Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Đọng

Kết quả hình ảnh cho hạt sương
Đọng

Đêm trên bầu trời còn đọng lại những vì sao
Lấp lánh lung linh như mắt ai ngày ấy
Những đám mây như mới vừa thức dậy
Đem giấu ánh trăng vàng chờ nguyệt thực đầu non.

Mình đọng lại trong nhau chỉ một dấu môi hôn
Anh đọng lại trong em một nỗi buồn rạng rỡ    
Em đọng lại trong anh cả một đời thương nhớ
Cô đơn giữa cõi tình em lặng lẽ cô đơn.

Trên cánh đồng đời đầy toan tính thiệt hơn
Dẫu sấp ngửa trắng đen hay đục trong dâu bể    
Hỉ nộ sân si đến nát nhàu nhân thế
Thì trong mơ cũng còn đọng lại một cánh cò.

Giọt sương đọng trên cành cho hoa trái thơm tho
Dòng sông đọng phù sa cho bãi bờ xanh thắm
Nắng đọng trong chiều gọi hoàng hôn say đắm
Bão tố có điên cuồng biển cũng còn đọng lại chút bình yên.

Kiếp ba sinh đọng trong cõi vô biên
Đêm trần thế đọng lời ru buồn thánh
Ta ăn năn bước qua miền khổ hạnh
Mình đọng lại ở cuộc đời một món nợ tình yêu.


16/4/2015
Lãng Dzu


Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Cạn

Cạn

Gần cả tháng nay hình như không ai về Giao Mùa cả, sân trước vườn sau vắng lặng như tờ. Chỉ có mỗi Người Đàn Bà Đi và lão Quản gia Tư Cận kỳ nầy về ở nhà lâu nhất vì họ đang chìm vào giấc mơ vàng son của thời áo trắng thật dễ thương mà hình như làm cho bạn Nguyễn Khoa Lương Bảo-Người xa quê xa bạn có đến hơn 40 năm đến choáng ngợp tâm hồn. Rồi Giao Mùa lại đi vào cái thời kỳ vườn không nhà trống với bao nỗi hoài mong! Cái “bao lãnh đạn” của lớp của làng thì im hơi lặng tiếng, còn cái ngữ như lão Lý thì lại bặt tăm, thử hỏi Giao Mùa làm sao mà vui cho được chứ? Hay là tất cả bọn họ đã cạn hết rồi, không còn bòn mót đâu ra nguồn cảm hứng để mà múa bút? Nếu đúng như vậy thì thật là thảm họa mà thảm họa đến khôn cùng! Ngay cả cái thằng tui như ếch ngồi đáy giếng thì còn mở mày mở mặt làm sao được nữa, tâm hồn già cỗi, mít đặc thông tin, suốt đời cứ ru rú ở nhà như gà cùn ăn quẫn cối xay thì thật bó tay chấm cơm chấm canh cho rồi!
Bạn Nguyễn Khoa Lương Bảo thân mến ơi! Bạn đã tìm về với Giao Mùa như thế này thì thật vui và hạnh phúc cho cái làng 12A3 chúng tôi lắm lắm, và chắc bạn sẽ buồn khi nghe cái thằng tui “bán than” như rứa phải không? Nói vậy chớ hổng phải vậy đâu . Trước đây làng chúng tôi cũng đã chào đón bạn Nguyễn Trương Hà Phương về thăm quê và thăm lớp. Và chúng tôi lại càng mong được đón thật nhiều bạn ở xa về lại quê hương thân yêu của mình trong vòng tay thời áo trắng ngày nào, để cùng nhau cạn chén tâm tình. Tui tin rằng cho dẫu thời gian đã làm cho ngoại hình chúng ta ít nhiều thay đổi, nhưng trong lòng mỗi người chúng ta vẫn dạt dào tươi nguyên những kỷ niệm hồn nhiên trong sáng vô tư của một thời nhất quỷ nhì ma.......
Ước gì sẽ có một ngày hạnh ngộ, để cho những tay đàn tay trống tay kèn ngày xưa ngồi lại bên nhau tấu lên những khúc nhạc yêu đời để gọi về những ngày xưa thân ái, cho tâm hồn được tắm mát những kỷ niệm buồn vui dẫu cho cuộc đời có mưa nắng bão bùng. Nghe Nguyễn Khoa Lương Bảo, rồi Quản gia Tư Cận và cả Người Đàn Bà Đi kể lại chuyện ngày xưa mà tui thấy nhớ thấy thèm và mong rằng ước mơ về một ngày đoàn viên sẽ sớm là hiện thực. Ôi! Ngày ấy chắc sẽ trên cả tuyệt vời.

20/4/2015

TÊ KA

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Như chưa hề có cuộc chia ly















Như chưa hề có cuộc chia ly. 

Bạn xa quê gần 40 năm. Chưa một ngày trở lại nên bạn bặt âm tin quê nhà. Bốn mươi năm sau khi đã đi qua bên kia con dốc của cuộc đời, tóc bắt đầu bạc, bộ nhớ trong đầu bạn đã chật , không nạp thêm được gì nữa thì kỷ niêm lại ùa về choáng chỗ. 
Bạn đã lần ra đường về. 
Kỷ niệm thời 10 C1 mới êm đềm làm sao! 
Cái nhớ đầu tiên là nhớ 06 bông hoa hiếm hoi của 10c1 Phan Châu Trinh. Những bông hoa ấy giờ đây cũng  kẻ còn người mất, kẻ bặt ôm vô tín . Phùng Nghĩa vẫn véo von với giọng ca ngày nào, Ngọc Nữ vẫn bình yên với anh nha sĩ đã từng đưa đón trước cổng trường ngày mưa cũng như ngày nắng năm xưa, Thu đi dạy, Thọ "mất" dạy, Mỹ Hạnh ra đi năm lớp 11, Liên Thi ... bặt tin sau 1975. 
Bạn yêu cầu mình gởi ảnh các bạn.  Thôi hãy để yên những hình ảnh còn sót lại trong ký ức bạn được  trọn vẹn, 40 năm vật đổi sao dời , các bông hoa ngày ấy đã là trái lâu rồi bạn ạ. 
Cái nhớ tiếp theo là thầy Trần Thông, linh  hồn của 10C1, thầy giáo dạy văn kiêm chủ nhiệm. Người đã gieo nguồn cảm hứng văn chương cho bọn mình qua các bài phân tích rất chi là dí dỏm mà sâu sắc. 
Nhớ như in bài ca dao "Hôm qua tát nước đầu đình.." nhớ cái vô lý của chiếc áo bỏ quên trên cành hoa sen (cái áo ấy sẽ rơi tỏm xuống nước nếu thực sự bị quên trên cành) . Hoặc sự khẳng định có ý đồ "em được thì cho anh xin, hay là em để làm tin trong nhà". Rồi không đợi sự phản ứng của cô "em" anh làm tiếp một bản lí lịch trích ngang bằng chiếc áo sứt chỉ đưởng tà "vợ anh chưa có. Mẹ già chưa khâu"
Ơi cái lối tán tỉnh vừa giả vờ ngây ngô của chàng  Hai lúa, vừa ma lanh của anh chàng biết tỏ đường đi vào trái tim người đẹp . Cái kiểu tán ấy thì "em" không đổ mới lạ. Em không cần lên google sợt xem lý lịch trích ngang của anh là thật hay dối, và anh cũng chẳng cần quà cáp hàng hiệu vì anh đã sẵn một  thúng xôi vò, một con lợn béo, một đôi chăn cho em đắp, đôi tằm  cho em đeo... 
Có lẽ các chàng trai 10C1 ngày nào ít nhiều mang hình ảnh của chàng trai  ấy trong mình nên dưới mắt 06 bông hoa hiếm chàng nào cũng đáng yêu. Một NKLB đẹp trai, hát hay, học giỏi, một HXT đạo mạo như ông cụ  nhưng làm thơ tình hay hơn Xuân Diệu, một TCA tài hoa, giàu nhân ái luôn vì bạn bè, rồi  Đức Nhược- nhà thơ một câu, một LAT  yêu cô bạn cùng lớp mà không dám nói; Thanh Quang, Nguyễn Khoa Chiến, Dương Đăng Cao ... bỏ cuộc chơi ra đi tìm đường cứu nước quá sớm (chắc vì đi sớm nên đi lộn đường) hay năm chàng tây lai từ Pascal chuyển sang (Anh Kỷ, Thế Hòa, Thế Bình, Pháp... )
Rồi bạn nhớ cái ban nhạc với các nhạc cụ tự chế. Ơi những người bạn của tôi, giá như các bạn sinh ra không nhầm nơi, nhầm thời đại biết đâu các bạn đã chẳng thành một Beatles của Việt Nam. 
Rồi bạn tự hào về các bạn mình, tự hào về chữ C đầy văn chương ngày ấy . 
Rồi bạn theo Quản gia lần về ngôi nhà Giao mùa . Ở đây bạn như đang tắm lại dòng sông xưa,  gặp  lại một HXT luôn bám đất để chúng ta có chổ đi về,  một lý trưởng TCA đã không sợ làm người giả danh để giữ vườn  luôn tươi mát,  một Người đàn bà đi đã luôn mang hương thơm cỏ lạ về nhà. 
Và biết bao nhân vật 10C1 yêu thương khác như  bác cả Lê Hùng, như lão mõ , như Mây, như Lý Phó Diệu Minh của 10C1 nối dài. 
Và NKLB,  người ở xa ơi. Đã về thì đừng bỏ đi  nữa nhé. Ngôi nhà Giao mùa của chúng ta sẽ là nơi  thắp lên ngọn lửa nhớ  thương cho người xa xứ, là nơi sưởi ấm trái tim bạn mỗi khi "gai đời đâm ứa máu bàn chân" và ở đây bạn sẽ được sống lại những ngày xưa thân ái, vô tư,hồn nhiên. 


Thophanthi

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Nhớ lại một thời

















Nhớ lại một thời
Sau 40 năm bặt tin, Nguyễn Khoa Lương Bảo nhờ tra ông Gút-gồ nên đã tìm ra quản gia Tư Cận, hắn đã gửi Email liên lạc và gọi điện thoại nói chuyện với tôi hơn 30’, hàn huyên đủ điều. Làm sao mà không vui mừng cho được, tôi với hắn vốn ngồi cùng bàn, lại thân thiết với nhau trong suốt năm lớp 10 và ½ năm lớp 11.
Hồi đó tôi, Bảo cùng với Trương Công Ảnh và Bùi Đức Nhược họp thành nhóm chơi nhạc khá “hoành tráng”, có guitar, mandoline, harmonica và một dàn trống, có thể gọi là nhóm “tứ quái” của lớp 10C1. Cả bọn thường xuyên tụ tập ở nhà Bảo để hòa tấu, ngôi nhà nằm trong khu cư xá công chức trên đường Quang Trung (gần khu vực khách sạn Royal hiện nay). Một buổi đi học, một buổi chúng tôi chơi nhạc tại nhà Bảo. Hồi đó cũng có đi học thêm nhưng không bù đầu bù cổ như các cháu bây giờ. Mẹ của Bảo làm ngày 2 buổi ở trường Nữ trung học Hồng Đức, do đó chúng tôi tha hồ đánh trống, thổi kèn mà không sợ làm phiền.
Một kỳ tích của Trương Công Ảnh là tự mày mò làm bộ trống Jazz rất độc đáo, gồm trống Bass, Snare, Tum cao, Tum trầm, Cymbal, mõ. Ban đầu trống Bass là một can xăng quân đội, về sau Ảnh nhờ người gò một thùng tôle tròn, để trống 2 đầu, dùng bìa carton dày đóng vào làm mặt trống. Trống Snare và Tum thì cũng gò thùng tôle, bịt bằng phim chụp X quang, riêng trống Snare có một dãy dây lò xo căng dưới đáy để tạo âm đặc trưng. Cymbal được gò từ vỏ đạn đại bác của Mỹ. Đơn giản nhưng khó nhất có lẽ là pedal cho trống Bass, chỉ với bàn gỗ, dây lò xo, một trài banh te-nít, nhưng phải làm sao cho pedal có độ đàn hồi tốt, khi dập vào mặt trống đủ mạnh để âm thanh lớn, lại không bị “dính” khi bật ra. Ảnh và Nhược hì hục làm xong bộ trống rồi chở đến nhà Bảo. Không biết Ảnh học ở đâu mà hắn đánh trống Jazz khá điêu luyện, cũng nhờ hắn mà Bảo, Nhược và tôi cũng xài được loại nhạc cụ này. Học từ dễ đến khó, ban đầu là điệu paso, sau đến slow rock, rồi rumba, valse, boléro, twist, cha cha cha... Đến bây giờ mặc dù đã hơn 40 năm, lâu không đánh trống, nhưng tôi vẫn nhớ như in các điệu trống mà Ảnh đã hướng dẫn. Mặc dù là trống tự chế nhưng âm thanh nghe cũng không thua gì hàng hiệu.
Nhờ cùng nhau luyện tập mà tụi tôi đứa nào cũng chơi được vài ba loại nhạc cụ, thuộc nhiều bản nhạc, từ nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, rồi nhạc Tây, nhạc Tàu... NKL Bảo có giọng ca hay nhất trong lớp nên hắn là ca sĩ chính của nhóm. Đáng tiếc là lúc bấy giờ phòng trào văn nghệ của nhà trường rất yếu nên chúng tôi không có điều kiện lên sân khấu, tuy vậy vẫn có một số khán giả nhỏ tuổi là hàng xóm của Bảo thường xúm lại trước nhà để nghe.
Sau ngày 29/3/1975, tôi, Ảnh, Nhược vài lần đến nhà Bảo nhưng cửa đóng im ỉm, hàng xóm cũng không còn ai ở lại nên chẳng biết hỏi ai, từ đó nhóm “Tứ quái” của chúng tôi tan rã.
Cũng nhờ những tháng ngày chơi nhạc ở nhà Nguyễn Khoa Lương Bảo, sau này Ảnh, Nhược và tôi trở thành nòng cốt của phong trào văn nghệ của lớp 12A3, thành lập ban nhạc nổi đình nổi đám ở trường Phan Châu Trinh niên khóa 1975-1976 dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Trương Công Ảnh...

Quản gia Tư Cận

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Mừng sinh nhật tháng 4

Chúc mừng sinh nhật các bạn ra đời trong tháng 4:

1- Nguyễn Văn Phong         04/04/1957

2- Nguyễn Văn Thành          14/04/1959

3- Nguyễn Thị Kim Hồng     15/04/1956

4- Hoàng Thị Diệu Minh       25/04/1958

Giao mùa chúc các bạn cùng gia đình an vui và hạnh phúc.