BIỂN ĐÔNG- TRANH CHẤP
VÀ HỢP TÁC
Biển
Đông nằm trong vành đai của vùng nhiệt đới, khu vực nầy có nhiều đảo và quần
đảo phân bố dọc từ bắc xuống nam. Có nơi là quần đảo gồm nhiều đảo nhỏ như
Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, có nơi là đảo lớn như Hải Nam thuộc Trung
Quốc, có nơi là quần đảo với những đảo lớn trở thành quốc đảo như Philippines,
Indonesia, Malaysia, Singapor, Bruney.
Là một biển phụ
trong Thái Bình Dương nhưng Biển Đông rộng đến 3.447.000km2, đứng
hàng thứ ba về diện tích so với các biển khác trên địa cầu. Nối liền nhiều quốc gia trong vùng châu Á -
Thái Bình Dương, Biển Đông từ xa xưa đã là con đường hàng hải quốc tế quan
trọng, trong nhiều thế kỷ, hoạt động hàng hải trên Biển Đông rất nhộn nhịp, con
đường giao thông trên biển nầy được gọi là Con đường tơ lụa trên biển hoặc
con đường gốm sứ, bởi ngoài những mặt hàng như hồ tiêu, trầm hương...,
tơ lụa và gốm sứ là hai loại hàng hóa không thể thiếu từ Trung Quốc và Việt Nam
đi đến các nước Nam Á và Tây Á. Con đường tơ lụa trên Biển Đông đã nối liền ba đại dương: Thái Bình Dương
- Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, có vai trò quan trọng trong vấn đề giao lưu
thương mại và giao lưu văn hóa giữa các nước phương Đông và phương Tây. Trong khu vực Biển Đông, vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam rộng chừng 1.000.000km2, đường đẳng sâu - 100m bao chiếm toàn bộ vịnh Bắc bộ và vịnh Thái Lan và chỉ chạy ép vào gần bờ từ Đà Nẵng đến Phan Rí. Bờ biển nước ta dài 3.260km, hải phận kéo ra ngoài 12 hải lý (trên 22km) và vùng kinh tế biển rộng 200 hải lý tương ứng với chiều rộng của thềm lục địa ở đáy biển, thềm nầy nối dài bờ biển ra ngoài khơi đến độ sâu 200m(1). Mặc dù thềm lục địa nằm ngầm dưới nước nhưng là một phần không thể tách rời với lãnh thổ một quốc gia. Trên Biển Đông, nhiều đảo và quần đảo được nối với đất liền của nước ta thông qua thềm lục địa như Hoàng Sa, Trường Sa, Hạ Long, Bái Tử Long, Hòn Mê, Hòn Chuối, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Phú Quốc, Côn Lôn...
Về việc xác định chủ quyền trên các quần đảo xa bờ của Việt Nam, vào thời các chúa Nguyễn, ngư dân vùng biển miền Trung giỏi đánh cá xa bờ, thuyền câu của họ đã đến tận các đảo ngoài khơi xa nên chúa Nguyễn đã lập các hải đội ra đến Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn để khai thác sản vật, sách Phủ Biên Tạp Lục ghi rõ: Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất... mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch... Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả, ba ngày ba đêm mới đến đảo (Hoàng Sa)... Đến kỳ thì đội Hoàng Sa ấy mới trở về, rồi họ tới thành Phú Xuân trình nạp các vật hạng đã lượm nhặt được.... Chúa Nguyễn còn chọn ngư dân vùng Bình Thuận cho thành lập đội Bắc Hải: Quan trên khiến những người trong đội chèo thuyền tư và thuyền câu nhỏ ra cù lao Côn Lôn ở giữa Bắc Hải, hoặc xứ Cồn Tự thuộc vùng Hà Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đại-mội, hải-ba, đồn-ngư (cá heo), lực-quí-ngư, hải-sâm(2).
Trong
số các thư tịch cổ của Trung Quốc, đáng chú ý là trong cuốn Chư Phiên Chí (ghi
chép về các phiên quốc), Triệu Nhữ Quát - sử gia đời nhà Tống đã ghi lại nhiều
sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán: Năm 111 TCN, sau khi thôn tính Nam
Việt “Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và
đặt ra 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Trong thế kỷ thứ I TCN, Hán
Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam. Mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối
thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ VII) mới đặt lại quyền cai trị”. Cuốn sách còn
cảnh báo vùng Vạn Lý Trường Sa (tức Hoàng Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền
Trung Hoa không nên đến gần vì chỉ đi sai lộ trình là có thể bị đắm. Như vậy
biên giới cuối cùng về phía nam của Trung Quốc thời nhà Tống chỉ đến đảo Hải
Nam. Cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp của Châu Khứ Phi- sử gia thời Nam Tống cũng xác
nhận: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa
lạc tại Giao Chỉ Dương”. Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là Vịnh Bắc Bộ
ngày nay. Thiên Hạ Thống Nhất Chi Đồ trong Đại Minh Nhất Thống Chí thuộc thời
nhà Minh (1461), Hoàng Minh Đại Thống Nhất Tổng Đồ trong Hoàng Minh Chức Phương
Địa Đồ (1635) đã vẽ phần cực nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Trong bộ Hải Quốc Đồ
Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) chép: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm
phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”, như vậy, tư liệu này của
Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam.
Trong cuốn Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư xuất bản năm 1906 viết như sau:
“Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển
Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Ngoài ra còn
nhiều bản đồ cổ, văn bản cổ khác của Trung Quốc không hề ghi chú về chủ quyền
của Trung Quốc đối với các đảo phía nam của Hải Nam.
Chứng
cứ lịch sử như vậy là đã rõ, tuy nhiên ngày nay Trung Quốc lại ngang ngược vẽ
ra cái gọi là “Đường chín đoạn” giành trọn bốn nhóm quần đảo, bãi đá ngầm trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa,
Quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa
và bãi Macclesfield,
lấn cả vào thềm lục địa của các nước khác, với khoảng 75% diện tích mặt nước của biển Đông, chỉ còn lại khoảng 25%
cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Việt Nam. Đường chín đoạn nầy không
hề tuân thủ theo một quy tắc quốc tế nào, vi phạm Công
ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.
Biển
Đông giữ vai trò quan trọng trong hàng hải quốc tế lại có nhiều tài nguyên quý
giá, ngoài nguồn hải sản phong phú còn có các loại khoáng sản, đặc biệt là các
túi dầu mỏ và khí đốt ẩn dưới lòng biển sâu, đây chính là nguyên nhân gây ra
tranh chấp trầm trọng trong thời gian qua. Tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông bắt đầu sau khi Trung Quốc
đưa quân tấn công chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Bất chấp luật pháp và
công ước quốc tế, Trung Quốc đã đưa quân đồn trú và xây dưng căn cứ quân sự và
sân bay trên đảo Hoàng Sa. Những năm sau đó Trung Quốc tiếp tục chiếm nhiều đảo ở quần đảo Trường
Sa. Chắc chắn người dân Việt Nam không thể quên trận chiến ngày 14/3/1988 tại Trường Sa. Đầu tháng 3 năm
1988, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo
Trường Sa gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu
đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc và tàu kéo tấn công các bãi san hô Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Hải quân Việt
Nam đã anh dũng chiến đấu và bảo vệ được hai bãi san hô Cô lin và Len Đao, còn
Gạc Ma rơi vào tay Trung Quốc. Tháng 2 năm 1995, Trung Quốc điều 7 tàu đến chiếm đá Vành Khăn (nằm trong cụm Bình Nguyên, quần đảo
Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam- Đài Loan và Philippines cũng tuyên bố “chủ
quyền” vùng đá nầy). Ðầu năm 1999, càng căng thẳng hơn khi Trung Quốc xây dựng và gia cố nhà nổi bê tông tại Đá Vành
Khăn, lắp đặt hệ thống radar vệ tinh và phái lực lượng hải quân chốt giữ dưới
vỏ bọc là nhân viên Ngư chính.
Đảo Ba Bình trong cụm
Nam Yết của quần đảo Trường Sa nằm cách đảo Sơn Ca 6,2 hải lí (11,5 km) về phía tây và
cách đảo Nam Yết
khoảng 11 hải lí (20,4 km) về phía đông bắc, đây là đảo có diện tích lớn nhất Trường Sa. Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer kí Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số
đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Ba
Bình, vào địa phận tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng thiết lập tại đây một trạm khí
tượng mang số hiệu 48.919. Trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội
Nhật Bản chiếm đảo làm căn cứ tàu ngầm.
Ngày 12 tháng 12 năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc cho tàu chiến đem quân đổ bộ
lên đảo Ba Bình. Sau đó, do thất bại trong cuộc nội chiến nên Trung Hoa Dân Quốc phải tháo
chạy ra đảo Đài Loan đồng thời rút quân khỏi đảo Ba Bình vào năm 1950. Khoảng
năm 1970-1971, Đài Loan đưa quân tái chiếm đóng và xây căn cứ quân sự trên đảo
Ba Bình.
Trong những năm qua, nhiều lần Trung Quốc cho
tàu cá xâm nhập đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ta, dùng tàu Hải giám
truy đuổi, bắt giữ, thậm chí tấn công, phá hoại tàu cá của ta, điển hình vào ngày 08/01/2005, hai tàu của ngư dân
Việt Nam
trong khi đang đánh cá tại vịnh Bắc Bộ đã bị một tàu cảnh sát biển của Trung Quốc
nổ súng tấn công làm chết 9 người, 7 người bị thương và bắt giữ 8 người. Một
tàu đánh cá và xác những ngư dân bị phía
Trung Quốc đưa về Hải Khẩu,
Hải Nam...
Philippines
và Trung Quốc lâm vào căng thẳng ngoại giao kể từ tháng 4 năm 2013, khi các tàu
của chính phủ hai nước đối đầu nhau nhiều tuần liền ở bãi đá Scarborough ở phía
đông bắc Biển Đông. Hai nước đều tuyên bố có chủ quyền và quyền liên quan đến
bãi đá không người ở này. Mới đây, Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải
nhận được sự đồng ý của giới chức trách địa phương nước này mới được đánh bắt
hoặc khảo sát ở 2/3 biển Đông từ ngày 1/1/2014. Trung Quốc tuyên bố bất kỳ tàu
nào vi phạm quy định về đánh bắt sẽ bị buộc phải ra khỏi khu vực, bị tịch thu
đồ đánh bắt và bị phạt tới 82.600 USD. Trong một số trường hợp tàu cá có thể bị
tịch thu và thủy thủ trên tàu bị khởi tố theo luật Trung Quốc. Tuy nhiên, luật
cấm đánh bắt cá đó đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước trên thế
giới, gay gắt nhất là Philippines.TS. G. M. Lokshin, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã nhận định: “Những mâu thuẫn gay gắt xung quanh chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo, vùng biển xung quanh và tài nguyên vẫn chưa được giải quyết và ngày càng trở nên trầm trọng. Nguy cơ thực sự về tranh giành quyền sở hữu nguồn năng lượng và nguồn cá ở Biển Đông sẽ làm các cuộc xung đột đó trầm trọng thêm đến mức có thể làm bùng nổ chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc cũng như ở các nước trong khu vực và khiến các sự kiện vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền các nước...”(3) . Những nguy cơ trên là có thật nếu các bên trong khu vực tranh chấp thiếu sự bình tỉnh, bị kích động bởi những hành động cố ý khiêu khích có chủ ý của tàu bè Trung Quốc trên biển Đông.
Mới đây, Philippiness nộp đơn kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế về thực hiện công ước luật Biển 1982. Một số nhà phân tích đánh giá động thái khởi kiện này của Philippines cũng là để tránh đối đầu về quân sự, chuyển sang việc đối đầu về lý lẽ giữa các chuyên gia luật pháp với nhau. Chắc hẳn Philippines hiểu rằng khả năng đối thoại với Trung Quốc để giải quyết vấn đề là không khả thi, còn việc đối đầu trực tiếp có thể dẫn đến xung đột nguy hiểm.
Về vụ kiện của Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị bày tỏ quan điểm: “...Việt Nam quan tâm và theo dõi sát tiến trình của vụ kiện này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế quản lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản pháp lý của Việt Nam.
Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết, để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các lợi ích quốc gia hợp pháp và chính đáng khác của mình ở Biển Đông phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982...”.
Theo đánh giá của một số nhà phân tích, Trung Quốc sẽ thực hiện chiến lược ổn định quan hệ với các nước láng giềng và thiết lập môi trường hòa bình xung quanh Trung Quốc, nhấn mạnh vào ngoại giao, và tìm kiếm các giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề nguồn tài nguyên biển thông qua hợp tác theo nguyên tắc cùng thắng cùng có lợi(4). Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn không chịu nhượng bộ các nước trong khu vực trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, gần đây Trung Quốc lại đưa giàn khoan đến vùng biển của Việt Nam với sự bảo vệ của máy bay và tàu chiến, tấn công tàu đánh cá và tàu Việt Nam đang thực thi bảo vệ chủ quyền trên biển, đây là một hành động leo thang khiêu khích cực kỳ nguy hiểm.
Trước sự gia tăng căng thẳng của Trung Quốc, Phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ về tình hình trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực này, Danny Russel, đã phát biểu: “Bất kỳ tuyên bố chủ quyền biển nào của Trung Quốc mà không dựa trên đặc điểm chủ quyền lãnh thổ sẽ là không tuân thủ luật pháp quốc tế”... Còn Đô đốc Greenert khẳng định Mỹ sẽ tôn trọng Hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951 với Philippines, đặc biệt trong bối cảnh mâu thuẫn Manila-Bắc Kinh tăng cao xoay quanh tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông: "Tất nhiên là chúng tôi sẽ giúp các bạn. Tôi không biết sự giúp đỡ ấy cụ thể sẽ là gì. Ý tôi là chúng tôi có nghĩa vụ phải làm vậy, vì có một hiệp ước giữa chúng ta", AFP dẫn lời ông Greenert trong buổi nói chuyện với các sinh viên đại học Quốc phòng ở Manila(5).
Trước sức mạnh quân sự hiện tại của Trung Quốc, nhiều người lo ngại rằng các nước nhỏ sẽ bị lấn át trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, cần phải nhờ các nước lớn có tiềm lực kinh tế và quân sự như Hoa Kỳ bảo vệ. Tất nhiên, với Philippines, họ có thể dựa vào sức mạnh của đồng minh Hoa Kỳ, riêng Việt Nam, chúng ta cần nhớ rằng, nếu không có sự thỏa thuận ngầm giữa chính quyền Washington với Bắc Kinh thì vào năm 1974, không quân VNCH đã có thể giành lại Hoàng Sa không mấy khó khăn. Gần đây, một số nhà bình luân cho rằng Hoa Kỳ có thể sẽ “đổi” Đài Loan để lấy “Trật tự biển Đông”.
Như vậy Việt Nam không thể dựa vào nước khác để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Con đường đúng nhất là tranh thủ sự ủng hộ của thế giới bằng các hiệp định hợp tác các bên cùng có lợi trên biển Đông, không để nước nào độc chiếm vùng biển nầy. Hiện nay, ngoài các nước ASEAN đang xúc tiến hợp tác dầu khí với Việt Nam, các quốc gia khác như Nga, Ấn Độ, Mỹ, Anh là những đối tác dầu khí đáng tin cậy của Việt Nam ở Biển Đông, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác khai thác đầu khí và hàng hải trên biển Đông với các nước trên thế giới, ngăn chặn bàn tay bành trướng của Trung Quốc. Với hành động mấy ngày gần đây của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, chúng ta cần tập trung chứng cứ để kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế. Trong trường hợp họ tiếp tục những hành động khiêu khích, tấn công, ta phải kiên quyết có hành động tự vệ đáp trả thích đáng.
Với vị thế của Việt Nam hiện nay trên chính trường quốc tế, ta có cách riêng để giải quyết tranh chấp. Nhà nước ta có những chính sách thể hiện sự tự chủ về mọi mặt, trong đó có chính sách “Ba không” về quốc phòng bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Trong nội dung “Những vấn đề cơ bản của chính sách quốc phòng Việt Nam” ghi rõ chính sách nhất quán: “...Giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, trên biển do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển, mặc dù có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam vẫn sẵn sàng đàm phán hoà bình để giải quyết các tranh chấp dựa trên các quy định của Công ước 1982 về luật biển của Liên hợp quốc...” Và, mặc dù không chủ trương giải quyết tranh chấp bằng vũ trang, nhưng vẫn thể hiện rõ ý chí kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ: “...Việt Nam chủ trương không đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược.”6
----------------
Chú thích:
(1) Lê Bá Thảo. Thiên nhiên Việt
Nam. NXB Giáo dục. 2002
(2) Lê Quý Đôn. Phủ Biên Tạp Lục. NXB Khoa học Xã Hội 1977(3), (4)
(5) Đức Dương. Mỹ sẽ giúp Philippines nếu Trung Quốc chiếm đảo tranh chấp. VN.Express 14/2/2014
(6) Những vấn đề cơ bản của chính sách quốc phòng Việt Nam. Cổng TTĐT Bộ Quốc Phòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét