Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Hậu Hán Sở tranh hùng

Kết quả hình ảnh cho xe tứ mã
Hậu Hán Sở tranh hùng

Hồi xnxn: Hàn Thanh bôn tẩu 
Sau khi Hán Cao tổ Lưu Bang dựng nghiệp xưng vương, mấy trăm năm sau, lịch sử có nhiều biến động, nhà Hán lúc thịnh, lúc suy, thiên hạ loạn lạc, lại xuất hiện các nhân vật hậu duệ đáng nể của nhà Hán.
Cháu mấy đời của Lưu Bang là Lưu Bí dựng cờ đại nghĩa, tuyển chọn nhân tài để chiến đấu với quân Sở.
Một hôm, Thừa tướng Tiêu Phí- hậu duệ của Tiêu Hà vào triều, tâu với Hán vương:
- Chúng tôi vừa chọn được một hiền sĩ, tài kiêm văn học suốt cổ kim, đáng làm Phá Sở Nguyên Nhung, xin Hán vương trọng dụng.
Hán vương hỏi: 
- Hiền sĩ tên gì, quê quán ở đâu, tài năng ra thế nào ?
Tiêu Phí tâu:
- Người ấy ở Hoài Âm, họ Hàn tên Thanh, là hậu duệ của đại tướng Hàn Tín, trước ở nước Sở, nhưng Sở vương không dùng nên bỏ Sở về đây... Vừa rồi, chúng tôi cùng nói chuyện, biết là bậc hiền tài,
Hán vương cười rằng:
- Người này mặc dù là hậu duệ của Hàn Tín, tuy nhiên chỉ là hạng vô danh, chưa có công trạng gì. Nay Thừa Tướng cử người này làm Ðại tướng sợ ba quân không phục, các nước chê cười, Hạng vương cho ta là người không có mắt.
Tiêu Phí nói:
- Tâu Ðại vương, xưa nhiều ng­ời xuất thân bần tiện, mà vẫn dựng nên nghiệp cả, như Y Doãn xuất thân là kẻ thất phu ở Sàn Giã, Thái Công là kẻ đi câu sông Vị, Ninh Thích là người buôn xe, Quản Trọng là kẻ tù đồ, đến lúc gặp được thời, đều tạo nên đại sự cả. Hàn Thanh tuy vô danh nhưng xuất thân từ danh gia. tài học tuyệt vời, nếu không dùng, tất hắn sang nước khác, xin Ðại vương xét lại.
Hán vương nói:
- Các khanh đã bẩm tấu, không lẽ ta chẳng vị tình. Thế thì cho đòi hắn vào xem.
Tiêu Phí liền sai người đến mời Hàn Thanh vào bệ kiến.
Hàn Thanh vừa vào đến nơi, Hán vương hỏi:
- Nhà ngươi từ nghìn dặm đến đây, chưa thấy rõ tài năng làm sao đại dụng được. Nay trong kho thiếu chức Chưởng lý, ta cho ngươi làm chức Liên Ngao, xem tài năng thế nào đã.
Hàn Thanh tạ ơi lui ra, sắc mặt vẫn tự nhiên không hề tỏ ra bất mãn.
Tiêu Phí thấy vậy lòng lo lắng không an.
Hôm sau, Hàn Thanh đến kho, kiểm điểm thóc lúa, tính toán sổ sách, mau lẹ phi thường, không sai một mảy.
Những người coi kho thấy Hàn Thanh tính toán minh bạch đều sụp lạy thưa: 
- Từ khi có kho đến nay chúng tôi chưa thấy ai thần toán như ngài.
Hàn Thanh vừa cười vừa nói:
- Quá khen! Quá khen! Ðó chẳng qua cái trò nô lệ thôi, có gì là thần thánh !
Tiêu Phí sai ng­ười đến thám thính, thấy Hàn Thanh tài giỏi như vậy, liền mời về dinh, nói:
- Ngài học ở đâu ra phép tính toán thần diệu như vậy ?
Hàn Thanh đáp:
- Phép toán có nhiều lối, có số "tiểu cửu" có số "đại cửu" Nếu tinh tường các phép ấy thì dẫu bốn bể, năm châu cũng chỉ ở trong bàn ­tay thôi.. Trước kia vua Phục Hy chỉ có 61 quẻ,  mà thiên biến vạn hóa, việc vũ trụ không thoát  ngoài các quê ấy được .
Hàn Thanh lại nói: 
- Thóc gạo trong "kho để lâu nay đã mục nát, xin đem ra bán cho dân, thay hạt cũ lấy hạt mới. Giá lúa nhập kho trước đây thấp, nay đồng tiền mất giá, ta bán theo giá mới nhưng thấp hơn giá thị trường, tiền nhập ngân khố cứ theo giá cũ mà nộp, vừa lợi cho dân, vừa ích cho chúng ta. Xử lý cho khéo đó là việc của Thừa Tướng ! 
Tiêu Phí chưa hiểu: “Ngài nói ích cho chúng ta là ích như thế nào tôi chưa hiểu?”
Hàn Thanh kề tai Tiêu Phí nói nhỏ: “Là như vầy... Như vầy...”
Tiêu Phí cả mừng: “Ngài đề nghị rất phải... Ngày mai tôi sẽ tâu với Hán vương thi hành ngay việc ấy.
Hôm sâu, Tiêu Phí cùng bá quan vào chầu, Hán vương kiểm điểm công việc xong, vào tiền điện cùng với Tiêu Phí nghị sự.
Hán vương nói:
-  Ta ở đây đã tâu, nóng lòng muốn xuất quân, chẳng hay Thừa Tướng có kế gì chăng.
Tiêu Phí nói:
- Tâu Ðại vương,  muốn xuất quân tất phải dùng một vị Phá Sở Ðại Nguyên Soái mới được.
Hán vương thở dài nói:
- Chính ta cũng đang lo về việc đó.
Tiêu Phí nói:
- Ðại vương bất tất phải lo, chỉ cần phong ngay Hàn Thanh làm tướng là xong việc.
Hán vương cười nói: 
- Làm gì cái tài nhỏ nhen ấy !
Tiêu Phí tâu:
- Cứ xem tài này tất hiểu tài khác. Hàn Thanh quả thực đáng làm Nguyên Nhung, không nén cố chấp .
Hán vương suy nghĩ rồi phán:
- Ừ ! Nếu vậy cứ thăng cho Hàn  Thanh  chức Tri túc Ðô Uý xem sao đã.
Cận thần ban lệnh, Hàn Thanh  vẫn nghiễm nhiên nhận lãnh.
Hôm sau, Hàn Thanh  đến dinh Ðô Uý, đem cả sổ sách ra tra xét, lương tiền, thu nộp, chi phí đâu đó rành mạch. Thấy lương bổng của quan, lính ở huyện rất thấp, đời sống của cấp dưới còn lắm khó khăn, Hàn Thanh bày mưu cho thuộc cấp lập khống chứng từ, sổ sách, mua bán, xuất nhập liên tục, bề ngoài trông rất rành mạch mà kỳ thực chỉ là những con số ảo, lãi giả lỗ thật. Ngân lượng từ những thương vụ ngầm được ban phát cho cấp dưới, cống nộp cho cấp trên và gởi vào tài khoản của y trong ngân khố tư nhân ở tận nước Tề.
Thuộc hạ mến phục, tìm đến nói:
- Từ ngài đến coi kho, chúng tôi được hưởng phúc. Mới mấy hôm mà lương tiền dồi dào, so với khi trước cách xa lắm lắm.
Lại rủ nhau đến phủ Thừa Tướng, nói:
- Hàn đại nhân đến đây thực là phúc đức cho chúng tôi lắm. Trước kia quan coi kho tham lam, áp bức dân chúng, phù thâu tiền lúa, nay chúng tôi không còn bị nạn ấy lấy làm hoan hỉ.
Tiêu Phí an ủi:
- Hàn đại nhân là kẻ hiền tài, đâu phải coi kho mãi mãi. Chẳng qua Chúa thượng muốn thử tài người vài hôm đó thôi. Người ấy phải được vào triều giúp vua trị thiên hạ, dựng cơ đồ mới xứng mặt. Nếu các người tín nhiệm Hàn đại nhân thì cùng nhau kỳ tên vào tấu chương để ta trình lên Đại vương
Chúng đồng ký tên vào tấu chương và bái lạy lui ra, Tiêu Hà nằm vắt tay lên trán nghĩ thầm:
- Hàn Thanh  là kẻ quốc sĩ, việc lớn việc nhỏ, việc công, việc tư đều tinh tường cả... Ta phải hết lòng tiến cử, nếu không hoài mất một hiền tài.
Hôm sau, Tiêu Phí đem tấu chương vào triều Hán vương tìm lời lẽ ngon ngọt,hết lời ca ngợi tiến cử Hàn Thanh.
Hán vương nói:
- Nếu trong nước có người tài lẽ nào ta lại không dùng !
Nói đoạn truyền phong Hàn Thanh làm Thiếu phó Công bộ.
Hàn Thanh ra sức tận tụy với Hán vương. Vài năm sau, nhận thấy ở gần “Mặt trời” tuy có chút oai phong, tuy nhiên khó tung hoành tư túi. Một đêm nọ, Hàn Thanh đem một tráp son đựng đầy minh châu đến tư dinh của Tiêu Phí. Tiêu Phí ra tiếp đón vui vẻ:
- Đang đêm khuya ngài Thiếu phó đến viếng tệ xá, chẳng hay có việc gì cấp bách vậy?
Hàn Thanh kính cẩn đáp:
- Kính thưa Thừa tướng, được ngài chiếu cố nâng đỡ vào triều tôi rất lấy làm vinh hạnh. Tuy nhiên lâu nay không thể thi thố tài năng, bị bó chân ở chốn triều ca giống như hổ trong chuồng, chẳng làm gì có lợi thêm cho ngài, bọn thuộc hạ cũng kêu ca vì bị hạn chế thu nhập. Nay tôi thấy vùng Giang Nam đất đai màu mỡ, dân tình phóng khoáng, thiết nghĩ đây là nơi tôi có thể đem tài trí ra phụng sự triều đình và cả ngài, cả tôi đều có thể hưởng vinh hoa phú quý bất tận. Hộp minh châu này chỉ là lễ mọn, xin ngài nhận cho.
Tiêu Phí nhìn hộp minh châu đầy ắp và nghe qua mấy lời bộc bạch của Hàn Thanh lấy làm hài lòng, gật đầu lia lịa:
- Ngài nói chí phải, chí phải! Tài năng như ngài phải về đất Giang Nam mới hợp. Ngày mai ta sẽ tâu Chúa thượng phong cho ngài làm Tri phủ Giang Nam...
.................
Nói về Hàn Thanh, sau khi nhậm chức Tri phủ Giang Nam, y ra sức củng cố thế lực, phát triển kinh tế địa phương, tìm cách mở rộng ảnh hưởng. Hán vương càng tin tưởng vì tấu chương tốt đẹp về Hàn Thanh của các quan khâm sai được khoái mã đưa về triều tới tấp.
Yên vị ở Giang Nam, tiền tài vô như nước, Hàn Thanh ra sức hưởng thụ. Để chứng tỏ gốc gác oanh liệt của mình, họ Hàn thửa riêng cho mình một chiếc xe tứ mã, thân xe mạ vàng còn 4 con ngựa kéo xe là loại ngựa thuần chủng Ba Tư, không chỉ có vậy, chiếc tứ mã của Hàn Thanh còn gắn huy hiệu đầu rồng, biểu tượng của vương triều. Tâm phúc có người khuyên can không nên gắn huy hiệu hoàng gia, Hàn Thanh cả cười: “Tổ phụ ta ngày xưa được phong tước Hoài Âm Hầu, nhưng xét về công trạng, ngài phải được phong vương mới đúng, nay ta dùng huy hiệu này có gì sai”.
Tin Hàn Thanh dùng xe tứ mã mạ vàng lại còn gắn huy hiệu hoàng gia rồi cũng đến tai Hán vương.
Lưu Bí cả giận, phái khâm sai đại thần đến Giang Nam điều tra. Tiêu Phí nghe tin, bí mật gặp quan khâm sai để bàn tính cho vẹn toàn. Khâm sai vốn là người thân của quan thừa tướng nên rất hợp ý nhau, hai bên bàn luận đến nữa đêm mới xong. Khi quan khâm sai đến Giang Nam, Hàn Thanh mang lễ vật đến dịch quán nghênh tiếp đàng hoàng. Khi nghe chất vấn về cỗ xe tứ mã, Hàn phân trần:
-  Bẩm quan khâm sai, tôi vì phải đi công cán nhiều, đất Giang Nam lại rộng nên mới bất đắc dĩ sử dụng xe tứ mã để đi lại, cỗ xe này không phải của tôi mà là của người đánh xe cho mượn, anh ta là người đồng hương tên Lã Bất Lương, vốn là hậu duệ của Lã Bất Vi, gia thế rất giàu có nhưng chán kinh doanh, muốn đi theo tôi để học hỏi thêm về việc kinh bang tế thế. Còn việc tôi gắn huy hiệu hoàng gia trên xe tứ mã chẳng qua là để đi ngang qua phủ khác để họ nể mặt không xét hỏi lôi thôi ấy mà.
Quan khâm sai nhận lễ vật thấy quá hậu hĩnh bèn nghĩ thầm: “Hàn Thanh rất biết điều, lâu nay y lễ ta rất hậu, nếu ta cứ mắt thấy tai nghe tâu lại cho Hán vương chắc anh ta không giữ được cái đầu trên cổ. Phải nghĩ cách cứu y thoát kiếp nạn này”.
Về triều, quan khâm sai viết tấu rất khéo léo, nói đỡ cho Hàn Thanh rất nhiều. Tuy nhiên, mật thám của Lưu Bí đã nhanh chân về triều tấu trình sự lộng quyền và nộp bằng chứng về thủ đoạn tham ô tinh vi của Hàn Thanh. Hán vương không tin lời khâm sai nhưng cũng ậm ự cho xong, tuy nhiên khi bãi triều Lưu Bí ngầm triệu tập Đại nội mật thám và Cấm vệ quân, chuẩn bị đích thân xuôi Giang Nam để trị tội Hàn Thanh.
Là người rất tinh ý, Tiêu Phí nhận ra thái độ bất thường của Hán vương, bèn nghĩ thầm: “Nếu phen này Hàn Thanh bị đem ra xét xử chắc là y sẽ cung khai mọi việc, ta là người tiến cử y và nhận không ít của đút lót tất không tránh khỏi liên lụy. Chi bằng báo tin khẩn cấp để y định liệu”. Tiêu Thừa tướng vội dùng “Phi cáp truyền thư”, dùng bồ câu đưa tin cho Hàn Thanh.
Nhận được thư bồ câu đưa đến, Hàn Thanh mở ra xem, thư chỉ viết một chữ “TẨU”. Hàn Thanh biết có chuyện chẳng lành, nếu ở lại tất nguy hiểm đến tính mạng, ngay đêm đó vội vàng gói ghém tư trang cùng vợ con nhanh chân bôn tẩu sang Tề quốc...
(Chuyện tiếp theo ra sao, hồi sau sẽ rõ)
Lò Văn Chôm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét