Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Xin lỗi


Xin lỗi


Tôi vòng tay thành kính cúi đầu
Xin lỗi cuộc đời và thế nhân thần thánh
Xin lỗi yêu thương, khổ đau cùng bất hạnh
Trái tim phàm trần nên lực bất tòng tâm.

Tôi vòng tay xin lỗi núi sông
Xin lỗi nắng mưa dưới đôi vầng nhật nguyệt
Xin lỗi tương lai dù hiện tại đầy khiếm khuyết
Quá khứ có hao mòn trong lịch sử mấy nghìn năm?

Lưỡi ngắn hơn tay mà sao dài đến thiên thu
Mềm mại dẽo dai mà sao cứng hơn sắt đá
Thật giả trắng đen xoay tròn quật ngã
Xin lỗi đến vạn lần mà nào có nghĩa gì đâu!

                                                    

                                                                  Mạc Nhân

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Khoe

Khoe

          Mấy ngày qua, lão Lý thấy người lâng lâng như đi trên mây khi lão nhận được thông tin  kết quả cuộc thi sáng tác về Cao Su đăng trên bác Gu Gồ và tệ hại hơn nữa khi lão ta nhận được thư mời của Ban Tổ Chức cuộc thi báo về Sè Gềnh để nhận giải thưởng thì lão thấy mình như mấy con nghiện đang “phê” thuốc. Lão liền đem tin vui ấy khoe với lão Quản gia và vợ chồng bác Cả Lê, tức thì lão Quản liền dán thông báo ngay lên ngôi nhà Giao Mùa, thế là cả Làng 12A3 như sôi động hẳn lên và có nhiều bạn bè đến chia vui chúc mừng, có người nhắn tin và gọi điện đến sẻ chia niềm vui ấy cùng lão Lý. Lão Lý vui lắm và càng vui lại càng thêm lo với lời chúc mừng của nhà chị Thọ Phan về cái tiết mục bao “cu su” mà chị ta gợi ý, lão định bụng phen nầy vào Sè Gềnh lão sẽ đề nghị với Tập Đoàn Công Nghiệp Cao Su Việt Nam hổ trợ lão về khoản nầy.
          Thế là lão Lý âm thầm làm một cặp vé khứ hồi bằng Jestar đi vào Sè Gềnh để nhận giải rồi nhân thể ghé thăm người thân cùng bạn bè trong ấy. Trừ những ngày làm việc theo sự bố trí chương trình của BTC, thời gian ít ỏi còn lại lão dành cho người thân và bạn bè. Tại đây ,lão như được đắm mình trong tình thân ái của những người bạn học thời lớp Nhất và những người đồng đội của một thời cùng lão làm lính ở chiến trường Tây Nam trong ngôi nhà của anh chàng nhà thơ câu một BaGa ở quận Tân Bình.
          Tuy lão chỉ đạt được một giải thưởng rất chi là khiêm tốn là giải B, song đối với lão quả là một niềm vui khôn tả, nó như một giấc mơ mà suốt 30 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc (mang tính chất nghiệp dư) nay lão mới được vinh dự rón rén bước chân vào. Có người vui miệng bảo lão thuộc diện YAMAHA. Nhưng không! Với lão đó là mục tiêu phấn đấu của cả cuộc đời lão với biết bao nỗi day dứt nhọc nhằn. Hôm nay lão Lý đã trở về với công việc như mọi ngày nhưng trong một tâm trạng hân hoan và đầy xúc cảm. Chị Thọ Phan yên tâm đi, bao giờ chị về lại quê nhà thì hãy ới cho một tiếng và lão Lý sẽ mời cả làng cùng bạn Nguyen Vo đến để cùng chia vui.

                                                                                                 29/10/2013

                                                                                                    TÊ KA

 



Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Tin nóng

TIN NÓNG! TIN NÓNG!

XIN THÔNG BÁO ĐẾN TOÀN THỂ DÂN LÀNG 12A3 MỘT TIN VUI:
LÝ TRƯỞNG ĐÃ ĐẠT GIẢI B TRONG CUỘC THI SÁNG TÁC CA KHÚC CỦA NGÀNH CAO SU VIỆT NAM.

           Đây là một cuộc thi không phải 'dễ ăn" nhiều văn nghệ sĩ chuyên nghiệp đã phải thốt lên "khó, rất khó!" vì đề tài mang tính chuyên ngành. Cái khó của người sáng tác là cần có một cảm xúc thật về cây cao su và công việc của những người công nhân ngành cao su.
           Với 200 ca khúc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên gửi dự thi, lão Lý gặt hái được thành quả như vậy là điều đáng tự hào.

THAY MẶT DÂN LÀNG, GIAO MÙA XIN CHÚC MỪNG LÝ TRƯỞNG!



Thương quá Miền Trung


Thương quá Miền Trung


Khúc ruột Miền Trung thương quá người ơi
Không có năm nào là không bão lũ
Nắng hạn quay cuồng gió Lào ù thổi
Mảnh đất khô cằn sỏi đá buốt lòng đau.

Người Miền Trung vẫn tròn vẹn trước sau
Dù mưu sinh khắp bốn phương trời phiêu bạt
Nhưng khi nghe tin quê nhà tan tác
Cũng luôn hướng về nơi cắt rốn chôn nhau.

Không khách khí cầu cao, không phân biệt sang giàu
Nghĩa cử cứu người lá lành đùm lá rách
Cùng cả nước với lòng thảo thơm thanh bạch
Gói gắm yêu thương trong hai tiếng đồng bào.

Đất nước mình đã vượt qua bao nỗi gian lao
Cái khó cái nghèo vẫn còn quẩn quanh đeo đuổi
Thiên tai lại rập rình với biết bao may rủi
Xây một mất mười mà nào trời có thấu đâu!

Tay nắm tay ta đoàn kết cùng nhau
Thuận theo lẽ trời mà chắt chiu dựng lại
Vẫn biết người hại không bằng trời hại
Miền Trung sẽ ấm lòng trong tình nhân ái Việt Nam.



                                                       Mạc Nhân

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Lẩu gà Thái Lan

Lẩu gà Thái Lan

Nguyên liệu: Gà : 1 con; Cà chua chín : 4 trái; Thơm : 1/4 trái; Sả : 3-4 cây; Lá chanh: 5-10 lá; Rau nhút : 400g; Rau muống bào : 400g; Rau chuối : 400g; Bún tươi : 1kg; Hành tím, tỏi, riềng, ớt hiểm; Gia vị: Nước mắm, dầu ăn; Gia vị nêm sẵn.

Cách làm:

- Gà chặt miếng vừa ăn, rau rửa sạch, cắt khúc, xếp ra đĩa.
- Cà chua cắt múi cau. Thơm cắt miếng mỏng. Sả đập dập, cắt khúc ngắn. Hành tím, tỏi, riềng băm nhỏ.
- Cho vào nồi 1/2 chén dầu ăn, phi thơm hành tỏi và riềng, cho thơm và cà chua vào xào kỹ cho mềm, thêm 2lít nước, cho sả vào, đun sôi, nêm vào 1 gói gia vị nêm sẵn, khuấy đều.
- Cho gà vào nồi lẩu. Nấu cho gà chín, cho lá chanh và ớt hiểm vào.
- Đun sôi nồi lẩu, khi ăn cho các loại rau vào, ăn kèm nước mắm ớt và bún.
Ngày mưa lạnh ăn lẩu gà Thái Lan - 1
Lẩu Thái nấu với gà, ăn ngon không kém gì Lẩu Thái hải sản
Mách nhỏ:

- Chọn gà ta khi nấu thịt sẽ chắc và ngon hơn.

- Vò sơ lá chanh trước khi cho vào nồi, giúp lẩu thơm ngon hơn.
Theo Gia đình xã hội

Chùm thơ Nhân Trần


Được và mất

Bão tiếp bão, lũ chồng lên lũ
Mưa triền miên mặt đất nước dư thừa
Bao hồ đập trước nguy cơ xé vỡ
Như những quả bom nổ chậm kinh hoàng.
Dân Miền Trung đang oằn mình trong bão lụt
Lốc xoáy ruột gan sạt lở trái tim rừng
Sau cái bóng phồn hoa bỗng dưng đâu chỉ mất
Cái được trong tay người trời lấy lại chẳng đồng cân.
                                                 

Trách

Bởi chạy theo chiếc bóng phù vân
Người bóc lột người bất cần đạo lý
Bóc lột thiên nhiên không cần suy nghĩ
Hệ quả khôn lường tiên trách kỷ, hậu trách nhân.


                                                       16/10/2013

                                                        Nhân Trần


Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Chiều say



Chiều say

Chiều say chợt nhớ mùa thu
Hoàng hôn đi mót sương mù lang thang
Câu thơ rơi xuống địa đàng
Người xưa vẫn dáng mơ màng bên hoa

Túi thơ bầu rượu la đà
Thi nhân khật khưởng bước xa bước gần
Xạc xào lá vướn gót chân
Mây ngàn lơ lửng bâng khuâng tơ trời...

Lãng Tử

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Gởi Hình Moang

Ông Hình Moang thân méo !

          Tui và cả dân làng 12A3 thật sự rất vui vì dạo nầy ông thường ghé về nhà Giao Mùa khá đều đặn và mang đến cho làng ta một không khí đốp chát tưng bừng. Song qua đó cả tui và bà con dân làng cũng thật sự lấy làm thất vọng về ông (nói ông bỏ quá cho vì lời thật mất lòng mà!) khi ông lại tán đồng và xúi bà Thọ chặn ba-ri-e không cho người nước ngoài đến thăm và hợp tác làm ăn với làng ta. Chẳng những thế mà ông lấy làm hả hê về trường hợp ngài Cushi Tahha bị bà Thọ chọt gậy bánh xe và còn định báo cho công an về chỗ ở thường trú của ngài nữa chớ? (mà trong chiện ni còn có cả lão Quản cũng thò tay vào khuấy cho rối tung rối mù lên).
          Thiệt không thể nào hiểu nỗi trong khi Gàn tui cùng cả bà con dân làng đều ra sức trãi chiếu cói để chào đón và mời các bè bạn gần xa như bạn Nguyen Vo, bạnVan Thanh hay các vị khách nước ngoài đến thăm làng ta thì bà Thọ và ông cùng lão Quản lại tìm cách ngăn sông cấm chợ làm mất đi truyền thống hiếu khách tốt đẹp của làng mình. Mà ông cũng thấy đó! Làng ta đất rộng người thưa, dân tình lại đi tha phương cầu thực khắp nơi nên suốt bao năm ruộng vườn hoang hóa, làng xóm điều hiu, đến khi có dịp người nươc ngoài đến làng ta giao lưu tìm hiểu để liên doanh liên kết mần ăn thì mấy người lại bế quan tỏa cảng thử hỏi như rứa coi có được không chớ? Tui nghe lóm đâu hình như lão Lý bàn với bác Cả Rề là mời tập đoàn của ngài Cushi Taha ngăn con sông ký ức của làng lại để làm đập thủy điện giúp cho làng ta phát triển đi lên và cũng để mở mặt mở mày với thiên hạ. Ai dè giấc mộng kia của lão Lý đã tan thành mây thành khói rồi!
          Tưởng mất đi cơ hội ngàn vàng để xây làng dựng xóm, nhưng cũng may là ông còn kì kèo với bà Thọ xin được mấy tấm ảnh về di chúc của cụ Beethoven bằng tiếng Tây để cho lão Quản chưng bày ở Giao Mùa. Tui chỉ tiếc dùm cho bà Thọ là răng không chụp mấy trang di chúc viết tay bằng bút lông ngỗng chấm mực của cụ Beethoven đặt ở trong tủ kính kê ở bên trái mà lại đi chụp mấy trang di chúc đánh máy bằng vi tính bày ở tủ kính phía bên ngoài. Đã thế mà bà ấy còn đòi phải có mấy chầu caffe thì mới chịu dịch ra chữ quốc ngữ nữa cơ đấy? Nuá cho zui chút thôi, chớ ai lại đòi hỏi quá đáng như rứa, ai lại được zoi rồi đòi hai bà tiên nữa chớ? Dẫu sao cũng xin cám ơn người đàn bà đi đã mang về cho bà con làng mình những món quà tinh thần vô giá mà tui chắc rằng có đầu thai lại được kiếp sau thì tới mùa quýt bọn tui cũng chẳng dám nằm mơ.
          Lâu ni vì công việc bận rộn cứ bó chân bó tay nên không có dịp hóng hớt, cũng gọi là dăm câu ba sợi cho vui cửa vui nhà, có gì không phải mong ông cùng các bạn đừng để bụng.


                                                                                     Đồ Gàn

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

di chúc của BEETHOVEN

Thọ gửi đăng bản di chúc của BEETHOVEN theo đề nghị của một số bạn. 
Chỉ mới có hình thôi. Bản dịch Thọ sẽ gửi sau.




Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Tâm hồn người thầy giáo trong vị danh tướng bất khả chiến bại.


Tâm hồn người thầy giáo trong vị danh tướng bất khả chiến bại.

          Trên thế giới, ngoài  Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hiếm có vị tướng nào nhận được sự nể phục và kính trọng của những người thua trận. Tướng De Castries- bại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải thừa nhận: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”. Và, gần 60 năm sau trận Điện Biên Phủ, khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, mới đây tại Paris, người Pháp đã làm lễ tưởng niệm vị danh tướng đã từng đánh bại đoàn quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Đông Dương.
          Ai cũng biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, phong trào Cần Vương, Duy Tân đã ảnh hưởng không nhỏ và nuôi dưỡng ý chí giành độc lập trong lòng Võ Nguyên Giáp. Từ thời còn đi học ở trường Quốc Học Huế, ông đã tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, Tháng 4/ 1927 ông bị đuổi học vì đã tham gia tổ chức một cuộc bãi khóa. Sau khi rời trường, Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây Võ Nguyên Giáp có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết dân tộc, cách mạng, đặc biệt là cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp và tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, Võ Nguyên Giáp bắt đầu nghề làm báo và bắt đầu sự nghiệp cách mạng.
          Năm 1936, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng. Tháng 5 năm 1939, ông nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc. Một năm sau, Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Nguyễn Ái Quốc. Thấy Võ Nguyên Giáp là người có tư duy quân sự nên Nguyễn Ái Quốc đã liên hệ với Đảng cộng sản Trung Quốc và cử ông đến Diên An để đào tạo chỉ huy. Tuy nhiên, do tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn. Ở châu Âu, phát xít Đức đã xâm chiếm Pháp. Nguyễn Ái Quốc nhận định tình hình Đông Dương sẽ chuyển biến nhanh, cần gấp rút trở về nước chuẩn bị đón thời cơ, do đó đã triệu hồi Võ Nguyên Giáp quay lại.
          Đầu năm 1941, Võ Nguyên Giáp cùng Nguyễn Ái Quốc trở về Cao Bằng. Tại đây, ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ Việt Minh ở Cao Bằng. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ đạo của Hồ Chí Minh (tên mới của Nguyễn Ái Quốc), ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
          Mặc dù chưa qua trường lớp đào tạo quân sự nào, tuy nhiên với khả năng thiên bẩm của mình. Võ Nguyên Giáp đã làm nên những kỳ tích trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngày 25 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, đây là chiến công đầu tiên, mở ra một thời kỳ mới cho cánh mạng Việt Nam.
          Là một thầy giáo dạy lịch sử, Võ Nguyên Giáp đã nằm lòng nghệ thuật quân sự của cha ông ta trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Hoa. Đó là phương châm lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh nhân dân, là sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiênquan điểm quân sự Hồ Chí Minh.    
          Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn". Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy chiến dịch tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân viễn chinh nhà nghề được trang bị hiện đại của chính phủ Pháp. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của thực dân Pháp tại Đông Dương đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một vị tướng lừng danh thế giới.
          Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, báo chí, truyền thông nước ngoài gọi ông là Napoleon của Việt Nam. So sánh Võ Nguyên Giáp với Napoléon là sự thể hiện lòng kính trọng và khâm phục về tài năng quân sự của thế giới đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, Napoléon- vị Hoàng đế- danh tướng của nước Pháp đã bị thất trận trước Nguyên soái Kutuzov tại Bodorino -vùng ngoại ô Moskva, còn Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Với tư duy nhạy bén và linh hoạt, Ông đã chỉ huy thành công những chiến dịch tưởng chừng không thể thắng, đưa ra những quyết định mà có lẽ không một vị tướng nào dám thực hiện. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ngay sát giờ nổ súng, để tránh tổn thất binh sĩ, ông hạ lệnh rút hết quân đội, pháo binh ra khỏi vị trí tác chiến, lùi thời điểm tiến đánh, chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
          Là một thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn lắng nghe, học hỏi, không bao giờ chủ quan và không bao giờ coi thường ý kiến cấp dưới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì nước ta nhỏ, yếu, nhân dân ta sẽ ít thôi, không nhiều như Trung Quốc cho nên làm thế nào để thắng địch nhiều mà tổn thất ít nhất”, chính vì thế, mặc dù chỉ huy một quân đội chính quy, nhưng ông rất coi trọng chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, lãnh đạo quân đội vũ trang cách mạng đi từ thắng lợi nầy sang thắng lợi khác, thế giới đã suy tôn Tướng Võ Nguyên Giáp như là bậc thầy số 1 về chiến tranh du kích. Nhiều nước thuộc địa trên thế giới học tập Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, đã quyết tâm đánh đổ thực dân, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
          Mặc dù không qua một trường lớp quân sự chính quy nào nhưng Võ Nguyên Giáp đã trở thành đại tướng đầu tiên của quân đội Việt Nam khi mới 37 tuổi. Ông được tôn vinh là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, Tân bách khoa toàn thư của nước Anh xuất bản năm 1985 trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ thời cổ đại cho đến ngày nay, cùng với Hannibal, Kutuzov, Napoléon, Jukov... đã giới thiệu trân trọng hai danh tướng Việt Nam là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
          Nghệ thuật chỉ huy của ông mang đậm tính nhân văn, thể hiện tâm hồn của một thầy giáo, nhân hậu, nhẹ nhàng đồng thời quyết đoán, quả cảm. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu trong nghệ thuật chiến tranh cách mạng. Khi được chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ phải quý trọng sinh mạng bộ đội Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân. Thượng tướng Trần Văn Trà đã đúc kết: Tướng Giáp là một tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Chính tư tưởng đó đã định hướng cho sự phát triển và không ngừng lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
          Là vị tướng lãnh đạo quân đội thiện chiến nhưng Võ nguyên Giáp không phải là vị tướng hiếu chiến, chính vì thế, ông được thế giới ngưỡng mộ, kính trọng, kể cả những người đã từng là bài tướng dưới tay ông. Trong buổi gặp gỡ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara năm 1997, tướng Chester Cooper của phía Mỹ đã bày tỏ thái độ ngưỡng mộ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục”. Một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam là James G.Zumwalt đã phát biểu: “Tôi chỉ có thể nói rằng, ông ấy là vị tướng vĩ đại nhất thuộc về một thế hệ vĩ đại nhất của Việt Nam”.
          Nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow (1925 - 2013) là người có mặt tại Việt Nam từ năm 1959, là tác giả tác phẩm nổi tiếng "Vietnam: A History" xuất bản năm 1983 đã  viết: "Tướng Giáp là một người đặc biệt. Ông vừa là một nhà hoạch định chính sách, vừa là một sĩ quan trên chiến trường. Người Pháp đã từng gọi ông là "trái núi lửa phủ băng". Ông là một người đàn ông lịch thiệp, luôn có chút hài hước khi trò chuyện. Ông ấy đặc biệt thông minh và có một kiểu bặt thiệp "rất Pháp". Karnow cho rằng, tài năng chiến lược của Tướng Giáp đã đặt ông vào "ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại" như Wellington, Ulysses S. Grant hay Douglas MacArthur. Nhưng khác với họ, những chiến tích của ông là bởi nhờ tài năng thiên bẩm hơn là nhờ đào tạo chính quy. Và Karnow kết luận: "Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20... Ông ấy giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại".
          Trong tác phẩm Võ Nguyên Giáp - Man and Myth  (Võ Nguyên Giáp - con người và huyền thoại) -  xuất bản tại New York năm 1962, nhà báo, nhà sử học quốc tế gốc Áo Benard Fall (1926-1967) đã có một nhận định khá “thiên vị”: "Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp".
          Trong tác phẩm "Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá" Giáo sư Cecil B. Currey  giảng dạy lịch sử tại Đại học Nam Florida, Mỹ. người được đánh giá là một trong những sử gia xuất sắc về lịch sử chiến tranh đã nhận định, mặc dù không hề qua trường lớp đào tạo về quân sự ngoài thực tiễn chiến trường và nghiên cứu sách vở nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi những chiến công huy hoàng. Thắng lợi của Tướng Giáp không chỉ đơn thuần về mặt quân sự mà còn là những trận toàn thắng về chính trị. Tướng Giáp và người Việt Nam đã nhấn mạnh sự kết hợp đấu tranh giữa nông thôn và thành thị. Ông cũng là người xuất sắc ở khả năng động viên và tổ chức quần chúng.
          Còn với Daniel Roussel, đạo diễn người Pháp, nguyên là phóng viên thường trú của báo L'Humanité (Nhân đạo), người có 7 năm (1980-1986) làm phóng viên thường trú tại Việt Nam, và có nhiều cuộc phỏng vấn với Đại tướng, "Tướng Giáp không bị hình ảnh của một anh hùng quốc gia, một nhà chiến lược quân sự có tầm vóc quốc tế che khuất, ông luôn luôn tỏ ra là một con người rất đỗi bình thường".
          GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã bình luận: Một điều rất đặc biệt, trên thế giới rất hiếm xảy ra. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà quân sự vừa là nhà sử học, nên ông vừa làm sử vừa viết sử. Những cuốn hồi ký của ông được viết theo một cách đặc biệt, thể loại hồi ký nhưng quan sát của người viết luôn đặt trong cách nhìn toàn cục của một vị thống soái. Đó là kiểu hồi ký mang tính chất lịch sử, vì thế, đó chính là những cuốn lịch sử sinh động bậc nhất về hai cuộc kháng chiến.
          Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người vừa làm ra thắng lợi của chiến tranh vừa tổng kết cuộc chiến tranh. Điều này trước đây Trần Quốc Tuấn đã làm được với Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, nhưng đã thất truyền.... Đại tướng Võ Nguyên Giáp không viết theo lối binh thư cổ, mà tổng kết theo lối binh thư hiện đại. Hai cuốn sách có tính chất tổng kết cao nhất, nâng quan điểm của ông lên hệ thống tư tưởng lý luận là “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân” – bàn về việc xây dựng lực lượng vũ trang và “Chiến tranh giải phóng dân tộc và Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” - tổng kết về chiến lược, chiến thuật, tư tưởng quân sự Việt Nam trong hai cuộc chiến với hai tính chất khác nhau như vậy.

          Chính vì có tâm hồn của một người thầy giáo, mặc dù là vị tướng bất khả chiến bại nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn giữ được sự bình thường, gản dị trong đời sống, gần giũ với các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng, được suy tôn là người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

GIAO MÙA




Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Mách lẽo

Mách lẽo


Lâu nay lặng tiếng im hơi
Tưởng trông cháu ngoại rã rời chân tay
Hóa ra qua bấy nhiêu ngày
“Người đàn bà...” ấy nhảy bay khắp trời
Răng mà đời quá thảnh thơi
Zung zăng zung zẽ rong chơi bốn mùa
Làng ta ai cũng chào thua
Dép giày có số nói đùa vậy thôi
Có người trông đứng trông ngồi
Đi mau về với chị Xôi “chải đầu”
Gàn tui xin góp mấy câu
Làm một nhịp cầu hữu nghị làng ta
Cho chị gặp ngài Taha
Kết tình Việt-Nhật đậm đà từ đây
Không còn cái cảnh cãi gây
Cùng nhau vun đắp dựng xây Giao Mùa
Khi về thì hãy nhớ khua
Bà con đến để vui đùa lê la
Lão Quản mời ngài Taha
Còn tui xin hát bài ca tặng làng.

                                                  07/10/2013


                                                    Đồ Gàn

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

VIENNE


VIENNE (ÁO)


          Vừa mới từ Vienne về tôi  định chạy qua nhà Giao Mùa  kể chuyện về thành phố âm nhạc cho các nhạc sĩ nhà mình nghe luôn tiện xem thử có gì  mới  trong mấy ngày vắng mặt.

          Thì ra thiên hạ đang  bận rộn chuyện chải đầu, chải tóc…

          Chao ơi, ba đào của  mỹ nhân đã dìm chết lí trí minh mẫn của ngài Taha.  Mới nghe nàng Mây tâng cho mấy tầng, nhà Nhật học đã xách dép chạy theo bênh nàng chầm chập.

          Tôi cảm thấy mình bơ vơ chống chọi với đời. Lão quản gia thì ba phải:  chải đầu cũng như chải tóc!  Nhưng tui còn ai ngoài  lão  để cùng chiến đấu với anh hùng và mỹ nhân kia.


          Và cũng hên là tui vắng nhà, không thôi thì  cái miệng rất Quảng Nam hay cải của tui sẽ làm Giao mùa  gãy cây, tốc mái vì bút chiến. Thôi thì  sự đời đã thế  đã thì cũng nên cho qua.

 “Khôn ngoan đối đáp người ngoài

  Gà cùng một… lớp chớ hoài đá nhau.”

          Tuy nhiên xin nhắn với ngài Taha là lập luận như ngài thì ta gọi là mát xa đầu cho tiện.  Haha.


          Chuyện  người ngoài nè!

          Vừa rồi tui đi Vienne, đến tận quê hương của Danube bleu mới vở ra rằng nước sông Danuble không xanh mà đục nhờ nhợ.

          Đoạn qua Vienne, sông chỉ là con kênh nhung nhúc những cầu, những tầu, những contenair.

          Hơi thất vong, tôi tự an ủi : có lẽ thời của Strauss nước xanh, có thể vì ông là người Áo,  có thể Danube là con sông tuổi thơ của ông như… Tế Hanh chẳng hạn.

          Về nhà nghe lại Dòng Sông Xanh, vẫn dập dìu dồn dập và réo rắc như… một thời.

          Muốn nói với ai đó rằng tui đã lại sống với  Dòng sông Xanh của chúng mình ngày ấy rồi đấy nhé!

          Rồi đến căn  nhà của Beethoven, nơi ông đã sống 25 năm cuối đời mình sau lần toan tính tự tự  khi biết mình bị điếc. 

          Một bản di chúc, một vài cuốn vở mà ông đã dùng để bút đàm với người thân, một bức tượng bán thân, một nhúm tóc… tất cả chứa trong hai căn phòng be bé…

          Tất cả đều bằng tiếng Đức nên tui mù. Duy chỉ có bảng di chúc là đã dịch sang tiếng Pháp. Đọc thấy thương, thấy xót, thấy bực mình cho tạo hóa không biết xoay vần để rồi  vô lý bắt một thiên tài như  ông phải mang bệnh hiểm nghèo, để rồi không nghe được những sáng tác bất hủ của mình.

          Tuy nhiên bản giao hưởng số hai còn được gọi là Bản giao hưởng định mệnh   ra đời  trong thời gian  nầy  vẫn là kiệt tác đó thôi .

          Về nhà sợt Gu-gồ xem thử đã có ai dịch  bản di chúc đầy tâm sự của Beethoven sang tiếng Việt chưa. Nếu bác hội viên hội nhạc sĩ Đà Nẵng của làng mình chưa được đọc tui xin tình nguyện dich cả ba trang ra tiêng Việt cho bác gọi là quà.

          Tui cũng học đòi đi nghe hòa nhạc bác nhạc sĩ ạ . Các nhạc công mặc áo quần đẹp lắm.

          Vienne là thành phố có rất nhiều quán cà phê và đi uống càphê trở thành môn thể dục quốc gia của người Áo. Vì thế, định nghĩa về quán cà phê của họ cũng rất là người. Ví dụ :

« Être au café c’est se trouver chez soi sans  être à la maison »

          Hoặc

« C’est le meilleur endroit d’être seul en compagnie »

          Gần một tuần lang thang tui đã đáp vào không biết bao nhiêu là quán cà phê  nhưng  không đâu có cái kiểu uống caphê như nhà mình. Gọi một ly cà phê sữa đá, bạn có ngay cốc caphê sữa nóng hổi. Caphê vẫn ngon, vẫn thơm nhưng thiếu thiếu . Thiếu cái phin, thiếu từng giọt từng giọt chảy từ từ, thiếu cái sống chầm chậm ...

          Nhà bạn Pi vẫn còn giử cái lọc cà phê  thời bạn ấy còn trẻ. Không cùng système  cái nồi ngồi trên cái cốc như mình mà gần gần như thế. Thỉnh thoảng bạn Pi vẫn lôi ra chế uống để nhớ một thời... Cà phê bây chừ đã được công nghiệp hóa, nhấn nút một cái là có ly đen, nhấn thêm nút nữa là có sữa thêm nút nữa là có đường... Người vội vàng thì uống cái ực là xong, người không vội cũng chẳng ai bỏ ra cả buổi sáng nhâm nhi 30cl cà phê trong cái ly bé tí ti.

          Tôi nhớ thời còn à ơi với mối tình học trò, bọn tui hay hẹn nhau ở quán cà phê Tuổi Ngọc trên đường Phan Châu Trinh. Vừa nhấm nháp ly cà phê đắng ngắt vừa nghe nhạc Trầm Tử Thiêng làm như mình tâm trạng lắm.

Nhưng mà lúc ấy không hẹn nhau ở cà phê và chàng không hút thuốc là... chưa lớn mặc dù uống cà phê như uống thuốc bắc.

          Thế nhưng dần dần rồi quen, rồi nghiện. Những năm sinh viên khó khăn ở Huế, cả nhóm năm sáu đứa vào quán cà phê chỉ dám gọi 2 ly hoặc 3 ly. Xin thêm nước sôi, nhân bản lên  làm mấy cốc lạt  nhách thế mà vẫn ngon, vẫn hít hà...

          Cà phê ở Vienne  ngon, thậm chí là rất ngon nhưng phải tập uống theo kiểu khác, kiểu của thời hiện hại và sống vội.

          Còn nhiều thứ đáng để thăm để kể  như cái nghĩa trang thuộc loại lớn thứ hai của Châu Âu mà các thiên tài người Áo (không hiếm) đã yên nghỉ, nơi đây Có những ngôi mộ như đánh đố người thăm : «Tôi không ghi tên mình nhưng nếu bạn đã tìm đến đây hẳn  bạn đã biết tôi là ai.» hoặc  các nhà hát lớn  đánh dấu thời hoàng kim của nền âm nhạc Áo, hoặc  tòa lâu đài Schonbrunn của nữ hoàng SISSI, hoặc một buổi du thuyên trên sông Danube...

          Gởi về Giao Mùa một ít hình ảnh thay nhiều lời muốn nói

          Hẹn ngày về.


                                                                                      Paris 07/10/2013

     Người đàn bà đi
Nhà BEETHOVEN


Nhà BEETHOVEN
Tượng BEETHOVEN

Sông Danube


Mùa thu trên sông Danube

Lâu đài Schonbrunn

Cà phê


Phố đi bộ

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Cánh gà rán mè

Cánh gà rán mè 



6-JPG-8915-1380704104.jpg
Nguyên liệu:
- 500g cánh gà
- 2 thìa canh sả băm
- 2 thìa canh hạt mè
- 2 thìa canh bột năng hay bột mỳ
- Muối, đường, nước mắm, mật ong, dầu hào, dầu dùng để rán.
Cách làm:
b1-3042-1380704797.jpg Bước 1:
- Cánh gà rửa sạch, cắt làm đôi nếu cánh gà lớn, dùng dao khứa vài đường lên thân cánh gà để khi ướp nhanh thấm gia vị, đun nồi nước sôi cho cánh gà vào chần sơ khoảng từ 3 đến 5 phút để loại bỏ tạp chất, vớt ra rửa lại cho thật sạch, để ráo.
b2-JPG-5527-1380704797.jpg Bước 2:
- Cho cánh gà, sả băm, thêm 2 thìa canh nước mắm, 2 thìa canh mật ong, 1 thìa nhỏ muối, 1 thìa nhỏ đường, một ít dầu hào, tỏi băm, trộn đều và ướp khoảng từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ.
b3-JPG-3922-1380704797.jpg Bước 3:
- Cánh gà sau khi ướp lăn qua một lớp bột năng mỏng.
b4-JPG-7013-1380704798.jpg Bước 4:
- Tiếp tục lăn cánh gà qua lớp hạt mè, vì khi ướp cánh gà có tẩm mật ong và nước mắm nên bề ngoài cánh gà sẽ hơi ẩm rất dễ bám dính mè.
b5-JPG-7769-1380704798.jpg Bước 5:
- Đun nóng chảo, cho cánh gà vào rán, khi rán bạn phải cho cánh gà ngập dầu và rán lửa lớn để cánh gà không bị thấm nhiều dầu ăn và vàng đều hơn là rán lửa nhỏ.
- Cánh gà sau khi rán, gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu ăn, dùng nóng với tương ớt, nhậu nhẹt hay ăn với cơm đều tuyệt vời.

Theo Ngôi sao.net

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

mưa



mưa

Đường mưa
dẫu có gập ghềnh
Xa     rồi     chốn    cũ
chênh    vênh    nỗi   chờ
Cho  em ngày tháng  mộng mơ
Nắng  thu  dệt lại  vần thơ  êm  đềm

Sang  mùa
tí tách giọt đêm
Ngã nghiêng cành lá
bên     thềm     gió      lay
Đông  sang chừ  đã  bao ngày
Đường mưa phố vắng có hay người về...

Lãng Tử

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Mừng sinh nhật tháng 10

Mừng sinh nhật tháng 10

Chúc mừng SINH NHẬT của các bạn ra đời trong tháng 10:

* Đỗ Thị Thanh Thủy       02-10-1957

* Hoàng Cung Nam         05-10-1957

* Nguyễn Xuân Chung    10-10-1957

* Võ Ngọc Thanh             18-10-1958

* Tôn Nữ Diệu Liên          23-10-1957

* Tôn Nữ Xuân Thảo        28-10-1957

           Chúc các bạn cùng gia đình luôn an vui và hạnh phúc.

                                                                   Lớp 12A3