Tản
mạn
Chuyện mùng năm
Chuyện mùng năm ư? Xưa như trái đất, ai
mà không biết chuyện mùng năm...
Mùng năm: Trước hết là... ngày thứ năm
trong tháng (Kể cả tháng dương và tháng âm lịch), nhưng dân gian thường hay câu
nệ và ác cảm về cái ngày mùng năm ấy kể cả các ngày 14 và ngày 23 mà nhất là
những ngày ấy lại rơi đúng vào ngày thứ sáu trong tuần. Do đó mà người ta
thường có câu: “Mùng năm mười bốn hăm ba,đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn”. Xui, xui
lắm, xui tận mạng mà có khi còn gặp cả rủi ro nữa là đằng khác. Trong cuộc sống
rất có nhiều điều không hay, không tốt xảy ra cho chúng ta và lại rơi đúng vào
mấy cái ngày trùng hợp một cách ngẫu nhiên, nơi nầy có ít, nơi kia có ít người
ta tổng hợp lại và quy tội liền cho các ngày mang con số ấy. Thực ra, ngày trời ngày đất thời gian xoay
chuyển như nhau, nó có thể may mắn cho người nầy mà không may mắn cho người
khác, và người gặp hên thì khen ngày ấy tốt, còn người không may mắn gặp xui
thì chê ngày ấy xấu thế thôi. Hơn nữa, các ngày ấy trong thời phong kiến các
bậc vua chúa thường vi hành ra khỏi hoàng cung,
khi các ngài đi qua thì dân chúng phải quỳ lạy và úp mặt xuống đất không
được ngẩng lên nhìn thiên tử, ai trái lệnh thì bị chém đầu. Vì vậy những ngày
ấy đâu phải là ngày xấu nên dân chúng tốt nhất là không nên ra đường vào các
ngày nói trên để khỏi mang họa vào thân, rồi dần dần từ đó các ngày mùng 5, 14 ,23
trở thành những ngày xấu, kiêng kỵ. Không hiểu sao cái ngày mùng 5 ấy lại lây
lan ảnh hưởng đến những loài vật cũng đầy ác ý, người ta thường bảo: “Len lét
như rắn mùng năm” hay “Lịt lịt như vịt mùng năm”. Ngày mùng năm nó tệ đến thế
sao?
Đặc biệt là ngày mùng 5 của tháng 5 âm
lịch đã trở thành ngày tết Đoan ngọ- kỷ niệm ngày hai ông Lưu Thần và Nguyễn
Triệu bên Tàu vào rừng hái thuốc để cứu độ chúng sinh, nghe nói các ngài gặp
tiên nên lên “tiên cảnh nhàn du” luôn, các ngài đi mà không trở về, dân mình ăn
theo tập tục tốt đẹp ấy cho đến tận bấy giờ. Riêng ở Việt Nam ta khi tết Đoan
ngọ nhập tịch, qua quá trình du nhập tồn tại thì lại có một biến tấu khác, ngoài
cái ý nghĩa nguyên sơ thì ngày ấy là ngày để đoàn tụ gia đình, là ngày để con
cháu nhớ về ông bà tổ tiên và cũng là ngày diệt trừ các loài sâu bọ phá hoại
mùa màng.... Cái phong vị ngày tết mùng 5 của ta cũng có nhiều điều thú vị, người
ta làm cổ bàn để cúng ông bà tổ tiên, làm bánh rò bánh ú bánh ít lá gai và
tráng bánh làm mỳ, làm bún......
Ngày nay tuy cuộc sống có ảnh hưởng
bởi tốc độ hóa đô thị,bởi tác phong của cuộc sống công nghiệp, song ở các làng
quê vẫn còn mang đậm âm hưởng của truyền thống cổ truyền vì vậy tết mùng 5 vẫn
có một cái gì đó mênh mang đầm ấm. Tết Đoan ngọ năm nay thiên nhiên đã đãi cho
dân mình một ngày thật đẹp, trời nắng nhẹ và không khí dịu mát chỉ tiếc là ngày
mùng 5 lại rơi đúng vào ngày giữa tuần nên có phần nào hạn chế bớt niềm vui...
Đoan Ngọ 2013
Nhân Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét