Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Ngõ hẹp

Ngõ hẹp

                           Nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam, Báo Đà Nẵng Cuối tuần ra một Đặc San chuyên đề về ngày Báo chí, thật tình cờ, trong chuyên mục sáng tác, tôi đọc rất nhiều bài thơ của các nhà thơ trong và ngoài thành phố được đăng, trong số ấy bài thơ Ngõ hẹp của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã đi vào lòng tôi một cách mênh mang êm đềm và sâu lắng. Bài thơ gợi nhớ đến một thời tuổi thơ tôi nơi miền quê trung du nghèo khó, nơi ấy đã giữ lại biết bao kỷ niệm êm đềm của thuở ấu thơ. Ngôn từ của bài thơ rất dung dị đời thường và gần gụi thân thương,  nó đã ám ảnh tôi đến ngất ngây xao xuyến. Cái ngõ hẹp, cái lối mòn, con đường làng quanh co bụi đất, cái bến sông bồi lỡ đến xói lòng mà mẹ già thường ra giặt áo và cái ống xoáy trầu của bà ngày xưa ấy đã hớp hồn tôi. Tôi như quên hết hiện tại xung quanh, nâng đàn lên để trãi lòng mình hòa quyện cùng với những vần thơ của Ngõ hẹp.
                        Sau khi phổ nhạc bài thơ, tôi muốn được chia sẻ cùng tác giả, nhưng không biết tác giả ở đâu. Tôi đành nhờ anh bạn Trần Hân (là bạn học với tôi ở Trường Phan Châu Trinh trước giải phóng) hiện là phóng viên của Báo Người Lao Động ở Đà Nẵng tìm giúp và may mắn thay Trần Hân đã cho tôi số điện thoại của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh và được biết thêm tác giả Ngõ hẹp cũng là một phóng viên của báo Công Thương. Lại một tình cờ nữa là nhà tác giả ở cách nhà tôi đi bộ không đầy mươi phút! Thế mới hay chuyện đời có lắm bất ngờ đến không thể nào tin được.  Sáng nay, tôi tranh thủ đến tìm tác giả để trao lại bài thơ đã được tôi phổ nhạc. Nhận đứa con tinh thần mới của mình anh rất vui và xúc động vì hình như anh đã có “người bầu bạn tri âm” như ý của anh trong bài thơ. Tôi cũng rất vui và xúc động không kém khi được tác giả tặng một tập Thơ tình và một CD ca nhạc trong đó có thơ của anh được phổ nhạc.
                        Tạm biệt anh, tôi lại tất bật chạy đến nơi làm việc vì sợ muộn giờ thì lại nhận được điện thoại của nhà thơ Ngọc Hạnh và lại một bất ngờ nữa lại đến với tôi. Anh Hạnh bảo tôi có biết anh Nguyễn Văn Thiên không thì tôi bảo có và nhận là bạn học cùng thời với bạn Trần Hân ở Trường Phan Châu Trinh, nhưng anh Hạnh bảo không phải và đưa máy cho anh Thiên nghe. Anh Thiên hỏi tôi có phải quê ở Đại Hồng , Đại Lộc không thì tôi linh cảm rằng hình như có một phép lạ nhiệm mầu đang đến với chúng tôi. Và quả đúng như vậy, hóa ra cả ba chúng tôi đều là người cùng quê hương Đại Hồng Đại Lộc và lại là có quan hệ bà con. Tôi gọi tác giả Ngõ hẹp bằng bác và gọi anh Thiện bằng chú. Chúng tôi đã bặt tin nhau dễ có đến 50 mươi năm rồi và nay mới có dịp tìm lại nhau qua bài thơ “Ngõ hẹp”. Đúng là quả đất tròn đến muôn đời.
                       Hình như “Ngõ hẹp” của Nguyễn Ngọc Hạnh bây giờ với tôi không còn hẹp nữa mà nó đã được mở rộng một cách diệu kỳ. Âu đó cũng là một cơ duyên huyền nhiệm để cho những tâm hồn đồng điệu đến với nhau và hơn thế nữa là để cho những con người xa xứ gặp lại nhau qua bao nỗi thăng trầm của cuộc đời lưu lạc. Tôi như đang tan chảy vào trong giấc mộng đoàn viên.

25/6/2015
Trương Công Ảnh

(Rất tiếc là không đăng được file PDF của bản nhac lên blog- Máy của mình hiện không xử lý chuyển PDF sang ảnh được)

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Rảnh rỗi

 
RẢNH RỖI.
Buổi sáng ngồi quán cà phê nhìn thiên hạ!
Một chiếc xe lăn đi qua. Người ngồi trên xe là một ông cụ , người đẩy cũng là một bà cụ. Cả hai chừng 70, 80 tuổi. Hành trình là từ bệnh viện Đa Khoa sang bệnh viện Chỉnh Hình Đà Nẵng.
Chắc là ông cụ đang giai đoạn phục hồi.
Tôi nói với anh : « Mai mốt em cũng sẽ đẩy anh như thế ».
« Nhưng anh phải mặc đồ đẹp hơn. Đừng cho anh mặc pyjama ra đường». Anh đề nghị.
« Tất nhiên rồi. Vì mình đẩy nhau đi du lịch mà »
« Xe anh sẽ tự động, như thế em đở vất vã hơn ». Anh đế thêm.
Thế đấy, chúng tôi đang nói về dự định tương lai của mình. Tương lai gần hay tương lai xa thì chẳng biết được nhưng chắc chắn đó là tương lai.
Hoặc có lúc nhìn thấy những cặp « già hơn mình » đang tung tăng dạo phố, hai đứa lại ướm :
«Mình … mười lăm năm nửa » hoặc lạc quan hơn « mình …hai mươi năm nữa » .
Và trong viễn cảnh nào, MÌNH cũng là hai đứa…
Cứ như Đôi Dép của Nguyễn Trung Kiên « Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc ».
Cứ như chuyện phim Amour của đạo diễn người Áo Michael Haneke do hai diễn viên Jean-Louis Trintignant và Emmanuelle Riva thủ vai chính.
Hai vợ chồng cùng là giáo viên dạy nhạc , một cuộc sống hạnh phúc, êm đềm… Rồi một ngày tai họa giáng xuống, Anne ( Emmanuelle Riva ) bị đột quỵ dẫn đến tê liệt, mất trí nhớ, mất khả năng tự sống…
Goerge (Jean-Louis Trintignant) đã thủy chung cùng bà cho đến cái chết. Ông giữ lời hứa đã không đưa bà vào viện dưỡng lão, ông đã một mình lo cho Annna , ông đã cùng bà đi hết chặng đường khó khăn
Kết thúc là cái chết của cả hai, dù cái chết có hơi bất nhẫn nhưng trọn vẹn.
Phim đã đoạt giải Cành cọ Vàng tại Liên Hoan Phim Cannes 2012 (thỉnh thoảng vẫn chiếu lại trên TV5 )
Haha. Đọc đến đây có người sẽ bảo con ni dở hơi. Rảnh qua rồi nghỉ lung tung !
Không rảnh đâu nhé ! Lại còn bận nữa là khác. Bận lên chương trình cho chuyến đi chơi sắp tới (tranh thủ lúc đôi dép còn nguyên hai chiếc), bận « lên lớp » bà chị có đôi có đũa mà suốt ngày lục đục không chịu nhìn nhau thì lấy đâu nhìn về một hướng, bận xúi các U over 60 bạn mình tích cực thiền, jogging, cà phê cà pháo trước khi « những hẹn hò từ nay khép lại » và còn bân đi tìm mua hộp kem … anti-ride (chống nhăn da) nữa chứ.
Nghĩ được như thế để biết tận hưởng cái hạnh phúc của ngày hôm nay và quên đi cái điệp khúc : « ôi ngày ấy sẽ đến… » đó mà.

Thophanthi

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Đông du... ký


ĐÔNG… DU KÝ.
Tô Kỳ ô, Tô ký ô
Dù là dù với kimono

Sau mười một ngày trên đất Nhật, thật là khó để nói lời chia tay nếu như bạn không lên cho  mình một kế hoạch là sẽ trở lại nơi này một ngày rất gần  . 
Mà thật, giá như có thời gian và ngân sách không giới hạn tôi sẽ ở thêm một tuần , một tháng  hoặc thậm chí vài tháng,  lang thang từ thành phố nầy đến thành phố khác cho đã đời cái thú được sống trong một  không gian bình yên, tin cậy và đầy tình người của một đất nước “trên cả tuyệt vời”
Vì  chỉ có 03 ngày tại Tokyo, một thủ đô khá lớn với  diện tích gần 2200km² nên ngày đầu  tiên đến  Tokyo  tôi  định  là sẽ đi thăm khu Shibuya, đền Meiji trong buổi sáng . Chiều sẽ đi qua đảo Odaiba bằng tầu thuỷ để luôn tiện ngắm vịnh ToKyo...
Ngày thứ hai sẽ dành cho núi Phú sĩ.
Ngày thứ ba sẽ lang thang trong các khu phố  Ginza, khu phố điện tử Akihabara, chợ cá…
Mưu đồ là thế nhưng lực bất tòng tâm. Mặc dầu đã quen với tàu điện ở Pháp nhưng  để lần  các ga  tàu và hiểu ra hệ thống tầu điện ở Kyoto  quả là một trận chiến không cân sức. 
Hệ thống tầu điện  ở đây như  một mê hồn trận.
Cảm nhận đầu tiên là  Metro sạch bóng loáng  và người Nhật tử tế ngoài cả chuẩn. Trên khắp sân ga chỗ nào cũng có nhân viên. Chỉ cần bạn lơ ngơ tìm, chưa dám cất giọng hỏi là đã có một em Nhật sẵn sàng sấn  đến giúp.  Mà đã giúp là giúp đến nơi đến chốn, không có cái kiểu "đàng kia kìa" hoặc  "chỗ nớ đó " như ta vẫn thường gặp  ở nhà.
Họ sẽ dẫn bạn đến nơi bạn cần đến rồi mới chịu thả bạn ra. Bạn đang còn đang bở ngỡ với sự nhiệt tình ngoài chờ đợi và chưa biết phải cám ơn như thế nào cho xứng đáng thì họ đã cúi đầu chào bạn với môt nụ cười tươi rói như chính họ là người được giúp không bằng. Một lần, hai lần rồi N lần, từ Tokyo đến Kyoto, đến Kobe hay Nara , ... và suốt cả hành trình trên đất Nhật. Ở đâu tôi cũng  gặp những người Nhật  như thế .
Nếu bạn không muốn gây sự chú ý thì chớ dại chen ngang ở nơi công công. Này nhá, sắp hàng mua vé tầu, sắp hàng vào toilette, sắp hàng khi  tính  tiền ở siêu thị và sắp hàng ngay cả lúc lên cầu thang bộ. Một nửa  cầu thang là dành cho người đi lên, một nửa dành cho người  đi xuống,  cứ thế phần đường  ai  người ấy đi. (Chả như  chỗ cầu sông Hàn nhà mình lúc tan tầm, đã có vạch phân cách thế mà chỉ cần bác công an quay lưng là ta “làm chủ tập thể ngay”)
Con gái Nhật không đẹp nhưng ăn mặc đầy tự tin. Thôi thì xanh đỏ tím vàng rực trời, không mốt nào giống mốt nào và mặc cái gì cũng là mốt cả. Guốc giày cao gót thì không thiếu. Bạn sẽ phải thành kính nghiêng mình trước những đôi giày cao 8, 10 phân nhịp nhàng cùng với bước đi của các em trên phố. Các đấng nam nhi trên hành tinh chúng ta mà thực hiện đươc chân lý "ăn cơm tầu , ở nhà Tây, lấy vợ Nhật" là kể như có thể hả hê trong sự thành công. Nhưng các em gái Nhật của thế kỷ 21 không còn bị mẹ mình hối lấy chồng ở tuổi hai mươi nên chuyện vợ Nhật trở thành hàng hiếm. Theo thống kê, gần 40%  gái Nhật ở tuổi 40 vẫn còn độc thân. Cuộc sống quá tự do, quá đầy đủ, lại không bị định kiến xã hội trong chuyện ấy thì mắc mớ gì vì một cây xúc xích mà phải vác về nhà mình cả một con heo (!)
Đi trên đất nước Nhật, nhìn cách sống của họ tôi cứ nghĩ  họ là người Châu Âu bị đầu thai lộn. Nước sông không muốn phạm nước giếng nên  người Nhật  luôn nói    "tôi là người Nhật"  và thường  tránh nói  “tôi  là người Châu Á”.
Nhìn họ, nhìn cuộc sống luôn tưng bừng, nhìn cái xã hội như hoàn hảo mà ở trong đó con người như  cảm nhận được sự may mắn của mình tôi chạnh lòng nghỉ đến Hyroshima  năm 1945. Có lẽ lúc đó cuộc sống vẫn diễn ra như thế nầy, người dân Nhật vẫn đang đi dạo phố, trẻ em Nhật cũng đang đến trường, các geisha Nhật cũng đang điệu đàng trong kimono  thì trên không  máy bay Mỹ đang  chỉnh lại độ nhắm lần cuối (cầu Aioi) và đúng 8h 15 phút là  Little boy … được  thả xuống thành phố.
Quả bom nổ cách mặt  đất 600m. Người Nhật ở Hyroshima không nghe tiếng nổ, chỉ thấy một đóm lửa đỏ rực, một sức nóng ngột ngạt. .. Và sau đó là sự  đau đớn, chết chóc.
Sau khi thoát khỏi đệ nhị thế chiến, người Nhật bắt đầu xây dưng lại đất nước mình từ một đống đổ nát.
Thế nhưng bằng một khoảng thời gian hơn nửa  thế kỷ, nước  Nhật đã đi một chặng đường khá xa. Xưa rồi cái thời mà nói đến người  Nhật là nói đến copie, đến bắt chước, xưa rồi cái thập niên mà  những  chiếc xe hơi Nhật bị nhìn bằng nửa  con mắt ở Châu Âu. Nếu có dịp đi qua khu phố  Akihabara  ở Tokyo , bạn sẽ thấy thiên đường đồ điện tử là ở đây rồi: máy ảnh, tivi, điện thoại, máy tính … cùng phụ kiện  như khoai  lang… ngày mùa ở xứ mình . Rồi phim, rồi băng đĩa, rồi các cô gái ăn mặc cái kiểu  mà nếu như  ở  ta, bạn   nghĩ  chắc là các cô thuộc  biên chế  một gánh cải lương nào đó. Mặt thì đánh phấn trắng bệch , má thì đỏ , môi cũng đỏ luôn , áo quần thôi thì đủ cả các màu, đủ các kiểu… Thì ra các cô đang   hóa thân vào các nhân vật hoat hình  (một nét của văn hóa Nhật). Nhìn các cô đầy tự tin lượn lờ trên phố, ta có cảm giác như đang xem phim hoạt hình.
Chợ cá Tsukiji .
Cơ man nào là cá. Người Nhật ăn cá như ta ăn cơm.  Hải sản tươi và khô được bày bán la liệt. Chung quanh chợ là các quay bán hải  sản ăn liền: vẹm, hàu nướng, tôm nướng thơm lựng. Ai mà không nuốc nước miếng rõ ràng là khẩu vị có vấn đề . Một đĩa hái sản gồm  sò điệp  nướng+ thịt cua + tôm  ăn tại chỗ giá 1200 yên, tương đương 200.000đ. Rẻ hơn hải sản  Đà Nẵng rồi.  Nhất định không bỏ lỡ cơ  hội nhé. Tôi  nhập vào hàng "ăn đứng" như dân Nhật để giải quyết cơn ghiền chỗ. Sau đó còn mua nào là cá ngừ tẩm, tôm tẩm , tép tẩm... về làm của.
Sau Tokyo  là Kyoto , thành phố   với cung điện, với chùa vàng, với  phố xưa  với  các ngôi nhà cổ và con sông Kamo êm đềm.
Từ Tokyo về Kyoto mất 03 giờ tầu.
Thành phố nầy có nhiều khách du lịch. Các  đoàn khách rồng rắn cùng  hướng dẫn tại  các điểm tham quan không thiếu.  Tôi lạị nhớ đến một thời của mình … mà buồn cười . Sau một chuyến tham quan, mặt hướng dẫn  có bao nhiêu hột  mụn, răng hướng dẫn  khuyết mấy cái  chắc khách nhớ còn rõ hơn là các điểm đã thăm. Vì thế cho nên sau khi đã được hoán đổi vị trí từ hướng dẫn sang làm khách, tôi  vẫn thích tự đi.
Là khách  tự do nên tôi có nhiều  thời  gian lang thang ở những nơi mình thích. Ví dụ như  la cà ở khu  Gion,   khu phố cỗ giống  Hội An với các ngôi nhà bằng gỗ , chờ các  cô geisha trong  duyên dáng trong kimono bước ngập ngừng (vì guốc gỗ)  cùng người yêu bên bờ sông KAMO  để chụp hình , hoặc đi một  vòng  xe buýt  cả buổi chiều chỉ để  … ngắm phố phường hoặc lang thang trong chợ để xem hàng  hóa  và  ăn vặt… hoặc tìm một quán cà phê nào đó để thả tầm ngắm.
Đó là chưa kể đến thời gian shopping!
Vốn có tâm hồn ăn uống nên sau 3 ngày ở  Kyoto tôi lại bắt tầu đi tiếp xuống Kobé, thành phố nổi tiếng với món thịt bò .
Bò Kobé đước nuôi bằng cỏ non, ngủ cốc, được   hít thở khí trời trong lành, được chăm sóc sức khỏe  như người  (thậm chí còn  được nghe nhạc ban đêm) nên chi thịt mềm như bơ. Bò Kobé chỉ có ở vùng Kobé của Nhật cũng như rượu Champagne chỉ có ở vùng Champagne của Pháp (cách Paris 130km về phía  đông). Nên chi nếu bạn bảo là đã ăn bò Kobé của Úc thì cũng chẳng khác gì bạn đã uống Champagne của Nga (!)
Và một khi đã đến được Kobé rồi thì… Này nhé: một miếng thịt bò kiểu steak, một bình  sake nóng, một em Nhật  xúng xính trong  kimono phuc vụ, bạn tưởng mình như đang đóng phim!
Kobé còn là cảng biển lớn thứ hai của Nhật, là  nơi mà năm 1995 đã có một trận động đất làm chết hơn 6000 dân. Dấu vết còn lại chỉ là tấm bia tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Tôi lượn một vòng quanh cảng, không bỏ qua công viên vui chơi và mua sắm.
Tha hồ  shopping nhé!
Rồi đến lúc cũng phải về thôi.  Osaka, Nagasaki,  và bao thành phố khác phía nam thôi hẹn hai năm nửa  nhé.


                                                                             Người đàn bà đi.
Cảng Kobe

Cảng Kobe

Geisha

Hẹn hò





Nhà hàng

Sông Kamo

Đêm Tokyo

Train

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Nóng

Nóng

Thời tiết, khí hậu toàn cầu ngày càng trở nên vô cùng khắc nghiệt và đã gây nên biết bao khó khăn khốn đốn cho con người và sinh vật sống trên trái đất nầy. Nắng nóng đã làm cho dân nghèo các nước Ấn Độ, Bangladesh thiệt mạng hơn cả ngàn người! Riêng nước ta, chưa có năm nào nắng nóng như năm nay, nóng từ miền ngược đến miền xuôi, nóng từ thôn quê ra thành thị,nóng từ đất liền ra biển cả và từ nóng đến nóng vô cùng.... Giới khoa học cho rằng cái hậu quả thời tiết biến đổi cực đoan, ấy là do hiện tượng trái đất nóng dần lên, là do hiệu ứng nhà kính, là hiện tượng En-ni-nô, là do sự biến đổi của thiên hà, là vân vân và vân vân.... Và trong vô số các nguyên nhân ấy thì có sự tiếp tay của con người với bao tham vọng không bờ bến.
Từ cái nóng của tự nhiên, thì cái nóng ấy còn tác động dây chuyền đến cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội con người. Nào là dịch bệnh nóng lên, giá cả thị trường cũng nóng lên, nạn buôn lậu hàng hóa, buôn người nóng lên trên thế giới, tai nạn giao thông nóng lên ngay cả đượng bộ, đường biển, đường sông và đường hàng không vì nó đã gây nên những thiệt hại quá lớn. Rồi chiến tranh cũng nóng lên gây bất ổn cho đời sống con người, biển đảo cũng sục sôi vì những mưu đồ bành trướng đe dọa nền an ninh khu vực và thế giới. Rồi tệ nạn tham nhũng trở thành vấn nạn chung của con người trên khắp hành tinh.... Và nói tóm lại cái nóng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của thiên nhiên và đời sống xã hội con người. Phàm ở đời, cái gì mà vượt quá ngưỡng chịu đựng thì trở nên ác nghiệt, tàn khốc dẫn đến nguy cơ hủy diệt. Có người vì nóng quá lại đâm ra ngớ ngẫn mà bảo rằng: “Thà lạnh mà dễ chịu hơn!”. Nhưng khi mà nhiệt độ hạ xuống thấp và âm sâu lạnh quá thì cũng đâu bảo toàn được tính mạng? Vậy nên cái gì cũng phải vừa vừa tương đối thì mới tồn tại được.
Suốt mấy tuần nay ở ngôi nhà Giao Mùa của chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi cái nóng khủng khiếp kia nên chẳng thấy ai về. Ngôi nhà trở nên hoang vắng và lạnh lẽo, chắc mọi người đã rủ nhau đi tránh nắng nóng hết trơn rồi thì phải! Đến nỗi lão Quản gia “up” mừng sinh nhật các bạn lên bờ lốc mà cũng chẳng thấy ai lên tiếng lấy nửa nhời. Có lẽ nhà chị ThọPhan là sướng nhất, vì vào thời điểm nắng nóng đến cực độ nầy là chị ta cùng anh Pie sang tuốt tận trời tây để trú nóng và du nịch sau khi phong chức cho bác Cả Lê là cụ Thủ Gim vào hôm “Hội ngộ 40 năm” của khối lớp 10 Ban C vừa qua. Rất tiếc hôm ấy mà có thêm Tư Mắt Kiếng thì con chim sơn ca Phùng Thị Nghĩa khó mà đạt được giải  nhất bơi tàn đàn về ca hót ấy chớ?
Nghĩ mà thương cho nhà chị bán xôi Mây Xanh, sau  cái vụ Mì Quảng hôm 1/5 đến chừ không thấy chị ta ư hử chi cả! Chắc là cơn giận ấy chưa nguôi! Mà gớm, làm gì có người nào mà giận lâu đến thế không biết? Còn cô nàng Chiêu Anh Xuân Thảo thì bặt vô âm tín, không biết có chịu nỗi cái nắng nóng nầy ở quê hương Bình Trị Thiên khói lửa hay không? Rồi anh chàng Udum Bara ở Kỳ Tam City đã hết cảnh “một cảnh hai quê” hay chưa?
Mấy hôm nay nắng nóng quá chẳng làm gì được, cái thằng tui lại mò đến nhà lão Lý xem lão ta vì reng mà chẻng thấy hò hét như mọi khi thì mới hay lão “vũ như cẩn” chẻn có đổi thay gì. Duy chỉ có anh chàng Đức Nhược thì vất vả hơn vì phải lo chăm sóc cho bà xã đang nằm trong bệnh viện Huyết học ở Sài Gòn. Cầu mong sao cho gia đình anh ta cũng như tất cả bạn bè mọi sự được bình yên.


TÊ KA

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Mừng sinh nhật tháng 6

MỪNG SINH NHẬT THÁNG SÁU

 Chúc mừng sinh nhật các bạn ra đời trong tháng 6:


- Trần Thị Tây:               10/6/1956

- Nguyễn Hoàng Minh:  27/6/1956


Giao mùa chúc  các bạn cùng gia đình An Vui  và Hạnh Phúc.