Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Ơi... Du lịch

Kết quả hình ảnh cho ruộng bậc thang mù căng chải
ƠI DU LỊCH.
Hôm qua đài Arté Pháp chiếu một phóng sự về Birmanie, trong đó có đoạn các ngư dân Birman trên sông Mekong.
Họ đang buông lưới, kéo vó để bắt ...đô la.
Khách du lịch từng nhóm, từng nhóm trên pirogue chụp hình quay phim với những ồ, những à, những c'est beau , c'est magnifique, c'est super....Và rồi sau đó không quên nhét vài đô la vào tay người biểu diễn...
Trong phần commentaire, anh ngư dân thú nhận chuyện mình "diễn" ( mà có không thú nhận khách cũng biết ). Anh kể là việc đánh bắt không đảm bảo cuộc sống vì cá trên sông ngày càng hiếm.
Mà cũng đúng thôi, các con đập lớn bé không ngớt ra đời trên dòng Mekong vì lợi ích riêng của từng quốc gia cùng chia nguồn nước nầy.
Mặc dầu trên lí thuyết là hành lang cho cá phải được tôn trọng khi xây đập nhưng người ta vẫn phát hiện biết bao cá mẹ đã vỡ bụng chết trên trên con đường tìm về nơi sinh sản.
Có nghĩa là cái hành lang ấy không có , hoặc có mà không thích ứng.
Cá mẹ chết, cá con không chào đời lấy đâu ra cá cho ngư dân đánh bắt .
Anh kể: “các hướng dẫn viên hoặc các công ty du lịch đều có thể liên lạc với chúng tôi bằng điện thoại. Khi có khách họ điện báo trước để chúng tôi "ra sông". Ngoài tiền thù lao cố định được trả từ các công ty du lịch, khách thỉnh thoảng cho thêm vài đồng "
Nghe xong thấy nghèn nghẹn, nghẹn khi nhớ lại những mẻ lưới tương tự trên sông Thu Bồn ở Hội an, nghẹn cho các nước diễn viên, không biết là mình đang bán cái nghèo của mình , gọi một cách tự hào là sản phẩm du lịch để đổi lấy lòng thương hại từ khách .
Nhớ hồi còn đi hướng dẫn, mỗi lần đi thuyền trên sông Thu Bồn tôi cũng làm thế, cũng điện báo trước, cũng trả tiền (nhưng là tiền túi),căn dặn các ngư dân làm như thiệt rồi commentaire "như thiệt" với khách, rồi ngây thơ tưởng khách tin thiệt.
Sau nầy có dịp đi đó đây mới vở lẽ rằng anh ngư dân trên sông Zimbere tận Châu Phi hay bác Ả rập lái đò giả danh trên sông Nil ở Ai Cập, đều có cùng màn diễn giống anh Birman trên sông Mekong và anh ngư dân Hội an trên sông Thu Bồn.
Nhân nói về du lịch tôi lại liên tưởng đến chuyến đi khảo sát Tây Bắc năm rồi. Đoạn Tú Lệ, Mù Căng Chài đến Bình Lư ruộng lúa bậc thang đẹp đến nao lòng. Mùa chuẩn bị sạ, ruộng trắng nước, nước ôm hết ánh nắng mặt trời rồi hào phóng trả lại bằng những tia sáng lấp lánh như kim cương.
Hay sau mùa sạ, lúa còn ngậm sữa, một màu xanh lá trong veo trùm cả các một vùng đồi núi từ trên cao xuống thấp.
Rồi màu vàng rực khi lúa chín. Mùa nào, màu ấy mà màu nào cũng làm ngây ngất khách phương xa.
Ai mà dững dưng cho được .
Bức tranh đẹp của ruộng lúa bậc thang Tây Bắc ấy đã theo du khách đi khắp nơi,hiên ngang sánh vai với các ngọn đồi ở Toscan (Ý) hay những đồi nho bát ngát ở Mũi Hão Vọng ( Nam Phi) trên tường các công ty du lịch ở Pháp.
Họ có biết đâu chỉ một năm sau, chặng từ Mù Căng Chài về đến Bình Lư ruộng lúa bậc thang ấy không còn nữa. Màu trắng kim cương, màu vàng quí tộc hay màu xanh hào phóng đã được thay một màu duy nhất là màu …bùn xám xịt của các công trình thủy lợi mà các xã miền núi đua nhau thực hiện.
May mà vài ngọn đồi (đoạn trước khi đến Mù Căng Chài) còn nguyên để khách còn có chỗ chụp hình mà không có cảm giác là nạn nhân của quảng cáo (publication mensongere )
Thế đấy, thay vì bằng lòng với mỗi ngày một quả trứng , chờ gây bầy gây đàn anh nông dân quê tôi đã vụng tính bán hết cả ổ gà ,cả mái cả trứng để rồi sau đó không còn gì để bán."....
Thọ Phan
Kết quả hình ảnh cho sông thu bồnKết quả hình ảnh cho thủy điện


Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Hậu Hán Sở tranh hùng

Kết quả hình ảnh cho xe tứ mã
Hậu Hán Sở tranh hùng

Hồi xnxn: Hàn Thanh bôn tẩu 
Sau khi Hán Cao tổ Lưu Bang dựng nghiệp xưng vương, mấy trăm năm sau, lịch sử có nhiều biến động, nhà Hán lúc thịnh, lúc suy, thiên hạ loạn lạc, lại xuất hiện các nhân vật hậu duệ đáng nể của nhà Hán.
Cháu mấy đời của Lưu Bang là Lưu Bí dựng cờ đại nghĩa, tuyển chọn nhân tài để chiến đấu với quân Sở.
Một hôm, Thừa tướng Tiêu Phí- hậu duệ của Tiêu Hà vào triều, tâu với Hán vương:
- Chúng tôi vừa chọn được một hiền sĩ, tài kiêm văn học suốt cổ kim, đáng làm Phá Sở Nguyên Nhung, xin Hán vương trọng dụng.
Hán vương hỏi: 
- Hiền sĩ tên gì, quê quán ở đâu, tài năng ra thế nào ?
Tiêu Phí tâu:
- Người ấy ở Hoài Âm, họ Hàn tên Thanh, là hậu duệ của đại tướng Hàn Tín, trước ở nước Sở, nhưng Sở vương không dùng nên bỏ Sở về đây... Vừa rồi, chúng tôi cùng nói chuyện, biết là bậc hiền tài,
Hán vương cười rằng:
- Người này mặc dù là hậu duệ của Hàn Tín, tuy nhiên chỉ là hạng vô danh, chưa có công trạng gì. Nay Thừa Tướng cử người này làm Ðại tướng sợ ba quân không phục, các nước chê cười, Hạng vương cho ta là người không có mắt.
Tiêu Phí nói:
- Tâu Ðại vương, xưa nhiều ng­ời xuất thân bần tiện, mà vẫn dựng nên nghiệp cả, như Y Doãn xuất thân là kẻ thất phu ở Sàn Giã, Thái Công là kẻ đi câu sông Vị, Ninh Thích là người buôn xe, Quản Trọng là kẻ tù đồ, đến lúc gặp được thời, đều tạo nên đại sự cả. Hàn Thanh tuy vô danh nhưng xuất thân từ danh gia. tài học tuyệt vời, nếu không dùng, tất hắn sang nước khác, xin Ðại vương xét lại.
Hán vương nói:
- Các khanh đã bẩm tấu, không lẽ ta chẳng vị tình. Thế thì cho đòi hắn vào xem.
Tiêu Phí liền sai người đến mời Hàn Thanh vào bệ kiến.
Hàn Thanh vừa vào đến nơi, Hán vương hỏi:
- Nhà ngươi từ nghìn dặm đến đây, chưa thấy rõ tài năng làm sao đại dụng được. Nay trong kho thiếu chức Chưởng lý, ta cho ngươi làm chức Liên Ngao, xem tài năng thế nào đã.
Hàn Thanh tạ ơi lui ra, sắc mặt vẫn tự nhiên không hề tỏ ra bất mãn.
Tiêu Phí thấy vậy lòng lo lắng không an.
Hôm sau, Hàn Thanh đến kho, kiểm điểm thóc lúa, tính toán sổ sách, mau lẹ phi thường, không sai một mảy.
Những người coi kho thấy Hàn Thanh tính toán minh bạch đều sụp lạy thưa: 
- Từ khi có kho đến nay chúng tôi chưa thấy ai thần toán như ngài.
Hàn Thanh vừa cười vừa nói:
- Quá khen! Quá khen! Ðó chẳng qua cái trò nô lệ thôi, có gì là thần thánh !
Tiêu Phí sai ng­ười đến thám thính, thấy Hàn Thanh tài giỏi như vậy, liền mời về dinh, nói:
- Ngài học ở đâu ra phép tính toán thần diệu như vậy ?
Hàn Thanh đáp:
- Phép toán có nhiều lối, có số "tiểu cửu" có số "đại cửu" Nếu tinh tường các phép ấy thì dẫu bốn bể, năm châu cũng chỉ ở trong bàn ­tay thôi.. Trước kia vua Phục Hy chỉ có 61 quẻ,  mà thiên biến vạn hóa, việc vũ trụ không thoát  ngoài các quê ấy được .
Hàn Thanh lại nói: 
- Thóc gạo trong "kho để lâu nay đã mục nát, xin đem ra bán cho dân, thay hạt cũ lấy hạt mới. Giá lúa nhập kho trước đây thấp, nay đồng tiền mất giá, ta bán theo giá mới nhưng thấp hơn giá thị trường, tiền nhập ngân khố cứ theo giá cũ mà nộp, vừa lợi cho dân, vừa ích cho chúng ta. Xử lý cho khéo đó là việc của Thừa Tướng ! 
Tiêu Phí chưa hiểu: “Ngài nói ích cho chúng ta là ích như thế nào tôi chưa hiểu?”
Hàn Thanh kề tai Tiêu Phí nói nhỏ: “Là như vầy... Như vầy...”
Tiêu Phí cả mừng: “Ngài đề nghị rất phải... Ngày mai tôi sẽ tâu với Hán vương thi hành ngay việc ấy.
Hôm sâu, Tiêu Phí cùng bá quan vào chầu, Hán vương kiểm điểm công việc xong, vào tiền điện cùng với Tiêu Phí nghị sự.
Hán vương nói:
-  Ta ở đây đã tâu, nóng lòng muốn xuất quân, chẳng hay Thừa Tướng có kế gì chăng.
Tiêu Phí nói:
- Tâu Ðại vương,  muốn xuất quân tất phải dùng một vị Phá Sở Ðại Nguyên Soái mới được.
Hán vương thở dài nói:
- Chính ta cũng đang lo về việc đó.
Tiêu Phí nói:
- Ðại vương bất tất phải lo, chỉ cần phong ngay Hàn Thanh làm tướng là xong việc.
Hán vương cười nói: 
- Làm gì cái tài nhỏ nhen ấy !
Tiêu Phí tâu:
- Cứ xem tài này tất hiểu tài khác. Hàn Thanh quả thực đáng làm Nguyên Nhung, không nén cố chấp .
Hán vương suy nghĩ rồi phán:
- Ừ ! Nếu vậy cứ thăng cho Hàn  Thanh  chức Tri túc Ðô Uý xem sao đã.
Cận thần ban lệnh, Hàn Thanh  vẫn nghiễm nhiên nhận lãnh.
Hôm sau, Hàn Thanh  đến dinh Ðô Uý, đem cả sổ sách ra tra xét, lương tiền, thu nộp, chi phí đâu đó rành mạch. Thấy lương bổng của quan, lính ở huyện rất thấp, đời sống của cấp dưới còn lắm khó khăn, Hàn Thanh bày mưu cho thuộc cấp lập khống chứng từ, sổ sách, mua bán, xuất nhập liên tục, bề ngoài trông rất rành mạch mà kỳ thực chỉ là những con số ảo, lãi giả lỗ thật. Ngân lượng từ những thương vụ ngầm được ban phát cho cấp dưới, cống nộp cho cấp trên và gởi vào tài khoản của y trong ngân khố tư nhân ở tận nước Tề.
Thuộc hạ mến phục, tìm đến nói:
- Từ ngài đến coi kho, chúng tôi được hưởng phúc. Mới mấy hôm mà lương tiền dồi dào, so với khi trước cách xa lắm lắm.
Lại rủ nhau đến phủ Thừa Tướng, nói:
- Hàn đại nhân đến đây thực là phúc đức cho chúng tôi lắm. Trước kia quan coi kho tham lam, áp bức dân chúng, phù thâu tiền lúa, nay chúng tôi không còn bị nạn ấy lấy làm hoan hỉ.
Tiêu Phí an ủi:
- Hàn đại nhân là kẻ hiền tài, đâu phải coi kho mãi mãi. Chẳng qua Chúa thượng muốn thử tài người vài hôm đó thôi. Người ấy phải được vào triều giúp vua trị thiên hạ, dựng cơ đồ mới xứng mặt. Nếu các người tín nhiệm Hàn đại nhân thì cùng nhau kỳ tên vào tấu chương để ta trình lên Đại vương
Chúng đồng ký tên vào tấu chương và bái lạy lui ra, Tiêu Hà nằm vắt tay lên trán nghĩ thầm:
- Hàn Thanh  là kẻ quốc sĩ, việc lớn việc nhỏ, việc công, việc tư đều tinh tường cả... Ta phải hết lòng tiến cử, nếu không hoài mất một hiền tài.
Hôm sau, Tiêu Phí đem tấu chương vào triều Hán vương tìm lời lẽ ngon ngọt,hết lời ca ngợi tiến cử Hàn Thanh.
Hán vương nói:
- Nếu trong nước có người tài lẽ nào ta lại không dùng !
Nói đoạn truyền phong Hàn Thanh làm Thiếu phó Công bộ.
Hàn Thanh ra sức tận tụy với Hán vương. Vài năm sau, nhận thấy ở gần “Mặt trời” tuy có chút oai phong, tuy nhiên khó tung hoành tư túi. Một đêm nọ, Hàn Thanh đem một tráp son đựng đầy minh châu đến tư dinh của Tiêu Phí. Tiêu Phí ra tiếp đón vui vẻ:
- Đang đêm khuya ngài Thiếu phó đến viếng tệ xá, chẳng hay có việc gì cấp bách vậy?
Hàn Thanh kính cẩn đáp:
- Kính thưa Thừa tướng, được ngài chiếu cố nâng đỡ vào triều tôi rất lấy làm vinh hạnh. Tuy nhiên lâu nay không thể thi thố tài năng, bị bó chân ở chốn triều ca giống như hổ trong chuồng, chẳng làm gì có lợi thêm cho ngài, bọn thuộc hạ cũng kêu ca vì bị hạn chế thu nhập. Nay tôi thấy vùng Giang Nam đất đai màu mỡ, dân tình phóng khoáng, thiết nghĩ đây là nơi tôi có thể đem tài trí ra phụng sự triều đình và cả ngài, cả tôi đều có thể hưởng vinh hoa phú quý bất tận. Hộp minh châu này chỉ là lễ mọn, xin ngài nhận cho.
Tiêu Phí nhìn hộp minh châu đầy ắp và nghe qua mấy lời bộc bạch của Hàn Thanh lấy làm hài lòng, gật đầu lia lịa:
- Ngài nói chí phải, chí phải! Tài năng như ngài phải về đất Giang Nam mới hợp. Ngày mai ta sẽ tâu Chúa thượng phong cho ngài làm Tri phủ Giang Nam...
.................
Nói về Hàn Thanh, sau khi nhậm chức Tri phủ Giang Nam, y ra sức củng cố thế lực, phát triển kinh tế địa phương, tìm cách mở rộng ảnh hưởng. Hán vương càng tin tưởng vì tấu chương tốt đẹp về Hàn Thanh của các quan khâm sai được khoái mã đưa về triều tới tấp.
Yên vị ở Giang Nam, tiền tài vô như nước, Hàn Thanh ra sức hưởng thụ. Để chứng tỏ gốc gác oanh liệt của mình, họ Hàn thửa riêng cho mình một chiếc xe tứ mã, thân xe mạ vàng còn 4 con ngựa kéo xe là loại ngựa thuần chủng Ba Tư, không chỉ có vậy, chiếc tứ mã của Hàn Thanh còn gắn huy hiệu đầu rồng, biểu tượng của vương triều. Tâm phúc có người khuyên can không nên gắn huy hiệu hoàng gia, Hàn Thanh cả cười: “Tổ phụ ta ngày xưa được phong tước Hoài Âm Hầu, nhưng xét về công trạng, ngài phải được phong vương mới đúng, nay ta dùng huy hiệu này có gì sai”.
Tin Hàn Thanh dùng xe tứ mã mạ vàng lại còn gắn huy hiệu hoàng gia rồi cũng đến tai Hán vương.
Lưu Bí cả giận, phái khâm sai đại thần đến Giang Nam điều tra. Tiêu Phí nghe tin, bí mật gặp quan khâm sai để bàn tính cho vẹn toàn. Khâm sai vốn là người thân của quan thừa tướng nên rất hợp ý nhau, hai bên bàn luận đến nữa đêm mới xong. Khi quan khâm sai đến Giang Nam, Hàn Thanh mang lễ vật đến dịch quán nghênh tiếp đàng hoàng. Khi nghe chất vấn về cỗ xe tứ mã, Hàn phân trần:
-  Bẩm quan khâm sai, tôi vì phải đi công cán nhiều, đất Giang Nam lại rộng nên mới bất đắc dĩ sử dụng xe tứ mã để đi lại, cỗ xe này không phải của tôi mà là của người đánh xe cho mượn, anh ta là người đồng hương tên Lã Bất Lương, vốn là hậu duệ của Lã Bất Vi, gia thế rất giàu có nhưng chán kinh doanh, muốn đi theo tôi để học hỏi thêm về việc kinh bang tế thế. Còn việc tôi gắn huy hiệu hoàng gia trên xe tứ mã chẳng qua là để đi ngang qua phủ khác để họ nể mặt không xét hỏi lôi thôi ấy mà.
Quan khâm sai nhận lễ vật thấy quá hậu hĩnh bèn nghĩ thầm: “Hàn Thanh rất biết điều, lâu nay y lễ ta rất hậu, nếu ta cứ mắt thấy tai nghe tâu lại cho Hán vương chắc anh ta không giữ được cái đầu trên cổ. Phải nghĩ cách cứu y thoát kiếp nạn này”.
Về triều, quan khâm sai viết tấu rất khéo léo, nói đỡ cho Hàn Thanh rất nhiều. Tuy nhiên, mật thám của Lưu Bí đã nhanh chân về triều tấu trình sự lộng quyền và nộp bằng chứng về thủ đoạn tham ô tinh vi của Hàn Thanh. Hán vương không tin lời khâm sai nhưng cũng ậm ự cho xong, tuy nhiên khi bãi triều Lưu Bí ngầm triệu tập Đại nội mật thám và Cấm vệ quân, chuẩn bị đích thân xuôi Giang Nam để trị tội Hàn Thanh.
Là người rất tinh ý, Tiêu Phí nhận ra thái độ bất thường của Hán vương, bèn nghĩ thầm: “Nếu phen này Hàn Thanh bị đem ra xét xử chắc là y sẽ cung khai mọi việc, ta là người tiến cử y và nhận không ít của đút lót tất không tránh khỏi liên lụy. Chi bằng báo tin khẩn cấp để y định liệu”. Tiêu Thừa tướng vội dùng “Phi cáp truyền thư”, dùng bồ câu đưa tin cho Hàn Thanh.
Nhận được thư bồ câu đưa đến, Hàn Thanh mở ra xem, thư chỉ viết một chữ “TẨU”. Hàn Thanh biết có chuyện chẳng lành, nếu ở lại tất nguy hiểm đến tính mạng, ngay đêm đó vội vàng gói ghém tư trang cùng vợ con nhanh chân bôn tẩu sang Tề quốc...
(Chuyện tiếp theo ra sao, hồi sau sẽ rõ)
Lò Văn Chôm

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Bom nổ chậm

Kết quả hình ảnh cho bom nổ chậmKết quả hình ảnh cho bom nổ chậm
Bom nổ chậm

Những trái bom môi trường nổ chậm
Núp dưới cái tên hào nhoáng đầu tư
Vì lợi ích của quốc gia và dân tộc
Rồi gây nên những hệ lụy khôn lường.

Khi nhận ra thì thôi đã muộn màng
Đành lỗi hẹn với thiên đàng hạnh phúc
Dốc sức dốc lòng quyết tâm khắc phục
Biển chết rừng khô sông đã cạn nguồn.

Con người thiếu những niềm vui mà thừa những nỗi buồn
Trở thành cái túi đựng những điều đau khổ
Trái tim dạ dày phổi gan đều loang lổ
Những căn bệnh hiểm nghèo tiềm ẩn – ung thư.

Không lẽ đành bó tay ngồi chịu cảnh đói nghèo ư
Nhưng sự đời mọi cái đều có hai thái cực
Mặt nầy tích cực và mặt kia là tiêu cực
Thử hỏi mấy ai lại chịu mình tiêu cực hay không?


Nhân Trần

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Kính bác Chôm

Kính bác Chôm

Đã lâu không về Giao Mùa
Chỉ lo phe phẩy hơn thua chợ đời 
Bà con cô bác khắp nơi
Kẻ chê người trách thói thời trở treo
May đâu còn có Chí Phèo
Không chê làng nghèo đã  ghé về thăm
Bên Tàu cách mấy trăm năm
Khổng Minh, Lưu Bị phong hàm giáo sư
Chuyện xưa tích cũ bây chừ
Đồ đi sửa lại hình như hơi trùng
Hay là tại do mình khùng
Cổ kim đều có anh hùng kẻ điên
Chung quy cũng tại đồng tiền
Làm người mờ mắt nên hiền hóa ngu
Lên voi xuống chó tội tù
Thanh bại danh liệt nghìn thu sá gì
Bá nghệ vị tất bá tri
 Lò ra chôm mất thôi thì gút-bay
Gàn tui vốn dĩ ăn dày
So với bác thì bó tay chấm còm
Vì bác là Lò Văn Chôm…..!


Đồ Gàn
Kết quả hình ảnh cho chôm chôm

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Lưu Bị cầu Khổng Minh- Phiên bản lỗi

Kết quả hình ảnh cho lưu bị 3 lần mời khổng minh
Lưu Bị cầu Khổng Minh- Phiên bản lỗi
Kính lạy hương hồn La Quán Trung tiên sinh. Con xin ngài đại xá cho cái tội chép lại truyện của ngài thành phiên bản lỗi.

Sau khi Viên Thiệu thất bại trong trận Quan Độ, Lưu Bị vốn là người dựa vào Viên Thiệu, đành phải cùng Trương Phi, Quan Vũ đi nương nhờ Lưu Biểu, Kinh Châu mục .
Đối với Lưu Bị, Lưu Biểu rất khách khí, cho Lưu Bị một số binh mã, nhưng với Lưu Bị, Biểu chưa thật yên tâm, cho Lưu Bị đồn trú ở huyện thành Tân Dã, một nơi hoang vu và đất hẹp.
Tổ của Lưu Bị là tông thất nhà Hán, sau này gia tộc sa sút. Cuối đời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, Lưu Bị cũng nhân cơ hội hành động, muốn làm một cái gì đấy, khôi phục nhà Hán. Nhưng hơn hai mươi năm đã qua, Lưu Bị tuy danh tiếng rất lớn, nhưng vẫn phải sống nương nhờ người khác, chưa có một thế lực đủ lớn mạnh. Ông thường ca thán bên cạnh mình chưa có một nhân tài có thể đưa ra mưu kế để chỉ huy binh mã.
Khi Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã, có không ít người ở các nơi đến theo, bản thân ông cũng đi khắp nơi tìm người tài. Có một mưu sĩ tên là Từ Thứ, đến Tân Dã nói với Lưu Bị:
-         Có một người tên Gia Cát Lượng, người ta thường goi là “Ngọa Long”, là một nhân tài khó sánh được, tướng quân có muốn gặp ông ta không?
 Lưu Bị nghe nói vô cùng mừng rỡ, vội nói với Từ Thứ:
-         Nhờ ngài bảo ông ta đến gặp tôi!
 Từ Thứ khua khua tay, nói:
-         Gia Cát Lượng là nhân tài khó gặp. Người như ông ta,  không thể dễ dàng gọi đến, tướng quân phải đích thân kính trọng đi mời ông ta.
 Lưu Bị cho rằng Từ Thứ nói phải, quyết định tự mình đi gặp Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, là người Lang Nha, Dương Đô (phía nam huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông nay). Ông từ nhỏ, cha mẹ dã chết, sống nhờ vào người chú ở Kinh Châu. Năm ông 17 tuổi, người chú chết, ông làm mấy gian nhà tranh trên đồi Ngọa Long ở Long Trung ( tây bắc huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc nay), ở đó. Trừ những lúc đi ra ngoài, ông thường cùng với một số bạn bè đọc sách, trau dồi học vấn, đàm luận việc lớn trong thiên hạ. Gia Cát Lượng lòng mang chí lớn, thường so mình với Quản Trọng và Nhạc nghị thời Xuân Thu Chiến Quốc. Quản Trọng từng giúp Tề Tuyên Công sáng lập nghiệp bá, Nhạc Nghị từng giúp Yên Chiêu Vương đánh bại nước Tề giàu mạnh. Người hiểu rõ Gia Cát Lượng, đều cho rằng ông là nhân tài khó gặp, tôn ông là “Ngọa Long tiên sinh”, ý so ông với con rồng, trước mắt còn chờ thời.
Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi mang theo lễ vật đến Long Trung. Ở đây, núi đồi nhấp nhô, cây cỏ tươi tốt, phong cảnh đẹp đẽ. Trong đó có một dãy núi ngoằn ngoèo quanh co, thật giống như một con rồng xanh đang ngủ. Lưu Bị cùng hai người tiến bước, đặt chân đến một quả đồi, chỉ thấy mấy gian lều tranh thấp thoáng trong màu xanh của tùng trúc. Lưu Bị nói với Quan Vũ và Trương Phi:
-         Đây chắc là đồi Ngọa Long.
Nói rồi, ba người đến trước lều tranh xuống ngựa. Lưu Bị đích thân gõ cửa. Một chú tiểu đồng mở cửa, hỏi:
-         Các ông tìm ai?
 Lưu Bị khiêm nhường nói:
-         Nhờ nói với Ngọa Long tiên sinh, Lưu Bị xin bái kiến!
 Tiểu đồng do dự một lát, nói:
-         Tiên sinh không có nhà, từ sớm đã đi rồi!
 Lưu Bị hỏi:
-         Tiên sinh đi đâu?
 Tiểu đồng nói:
-         Không biết đi đâu, Có thể đi tìm bạn bè đọc sách.
 Trương Phi thấy Lưu Bị cứ hỏi mãi, không chờ được, nói:
-         Rõ là ông ta không có nhà, chúng ta đi về đi!
 Quan Vũ cũng ở bên cạnh nói:
-         Chúng ta đi về đi, sau sẽ cho người đến gặp lại!
 Lưu Bị đành phải nói với tiểu đồng:
-         Đợi tiên sinh trở về, nhờ cậu nói với ông, tôi là Lưu Bị đến thăm.
 Nói xong, Lưu Bị rút danh thiếp ra trao cho tiểu đồng rồi rời đồi Ngọa Long.
Kỳ thật Gia Cát Lượng đang ở trong thư phòng chưa chịu ra tiếp. Tiểu đồng trao danh thiếp của Lưu Bị. Gia Cát Lượng xem qua cả cười:
- Lưu Bị tuy có đức nhưng chưa lấy được bằng tiến sĩ làm sao xứng đáng làm minh chủ. Lần sau ông ta đến con lựa lời cho ông ta biết phải có bằng tiến sĩ rồi hãy đến đây nhé!
Quá mấy ngày, Lưu Bị nghe nói Gia Cát Lượng đã trở về nhà, lại cùng Quan Vũ, Trương Phi đến mời ông. Trời hôm ấy rất lạnh, đi được  nửa đường, trời  đổ tuyết lớn. Trương Phi có ý ngần ngại, muốn quay về Tân Dã. Lưu Bị cho rằng đội gió tuyết đi mời mới tỏ được lòng thành của mình, kiên trì muốn đi. Họ thật không dễ đến đồi Ngọa Long. Tiểu đồng lãnh ý chủ nhân, ra tiếp ba người, mời trà nước đàng hoàng. Hết tuần trà, tiểu đồng mới bảo:
- Tiếc thật, quý khách đến hơi chậm. Chủ nhân tôi vừa mới ngao du với mấy ông tiến sĩ ở kinh thành lên. Ông nào cũng in danh thiếp rất hoành tráng. Ra dáng minh chủ lắm lắm.Tiến sĩ có khác!
Quan Vũ mặt đỏ phừng phừng không nói không rằng, quay lưng đi ra. Trương Phi nổi nóng:
- Tiến sĩ là cái cục C ! Làm minh chủ chỉ cần tài đức, cần quái gì cái danh tiến sĩ! Mình về đi đại ca.
Lưu Bị điềm tỉnh:
- Các đệ đừng nóng! Ta về lần sau lại đến.
Về tư dinh. Lưu Bị cho gọi kẻ tâm phúc đến bảo:
- Ngươi vào kinh đô, tìm quan đốc học, nói ta cần gấp tấm bằng tiến sĩ. Ngươi trình với ngài bao nhiêu ta cũng sẽ lo đủ. Đây là số ta ứng trước cho ngài, khi nào xong ta sẽ nộp tiếp. Nói đoạn Lưu Bị lấy ra một túi gấm nặng trịch giao cho kẻ tâm phúc.
Quả nhiên đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Chỉ một tuần sau Lưu Bị nhận được thông báo đã ghi danh vào lớp đào tạo tiến sĩ cấp tốc. Ba tháng sau Lưu Bị khăn gói lai kinh bảo vệ luận án tiến sĩ. Luận án dã được quan đốc học cho người viết sẵn. Ngài báo trước cho Lưu Bị chuẩn bị mấy phong bao dày cộm gởi trước cho các quan trong Hội đồng khảo thí. Ra trước Hội đồng khoa học, Lưu Bị hơi run vì chưa đọc kỹ luận văn. Lưu Bị ê a đọc bản tóm tắt xong thì toát mồ hôi hột. Không khí buổi bảo vệ có vẻ căng thẳng. Các quan trong Hội đồng nhìn nhau, nhìn cái gật đầu của quan chánh chủ khảo rồi đồng loạt hạ bút phê: Ưu
Một thời gian sau, cầm tấm bằng tiến sĩ ưu hạng trên tay, Lưu Bị chọn ngày tốt, chuẩn bị lần thứ ba đi mời Gia Cát Lượng. Lần này Quan Vũ cũng không thật vui vẻ. Lưu Bị nói:
-         Các đệ có biết chuyện Chu Văn Vương cầu hiền gặp Khương Thượng không? Văn Vương kính trọng Khương Thượng như thế, Khương Thượng một lòng phò ta Văn Vương và Võ Vương, vua tôi một lòng, trên dưới hợp sức, cuối cùng hoàn thành được nghiệp lớn diệt Ân. Chúng ta cần phải học theo cổ nhân.
 Nói xong, cùng Quan Vũ, Trương Phi lên đường.
Bọn ba người Lưu Bị đến đồi Ngọa Long, chú tiểu đồng cho biết Gia Cát Lượng đang ngủ trên thảo đường, không dám tự ý đánh thức. Lưu Bị bảo Quan Vũ, Trương Phi chờ ở ngoài cửa. Lưu Bị trao cho tiểu đồng tấm danh thiếp đỏ chót, trên danh thiếp ghi rõ to: KINH CHÂU TIẾN SĨ  LƯU BỊ . Rồi kính cẩn đứng ở bậc thềm trước thảo đường. Qua hồi lâu, Gia Cát Lượng mới trở mình tỉnh giấc. Tiểu đồng vội thưa:
-         Lưu Bị đã chờ lâu rồi. Đoạn kề tai Gia Cát Lượng nói nhỏ: Ông ta có bằng tiến sĩ rồi thưa chủ nhân. Mà không biết sao ông ta giỏi thế, mới có mấy tháng đã làm xong tiến sĩ.
Gia Cát Lượng lúc này mới mời Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi vào trong nhà. Lưu Bị thấy Gia Cát Lượng còn rất trẻ, chỉ khoảng 27, 28 tuổi, diện mạo thanh tú, cử chỉ nho nhã, rõ là nhân tài. Hai người yên vị, bắt đầu bàn bạc việc lớn trong thiên hạ.
Lưu Bị nói:
- Bây giờ nhà Hán suy vong, gian thần lộng hành, tôi không tự lượng sức mình, muốn ra tay an định thiên hạ. Nhưng tôi trí mưu ngắn ngủi, năng lực kém cỏi, đến bây giờ thật chưa có được thành tựu nào. Xin tiên sinh chỉ dạy, tôi phải làm thế nào mới có thể thành công?
Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị khiêm tốn, chân thành, đã phân tích cặn kẽ tình hình lúc ấy, đề xuất đường lối chiến lược để thống nhất cả nước.
Lưu Bị liên tục gật đầu khen phải. Ông nói với Gia Cát Lượng:
-         Những lời tiên sinh nói, thật vô cùng sâu sắc. Tôi mong tiên sinh có thể lên đường, giúp tôi tiến bước trên con đường hoàn thành sự nghiệp thống nhất thiên hạ!
 Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị rất chân thành, xúc động, nói:
-         Nếu tướng quân coi trọng tôi như thế, tôi sẽ mang hết sức mình giúp tướng quân.
          Lưu Bị thấy Gia Cát Lượng đã đồng ý nhận lời mời, vô cùng sung sướng. Tuy nhiên Trương Phi lại nghĩ, đại ca mình đã là tiến sĩ, nay quân sư của anh mình phải hàm giáo sư, nếu không ít nhất cũng là Phó giáo sư mới xứng đáng. Trương Phi liền cất giọng oang oang:
- Chẳng hay Gia Cát tiên sinh được phong hàm giáo sư năm nào vậy?
Gia Cát Lượng toát mồ hôi. Dù đỗ tiến sĩ đã lâu nhưng vì ẩn cư  ít quan hệ với bên ngoài, không đào tạo học trò, không quan hệ với Hội đồng khoa học tối cao, đã vậy thì làm sao được phong hàm giáo sư. Bèn giả lã:
- Cần gì hàm giáo sư, tiến sĩ thôi ta cũng đủ sức làm quân sư cho Lưu đại nhân mưu đồ đại nghiệp rồi.
          Trương Phi chậm rãi:
- Tôi trộm nghĩ đại ca tôi đã là tiến sĩ tân khoa, ngài làm quân sư cho huynh ấy phải trên một bực mới xứng.
Nói đoạn kéo tay Lưu Bị và Quan Vũ ra ngoài:
- Ông này chưa có học hàm giáo sư, sao xứng đáng làm quân sư cho đại ca.
Nói xong lôi tuột  Lưu, Quan tức tốc xuống núi.
Gia Cát Lượng chưng hửng, ngữa mặt than trời:
- Than ôi! Chỉ vì ta không đượcphong giáo sư mà Lưu Bị dù “tam cố thảo lư” được ta tiếp đón tử tế mà vẫn đành đoạn bỏ ra về...

Lò Văn Chôm






Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Sinh nhật tháng 9



Mừng sinh nhật tháng 9       

Chúc mừng sinh nhật của các bạn ra đời trong tháng 9:

         * Huỳnh Thị Xuân            01-09-1958

         * Hồ Thị Minh Hà             08-09-1957

         * Huỳnh Thị Thanh Vân  12-09-1958

         * Thành Thị Thạnh          12-09-1956

Giao mùa chúc các bạn cùng gia đình an vui, hạnh phúc