Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Nam Phi




Nam Phi
Là người thích đi du lịch tự do, thế nhưng tôi chẳng dám dẫn mạng đến Nam Phi “chỉ hai mình” như đã từng chu du khắp đó đây. Người thì bảo một giờ vài vụ cướp là “chuyện thường ngày ở huyện”, ra đường mà mang xách là kể như nạp mạng, không mang theo máy ảnh, balô để tránh bị nhận diện là khách du lịch. 8h tối là không nên ra khỏi khách sạn...
Con cái thì dọa coi chừng họ bắt vì tưởng Mẹ đi buôn sừng tê giác!
Có nghĩa là từ lúc Nelson Mandala qua đời, Nam Phi như gió đổi chiều, apatheid được hiểu theo chiều ngược lại. Người da trắng sau gần 4 thế ký làm hùm làm hổ trên mảnh đất giàu kim cương và vàng nầy bắt đầu e dè né tránh người da đen.
Và người da đen, dù đã được bình đẳng nhưng tự trong sâu thẳm họ vẫn còn gờm người da trắng.
Hay nói đúng hơn là vẫn chưa thể bình đẳng một sớm một chiều được.
 “Con vua thì vẫn làm vua
Còn con thầy chùa thì…vẫn quét lá đa”
Từ Paris bay sang Cap Bonne Esperance (mũi Hảo Vọng) mất gần 14 tiếng, một quá cảnh ở sân bay Dubai thuộc tiểu vương quốc Á Rập Thống Nhất mất 3 tiếng. Tổng thời gian bay và chờ vị chi gần 20 tiếng.
Và để yên thân nơi đất khách quê người, tôi quyết định làm thượng đế có hướng dẫn có lái xe!
Hướng dẫn kiêm lái xe là một cô gái Nam Phi trắng . Điểm đầu tiên tham quan là Montagne de la Table của thành phố Cape town.
Ngược dòng lịch sử về với Nam Phi thời kỳ khai thiên lập địa, mũi Hảo Vọng là nơi tận cùng đất liền phía Nam của lục địa nhô ra biển, nơi gặp gỡ của Đai Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Từ trên đỉnh cao của Montagne de la table, ta có thể thấy cái mênh mông của hai đại dương, một vị trí lý tưởng nhưng cũng là tai họa mà thiên nhiên ban tặng cho Nam Phi.
Thời ấy, vào những năm 1600, muốn đi từ tây sang đông; tầu thuyền phải vòng sang đây. Hành trình thường kéo dài từ 3 tháng 4 tháng. Một chặng hành trình dài lênh đênh trên biển như thế, các thuỷ thủ đoàn thường hay bị cơn bệnh Scorbut đe doạ tính mang (bệnh thiếu vitamin C)
Hà Lan thời ấy là đất nước mạnh về Hàng hải. Họ có hẳn một công ty hàng hải (Compagnie hollandaise des Indes Orientales) gồm những 150 comptoirs từ Âu sang Á, gần bốn, năm mươi tầu chiến loại xịn. Họ trùm việc buôn và vận chuyển tất cả các loại hàng hoá có thể trao đổi giữa các châu lục.
Để cải thiện cuộc sống cho thủy thủ, chính quyền Hà Lan đã quyết định cử người đến điểm tận cùng Nam Phi nầy với mục đích trồng rau xà lách và nuôi heo để cung cấp rau xanh và thịt tươi, lập nơi đây một trạm tiếp vitamine C cho thuỷ thủ đoàn trên chặng đường dài lênh đênh trên biển.
Mục đích ban đầu chỉ là thế. Xin hứa là không có bóng dáng chủ nghĩa thực dân, không có chính sách thuộc địa, không có việc tìm kiếm nô lê. CHỈ CÓ TRỒNG RAU VÀ NUÔI HEO.
Jan Van Riebeeck cùng đoàn tùy tùng đặt chân lên vịnh CAP ngày 6 tháng 4 năm 1652 với mớ hành trang là cuốc, là xẻng, là hạt giống...
Ông có biết đâu cùng lúc ấy mình đang viết những trang đầu tiên của lịch sử phân biệt chủng tộc mà 04 thế kỷ sau vẫn còn làm cho nhân loại rùng mình.
Ban đầu người da trắng Hà Lan chăm chỉ trồng rau, nuôi heo, ngoan ngoãn cung cấp rau thịt tươi cho các thủy thủ của quốc gia mình.
Đất thì mênh mông còn lao động thì... bát ngát. Các bộ tộc người da đen thì không thiếu. Một cái áo lấp lánh, một đôi dép xanh đỏ, một vài cái vòng leng keng là có thể khiến họ cuốc cày để đổi lấy không tiếc sức...
Và rồi tổ quốc mẹ Hà Lan thì ở xa, mà lợi nhuận thì ở trước mắt, thêm một yếu tố bất ngờ khác nữa là một dòng người da trắng Pháp chạy trốn chính sách đàn áp tôn giáo thế kỷ thứ 17 cũng đã cập bến nơi nầy.
Những nông dân Pháp chuyên trồng nho, làm rượu đã phát hiện ra khí hậu nơi nầy chính là miền “đất hứa”cho cây nho đâm chồi nở lộc.
Ban đầu, ai trồng rau thì trồng rau, ai trồng nho nấu rượu thì trồng nho nấu rượu, ai nuôi heo lấy thịt thì nuôi heo lấy thịt. Thiếu lao đông thì mộ thêm dân đen bản xứ, thiếu nữa thì mua thêm nô lê nơi khác đến (Congolais). Nhất là khi các thổ dân địa phương bắt đầu vòi vĩnh nhiều hơn là cái áo, chiếc vòng, bắt đầu nhìn người da trắng với ánh mắt nghi ngờ.
Thế là thành phố Cap Town của những người da trắng Pháp-Halan (Boers) ra đời. Thành phố đầu tiên với những đồi nho mênh mông, với những biệt thự ẩn ẩn hiện hiện sau các rừng cây ô liu, với các quí bà da trắng áo đầm tha thướt mà mỗi bước đi có cả đàn người hầu đen thủi đen thui theo sau.
CAPE TOWN bây giờ vẫn là một trong những thành phố đẹp của hành tinh!
Thay vì bằng lòng với cái thiên đường nắng vàng biển xanh, với tầm nhìn ra biển khơi mênh mông trước mặt , quanh Mũi Hảo Vọng , họ bắt đầu thả tầm nhìn thèm thuồng về phía sau lưng mình, nơi mà họ hình dung các đồng cỏ còn mênh mông, nơi mà chắc còn nhiều hứa hẹn bất ngờ, và đàn gia súc của họ hẳn sẽ no nê mà sản sinh con đàn cháu đống!
Thế là Bắc tiến, là hướng vào đất liền.
Vật chất làm con người ta dễ quên những hẹn ước vô tư ban đầu. Quê hương chỉ còn là khái niệm mơ hồ ở phía sâu thẳm của ký ức một khi “cây đời mãi mãi xanh tươi” đang réo gọi phía trước. Như chàng Điệp quên lời hẹn ước với cô Lan nơi quê nhà, người da trắng Châu Âu đã quên nơi mình đã ra đi, quên lời hứa ban đầu.
Họ quyết định “quên” tổ quốc mẹ Hà Lan.
Dù gặp phải sự kháng cự quyết liệt của các thổ dân da đen đã cư ngụ lâu đời nơi đây như người Khoi Khoi, người Shosha, người Zoulou , nhưng một khi họ đã quyết tâm, khó mà thay đổi.
Họ thành lập quốc gia Nam Phi, xưng mình là người Africaners. Thủ đô đầu tiên của họ là Pretoria.
Dù đất không hẵn là lành nhưng chim vẫn tấp nập bay về đậu. Sau người Boers là người Anh. Cuộc chiến Anglo-Boer mới khốc liệt làm sao nhất là khi con cháu của nử hoàng Victoria phát hiện ra kim cương và vàng ở đây còn nhiều hơn cả sỏi.
Thế là đánh nhau, đánh với các bộ lạc da đen mà vũ khí còn là ná , là đá, là tên tẩm thuốc độc…
Hoặc là đánh nhau với đội quân Anh hùng hậu mà vũ khí cũng như toan tính không đâu là giới hạn.
Có lúc người Anh đã chiến thắng, Paul Kruger, vị tướng nổi tiếng Affricaner đã phải chạy trốn sang Thụy sĩ kêu cứu rồi chết ở đấy, Pretoria thuộc về người Anh. Người Affricaner bị dồn vào trại tập trung, ôm mối căm hờn nhìn người Anh “hớt tay trên” thành quả của mình sau gần ba thế kỷ cày sâu cuốc bẫm.
Nhưng con cháu nhà Boer không dễ gì buông tay. Không dễ gì để tổ tiên mình phải trợn mắt nơi chín suối, không dễ gì xoá khỏi ký ức cuộc trường chinh lập quốc đẩm đầy máu của tổ tiên họ những thế kỷ trước.
Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar thôi!
Và người Anh cũng không dại gì để phải có nhiều kẻ thù cùng một lúc, thế là họ thoả hiệp trên cơ sở cùng màu da để trở thành chủ nhân chung của Nam Phi . Một Nam phi của người da trắng.
Vậy 80% người dân đen Nam phi sẽ như thế nào?
Họ trở thành khách trọ trên chính quê hương mình. Và apartheid xuất hiện trong lịch sử châu phi!
Apatheid có nghĩa là separation mà mình hiểu nôm na là phân biệt chủng tộc. Da trắng có khu của da trắng, da đen có khu riêng của mình. Nước sông không phạm nước giếng. Người da đen không có quyền bén mảng đến khu dành cho da trắng. Trong bệnh viện, trong trường học, trong công viên, trên xe bus, trên bãi biển ... người nào chỗ ấy. Người da đen mà léng phéng là bị xử ngay.
Sự phân biệt tuyệt đối đến độ một quả tim người da màu bị tai nạn dù còn tươi rói vẫn không đước đem ghép vào lồng ngực của người da trắng đang ngàn cân treo tóc. Hay một cô gái da trắng yêu một anh chàng người da đen đã phải trốn chui trốn nhũi như tội phạm.
Là quy luật, hể có áp bức là có đấu tranh. Nelson đã lãnh đạo người dân da màu chống lại apartheid. Ông trở thành người tù lâu năm nhất hành tinh- 27 năm.
Tôi về thăm Robben island vào một ngày biển động . Dù chỉ cách đất liền có 11km nhưng phải mất gần cả giờ tầu. Hướng dẫn là một cựu tù chính trị đã chọn nơi nầy để sống những ngày còn lại của cuộc đời sau 7 năm ở xà lim. Ông dẫn chúng tôi đi thăm xà lim của Nelson, thăm cái mỏ đá nơi ông đã làm việc 27 năm, thăm cái vườn rau nơi ông đã giấu bản thảo của cuốn hồi ký đời mình (La grande marche vers la liberte).
Tôi nhớ cái lần đi thăm quê Bác ở làng Sen, cô hướng dẫn vừa đứng bên khung cửi của bà Hoàng thị Loan vừa thuyết minh vừa lau nước mắt. Mà nước mắt ở đâu mà nhiều thế! Nhất là đoàn nào cô cũng khóc.
Ở đây không có nước mắt. Anh cựu tù binh dí dõm cười khi kể là sau khi ra tù và được bầu làm tổng thống Nam Phi, Nelson đã chọn anh bạn tù (người đã thành công trong việc vận chuyển cuốn hồi ký cất dấu của mình vào đất liền) vào vị trí Bộ Trưởng bộ giao thông vận tải.
Theo kiểu nầy, đúng ra nhà nước CHXHCN Việt Nam thời mới giải phóng phải chọn anh Lượm (giao liên) của Tố Hữu vào vị trí của ông Thăng bây giờ!
Hãy như thế nhé anh cựu tù Robben island!
Đừng hư cấu gì thêm cả để Nelson Mandala mãi mãi là vị thánh của thế kỷ 21.
Cape Town được xếp là một trong những thành phố đẹp của hành tinh. Phải đứng trên đỉnh núi Montagne de la Table, hay chạy xe vòng quanh vịnh Bonne Esperance mới cảm nhận hết cái đẹp và hào phóng của mảnh đất nầy. Những đồi nho bát ngát (route des vins) những con đường hoa rực rỡ (route des jardins). Hoa dại, hoa không dại, trên cát, trên đất, trên đá đâu đâu cũng ngạo nghễ vươn lên như người dân bản xứ.
Một bữa ăn toàn thịt (repas carnivore) một ly vang đỏ Nam Phi chính hiệu bên bờ vịnh, với gió lạnh hiu hiu từ Đại Tây Dương thổi vào ta chợt hiểu ra vì sao những người Hà Lan thời ấy đã bội ước, bất chấp cả vô lý, quyết dành lấy Nam Phi .
Cô hướng dẫn sau khi cụng ly vài lần đã ngà ngà say. Mà khi say con người ta dễ thành thật: Cô tâm sự: nhiều khi cũng muốn rời Nam Phi nhưng đi đâu bây giờ. Tổ tiên cô là người Africanners, cả mấy đời dòng họ cô đã sinh ra trên mảnh đất này.... Giá như đùng có apartheid, gia như đừng có sự phân biệt mầu da, giá như hai dòng máu đen trắng ngay từ đầu được tự do hòa quyện vào nhau để tất cả những đứa con sinh ra trên mảnh đất mũi nầy đều là anh em…
Ừ thì giá như!
Bây giờ tất cả thuộc về “bên thắng cuộc”.
Kể từ năm 1990, ba đời tổng thống Nam Phi đều là người da đen, đảng của Nelson Mandala luôn thắng thế trong các cuộc bầu cử và người da màu nhờ thế cũng hưởng được nhiều ưu thế khác: ưu tiên trong quyền lực,ưu tiên trong việc làm, ưu tiên trong việc hưởng lợi ích xã hội...
Tuy nhiên,
Hệ quả là trong vòng hơn hai mươi năm, hàng triệu người da trắng đã bỏ quê hương Nam Phi ra đi. Số còn lại thì co cụm lại trong những khu riêng biệt được bao bọc bởi các hàng rào điện. Mối thù hằn màu da gần 04 thế kỷ vẫn còn âm ĩ đâu đó. Giết, bắn, cướp là chuyện xãy ra thường ngày. Người da trắng luôn cảm thấy bất an.
Và người da đen chưa thì kịp chuẩn bị để hưởng sự tự do nầy. Nelson Mandala chỉ mới đưa họ lên chuyến tàu BÌNH ĐẲNG còn lái như thế nào thì còn phải nắm được luật.
Vị Tổng thống đương nhiệm, với 07 bà vợ đã tỉnh queo khi nói về sự lây nhiễm của SIDA  “chỉ cần tắm một phát sau khi giao hợp với người nhiễm HIV là tránh khỏi lây nhiễm”(!)
Đâu đó trên hành tinh vẫn còn nhiều đất nước giống Nam Phi sau khi giải phóng.

ThoPhan



Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Mõ làng

Mõ làng

Hôm qua chủ nhật 25/10, Mõ Làng12A3 Nguyễn Lợi đã gióng lên một hồi thúc dục bà con dân làng về tụ họp tại quán cà phê cóc trước Chùa Chiêu Ứng. Quả thật lâu lắm rồi mới có cuộc tụ tập khá đầy đủ, chỉ tiếc cho cô nàng Xuân Thảo lại phải tất bật ra Huế sớm để giúp cho con gái bán buôn và tiếc hơn nữa là nhà chị Bán Xôi cũng không có mặt vì lo chuyện hưu nai hưu trâu gì đó (đó là lời của bác Cả giai à nghe!). Còn anh chàng Nhị Lang ở bên tê sông thì mắc giữ nhà không qua được, bảo với anh Mõ có thương thì mang qua cho ly cà phê để độc ẩm, anh Mõ trả lời là ly cà phê chỉ 7 ngàn thôi còn tiền téc xi 49 ngàn thì ông thanh toán hỉ, thế là chỉ nghe bên tê sông một tiếng thở dài dài hơn cầu Câu Lâu ở Điện Bàn. Riêng nhà ThoPhan và Piere thì đang bận đi viếng mộ danh nhân văn hóa ở Paris chưa về kịp.
Đó là chiện của những người véng mẹt, chớ tại hiện trường thì chao ơi đông ơi là đông. Này nhé, có anh em nhà Lý An Thành và Lý An Thái; có bạn Hải thời lớp 10B của anh Mõ; có vợ chồng nhà bác Cả; Lý Phó Diệu Minh và cả hai bà cháu Phượng Huỳnh; lâu lắm hôm nay mới thấy anh chàng Võ Ngọc Thanh xuất hiện. Lão Quản gia thì mọi khi đi sớm lắm rứa mà bữa ni trễ tới hơn nữa giờ, hỏi ra mới biết nhà có mỗi con Wave mà chị Quản dắt đi ra chợ sớm nên phải chờ họp chợ xong chị về mới đi được chớ! Oách nhất là anh chàng Thành (Thanh) chơi luôn một chiếc 4 bánh tới làm cho con kiệt nhà anh Mõ tối thùi thui. Còn lão Lý thì thôi khỏi nói, vốn có tiếng là đệ nhứt trẹt ôn nên mấy cái dụ ni lòm reng mà lão véng mẹt cho được? Chỉ tội cho anh chàng Ba Ga phải túc trực ở bệnh viện để chăm sóc cho vợ nên không thể nào đến được.
Đúng là lâu ngày mới tụ tập lại có khác,miệng liền miệng tay liền tay, ai cũng cố xổ cho hết cái bầu tâm sự nên cái quán cà phê vĩa hè chỉ nghe mỗi cái đám học trò tóc hai line 12A3 là huyên náo nhất. Mà chủ đề nỗi bật là chuyện con cháu và gia đình. Bằng cớ là nhà chị Phượng Huỳnh dắt theo một chú nhóc ngoại để làm điều kiện rút lui cho nhanh. Trước tình hình đó, bác Cả giai đưa ra một ý tưởng rất chi là độc đáo và thiết thực: Sắp tới đây, vợ chồng bác sẽ đăng cai tổ chức một hội nghị chuyên đề về “Chăm sóc cháu” với các chủ đề như: Chăm sóc cháu tại gia- Chăm sóc cháu ở trường và chăm sóc cháu Online... thì lập tức anh Mõ, Phượng Huỳnh, Lý Phó hưởng ứng ngay làm cho lão Quản, lão Lý và anh em nhà Lý An Thành buồn rười rượi.!!!
Chỉ riêng anh chàng Thành (Thanh) là đưa ra một chuyện thời sự rất chi là nóng bỏng: Thành làm việc trong ngành xuất nhập khẩu thủy sản nên hay tiếp xúc với khách nước ngoài, nhất là các doanh nhân người Nhật và họ rất quan tâm đến chuyện thời sự của cán bộ nhân viên các doanh nghiệp của ta thông qua phiên dịch. Họ ngạc nhiên là không hiểu sao đến đâu cũng nghe cán bộ nhân viên của ta đều đề cập đến chuyện về hưu và thậm chí có người còn tính từng ngày từng tháng để được về. Một số doanh nhân người nhật vui vẻ nói rằng, họ không có khái niệm nghỉ hưu mà làm việc đến khi nào sức khỏe yếu thì mới thôi làm việc. Họ bảo chúng tôi tóc bạc hết rồi mà vẫn qua nước các bạn để làm việc với các bạn đây nầy! Còn không hiểu sao các bạn lại quan tâm đến việc về hưu nhiều đến thế. Cuối cùng họ mới vỡ lẽ ra khi nghe cán bộ nhân viên của ta trả lời rằng: Sở dĩ chúng tôi mong được về cho đúng thời điểm chớ không đến khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản là coi như đi tong, khỏi có hưu nai gì cả. Nghe mà thấy chua chát ngậm ngùi !!!
Có lẽ chuyện lớp chuyện làng còn kéo dài thêm nữa thì lão Lý lại dỡ quẽ đánh bài chuồn bảo là có việc phải về lo chuẩn bị làm hưu trâu khiến cho Lý phó ngồi ngẩn tò te không hiểu mô tê chi cả. Đã thế, lão lại làm cọc cho nhà chị Phượng Huỳnh thả dây leo bằng cách dắt đứa cháu ngoại ra viện cớ chuồn theo, có lẽ làm cho cuộc vui không tròn vẹn. Dẫu sao cũng xin cám ơn anh Mõ, dù bận trăm công ngàn việc vẫn không quên gióng trống khua chiên gọi bạn cố tri. Chỉ hơi tiếc là cái món gỏi Sake của nhà anh chuẩn bị lâu ơi là lâu mà không biết đến bao giờ bà con dân làng mới được thưởng thức đây?


TE KA

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Xa xăm


Xa xăm

Mơ em về thấy thật gần
Giật mình tỉnh mộng bần thần xa xăm
Em đi biền biệt tháng năm
Vần thơ để lại cho tằm vương tơ
Một đời lạc mất giấc mơ
Tình ơi có biết bao giờ tròn trăng
Nỗi buồn vừa lạ vừa quen
Gọi tên người hỡi mưa giăng ngập hồn
Áo xưa tím ngắt hoàng hôn
Dốc đèo tình ái bồn chồn nhớ thương
Biết là bóng nhạn mờ sương
Chiêm bao ru khúc nghê thường đợi em.


Phù Dzu

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Quên

Quên

Lẽ ra hay cũng ít ra hôm nay cánh mày râu chúng mình phải có đôi nhời gọi là mừng ngày “vùng lên”của cánh thục nữ, thế mà dòm tới ngó lui vẫn vũ như cẩn, vẫn không gian vắng lặng như tờ. Cả tuần nay mà cũng cả tháng nay trên Giao Mùa có thấy ai về đâu, may sao còn có nhà chị Thọ Phan ở tuốt bên tận “Paris có gì lạ không em” về dọn nhà dọn cửa.
Cũng do cái tội lười rồi đổ vạ cho công với chuyện nên 20/10 đến (tuy vẫn biết đấy!) mà không viết nỗi lấy một nhời chúc mừng cho phải nhẽ. Tôi cố gắng lắm mới viết được hai câu lục bát rồi tắt tị luôn.
                                 “ Tháng mười se lạnh chớm đông
                                    Mừng em xin tặng đóa hồng yêu thương”.
Thế là lâu lắm rồi mọi thông tin về đám dân làng 12A3 không biết mô tê chi cả, mọi cuộc tụ tập lê la đàn đúm đều đi vào vĩ vãng, nhà ai nấy ở, việc ai nấy mần, phần ai nấy biết. Kể cũng buồn thật, nhưng biết mần reng! Thôi thì cũng có đôi dòng gọi là “Khéo khéo không mà khéo nửa rơi” để biết đâu có ai đó tình cờ còn nhớ tới lớp, tới làng mà gọi nhau về đấu hót cho vui. Và cũng có lẽ xin được liều mạng thay mặt cho đám mày râu của làng 12A3 chúc tất cả các bạn nữ một ngày 20/10 thật vui và hạnh phúc.


Đồ Gàn

Père Lachaise.


Père Lachaise.
          Một cái nghĩa trang rộng gần 14 hectares,giữa thủ đo Paris là nơi yên nghỉ của các nhân vật nổi tiếng, các nhà chính trị, các ca sĩ, nhạc sĩ... và cả những người không có chữ sĩ nào hết nhưng có điều kiện để sắm cho mình một chỗ nằm yên ắng giữa thủ đô.

          Nhà tôi ở cách Père Lachaise hai trạm tầu điện (15'), gần 20 năm sống tại Paris, đã lục lạo không ít các hang cùng ngõ hẻm của thành phố thế mà cái "bảo tàng ngoài trời" nầy hôm nay tôi mới đến.

          Có thể vì đó là nghĩa trang, không có người thân nằm đấy thì vào làm gì.
          Có thể vì có quá nhiều nơi khác hấp dẫn hơn...
          Nhưng sau khi đi bộ thong dong dưới các con đường rợp bóng cây, đẹp như công viên, thanh bình như làng quê tuổi thơ, và dừng lại không biết trước bao nhiêu ngôi mộ, săm se như đứng trước một công trình kiến trúc, có cái thì hình tròn, có cái hình vuông, có cái không có gì cả mà chỉ là bức tượng, cái nào cũng sạch sẽ, tinh tươm... lần lượt đọc một số các bia mộ tôi nhận ra là mình cũng có người “quen” ở đây đấy .
         Người đầu tiên là... Edith Piaf, người nữ ca sĩ có giọng ca khàn khàn ma quái. Bài hát “La vie en rose” của bà là một trong những bài kinh điển của bọn sinh viên khoa Pháp chúng tôi thời ĐHSP Huế:
"Quand il me prend dans ses bras
Il me parle tout bas
je vois la vie en rose"
         Cùng nằm với bà dưới mồ là Theophanis Lamboukas người tình, người chồng cuối cùng, nhỏ hơn bà gần 20 tuổi .
         Và tiếp đó, không xa lắm, chỉ cách một lối đi là mộ của Georges Moustaki, tác giả của Milord mà ông đã sáng tác cho Edith Piaf, bài hát gắn liền với tên tuổi bà, gắn với cuộc tình của họ.
        Và xa hơn tí nữa là Yves Montand, lại cũng là người yêu .
        Họ nằm xúm xít bên nhau trong một không gian thật yên bình . Tôi nghĩ chắc là món quà thượng đế dành cho người đàn bà đa tình, đa tài nhưng không có nhiều thời gian để sống. Thôi thì cứ tưởng tượng bà đang sống tiếp trong cõi chết với những người mình yêu và yêu mình. Và biết đâu đêm đêm họ chẳng cùng nhau hát “La mort en rose”?
        Tiếp tục đi là đến mộ của Alphonse de Daudet, nhớ đến ông là nhớ đến câu chuyện “Les etoiles”, nhớ anh chàng chăn cừu thầm yêu cô chủ của mình một cách vô vọng để rồi một hôm, nhờ trời, cô mang lương thức lên đồi cho anh bị mưa không về được. Để làm cô vui và bớt sợ giữa núi đồi vắng vẻ, và để trái tim mình thăng hoa, anh đã rủ cô cùng ngắm sao và kể cô nghe câu chuyện đám cưới các vì sao.  Cô say sưa nghe kể rồi thiếp ngủ trên vai anh, và anh, chàng chăn cừu lãng mạn cảm nhận như có một vì sao đang rơi xuống đậu trên vai mình...
         Sau Alphonse Daudet là La Fontaine mà mỗi câu chuyện ngụ ngôn là một bài học đạo đức. Giá mà ông còn sống chắc ông sẽ phải viết thêm phần hai cho chuyện “Con ve và con kiến” bởi lẻ kiến thời @ dù có chăm chỉ đến mấy cũng không có đủ của mà huênh hoang trước các các nàng ve sầu chân dài lả lơi.
         Và đây là mộ Molière của “Lão hà tiện”

        Tiếp đến là Parmentier, người đã nghĩ ra món khoai tây nghiền kẹp thịt (hachis parmentier) món ăn dân dã của người dân quê Pháp, như canh bầu canh bí nhà mình cũng đã nằm ở đây. Mộ ông được trang trí bằng các... củ khoai tây các cở rất là trực quan như để nhắc nhở mọi người rằng chỉ với những củ khoai bình thường nhưng qua bàn tay tài hoa của ông đã vượt ra ngoài đất nước, trở thành món ăn sang trọng, chểm chệ trong thực đơn của các nhà hàng trên thế giới.
        Pierre thì “gặp” lại không biết bao người cùng thời để rồi bùi ngùi nhận ra rằng khi “cuộc đời trôi đã về chiều” mình biết nhiều người ở dưới mồ hơn là những người còn ở trong nhà.
        Tôi thì nhớ đến những số điện thoại “chết” trong máy mình. Nhiều lúc muốn xóa nhưng lòng cứ bảo đừng. Hãy cứ để đấy, coi như là bạn, là anh, là chị là chú vẫn còn quanh đây.

         Thỉnh thoảng nhớ tôi cũng nhấn gọi, có khi nhận được tut tút, có khi nghe đổ chuông đã vội vàng tắt vì chẳng biết phải nói gì với người đang giữ máy.
         Và tôi nghĩ đến cái ngày mà cái số 0913 401 757 của mình cũng rơi vào số phận nầy.
        Mộ còn mới và phủ đầy hoa là mộ của BERNARD VERLHAC , người đã chết trong cuộc tấn của bọn IS vào toà báo châm biếm Charlie Hebdo hồi tháng giêng năm 2015.
       Trên mộ ông, người ta vẫn tiếp tục đến bày tỏ lòng ngưỡng mộ bằng cách dán lên câu khẩu hiệu bất tử "je suis Charlie". Và hoa thì còn tươi rói và đầy ắp.
        Một buổi sáng lang thang, một vài lối đi trong vô vàn lối đi ở cái nghĩa trang mênh mông , một vài ngôi mộ người “quen” ... rồi một thoáng nghĩ về thân phận con người, thân phận mình, đến cái ngày mà “những hẹn hò từ nay khép lại...”
        Biết có ai xúm xít quanh mình?

Paris le 11 Septembre 2015

ThoPhan

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Tình thu

Tình thu

Mỗi độ thu về tôi lại làm thơ
Để nhớ đến em một thời hoa đỏ
Nhớ đến tình yêu của một thời khốn khó
Vô tư - trong sáng - dại khờ.

Ngày ấy chúng mình chưa biết làm thơ
Chỉ học thuộc lòng những bài thơ tình hay nhất
Của những thi nhân một đời yêu chân thật
Đã vắt kiệt tim mình cho bất hạnh khổ đau.

Cứ ngỡ tình yêu có muôn phép nhiệm mầu
Là thiên đường với hoa thơm quả ngọt
Róc rách suối reo mây bay chim hót
Hạnh phúc mãi mỉm cười với những tình nhân.

Ôi tình yêu là bể khổ chốn dương trần
Đã vướng chân vào thì trầm luân khổ ải
Mà loài người vẫn điên cuồng đắm say mê mãi
Trong đó còn có tôi cũng là một tín đồ.

Câu chuyện tình buồn sao quá ngây ngô
Nhưng đã trở thành một tình yêu chân chính
Dù bây giờ chúng ta như một phương trình vô định
Tôi vẫn đứng ở thu nầy gọi em về lại thu xưa.


Tiêu Đầu Hàn Giang Phố

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Mừng sinh nhật tháng 10

Mừng sinh nhật tháng 10     

 

        Chúc mừng các bạn ra đời trong tháng 10:

* Đỗ Thị Thanh Thủy       02-10-1957

* Hoàng Cung Nam         05-10-1957

* Nguyễn Xuân Chung    10-10-1957

* Võ Ngọc Thanh             18-10-1958

* Tôn Nữ Diệu Liên          23-10-1957

* Tôn Nữ Xuân Thảo        28-10-1957

          Giao mùa chúc các bạn cùng gia đình luôn an vui và hạnh phúc.