Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Những lá thư

Những lá thư

                        Có lẽ trong cuộc sống hiện đại ngày nay, với những thành tựu phát triễn của ngành công nghệ thông tin trên cả tuyệt vời, thì việc trao đổi thư từ (văn bản viết và gửi theo cách truyền thống) ít được chú trọng và việc nầy chỉ diễn ra khoảng mươi năm trở lại đây. Mọi người cần thông tin cho nhau việc gì thì chỉ cần alô qua điện thoại di động hay nhắn tin và lên mạng rồi mở máy tính vào hộp thư điện tử là xong ngay, rất nhanh chóng tiện lợi và chính xác. Vì vậy lối gửi thư theo cách truyền thống không còn được chú trọng là mấy, ngành bưu điện thì teo tóp lại và mấy anh bưu tá có nguy cơ thất nghiệp không chừng!
                       Nói như vậy không có nghĩa là gửi thư theo cách “cổ xưa” sẽ chấm dứt, có lẽ những bức thư sẽ dần trở thành “của hiếm” . Hình như hết rồi cái thời mà người đi xa mong ngóng thư nhà, mong đến cồn cào khắc khoải và khi đã nhận được thư rồi, cầm chiếc phong bì nhỏ trên tay với những con tem sắc màu sặc sỡ mà lòng thấy hồi hộp bồn chồn. Nhất là những lá thư tỏ tình hay những lá thư của những người đang yêu nhau thì chao ôi nó càng hồi hộp và hạnh phúc biết ngần nào!
                       Cầm lá thư trên tay với những nét chữ thân quen trìu mến, nó như chuyển tải hết được cả nỗi niềm buồn, vui, mong chờ,l o lắng... Những con chữ như nhảy múa trong tâm trí của ta và truyền đến trái tim ta biết bao cảm xúc ấm nồng. Có thể nói,mỗi lá thư ngoài chức năng thông tin thông báo thì nó còn là một tác phẩm văn học rất hay vì nó được người viết chắc lọc bằng một nguồn cảm hứng sáng tạo của tâm hồn, không hiếm những bức thư đã trở thành những tác phẩm kinh điển của nhân loại.
                       Trong cuộc sống sôi động hiện nay, con người không có nhiều thời gian mà ngồi nghĩ suy và nén nót những con chữ để gửi hồn mình lên trang giấy. Vẫn biết là những phương tiện thông tin liên lạc hiện đại ngày nay là tối ưu nhưng sao ta vẫn thấy thiếu một cái gì đó mà không sao nói hết được, nó hình như hụt hẫng chơi vơi. Không ít các bạn trẻ ngày nay cũng trao đổi thư từ thông tin liên lạc với nhau, nhưng bằng một thứ ngôn ngữ “hiểu chết liền” nên cái tình dần như vỗ cánh.
                       Nhân nói về vấn đề này, tôi xin ghi lại câu chuyện “Những Lá Thư” mà Thầy tôi sưu tầm từ cô Đặng Thị Hòa trên Warmhearts và Thầy đã gửi tặng tôi từ hai năm về trước để các bạn cùng chia sẻ.
                      
                       Chuyện rằng:

                       An Di mới tám tuổi nhưng đã mắc phải một căn bệnh nan y. Khi đang điều trị ở bệnh viện, An di đã nhận được rất nhiều thư để chia sẻ,an ủi động viên của bạn bè,người thân. Cậu trân trọng và cẩn thận giữ gìn chúng như một phần cuộc sống của mình. Nhưng từ khi An Di ra viện thì những lá thư đến với cậu cũng thưa dần. Có lẽ mọi người nghĩ căn bệnh của cậu bé đã thuyên giảm, không còn nguy kịch nữa.
                      Thế nhưng An Di vẫn luôn hy vọng được đón nhận những lá thư như trước đây. Ngày nào cậu bé cũng lần giở những bức thư và những tấm thiệp cũ ra xem rồi ngước nhìn ra cửa như mong chờ điều gì. Mẹ An Di nhìn con mà thấp thỏm đau lòng. Bà biết mình không đủ khả năng để ngăn chặn những cơn đau hành hạ con mình trong mỗi lần xạ trị, không thể giúp gì cho con những lúc cơn đau ập đến. Tình thương của một người mẹ thôi thúc bà phải làm một điều gì đó cho An Di.
                      Thế là ngày hôm sau, An Di nhận được một lá thư ký tên Người Bạn Bí Mật. An Di vô cùng mừng rỡ, cầm bức thư khoe với mọi người: “Con có thư này mẹ!” Cậu chạy đến bên mẹ la to, mắt bừng sáng và từ đó An Di rất thích thú với người bạn mới nầy. Ngày nào cậu cũng xem thư và trả lời thư rất đều đặn. Bí mật nầy kéo dài được sáu tháng, cho đến khi An Di qua đời, bà mẹ đã tìm thấy bức chân dung An Di do chính tay cậu vẽ, gác trên giá sách của mình. Dưới bức tranh,An Di đề: “Thân mến tặng Người Bạn Bí Mật của con. Con yêu mẹ nhiều lắm -An Di”.
                       Bà còn tìm thấy một danh sách các địa chỉ bạn bè mà An Di làm quen trong dịp hội trại dành cho những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Thế là bà quyết định viết thư cho tất cả những người bạn của An Di. Bà phải chờ đợi rất lâu sau mới có hồi âm từ một cậu bé: “Xin cám ơn lá thư của cô. Con không hề nghĩ có người vẫn tin rằng con còn sống. Lá thư đã cho con thêm nghị lực và niềm vui sống trong những ngày cuối cùng này”.
                       Bà mẹ đã áp lá thư vào lòng mà nước mắt trào rơi!
                                                                               
                                                                               Đà Nẵng 30/11/2012
                                                                                Trương Công Ảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét