Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Nhớ lại một thời

















Nhớ lại một thời
Sau 40 năm bặt tin, Nguyễn Khoa Lương Bảo nhờ tra ông Gút-gồ nên đã tìm ra quản gia Tư Cận, hắn đã gửi Email liên lạc và gọi điện thoại nói chuyện với tôi hơn 30’, hàn huyên đủ điều. Làm sao mà không vui mừng cho được, tôi với hắn vốn ngồi cùng bàn, lại thân thiết với nhau trong suốt năm lớp 10 và ½ năm lớp 11.
Hồi đó tôi, Bảo cùng với Trương Công Ảnh và Bùi Đức Nhược họp thành nhóm chơi nhạc khá “hoành tráng”, có guitar, mandoline, harmonica và một dàn trống, có thể gọi là nhóm “tứ quái” của lớp 10C1. Cả bọn thường xuyên tụ tập ở nhà Bảo để hòa tấu, ngôi nhà nằm trong khu cư xá công chức trên đường Quang Trung (gần khu vực khách sạn Royal hiện nay). Một buổi đi học, một buổi chúng tôi chơi nhạc tại nhà Bảo. Hồi đó cũng có đi học thêm nhưng không bù đầu bù cổ như các cháu bây giờ. Mẹ của Bảo làm ngày 2 buổi ở trường Nữ trung học Hồng Đức, do đó chúng tôi tha hồ đánh trống, thổi kèn mà không sợ làm phiền.
Một kỳ tích của Trương Công Ảnh là tự mày mò làm bộ trống Jazz rất độc đáo, gồm trống Bass, Snare, Tum cao, Tum trầm, Cymbal, mõ. Ban đầu trống Bass là một can xăng quân đội, về sau Ảnh nhờ người gò một thùng tôle tròn, để trống 2 đầu, dùng bìa carton dày đóng vào làm mặt trống. Trống Snare và Tum thì cũng gò thùng tôle, bịt bằng phim chụp X quang, riêng trống Snare có một dãy dây lò xo căng dưới đáy để tạo âm đặc trưng. Cymbal được gò từ vỏ đạn đại bác của Mỹ. Đơn giản nhưng khó nhất có lẽ là pedal cho trống Bass, chỉ với bàn gỗ, dây lò xo, một trài banh te-nít, nhưng phải làm sao cho pedal có độ đàn hồi tốt, khi dập vào mặt trống đủ mạnh để âm thanh lớn, lại không bị “dính” khi bật ra. Ảnh và Nhược hì hục làm xong bộ trống rồi chở đến nhà Bảo. Không biết Ảnh học ở đâu mà hắn đánh trống Jazz khá điêu luyện, cũng nhờ hắn mà Bảo, Nhược và tôi cũng xài được loại nhạc cụ này. Học từ dễ đến khó, ban đầu là điệu paso, sau đến slow rock, rồi rumba, valse, boléro, twist, cha cha cha... Đến bây giờ mặc dù đã hơn 40 năm, lâu không đánh trống, nhưng tôi vẫn nhớ như in các điệu trống mà Ảnh đã hướng dẫn. Mặc dù là trống tự chế nhưng âm thanh nghe cũng không thua gì hàng hiệu.
Nhờ cùng nhau luyện tập mà tụi tôi đứa nào cũng chơi được vài ba loại nhạc cụ, thuộc nhiều bản nhạc, từ nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, rồi nhạc Tây, nhạc Tàu... NKL Bảo có giọng ca hay nhất trong lớp nên hắn là ca sĩ chính của nhóm. Đáng tiếc là lúc bấy giờ phòng trào văn nghệ của nhà trường rất yếu nên chúng tôi không có điều kiện lên sân khấu, tuy vậy vẫn có một số khán giả nhỏ tuổi là hàng xóm của Bảo thường xúm lại trước nhà để nghe.
Sau ngày 29/3/1975, tôi, Ảnh, Nhược vài lần đến nhà Bảo nhưng cửa đóng im ỉm, hàng xóm cũng không còn ai ở lại nên chẳng biết hỏi ai, từ đó nhóm “Tứ quái” của chúng tôi tan rã.
Cũng nhờ những tháng ngày chơi nhạc ở nhà Nguyễn Khoa Lương Bảo, sau này Ảnh, Nhược và tôi trở thành nòng cốt của phong trào văn nghệ của lớp 12A3, thành lập ban nhạc nổi đình nổi đám ở trường Phan Châu Trinh niên khóa 1975-1976 dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Trương Công Ảnh...

Quản gia Tư Cận

1 nhận xét:

  1. Cảm xúc của Nguyễn Khoa Lương Bảo sau khi đọc bài viết trên (chuyển qua Email của quản gia Tư Cận):
    Vừa đọc xong bài "Nhớ lại một thời" của mày đăng trên Giaomua12A3 sáng nay. Đọc đi đọc lại mấy lần rồi hồi tưởng và nuối tiếc về những tháng ngày đẹp đẽ đó. Tao đang ở trong hãng, đang bù đầu với đủ thứ công việc nhưng cũng không thể nào tập trung được. Hình ảnh tụi mình chơi nhạc dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Ảnh tuy đã 40 năm qua nhưng tao cảm thấy như mới đâu đây. Phải nói là hồi đó mình chơi đủ thể loại từ tình cảm đến kích động nhạc, từ nhạc Pháp qua nhạc Anh đến cổ điển mình đều chơi hết. Tao được anh em tin tưởng giao cho giọng ca chính và cũng nhờ vậy mà sau này tao trở thành giọng ca chính và là lead guitar của ban nhạc trường sư phạm SG. Tuy nhiên không bao giờ tao tìm lại được cảm giác như ngày xưa khi được chơi nhạc cùng tụi mày ở tại căn nhà tao đường Quang Trung. Ở đó tụi mình đã có quá nhiều kỷ niệm của tuổi học trò mà chắc chắn sẽ không bao giờ quên được. Tao cũng công nhận mày có một trí nhớ thiệt tốt khi mô tả lại bộ trống mà nhà sản xuất Ảnh Nhược đã cung cấp. Mày vẫn nhớ bà già tao làm ở trường Nữ Hồng Đức. Sau này bà già tao cũng hay nhắc đến tụi mày chỉ tiếc rằng khi tao tìm được tụi mày thì bà già tao đã không còn nữa.
    Tao dừng ở đây. Sẽ nói chuyện nhiều với mày sau.

    Trả lờiXóa