Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Père Lachaise.


Père Lachaise.
          Một cái nghĩa trang rộng gần 14 hectares,giữa thủ đo Paris là nơi yên nghỉ của các nhân vật nổi tiếng, các nhà chính trị, các ca sĩ, nhạc sĩ... và cả những người không có chữ sĩ nào hết nhưng có điều kiện để sắm cho mình một chỗ nằm yên ắng giữa thủ đô.

          Nhà tôi ở cách Père Lachaise hai trạm tầu điện (15'), gần 20 năm sống tại Paris, đã lục lạo không ít các hang cùng ngõ hẻm của thành phố thế mà cái "bảo tàng ngoài trời" nầy hôm nay tôi mới đến.

          Có thể vì đó là nghĩa trang, không có người thân nằm đấy thì vào làm gì.
          Có thể vì có quá nhiều nơi khác hấp dẫn hơn...
          Nhưng sau khi đi bộ thong dong dưới các con đường rợp bóng cây, đẹp như công viên, thanh bình như làng quê tuổi thơ, và dừng lại không biết trước bao nhiêu ngôi mộ, săm se như đứng trước một công trình kiến trúc, có cái thì hình tròn, có cái hình vuông, có cái không có gì cả mà chỉ là bức tượng, cái nào cũng sạch sẽ, tinh tươm... lần lượt đọc một số các bia mộ tôi nhận ra là mình cũng có người “quen” ở đây đấy .
         Người đầu tiên là... Edith Piaf, người nữ ca sĩ có giọng ca khàn khàn ma quái. Bài hát “La vie en rose” của bà là một trong những bài kinh điển của bọn sinh viên khoa Pháp chúng tôi thời ĐHSP Huế:
"Quand il me prend dans ses bras
Il me parle tout bas
je vois la vie en rose"
         Cùng nằm với bà dưới mồ là Theophanis Lamboukas người tình, người chồng cuối cùng, nhỏ hơn bà gần 20 tuổi .
         Và tiếp đó, không xa lắm, chỉ cách một lối đi là mộ của Georges Moustaki, tác giả của Milord mà ông đã sáng tác cho Edith Piaf, bài hát gắn liền với tên tuổi bà, gắn với cuộc tình của họ.
        Và xa hơn tí nữa là Yves Montand, lại cũng là người yêu .
        Họ nằm xúm xít bên nhau trong một không gian thật yên bình . Tôi nghĩ chắc là món quà thượng đế dành cho người đàn bà đa tình, đa tài nhưng không có nhiều thời gian để sống. Thôi thì cứ tưởng tượng bà đang sống tiếp trong cõi chết với những người mình yêu và yêu mình. Và biết đâu đêm đêm họ chẳng cùng nhau hát “La mort en rose”?
        Tiếp tục đi là đến mộ của Alphonse de Daudet, nhớ đến ông là nhớ đến câu chuyện “Les etoiles”, nhớ anh chàng chăn cừu thầm yêu cô chủ của mình một cách vô vọng để rồi một hôm, nhờ trời, cô mang lương thức lên đồi cho anh bị mưa không về được. Để làm cô vui và bớt sợ giữa núi đồi vắng vẻ, và để trái tim mình thăng hoa, anh đã rủ cô cùng ngắm sao và kể cô nghe câu chuyện đám cưới các vì sao.  Cô say sưa nghe kể rồi thiếp ngủ trên vai anh, và anh, chàng chăn cừu lãng mạn cảm nhận như có một vì sao đang rơi xuống đậu trên vai mình...
         Sau Alphonse Daudet là La Fontaine mà mỗi câu chuyện ngụ ngôn là một bài học đạo đức. Giá mà ông còn sống chắc ông sẽ phải viết thêm phần hai cho chuyện “Con ve và con kiến” bởi lẻ kiến thời @ dù có chăm chỉ đến mấy cũng không có đủ của mà huênh hoang trước các các nàng ve sầu chân dài lả lơi.
         Và đây là mộ Molière của “Lão hà tiện”

        Tiếp đến là Parmentier, người đã nghĩ ra món khoai tây nghiền kẹp thịt (hachis parmentier) món ăn dân dã của người dân quê Pháp, như canh bầu canh bí nhà mình cũng đã nằm ở đây. Mộ ông được trang trí bằng các... củ khoai tây các cở rất là trực quan như để nhắc nhở mọi người rằng chỉ với những củ khoai bình thường nhưng qua bàn tay tài hoa của ông đã vượt ra ngoài đất nước, trở thành món ăn sang trọng, chểm chệ trong thực đơn của các nhà hàng trên thế giới.
        Pierre thì “gặp” lại không biết bao người cùng thời để rồi bùi ngùi nhận ra rằng khi “cuộc đời trôi đã về chiều” mình biết nhiều người ở dưới mồ hơn là những người còn ở trong nhà.
        Tôi thì nhớ đến những số điện thoại “chết” trong máy mình. Nhiều lúc muốn xóa nhưng lòng cứ bảo đừng. Hãy cứ để đấy, coi như là bạn, là anh, là chị là chú vẫn còn quanh đây.

         Thỉnh thoảng nhớ tôi cũng nhấn gọi, có khi nhận được tut tút, có khi nghe đổ chuông đã vội vàng tắt vì chẳng biết phải nói gì với người đang giữ máy.
         Và tôi nghĩ đến cái ngày mà cái số 0913 401 757 của mình cũng rơi vào số phận nầy.
        Mộ còn mới và phủ đầy hoa là mộ của BERNARD VERLHAC , người đã chết trong cuộc tấn của bọn IS vào toà báo châm biếm Charlie Hebdo hồi tháng giêng năm 2015.
       Trên mộ ông, người ta vẫn tiếp tục đến bày tỏ lòng ngưỡng mộ bằng cách dán lên câu khẩu hiệu bất tử "je suis Charlie". Và hoa thì còn tươi rói và đầy ắp.
        Một buổi sáng lang thang, một vài lối đi trong vô vàn lối đi ở cái nghĩa trang mênh mông , một vài ngôi mộ người “quen” ... rồi một thoáng nghĩ về thân phận con người, thân phận mình, đến cái ngày mà “những hẹn hò từ nay khép lại...”
        Biết có ai xúm xít quanh mình?

Paris le 11 Septembre 2015

ThoPhan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét