CHÍ PHÈO TÂN TRUYỆN
Kính lạy hương hồn cụ Nam Cao mớ lạy. Xin cụ rộng lượng đại xá cho con cái tội ăn
cắp văn chương của cụ. (Con không dùng từ “ĐẠO VĂN” vì con chỉ là hạng ăn cắp vặt,
không dám nâng mình lên hàng “ĐẠO SĨ”)
... Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu vào là
hắn chửi. Hắn chửi trời, chửi đất, chửi cha
cái đứa đã bổ nhiệm cho hắn làm chức Đội trưởng tuần rừng, rồi chửi cả làng, vậy mà
chẳng ai phản ứng gì với hắn, chấp gì cái thằng say. Trời và đất thì mênh mông
chi xứ, nhân gian hàng vạn đứa hỗn hào không kém chi hắn, trời và đất chấp nhứt làm gì; bổ nhiệm cho
hắn làm Đội trưởng tuần rừng thì nhiều người biểu quyết, cả Hội đồng làng chớ có
riêng ai đâu; còn dân làng thì hàng trăm người già trẻ, lớn bé, gái trai, ai cũng nghĩ chắc là hắn chửi
người khác chứ không phải chửi mình, mà dây vào với hắn có khi mang họa...
Hôm nay hắn vẫn chửi, vừa đi vừa chửi nhưng không hề uống
giọt rượu nào, thế có lạ không chứ. Khi tỉnh táo thì Chí Phèo lành như cục đất,
không xích mích với ai. Chiều nay, hắn lại ra bờ sông. Con sông quê mát lành bao năm hắn lặn ngụp mò tôm, bắt
cá, đó cũng là nơi nô đùa, tắm táp của lũ trẻ trong làng, mỗi lần nhìn bọn trẻ
vui chơi là lòng hắn thấy nhớ khôn nguôi thời thơ ấu êm đềm. Thường thì cứ chiều
xuống hắn lại ra sông ngồi mơ về một thời xa lắc. Mấy năm nay con sông không
còn êm đềm con nước lững lờ trôi như ngày xưa thân ái. Mùa mưa thì nước cuồn cuộn
đổ về như thác lũ, xé toang hai bên bờ sông, nước lũ dâng cao, ào ạt cuốn phăng
đi không biết bao nhiêu nhà cửa, hoa màu, trâu bò, cũng không ít người làng đã
bỏ mạng trong những cơn lũ dữ. Mùa hè dòng sông lại cạn khô trơ đáy, chỉ còn một
dòng nước nhỏ bé tẻo teo chảy qua, con nít không cần xắn quần vẫn lội từ bờ bên
này sang bên kia dễ dàng. Nhìn dòng sông trơ sỏi đá, hắn vạch quần đái xuống sông rồi tiếp tục chửi. Hắn
lại chửi những thằng đã cất nhắc phong cho hắn cái chức Trưởng tuần canh rừng,
cái chức đặt ra cho vui chứ chẳng nên tích sự gì. Hắn hằn học nhìn về phía đầu
nguồn, cánh rừng xanh ngát, thâm u, hùng vĩ hàng ngàn năm của làng không còn nữa.
Cả chục năm nay không biết bọn lâm tặc được sự bảo kê của thế lực nào đó đã thẳng
tay tàn sát khu rừng. Gỗ lớn, gỗ bé cứ nườm nượp chở về xuôi thì rừng nào còn
cơ chứ: - Mẹ chúng mày! Rừng còn đếch gì nữa mà giữ! Chúng mày vào đó mà giữ mấy
gốc cây khô kia kìa.
Hắn còn nhớ,
ngày hắn được tuyển vào đội tuần canh rừng thì rừng đã bắt đầu bị phá nhưng
chưa thê thảm như bây giờ. Thoạt tiên hắn làm việc rất có trách nhiệm, không có
khoảnh rừng nào mà không in dấu chân của hắn, gần như hắn thuộc từng gốc
cây, mỏm đá trong rừng. Gặp bọn lâm tặc, hắn ra oai thẳng tay xua đuổi. Ban đầu
bọn này còn kiêng dè chức trương tuần của hắn, chỉ dám làm ăn lén lút ban đêm. Tuy nhiên,
càng về sau, lũ lâm tặc ngày càng táo tợn, công khai phá rừng giữa ban ngày. Tiếng cưa máy,
tiếng chặt cây vang động cả khu rừng, bọn lục lâm tưởng chừng không có ai trên
đời ngoài chúng chắc! Thế này thì quá lắm! Quá lắm! Anh Chí hùng hổ vác rựa vào
rừng: - Chúng mày có cút đi không! Coi chừng tao gô cổ cả đám đấy!
Bình thường bọn
lâm tặc cũng ngán thân hình vạm vỡ cùng cây rựa dài ngoẳn và con dao quắm bén
ngót của anh Chí, gặp hắn là chúng lĩnh đi rất nhanh. Vậy mà hôm đó chúng nói nói,
cười cười như không. Anh Chí càng điên tiết vung rựa: - Tao nói tụi mày có nghe
không hử?
Thằng đầu đảng
lâm tặc cười khẩy: - Có nghe thì sao? Không nghe thì sao? Mày cứ về bẩm báo cụ
Lý và cụ Bá sẽ rõ sự thể! Tụi tao có chỗ dựa vững chắc lắm, mày không động vào
được đâu.
Anh Chí giận
run người. Ánh mặt trời nóng gắt xuyên qua vạt rừng trống hoát, chiếu thẳng vào
mặt hắn những tia nắng dữ dội làm gương mặt hắn càng đỏ lừ. Thế này thì quá lắm
lắm, hắn gầm gừ tưởng chừng có thể ăn tươi nuốt sống bọn lâm tặc, tuy nhiên hắn
đơn độc một mình mà lũ kia có cả chục thằng. Thôi thì cứ về làng gọi thêm người
cho chắc ăn. Trở về làng, hắn tức tốc đến bẩm báo tin dữ cho Lý trưởng xin tiếp
viện, cứ tưởng sẽ được cử người hỗ trợ, ai ngờ cụ Lý thản nhiên: - Tao biết rồi.
Vụ này các quan trong làng đã thuận, mày không chống lại được đâu. Thôi cứ để tụi
nó làm ăn, thể nào mày cũng có phần.
Vậy là ngay
sau đó Chí được Lý trưởng ký quyết định phong cho chức Đội trưởng tuần canh rừng.
Có chức vụ hẳn hoi, có chút bổng lộc và lại được ăn đút lót của bọn lâm tặc, hắn
ra sức tận tụy với các quan trên, ngày ngày vẫn vào rừng nhưng ra vẻ không
nghe, không thấy, làm lơ cho lũ lâm tặc phá rừng. Tuy vậy trong sâu thẳm tâm hồn
hắn vẫn đọng lại chút ít điều lương thiện, biết để rừng chết là có tội với dân
làng, thế cho nên hắn bắt đầu uống li bì cho say xỉn, say để quên hết sự đời,
say để trốn tránh cái lương tâm, say để không thấy nhục khi ngữa tay nhận phong
bao của lâm tặc. Mà đã uống vào là hắn chửi, hắn gọi tên tất cả quan viên trong
làng ra mà chửi nhưng không vị nào thèm để ý, cứ để hắn chửi cho mỏi miệng, khản
cổ hắn chứ có chết chóc ai đâu.
Cây kim trong
bọc có ngày cũng tòi ra. Danh tiếng vụ phá rừng rồi cũng đến tai triều đình.
Quan khâm sai được cử về làng chỉ đạo điều tra kiểm điểm làm rõ trách nhiệm vụ
phá rừng. Sau khi hội ý với các quan trong làng, đêm hôm ấy, cụ Bá cho gọi hắn
sang nhà khẩn cấp. Biết có chuyện chẳng lành, hắn cầm chai rượu nốc một hơi lấy
can đảm rồi khật khưỡng sang nhà cụ Bá.
Khi hắn sang
thì cụ Bá và Lý trưởng đang chểm chệ ngồi trên chiếc sập gỗ pơmu thơm phức.
Xung quanh toàn những đồ gỗ quý, nào là huỳnh đàn, dỗi hương, lim, trắc... những
bộ bàn ghế chạm trổ rồng phượng lộng lẫy; trần nhà, sàn nhà, tường nhà đều được
lát, ốp toàn gỗ quý; trên tường còn treo mấy chiếc sừng nai bóng loáng, đặc biệt
đôi ngà voi cong vút chểm chệ trưng trước bàn thờ. Thiên hạ đồn rằng cụ Bá vốn rất
yêu rừng, ngày xưa bố cụ làm nghề sơn tràng, hồi còn bé thi thoảng cụ được bố dắt
theo vào rừng kiếm vài con mồi về nhậu, cụ rất ấn tượng với các loại thịt rừng và
nghiện hương vị rừng, nên có thể nói rừng với cụ là một phần tất yếu của cuộc sống,
thế nên mọi thứ sản vật của núi rừng, từ gỗ quý đến chim chóc, cầy, cáo, nai, lợn
rừng... đều theo nhau dẫn xác về nhà cụ.
Thấy anh Chí
khật khưỡng bước vào, cụ Bá e hèm một tiếng rồi cất giọng rè rè thị uy: – Lại
say! Anh không biết xấu hỗ với dân làng sao? Cụ Bá phẩy ra hiệu cho gia nhân
lui xuống bếp, cụ đứng dậy tự tay đóng kín cửa xuống bếp, cửa ra vào rồi hạ giọng:
- Tối nay chúng tôi mời anh qua đây có chuyện đại sự. Anh Lý sẽ thông báo kết
quả kiểm điểm và dự kiến xử lý vụ việc của hội đồng làng cho anh nghe. Anh phải
hết sức bình tỉnh và nghiêm chỉnh mà chấp hành.
Lẽ ra hắn chửi
thêm vài ba câu cho sướng miệng, nhưng lần này thấy không khí rất ư nghiêm trọng.
Liếc nhìn Lý tưởng, thấy cụ Lý vẻ mặt nặng trịch như đeo chì, tự dưng hắn thấy lạnh
toát, tỉnh rượu ngay lập tức. Lý trưởng hắng giọng mấy cái rồi phán: – Cụ
Bá và tôi tín nhiệm anh, ưu ái anh, bổ nhiệm anh đứng đầu đội trương tuần để canh giữ rừng. Bây giờ rừng bị chặt
phá như thế này, triều đình phái người điều tra, chúng tôi không thể không xử
lý, phải có người đứng ra chịu tội. Anh là Đội trưởng tuần canh rừng mà để rừng bị phá, vụ
này anh phải gánh lấy trách nhiệm…
Nghe đến đấy,
hắn điên tiết, không kìm được bèn văng một
hơi: – Đm. các quan, tiên sư bố chúng mày! Tại sao chỉ một mình tao phải gánh chịu mọi tội trạng? – Hắn vung tay, hất hàm vào đống đồ gỗ quý hiếm trong nhà cụ Bá– Những thứ này ở đâu ra? Cả ngôi
nhà giả cổ to như cái đình của thằng Lý, nó ở đâu ra? Thằng nào đã đã bảo tao cứ
làm lơ để lâm tặc phá rừng? Thằng nào bảo kê cho bọn lâm tặc? Thằng nào hàng tuần
đều nhậu với lũ lục lâm ở nhà hàng với em út thơm phức ở trên huyện? Tao mà khư
khư giữ rừng liệu chúng mày có được cái chòi rách để chui ra chui vào hay không?
Lý trưởng vung
tay đánh chát xuống mặt sập ra oai: – Này anh Chí, anh không được láo! Đừng có
mà vu khống nhé! Là Đội trưởng tuần rừng anh phải chịu trách nhiệm! Rừng bị phá là
do đội tuần rừng lơ là, xao nhãng công vụ. Ngày mai ra trước Hội đồng làng, anh
phải tự giác đứng ra nhận hết mọi trách nhiệm.
Hắn càng nổi
xung thiên:- Nhận cái mả mẹ nhà mày! Chúng mày có tin là ông sẽ cho mỗi đứa một
nhát hay không hử? Hắn lần tay ra sau lưng tìm con dao quắm, tuy nhiên lúc nãy
vội sang nhà cụ Bá nên hắn quên mang theo dao.
Thấy không khí căng thẳng, cụ Bá
dịu giọng: – Các anh phải bình tĩnh, hết sức bình tĩnh! Chuyện đâu còn có đó. Dù
sao cũng phải tìm cách giải quyết. Là đồng liêu với nhau chúng ta không nên gây căng thẳng làm mất đoàn kết nội
bộ. Theo tôi, ngày mai anh Chí cứ thành khẩn đứng ra nhận tội trước Hội đồng làng, anh cứ tạm thời từ chức, chúng tôi sẽ bàn cách xử lý nhẹ nhàng, không để anh phải chịu thiệt đâu!
Mặc dù biết tỏng
tòng tong cái sự cáo già, tráo trở của cụ Bá, nhưng không hiểu sao cái giọng ngọt
như đường phèn ấy vẫn làm hắn cảm thấy nguôi giận. Hắn lầm lì bước đến bên chiếc tủ
chạm lộng, vớ hủ rượu Hạnh Hoa mà cụ Bá mới thửa bên Tàu, không thèm mời hai cụ,
hắn mở nắp nốc một hơi rồi lặng lẽ ra về.
Mới ra đến cổng,
hắn bỗng sực tỉnh, rón rén quay trở lại nhà cụ Bá xem các quan còn nói gì với
nhau nữa để biết mà liệu chừng. Cửa đóng kín mít, hắn phải áp sát tai vào để
nghe. Giọng cụ Bá thì thào nghe tiếng được tiếng mất, nhưng hắn vẫn hiểu được ý
đồ các cụ: – Ông liệu mà xử lý nhân chứng, vật chứng... Đừng để cho thằng Chí
khai sự thể, nó mà phun ra thì lũ chúng ta chỉ có ăn cám trong tù... Cứ đổ hết
tội trạng cho nó đã cấu kết với lâm tặc. Còn chúng ta nghiêm khắc tự kiểm điểm
là đã quá tin vào cấp dưới, thiếu kiểm tra nhắc nhở nên để xãy ra sự việc đáng
tiếc, xin nghiêm túc rút kinh nghiệm là xong.
Nghe đến đó, hắn
nổi giận đùng đùng, muốn xông vào cho 2 tên gian ác một trận, nhưng hắn vẫn đủ tỉnh
táo ghìm cơn thịnh nộ lại, nhẹ nhàng rời khỏi nhà cụ Bá trở về nhà…
Sau một đêm
trăn trở, suy nghĩ nát óc vẫn thấy tương lai quá mù mịt, đen tối, chắc chắn phen này sẽ
bị bọn hào lý đẩy vào tù, mà có khi chẳng còn mạng mà trở ra chớ không chơi. Gần
sáng vẫn bế tắc, vô kế khả thi, hắn đi đến một quyết định thật khủng khiếp...
Sáng sớm hôm
sau, hắn diện sắc phục chỉnh tề, lận con dao quắm bén ngót vào thắt lưng, ung
dung đến nhà cụ Bá. Thấy anh Chí diện sắc phục tuần canh bước vào, không say,
không chửi, cụ Bá mừng rỡ: - Mời ngồi, mời ngồi. Anh uống chén trà cho ấm bụng.
Trảm mã trà bên Tàu chính hiệu đó. Chắc đêm qua
anh đã suy nghĩ kỹ rồi phải không. Chúng tôi ghi nhận và biểu dương tinh thần tự nguyện, tự giác của anh. Vụ này không nghiêm trọng lắm đâu. Tôi có dò
ý tứ quan khâm sai rồi. Ngài bảo chỉ cần có người đứng ra nhận trách nhiệm,
quan trên sẽ có cách xử nhẹ. Quá lắm anh bị cách chức, có thể đi tù vài tháng, trở về
tôi sẽ tìm ghế khác bổ cho anh chức vụ cao hơn...
Chí không nói
không rằng, khép kín cửa ra vào, hắn bước đến bên cụ Bá, kề vào tai cụ, hắn nghiến
răng nói nhỏ: – Thưa cụ, con đếch thèm cái thứ chức vụ hữu danh vô thực ấy. Con chỉ
muốn được làm người lương thiện.
Cụ Bá cười ha hả: - Ồ
tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.
Hắn lắc đầu: - Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất
được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa.
Biết không? Chỉ có một cách... biết không! Chỉ có một cách là... cái này biết
không?
Hắn rút dao ra xông vào. Cụ Bá ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi. cụ
Bá chỉ kịp kêu một tiếng rồi gục xuống (đoạn này con ăn cắp nguyên xi của cụ
Nam Cao). Chí Phèo vừa chém vừa đâm ba bốn nhát liên tiếp. Thấy cụ
Bá đã bất động, hắn bình tỉnh chùi sạch máu trên con dao bằng chính vạt áo lụa mới toanh của
cụ Bá, hắn mở cửa lững thửng bước ra rồi khép của lại như không có chuyện gì.
Tiếp tục kế hoạch, hắn đi sang nhà Lý trưởng cách đó
chỉ vài trăm bước chân. Dọc đường gặp người hàng xóm cụ Bá, hắn còn khẻ gật đầu
chào. Thật là lịch sự! Chưa thấy anh Chí lịch sự đến thế bao giờ. Tới nhà Lý
trưởng, hắn xô cửa bước vào. Nhà của bọn hào lý làng này ít khi mở cửa, chắc là
sợ người ta dòm ngó đây mà. Lý trưởng đang lúi húi mở đống phong bao đếm tiền. Cụ Lý giật nẩy mình ngẩng đầu lên, thấy sắc mặt đầy sát khí của hắn, cụ há hốc mồm toan kêu
cứu thì hắn đã nhanh hơn một bước, ánh thép nhoáng lên, hai nhát dao đâm thấu tim
cụ Lý. Lý trưởng không kịp kêu một tiếng, ngược lại Chí Phèo vừa đâm vừa kêu làng thật to. Hắn kêu làng, không bao giờ người ta vội đến. Bởi thế khi người ta đến
thì hắn cũng đang giẫy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn
ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh
thoảng máu vẫn còn ứa ra.
Cả làng Vũ Ðại
nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm.
Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Có người nói xa xôi: “Trời có mắt đấy, anh em ạ!”.
Người khác thì nói toạc ra: “Thằng nào chứ ba thằng ấy chết thì không ai tiếc!
Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác đâu”. (Đoạn này con ăn cắp nguyên văn của cụ Nam Cao. Xin cụ
đại xá!).
Rõ thật toàn những kẻ độc mồm độc miệng! Ông bà ta thường nói “Nghĩa tử là nghĩa tận” thôi thì họ đã về chầu ông bà rồi, mọi tội lỗi cũng nên cho qua. Tuy vậy, sau vụ án mạng này mong rằng các quan kịp thời thức tỉnh, đừng quá tham lam, bất kể đạo lý làm người mà rước họa vào thân...
Rõ thật toàn những kẻ độc mồm độc miệng! Ông bà ta thường nói “Nghĩa tử là nghĩa tận” thôi thì họ đã về chầu ông bà rồi, mọi tội lỗi cũng nên cho qua. Tuy vậy, sau vụ án mạng này mong rằng các quan kịp thời thức tỉnh, đừng quá tham lam, bất kể đạo lý làm người mà rước họa vào thân...
Lò Văn Chôm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét