Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Lưu Bị cầu Khổng Minh- Phiên bản lỗi

Kết quả hình ảnh cho lưu bị 3 lần mời khổng minh
Lưu Bị cầu Khổng Minh- Phiên bản lỗi
Kính lạy hương hồn La Quán Trung tiên sinh. Con xin ngài đại xá cho cái tội chép lại truyện của ngài thành phiên bản lỗi.

Sau khi Viên Thiệu thất bại trong trận Quan Độ, Lưu Bị vốn là người dựa vào Viên Thiệu, đành phải cùng Trương Phi, Quan Vũ đi nương nhờ Lưu Biểu, Kinh Châu mục .
Đối với Lưu Bị, Lưu Biểu rất khách khí, cho Lưu Bị một số binh mã, nhưng với Lưu Bị, Biểu chưa thật yên tâm, cho Lưu Bị đồn trú ở huyện thành Tân Dã, một nơi hoang vu và đất hẹp.
Tổ của Lưu Bị là tông thất nhà Hán, sau này gia tộc sa sút. Cuối đời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, Lưu Bị cũng nhân cơ hội hành động, muốn làm một cái gì đấy, khôi phục nhà Hán. Nhưng hơn hai mươi năm đã qua, Lưu Bị tuy danh tiếng rất lớn, nhưng vẫn phải sống nương nhờ người khác, chưa có một thế lực đủ lớn mạnh. Ông thường ca thán bên cạnh mình chưa có một nhân tài có thể đưa ra mưu kế để chỉ huy binh mã.
Khi Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã, có không ít người ở các nơi đến theo, bản thân ông cũng đi khắp nơi tìm người tài. Có một mưu sĩ tên là Từ Thứ, đến Tân Dã nói với Lưu Bị:
-         Có một người tên Gia Cát Lượng, người ta thường goi là “Ngọa Long”, là một nhân tài khó sánh được, tướng quân có muốn gặp ông ta không?
 Lưu Bị nghe nói vô cùng mừng rỡ, vội nói với Từ Thứ:
-         Nhờ ngài bảo ông ta đến gặp tôi!
 Từ Thứ khua khua tay, nói:
-         Gia Cát Lượng là nhân tài khó gặp. Người như ông ta,  không thể dễ dàng gọi đến, tướng quân phải đích thân kính trọng đi mời ông ta.
 Lưu Bị cho rằng Từ Thứ nói phải, quyết định tự mình đi gặp Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, là người Lang Nha, Dương Đô (phía nam huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông nay). Ông từ nhỏ, cha mẹ dã chết, sống nhờ vào người chú ở Kinh Châu. Năm ông 17 tuổi, người chú chết, ông làm mấy gian nhà tranh trên đồi Ngọa Long ở Long Trung ( tây bắc huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc nay), ở đó. Trừ những lúc đi ra ngoài, ông thường cùng với một số bạn bè đọc sách, trau dồi học vấn, đàm luận việc lớn trong thiên hạ. Gia Cát Lượng lòng mang chí lớn, thường so mình với Quản Trọng và Nhạc nghị thời Xuân Thu Chiến Quốc. Quản Trọng từng giúp Tề Tuyên Công sáng lập nghiệp bá, Nhạc Nghị từng giúp Yên Chiêu Vương đánh bại nước Tề giàu mạnh. Người hiểu rõ Gia Cát Lượng, đều cho rằng ông là nhân tài khó gặp, tôn ông là “Ngọa Long tiên sinh”, ý so ông với con rồng, trước mắt còn chờ thời.
Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi mang theo lễ vật đến Long Trung. Ở đây, núi đồi nhấp nhô, cây cỏ tươi tốt, phong cảnh đẹp đẽ. Trong đó có một dãy núi ngoằn ngoèo quanh co, thật giống như một con rồng xanh đang ngủ. Lưu Bị cùng hai người tiến bước, đặt chân đến một quả đồi, chỉ thấy mấy gian lều tranh thấp thoáng trong màu xanh của tùng trúc. Lưu Bị nói với Quan Vũ và Trương Phi:
-         Đây chắc là đồi Ngọa Long.
Nói rồi, ba người đến trước lều tranh xuống ngựa. Lưu Bị đích thân gõ cửa. Một chú tiểu đồng mở cửa, hỏi:
-         Các ông tìm ai?
 Lưu Bị khiêm nhường nói:
-         Nhờ nói với Ngọa Long tiên sinh, Lưu Bị xin bái kiến!
 Tiểu đồng do dự một lát, nói:
-         Tiên sinh không có nhà, từ sớm đã đi rồi!
 Lưu Bị hỏi:
-         Tiên sinh đi đâu?
 Tiểu đồng nói:
-         Không biết đi đâu, Có thể đi tìm bạn bè đọc sách.
 Trương Phi thấy Lưu Bị cứ hỏi mãi, không chờ được, nói:
-         Rõ là ông ta không có nhà, chúng ta đi về đi!
 Quan Vũ cũng ở bên cạnh nói:
-         Chúng ta đi về đi, sau sẽ cho người đến gặp lại!
 Lưu Bị đành phải nói với tiểu đồng:
-         Đợi tiên sinh trở về, nhờ cậu nói với ông, tôi là Lưu Bị đến thăm.
 Nói xong, Lưu Bị rút danh thiếp ra trao cho tiểu đồng rồi rời đồi Ngọa Long.
Kỳ thật Gia Cát Lượng đang ở trong thư phòng chưa chịu ra tiếp. Tiểu đồng trao danh thiếp của Lưu Bị. Gia Cát Lượng xem qua cả cười:
- Lưu Bị tuy có đức nhưng chưa lấy được bằng tiến sĩ làm sao xứng đáng làm minh chủ. Lần sau ông ta đến con lựa lời cho ông ta biết phải có bằng tiến sĩ rồi hãy đến đây nhé!
Quá mấy ngày, Lưu Bị nghe nói Gia Cát Lượng đã trở về nhà, lại cùng Quan Vũ, Trương Phi đến mời ông. Trời hôm ấy rất lạnh, đi được  nửa đường, trời  đổ tuyết lớn. Trương Phi có ý ngần ngại, muốn quay về Tân Dã. Lưu Bị cho rằng đội gió tuyết đi mời mới tỏ được lòng thành của mình, kiên trì muốn đi. Họ thật không dễ đến đồi Ngọa Long. Tiểu đồng lãnh ý chủ nhân, ra tiếp ba người, mời trà nước đàng hoàng. Hết tuần trà, tiểu đồng mới bảo:
- Tiếc thật, quý khách đến hơi chậm. Chủ nhân tôi vừa mới ngao du với mấy ông tiến sĩ ở kinh thành lên. Ông nào cũng in danh thiếp rất hoành tráng. Ra dáng minh chủ lắm lắm.Tiến sĩ có khác!
Quan Vũ mặt đỏ phừng phừng không nói không rằng, quay lưng đi ra. Trương Phi nổi nóng:
- Tiến sĩ là cái cục C ! Làm minh chủ chỉ cần tài đức, cần quái gì cái danh tiến sĩ! Mình về đi đại ca.
Lưu Bị điềm tỉnh:
- Các đệ đừng nóng! Ta về lần sau lại đến.
Về tư dinh. Lưu Bị cho gọi kẻ tâm phúc đến bảo:
- Ngươi vào kinh đô, tìm quan đốc học, nói ta cần gấp tấm bằng tiến sĩ. Ngươi trình với ngài bao nhiêu ta cũng sẽ lo đủ. Đây là số ta ứng trước cho ngài, khi nào xong ta sẽ nộp tiếp. Nói đoạn Lưu Bị lấy ra một túi gấm nặng trịch giao cho kẻ tâm phúc.
Quả nhiên đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Chỉ một tuần sau Lưu Bị nhận được thông báo đã ghi danh vào lớp đào tạo tiến sĩ cấp tốc. Ba tháng sau Lưu Bị khăn gói lai kinh bảo vệ luận án tiến sĩ. Luận án dã được quan đốc học cho người viết sẵn. Ngài báo trước cho Lưu Bị chuẩn bị mấy phong bao dày cộm gởi trước cho các quan trong Hội đồng khảo thí. Ra trước Hội đồng khoa học, Lưu Bị hơi run vì chưa đọc kỹ luận văn. Lưu Bị ê a đọc bản tóm tắt xong thì toát mồ hôi hột. Không khí buổi bảo vệ có vẻ căng thẳng. Các quan trong Hội đồng nhìn nhau, nhìn cái gật đầu của quan chánh chủ khảo rồi đồng loạt hạ bút phê: Ưu
Một thời gian sau, cầm tấm bằng tiến sĩ ưu hạng trên tay, Lưu Bị chọn ngày tốt, chuẩn bị lần thứ ba đi mời Gia Cát Lượng. Lần này Quan Vũ cũng không thật vui vẻ. Lưu Bị nói:
-         Các đệ có biết chuyện Chu Văn Vương cầu hiền gặp Khương Thượng không? Văn Vương kính trọng Khương Thượng như thế, Khương Thượng một lòng phò ta Văn Vương và Võ Vương, vua tôi một lòng, trên dưới hợp sức, cuối cùng hoàn thành được nghiệp lớn diệt Ân. Chúng ta cần phải học theo cổ nhân.
 Nói xong, cùng Quan Vũ, Trương Phi lên đường.
Bọn ba người Lưu Bị đến đồi Ngọa Long, chú tiểu đồng cho biết Gia Cát Lượng đang ngủ trên thảo đường, không dám tự ý đánh thức. Lưu Bị bảo Quan Vũ, Trương Phi chờ ở ngoài cửa. Lưu Bị trao cho tiểu đồng tấm danh thiếp đỏ chót, trên danh thiếp ghi rõ to: KINH CHÂU TIẾN SĨ  LƯU BỊ . Rồi kính cẩn đứng ở bậc thềm trước thảo đường. Qua hồi lâu, Gia Cát Lượng mới trở mình tỉnh giấc. Tiểu đồng vội thưa:
-         Lưu Bị đã chờ lâu rồi. Đoạn kề tai Gia Cát Lượng nói nhỏ: Ông ta có bằng tiến sĩ rồi thưa chủ nhân. Mà không biết sao ông ta giỏi thế, mới có mấy tháng đã làm xong tiến sĩ.
Gia Cát Lượng lúc này mới mời Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi vào trong nhà. Lưu Bị thấy Gia Cát Lượng còn rất trẻ, chỉ khoảng 27, 28 tuổi, diện mạo thanh tú, cử chỉ nho nhã, rõ là nhân tài. Hai người yên vị, bắt đầu bàn bạc việc lớn trong thiên hạ.
Lưu Bị nói:
- Bây giờ nhà Hán suy vong, gian thần lộng hành, tôi không tự lượng sức mình, muốn ra tay an định thiên hạ. Nhưng tôi trí mưu ngắn ngủi, năng lực kém cỏi, đến bây giờ thật chưa có được thành tựu nào. Xin tiên sinh chỉ dạy, tôi phải làm thế nào mới có thể thành công?
Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị khiêm tốn, chân thành, đã phân tích cặn kẽ tình hình lúc ấy, đề xuất đường lối chiến lược để thống nhất cả nước.
Lưu Bị liên tục gật đầu khen phải. Ông nói với Gia Cát Lượng:
-         Những lời tiên sinh nói, thật vô cùng sâu sắc. Tôi mong tiên sinh có thể lên đường, giúp tôi tiến bước trên con đường hoàn thành sự nghiệp thống nhất thiên hạ!
 Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị rất chân thành, xúc động, nói:
-         Nếu tướng quân coi trọng tôi như thế, tôi sẽ mang hết sức mình giúp tướng quân.
          Lưu Bị thấy Gia Cát Lượng đã đồng ý nhận lời mời, vô cùng sung sướng. Tuy nhiên Trương Phi lại nghĩ, đại ca mình đã là tiến sĩ, nay quân sư của anh mình phải hàm giáo sư, nếu không ít nhất cũng là Phó giáo sư mới xứng đáng. Trương Phi liền cất giọng oang oang:
- Chẳng hay Gia Cát tiên sinh được phong hàm giáo sư năm nào vậy?
Gia Cát Lượng toát mồ hôi. Dù đỗ tiến sĩ đã lâu nhưng vì ẩn cư  ít quan hệ với bên ngoài, không đào tạo học trò, không quan hệ với Hội đồng khoa học tối cao, đã vậy thì làm sao được phong hàm giáo sư. Bèn giả lã:
- Cần gì hàm giáo sư, tiến sĩ thôi ta cũng đủ sức làm quân sư cho Lưu đại nhân mưu đồ đại nghiệp rồi.
          Trương Phi chậm rãi:
- Tôi trộm nghĩ đại ca tôi đã là tiến sĩ tân khoa, ngài làm quân sư cho huynh ấy phải trên một bực mới xứng.
Nói đoạn kéo tay Lưu Bị và Quan Vũ ra ngoài:
- Ông này chưa có học hàm giáo sư, sao xứng đáng làm quân sư cho đại ca.
Nói xong lôi tuột  Lưu, Quan tức tốc xuống núi.
Gia Cát Lượng chưng hửng, ngữa mặt than trời:
- Than ôi! Chỉ vì ta không đượcphong giáo sư mà Lưu Bị dù “tam cố thảo lư” được ta tiếp đón tử tế mà vẫn đành đoạn bỏ ra về...

Lò Văn Chôm






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét