Như chưa hề có cuộc chia ly.
Bạn xa quê gần 40 năm. Chưa một ngày trở lại nên bạn bặt
âm tin quê nhà. Bốn mươi năm sau khi đã đi qua bên kia con dốc của cuộc đời,
tóc bắt đầu bạc, bộ nhớ trong đầu bạn đã chật , không nạp thêm được gì nữa thì
kỷ niêm lại ùa về choáng chỗ.
Bạn đã lần ra đường về.
Kỷ niệm thời 10 C1 mới êm đềm làm sao!
Cái nhớ đầu tiên là nhớ 06 bông hoa hiếm hoi của 10c1
Phan Châu Trinh. Những bông hoa ấy giờ đây cũng kẻ còn người mất, kẻ bặt
ôm vô tín . Phùng Nghĩa vẫn véo von với giọng ca ngày nào, Ngọc Nữ vẫn bình yên
với anh nha sĩ đã từng đưa đón trước cổng trường ngày mưa cũng như ngày nắng
năm xưa, Thu đi dạy, Thọ "mất" dạy, Mỹ Hạnh ra đi năm lớp 11, Liên Thi
... bặt tin sau 1975.
Bạn yêu cầu mình gởi ảnh các bạn. Thôi hãy để yên
những hình ảnh còn sót lại trong ký ức bạn được trọn vẹn, 40 năm vật đổi
sao dời , các bông hoa ngày ấy đã là trái lâu rồi bạn ạ.
Cái nhớ tiếp theo là thầy Trần Thông, linh hồn của
10C1, thầy giáo dạy văn kiêm chủ nhiệm. Người đã gieo nguồn cảm hứng văn
chương cho bọn mình qua các bài phân tích rất chi là dí dỏm mà sâu sắc.
Nhớ như in bài ca dao "Hôm qua tát nước đầu
đình.." nhớ cái vô lý của chiếc áo bỏ quên trên cành hoa sen (cái áo ấy sẽ
rơi tỏm xuống nước nếu thực sự bị quên trên cành) . Hoặc sự khẳng định có ý đồ
"em được thì cho anh xin, hay là em để làm tin trong nhà". Rồi không
đợi sự phản ứng của cô "em" anh làm tiếp một bản lí lịch trích ngang
bằng chiếc áo sứt chỉ đưởng tà "vợ anh chưa có. Mẹ già chưa khâu"
Ơi cái lối tán tỉnh vừa giả vờ ngây ngô của chàng
Hai lúa, vừa ma lanh của anh chàng biết tỏ đường đi vào trái tim người đẹp
. Cái kiểu tán ấy thì "em" không đổ mới lạ. Em không cần lên google sợt
xem lý lịch trích ngang của anh là thật hay dối, và anh cũng chẳng cần quà cáp
hàng hiệu vì anh đã sẵn một thúng xôi vò, một con lợn béo, một đôi chăn
cho em đắp, đôi tằm cho em đeo...
Có lẽ các chàng trai 10C1 ngày nào ít nhiều mang hình ảnh
của chàng trai ấy trong mình nên dưới mắt 06 bông hoa hiếm chàng nào cũng
đáng yêu. Một NKLB đẹp trai, hát hay, học giỏi, một HXT đạo mạo như ông cụ
nhưng làm thơ tình hay hơn Xuân Diệu, một TCA tài hoa, giàu nhân ái luôn
vì bạn bè, rồi Đức Nhược- nhà thơ một câu, một LAT yêu cô bạn cùng
lớp mà không dám nói; Thanh Quang, Nguyễn Khoa Chiến, Dương Đăng Cao ... bỏ cuộc
chơi ra đi tìm đường cứu nước quá sớm (chắc vì đi sớm nên đi lộn đường) hay năm
chàng tây lai từ Pascal chuyển sang (Anh Kỷ, Thế Hòa, Thế Bình, Pháp... )
Rồi bạn nhớ cái ban nhạc với các nhạc cụ tự chế. Ơi những
người bạn của tôi, giá như các bạn sinh ra không nhầm nơi, nhầm thời đại biết
đâu các bạn đã chẳng thành một Beatles của Việt Nam.
Rồi bạn tự hào về các bạn mình, tự hào về chữ C đầy văn
chương ngày ấy .
Rồi bạn theo Quản gia lần về ngôi nhà Giao mùa . Ở đây bạn
như đang tắm lại dòng sông xưa, gặp lại một HXT luôn bám đất để
chúng ta có chổ đi về, một lý trưởng TCA đã không sợ làm người giả danh để
giữ vườn luôn tươi mát, một Người đàn bà đi đã luôn mang hương thơm
cỏ lạ về nhà.
Và biết bao nhân vật 10C1 yêu thương khác như bác cả Lê
Hùng, như lão mõ , như Mây, như Lý Phó Diệu Minh của 10C1 nối dài.
Và NKLB, người ở xa ơi. Đã về thì đừng bỏ đi
nữa nhé. Ngôi nhà Giao mùa của chúng ta sẽ là nơi thắp lên ngọn lửa
nhớ thương cho người xa xứ, là nơi sưởi ấm trái tim bạn mỗi khi "gai
đời đâm ứa máu bàn chân" và ở đây bạn sẽ được sống lại những ngày xưa thân
ái, vô tư,hồn nhiên.
Thophanthi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét