Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Quê


TẢN MẠN NGÀY XUÂN

Quê

                    Vài năm trở lại đây, cái từ “quê” nghe mới thật lạ làm sao và có vẻ như có một cái gì đó mang ý nghĩa trân trọng quý mến. Không như trước đó người ta nói đến từ quê mang hàm ý chê bai coi thường như “đồ nhà quê”, “quê một cục” “đồ quê mùa” và dí dõm hơn người ta dùng từ “lúa”, “hai lúa”. Hoặc có khi mình làm một việc gì đó có vẻ khác lạ khiến mọi người phật ý không đồng tình thì lại tự nhận là “mình thấy quê quá”, có khi thấy ai đó làm một việc ngồ ngộ thì “chọc quê”... có nghĩa là mình tự nhận mình “nông thôn quá”, rồi có khi tự thoát ly cố gắng lột xác mình để trở thành một “quê hóa” chính mình.
                    Nói đến “quê” là nói đến cái bản tính thật thà chất phát giản dị trong sáng và hồn nhiên, không điêu ngoa xảo trá,hiền lành như cái kiến con ve, như củ khoai hạt lúa. Nhưng do cuộc sống xã hội phát triển, cái bản tính ấy đã vượt ra khỏi lũy tre làng thì nó có biến dạng đi đôi chút, thậm chí có khi làm méo mó đi cái bản chất nguyên khai tốt đẹp để cố theo kịp sự phát triển của cuộc sống xã hội (Trừ phi bị bần cùng lưu manh hóa như Chí Phèo, Binh Chức, Binh Thọ của Nhà Văn Nam Cao). Và khi cuộc sống xã hội đã vượt xa cái hạn định vốn có thì nó lại quay trở về cái bản chất nguyên khai ban đầu.
                    Giá trị đích thực của cuộc sống chính là ở chỗ chân thực, không tô vẽ khoa trương. Không ai trong chúng ta là không vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của khoa học và kỹ thuật vì nó đã đem lại cho con người cuộc sống thật tiện nghi và hoàn hảo cả về lượng và chất nhưng lại mất an toàn. Người ta đã lợi dụng vào các thành tựu của khoa học và kỹ thuật đó vì mục đích lợi nhuận bất chấp tình người, làm cho cuộc sống của con người bị đe dọa một cách nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực thực phẩm và thuốc men cũng như môi trường. Con người đang đứng trước nguy cơ bằng mọi giá đạt cho bằng được mục đích lợi nhuận mà làm mất an toàn cho chính mình cũng như cho cộng đồng và cho môi trường thiên nhiên.
                    Chưa bao giờ con người lại bị những căn bệnh hiểm nghèo ngày càng nhiều do tiêu thụ những sản phẩm chất lượng cao dưới sự hỗ trợ của thành tựu khoa học kỹ thuật do chính con người làm ra chứa đầy những chất độc hại từ việc chăn nuôi trồng trọt đánh bắt và các sản phẩm tiêu dùng khác. Những sản phẩm ấy trở thành mối hiểm họa cho sức khỏe con người và từ đó người ta lại quay trở về những thứ dân dã mộc mạc chân quê vì phần lớn nó được bảo đảm tính an toàn. Nào là gạo quê,rau quê,hoa quả quê,gà quê, heo quê, bánh tráng quê, mắm quê và thậm chí lấy vợ quê… nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận sạch trơn những sản phẩm vật chất do ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật một cách chân chính.
                   Về mặt tinh thần và tình cảm thì nói đến “quê” tự nhiên ta thấy có một cái gì đó rất thiêng liêng gắn bó và gần gụi. Cái nguồn cội của chúng ta phần lớn bắt nguồn từ quê, tổ tiên ông bà chúng ta đều gắn bó với ruộng với vườn, với đồng lúa nương dâu, chỉ con cháu chúng ta lớn lên được học hành đi đây đi đó và thành đạt rồi lập nghiệp ở khắp nơi trên mọi miền đất nước để rồi từ đó manh nha một sự pha trộn về nếp cảm và nếp nghĩ trong tâm hồn. Cho nên ai cũng có cội có nguồn và khi đến ngày giỗ ngày chạp hay mồng năm ngày tết lại cùng nhau về quê thì mới thấy thân thương trìu mến làm sao.
                   Cung cách ứng xử trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày thì người thành phố hình như ít sâu sát một cách đến là tỉ mĩ có lẽ do ảnh hưởng bởi phong cách của cuộc sống phố thị sôi động và cả tác phong của lối sống hành chính cũng như công nghiệp. Vì thế cách nghĩ và cách nói cũng nhanh gọn đi ngay vào vấn đề cần truyền đạt mà không có sự rào đón một cách chỉn chu như người ở quê hay ẩn chứa bên trong một chút gì đó về cái gọi là mặc cảm quê mùa. Cái phong cách quê mùa là nghĩ sao nói vậy,ăn cục nói hòn nhưng người nhà quê lại rất chú trọng (Có khi đến là xét nét) về cái trình tự của cung cách ứng xử mà nỗi bật là cái lễ và cái nghĩa.Nên người ta có thể bắt bẽ hoặc chê trách khi chúng ta biểu hiện trong ứng xử thiếu đi một trong hai điều cơ bản ấy và nhiều người trong chúng ta cho rằng người ở quê quá khuôn phép khắt khe hay khó tính.
                    Rồi khi con người đã trãi qua những năm tháng va chạm với cuộc sống, cuộc đời đã bắt đầu thấy “mỏi gối chồn chân” để “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” thì lại muốn quay về quê để vui hưởng tuổi già,để được gần với quê hương nguồn cội, để được tắm mình trong thiên nhiên thì cái quê ấy mới đáng sống và đáng quý biết bao. Nhất là khi mà nhịp thở sôi động của thành phố cùng với cuộc sống cạnh tranh hối hả khốc liệt trong một không gian chung quanh là những nhà cao tầng thì cái không khí trong lành yên tỉnh êm ả ở các vùng quê mới tuyệt vời làm sao!
                     Hơn nữa nước ta là một nước nông nghiệp, cuộc sống tự ngàn xưa của tổ tiên ta cho đến ngày nay chúng ta vẫn trên cơ sở của nông nghiệp. Vì thế chúng ta phải làm sao để không  rơi vào tình trạng nhất bên trọng nhất bên khinh:trọng nông khinh công hay ngược lại mà phải trên cơ sở kết hợp phát huy những thành tựu của khoa học kỹ thuật để làm cho nền nông nghiệp nước ta phát triển một cách hài hòa cân đối mà vẫn giữu được cái bản sắc tốt đẹp vốn có của quê hương cả về lượng và chất.Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn Mới của Nhà Nước và Chính Phủ ta hiện nay cũng chính là để nâng tầm vị thế của “Nhà quê” chúng ta lên một bước phát triển mới với thời đại mới.
                    Xin được khép lại những suy nghĩ vụng về nầy trong mấy ngày xuân qua lời của Đại Thi Hào Nguyễn Du khi kết thúc thiên Truyện Kiều của mình cũng vẫn không có gì là cao siêu cả:
                    “Lời quê chắp nhặt dông dài
                      Mua vui cũng được một vài trống canh”

                                                                                      Mồng 3 tết Kỷ Tỵ 2013
                                                                                                Mạc Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét