị thất trận trước Nguyên soái Kutuzov tại Bodorino -vùng ngoại ô Moskva, còn Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Với tư duy nhạy bén và linh hoạt, Ông đã chỉ huy thành công những chiến dịch tưởng chừng không thể thắng, đưa ra những quyết định mà có lẽ không một vị tướng nào dám thực hiện. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ngay sát giờ nổ súng, để tránh tổn thất binh sĩ, ông hạ lệnh rút hết quân đội, pháo binh ra khỏi vị trí tác chiến, lùi thời điểm tiến đánh, chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
          Là một thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn lắng nghe, học hỏi, không bao giờ chủ quan và không bao giờ coi thường ý kiến cấp dưới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì nước ta nhỏ, yếu, nhân dân ta sẽ ít thôi, không nhiều như Trung Quốc cho nên làm thế nào để thắng địch nhiều mà tổn thất ít nhất”, chính vì thế, mặc dù chỉ huy một quân đội chính quy, nhưng ông rất coi trọng chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, lãnh đạo quân đội vũ trang cách mạng đi từ thắng lợi nầy sang thắng lợi khác, thế giới đã suy tôn Tướng Võ Nguyên Giáp như là bậc thầy số 1 về chiến tranh du kích. Nhiều nước thuộc địa trên thế giới học tập Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, đã quyết tâm đánh đổ thực dân, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
          Mặc dù không qua một trường lớp quân sự chính quy nào nhưng Võ Nguyên Giáp đã trở thành đại tướng đầu tiên của quân đội Việt Nam khi mới 37 tuổi. Ông được tôn vinh là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, Tân bách khoa toàn thư của nước Anh xuất bản năm 1985 trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, cùng với Hannibal, Kutuzov, Napoléon, Jukov... đã giới thiệu trân trọng hai danh tướng Việt Nam là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
          Nghệ thuật chỉ huy của ông mang đậm tính nhân văn, thể hiện tâm hồn của một thầy giáo, nhân hậu, nhẹ nhàng đồng thời quyết đoán, quả cảm. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu trong nghệ thuật chiến tranh cách mạng. Khi được chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ phải quý trọng sinh mạng bộ đội Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân. Thượng tướng Trần Văn Trà đã đúc kết: Tướng Giáp là một tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Chính tư tưởng đó đã định hướng cho sự phát triển và không ngừng lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
          Là vị tướng lãnh đạo quân đội thiện chiến nhưng Võ nguyên Giáp không phải là vị tướng hiếu chiến, chính vì thế, ông được thế giới ngưỡng mộ, kính trọng, kể cả những người đã từng là bài tướng dưới tay ông. Trong buổi gặp gỡ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara năm 1997, tướng Chester Cooper của phía Mỹ đã bày tỏ thái độ ngưỡng mộ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục”. Một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam là James G.Zumwalt đã phát biểu: “Tôi chỉ có thể nói rằng, ông ấy là vị tướng vĩ đại nhất thuộc về một thế hệ vĩ đại nhất của Việt Nam”.
          Nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow (1925 - 2013) là người có mặt tại Việt Nam từ năm 1959, là tác giả tác phẩm nổi tiếng "Vietnam: A History" xuất bản năm 1983 đã  viết: "Tướng Giáp là một người đặc biệt. Ông vừa là một nhà hoạch định chính sách, vừa là một sĩ quan trên chiến trường. Người Pháp đã từng gọi ông là "trái núi lửa phủ băng". Ông là một người đàn ông lịch thiệp, luôn có chút hài hước khi trò chuyện. Ông ấy đặc biệt thông minh và có một kiểu bặt thiệp "rất Pháp". Karnow cho rằng, tài năng chiến lược của Tướng Giáp đã đặt ông vào "ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại" như Wellington, Ulysses S. Grant hay Douglas MacArthur. Nhưng khác với họ, những chiến tích của ông là bởi nhờ tài năng thiên bẩm hơn là nhờ đào tạo chính quy. Và Karnow kết luận: "Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20... Ông ấy giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại".
          Trong tác phẩm Võ Nguyên Giáp - Man and Myth  (Võ Nguyên Giáp - con người và huyền thoại) -  xuất bản tại New York năm 1962, nhà báo, nhà sử học quốc tế gốc Áo Benard Fall (1926-1967) đã có một nhận định khá “thiên vị”: "Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp".
          Trong tác phẩm "Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá" Giáo sư Cecil B. Currey  giảng dạy lịch sử tại Đại học Nam Florida, Mỹ. người được đánh giá là một trong những sử gia xuất sắc về lịch sử chiến tranh đã nhận định, mặc dù không hề qua trường lớp đào tạo về quân sự ngoài thực tiễn chiến trường và nghiên cứu sách vở nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi những chiến công huy hoàng. Thắng lợi của Tướng Giáp không chỉ đơn thuần về mặt quân sự mà còn là những trận toàn thắng về chính trị. Tướng Giáp và người Việt Nam đã nhấn mạnh sự kết hợp đấu tranh giữa nông thôn và thành thị. Ông cũng là người xuất sắc ở khả năng động viên và tổ chức quần chúng.
          Còn với Daniel Roussel, đạo diễn người Pháp, nguyên là phóng viên thường trú của báo L'Humanité (Nhân đạo), người có 7 năm (1980-1986) làm phóng viên thường trú tại Việt Nam, và có nhiều cuộc phỏng vấn với Đại tướng, "Tướng Giáp không bị hình ảnh của một anh hùng quốc gia, một nhà chiến lược quân sự có tầm vóc quốc tế che khuất, ông luôn luôn tỏ ra là một con người rất đỗi bình thường".
          GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã bình luận: Một điều rất đặc biệt, trên thế giới rất hiếm xảy ra. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà quân sự vừa là nhà sử học, nên ông vừa làm sử vừa viết sử. Những cuốn hồi ký của ông được viết theo một cách đặc biệt, thể loại hồi ký nhưng quan sát của người viết luôn đặt trong cách nhìn toàn cục của một vị thống soái. Đó là kiểu hồi ký mang tính chất lịch sử, vì thế, đó chính là những cuốn lịch sử sinh động bậc nhất về hai cuộc kháng chiến.
          Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người vừa làm ra thắng lợi của chiến tranh vừa tổng kết cuộc chiến tranh. Điều này trước đây Trần Quốc Tuấn đã làm được với Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, nhưng đã thất truyền.... Đại tướng Võ Nguyên Giáp không viết theo lối binh thư cổ, mà tổng kết theo lối binh thư hiện đại. Hai cuốn sách có tính chất tổng kết cao nhất, nâng quan điểm của ông lên hệ thống tư tưởng lý luận là “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân” – bàn về việc xây dựng lực lượng vũ trang và “Chiến tranh giải phóng dân tộc và Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” - tổng kết về chiến lược, chiến thuật, tư tưởng quân sự Việt Nam trong hai cuộc chiến với hai tính chất khác nhau như vậy.

          Chính vì có tâm hồn của một người thầy giáo, mặc dù là vị tướng bất khả chiến bại nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ được sự bình thường, gản dị trong đời sống, gần giũ với các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng, được suy tôn là người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

GIAO MÙA




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét